Bộ Trưởng

167

Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald. Nxb. Fayard.

Rôma (1982-2005)

Các cuộc từ giã ở Munich cho thấy Đức Ratzinger đã gắn bó với thành phố này cũng như với toàn vùng Bavaria như thế nào. Chức giám mục đã biến ngài thành vị mục tử gần gũi với dân chúng. Chưa bao giờ có một hồng y mà khi chia tay lại là đề tài cho nhiều lời khen ngợi, nhiều thiện cảm từ công chúng, thậm chí có cả một buổi phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình địca phương ARD của Đức.

Thế nhưng, Đức Ratzinger như có một linh tính không mấy sáng sủa. Ngài biết rằng, các tin tức ở Roma sớm muộn gì rồi cũng đến và văn kiện có chữ ký của ngài không chứa đựng các yếu tố gì tích cực. Và vị Tổng giám mục trẻ của Munich người được ca ngợi và cảm mến sẽ sớm biến thành “người lính canh” cho Đức Giáo hoàng.

  *

Trọng kính Thưa Đức Thánh Cha, ngày 25 tháng 11 năm 1981, cha được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tín lý Đức tin; như vậy, cùng với Đức Giáo hoàng, cha trở thành người bảo vệ chính cho đức tin của Giáo hội Công giáo. Cha nhận nhiệm vụ tại Rôma ngày 01 tháng 3 năm 1982. Và cha đã tổ chức các cuộc họp quan trọng đầu tiên của mình bằng tiếng la-tinh.

Lúc đó, cha chưa biết tiếng Ý. Cha học ngoại ngữ này khi làm việc. Rõ ràng, đó là một điều bất lợi cho cha. Dù sao đi nữa, cha không thể điều hành các cuộc họp bằng tiếng Ý, vì vậy cha phải dùng tiếng la-tinh.

Với hy vọng là người ta hiểu được?

Vào thời ấy, tất cả mọi người tham dự đều biết tiếng la-tinh, đó không phải là một vấn đề.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức Gioan-Phaolô II tại Vatican diễn ra như thế nào? Các cha có thảo luận về định hướng nền tảng của triều giáo hoàng, và đặc biệt là các nhiệm vụ thuộc phận sự của cha không?

Không. Cha chỉ gặp ngài trong buổi tiếp kiến hàng tuần. Điều này cho chúng tôi có thì giờ trao đổi. Chúng tôi không trao đổi những suy tư về nguyên tắc. Dù sao, nhiệm vụ của một Bộ trưởng thì đã đưọc quy định rõ ràng.

Có lần cha đã nói, người ta biết nhiều hơn về con người vĩ đại này khi cùng đồng tế, hơn là phân tích tác phẩm của ngài. Cha muốn nói gì trong chuyện này?

Khi đồng tế thánh lễ với ngài, cha cảm nhận ngài có một sự gần gũi nội tâm với Chúa, cảm thấy ngài chìm đắm trong một đức tin sâu đậm, và qua ngài, người ta cảm thấy đích thực, đây là một người có đức tin, cầu nguyện và cũng là một người được Thần Khí tác động. Hơn nữa, khi đọc sách do ngài viết, người đọc cũng thấy được hình ảnh của ngài, nhưng tất nhiên, không phải tất cả cá tính của ngài.

Các cha có tính khí cực kỳ khác nhau. Tại sao các cha lại hòa hợp với nhau như thế? Hay sự khác biệt này lại là lý do cho sự hòa hợp tốt đẹp của các cha?

Có thể như thế. Đức Giáo hoàng là người dễ gần, người đi tìm cuộc sống, người luôn di động, gặp gỡ. Phần mình, cha cần thinh lặng nhiều hơn, vv. Nhưng chính nhờ khác biệt, chúng tôi bổ sung cho nhau rất nhiều.

Chắc hẳn, có được điều này cũng do các cha mến nhau?

Đúng.

Vì các cha có những điểm chung?

Chính xác là thế.

Và các cha được thúc đẩy bởi cùng một đức tin?

Quả thực như vậy.

Và làm cho mọi chuyện trở nên tốt đẹp và đơn giản?

Thật vậy. Vì chúng tôi luôn biết, chúng tôi có những khát nguyện chung.

Các cha cũng có những cuộc tiếp xúc riêng? Các cha có cùng ăn chung, đi dạo, đi du ngoạn chung không?

Chúng tôi có ăn chung nhưng luôn cùng với một nhóm nhỏ. Còn đi dạo thì không.

Và trượt tuyết cũng không?

(Cha cười). Không, tiếc là cha không trượt tuyết.

Các cha xưng hô cách thân mật?

Không.

Với tư cách Tổng Giám mục Munich hoặc Bộ trưởng ở Rôma, cha có sứ vụ ở Ba Lan để hỗ trợ phong trào đối lập Công đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc) không?

Không.

Tuy nhiên, cha có nhiều chuyến đi Ba Lan trong thời gian này?

Đúng vậy. Nhưng con đừng nghĩ cha có… Mối liên hệ thì trực tiếp.

Cha bị Mật vụ Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức theo dõi. Có một hồ sơ liên quan đến cha?

Đúng. Nhưng chẳng có gì rút ra từ đó.

Cha chủ động đồng hành với chương trình “Ostpolitik” (bình thường hóa bang giao giữa Tây phương và Đông Âu-Liên xô) của Đức Giáo hoàng?

Chúng tôi có nói về điều này. Dĩ nhiên dù có ý định tốt, nhưng đường lối chính trị của Hồng y Casaroli cơ bản đã thất bại. Đường lối mới của Đức Gioan-Phaolô II dựa trên trên kinh nghiệm riêng của ngài, dựa trên tiếp xúc cá nhân của ngài với các chính quyền và các lực lượng. Chắc hẳn, không ai có thể hy vọng rằng chế độ đó sẽ sớm sụp đổ. Nhưng rõ ràng, thay vì tìm cách thoa dịu bằng các thỏa hiệp, thì cần phải cương quyết chống lại. Đó là quan điểm của Đức Gioan-Phaolô II và cha đã đồng ý với ngài.

Cũng có khi các cha tranh luận.

Không.

Nhưng các cha cũng có quan điểm khác biệt. Ví dụ, cuộc gặp gỡ tại Axixi, ngày thế giới cầu nguyện gồm Đức Giáo hoàng và đại diện của tất cả các tôn giáo trên thế giới, đã không lôi cuốn cha nhiều?

Thật sự là thế. Nhưng chúng tôi không tranh cãi, vì cha biết ý định của ngài rất tốt, ngược lại, ngài biết quan điểm của cha có hơi khác quan điểm của ngài. Trước cuộc gặp thứ hai tại Axixi, ngài báo cho cha biết ngài muốn cha tham dự, và cha đã tham dự. Cuộc gặp thứ hai này có cơ cấu tốt hơn cuộc gặp đầu tiên. Họ đã xem xét các ý kiến phản bác của cha, và cuộc gặp mang một hình thức mà cha có thể hoàn toàn tán đồng.

Có vẻ như khi có các vấn đề phức tạp được đặt ra, khi nào Đức Gioan-Phaolô II cũng nói lên: “Đức Hồng Y Ratzinger nói gì về vấn đề này?” Trong phần đầu quyển sách thứ nhất của chúng ta, Muối cho đời, con đã đặt câu hỏi này cho cha: “Đức Giáo hoàng có sợ cha không?”

Không. (Cha bật cười). Nhưng ngài xem trọng quan điểm của cha. Cha xin kể cho con một câu chuyện nhỏ. Ngày kia, một sứ thần hỏi Đức Piô XII về một vấn đề đặc biệt, mình phải hành động như mình nghĩ không, dù vấn đề này không hoàn toàn phù hợp với quy tắc. Đức Giáo hoàng suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Phải. Nhưng nếu cha đã có Bộ Thánh Vụ theo dõi, thì tôi không thể bảo vệ cha được”. (Cha cười).

Một trong những tài liệu đáng chú ý nhất của cha khi cha làm Bộ trưởng là Tuyên ngôn Chúa Giêsu (Dominus Iesus). Tuyên ngôn trình bày sự độc nhất của Giáo hội Công giáo, đã gây nên những lời chỉ trích mạnh mẽ. Ngày nay người ta vẫn còn hỏi, có phải chính cha đã soạn thảo tài liệu này?

Cần lưu ý là cha không bao giờ tự soạn thảo các tài liệu của Bộ để người ta không thể nghĩ rằng cha đã tìm cách để phổ biến và áp đặt nền thần học cá nhân. Đây sẽ là một tài liệu của cơ quan, kết quả từ nhiều ban bộ có thẩm quyền khác nhau. Tất nhiên, cha cũng đóng góp phần của mình, chẳng hạn, cha tu chỉnh trong tinh thần phê phán. Nhưng cha đã không tự viết bất kỳ tài liệu nào như thế, cả Tuyên ngôn Chúa Giêsu và các tài liệu khác.

Vào thời điểm đó, một số người nghĩ rằng chính Đức Giáo hoàng cũng chống lại văn bản này?

Điều này không chính xác. Có một hôm ngài gọi cha đến và nói: “Tôi sẽ nói về điều này trong một buổi kinh Truyền tin và phải làm cho rõ, quan điểm về căn tính của chúng ta là trọn vẹn. Vì vậy, tôi xin chính Hồng y vui lòng viết bài cho buổi kinh Truyền tin, để không có một nghi ngờ gì về sự việc Giáo hoàng hoàn toàn đồng ý với Hồng y.” Vì vậy, cha đã soạn cho ngài một văn bản. Và rồi cha đắn đo. Cha vẫn không thể diễn tả quá thẳng thắn, đó là không thể. Nội dung thì thẳng thắn trực tiếp, nhưng hình thức vẫn cần thanh lịch. Ngài hỏi cha: “Đây có phải là bê tông? Hồng y chắc không? – Chắc, chắc.” Nhưng lại không phải như vậy. Vì hình thức thanh lịch hơn nên mọi người lại nói: “A! Đức Thánh Cha cũng đã giữ khoảng cách với hồng y”.

Có gì từ nghi thức đại sám hối trong năm 2000, qua đó Giáo hội Công giáo đã xin lỗi vì những thiếu sót và sai lầm trong lịch sử Giáo hội? Có phải cha phản đối, như người ta thường đọc như thế?

Không. Cha có tham dự. Chắc chắn, người ta có thể tự hỏi xem liệu các việc sám hối này có thật sự đúng đắn hợp lý không. Nhưng Giáo hội, theo mô hình các Thánh vịnh và sách của tiên tri Barúc, đã nhận ra những sai lầm trong nhiều thế kỷ, cha cũng thế, cha thấy điều đó rất tốt.

Ý tưởng về sách giáo lý chung là của cha?

Không phải tất cả, nhưng chỉ một phần. Vào thời điểm đó, càng ngày người ta càng đặt câu hỏi: Giáo hội có còn một tín lý chung? Trên thực tế người ta không còn biết Giáo hội thực sự tin những gì. Có những xu hướng rất mạnh, ngay cả với những người rất can trường cũng đã phải nói: “Chúng ta không còn có thể dạy giáo lý nữa”. Đối với cha, sự lựa chọn phải rõ ràng: hoặc là chúng ta vẫn có một cái gì đó để nói và cần phải nói lên, hoặc chúng ta không còn gì để nói nữa. Vì vậy, cha có quan điểm, và vì với lý do này, cha xác tín, ngày nay chúng ta còn có thể nói những gì Giáo hội tin và giảng dạy.

Thông điệp “Đức tin và lý trí” (Fides et Ratio) công bố năm 1998, có phần nào của Hồng y Ratzinger không? Không phần nào hoặc chỉ một chút?

Một chút thôi. Chúng tôi đưa ra một vài ý tưởng.

Cha có một giai thoại yêu thích nào về Đức Gioan-Phaolô II và cha?

Khi Đức Giáo hoàng đến Munich trong chuyến thăm nước Đức lần đầu tiên, cha thấy thời khóa biểu của ngài dày đặc, ngài hoạt động liên tục từ sáng sớm đến tận khuya. Cha tự nhủ: Không thể như thế được. Phải thu xếp thì giờ để ngài nghỉ ngơi một chút. Vì thế, cha sắp xếp cho ngài một thời gian nghỉ trưa dài. Chúng tôi có một căn phòng đẹp ở trong dinh. Ngài vừa đến thì ngài gọi điện thoại cho cha đến ngay. Đến nơi, cha thấy ngài đang đọc kinh nhật tụng. Cha nói: “Trọng kính Đức Thánh Cha, cha cần nghỉ ngơi một chút!” Ngài trả lời: “Cha có cả cõi đời đời để nghỉ ngơi”. Đúng là phong cách điển hình của ngài. Cha có cả cõi đời đởi để nghỉ ngơi. Hiện tại, thì chưa ngừng để nghỉ ngơi được.

Có lẽ người ta cũng sẽ nói như vậy với cha. Dù sao, khi con có dịp phỏng vấn cha lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1992, cha thẳng thắn công nhận mình kiệt sức, mệt mỏi, và thực tế đã muốn từ nhiệm. Nhường chỗ cho các sức lực mới?

Cha bị tai biến mạch máu não vào năm 1991, và cha vẫn còn thấy hậu quả nặng nề của nó trong năm 1992. Cha phải thú nhận là những năm 1991-1993 cha khá mệt mỏi, cả về sức vóc thể lý cũng như về mặt tâm lý. Và sau đó thì cha bình phục.

Như thường hay xảy ra. Lần đầu tiên cha xin từ nhiệm là khi nào?

Để cha suy nghĩ. Năm 1986, vào cuối nhiệm kỳ năm năm đầu tiên, cha báo cho Đức Giáo hoàng biết cha đã kết thúc thời gian phục vụ của mình. Nhưng ngài trả lời không thể được. Cha lại đưa đơn tha thiết xin nghỉ vào năm 1991. Như đã nói, cha bị xuất huyết não và thực sự không được khỏe. Cha nói với ngài: “Lần này, con không thể tiếp tục”. Ngài vẫn trả lời: “Không.”

Và lần thứ ba?

Cha còn chưa có thì giờ để đưa ra đề nghị của mình thì ngài đã nói: “Đừng nói với tôi, đừng nói với tôi cha muốn từ nhiệm, tôi sẽ không nghe cha đâu. Xin cha ở lại bao lâu tôi còn ở đây”.

Cha bị tai biến mạch máu não tháng 9 năm 1991, cha nằm bệnh viện Piô XI ở Rôma hai tuần. Chính xác cha đã bị bệnh như thế nào?

Tai biến mạch máu não làm giảm thị lực mắt trái của cha. Cha vẫn còn thấy, nhưng chỉ thấy trước mặt, không thấy được hai bên. Chung chung cha bị kiệt sức, đó là hậu quả duy nhất. Dĩ nhiên đó cũng đã là quá mệt.

 

Cha có bị di chứng gì không?

Cha phục hồi thị lực mắt trái một chút, nhưng rất chậm. Một ngày kia, cha nghĩ đó là năm 1994, cha bị một dạng tắc mạch lan truyền khắp mắt. Cha đang ở đan viện Maria Eck, vùng Bavaria và cha chỉ có thể gặp bác sĩ nhãn khoa vào ngày hôm sau. Đã quá muộn, thị lực của cha đã bị suy giảm nghiêm trọng. Cha phải điều trị lâu dài, và thêm một lần thứ ba, cha bị thêm chứng suy võng mạc (macula) và bây giờ, cha thực sự bị mù mắt trái.

Mù hoàn toàn?

Đúng. Ngay cả cha không nhận biết được sự khác biệt về độ sáng.

Tại Vatican, cha không bao giờ thuộc về bất cứ phe nhóm nào. Cha luôn khiếp sợ chuyện tranh giành thế lực. Thái độ xa cách đối với guồng máy không làm cho cha có nhiều kẻ thù sao?

Cha không nghĩ thế. Cha cũng có bạn bè. Mọi người đều biết cha không làm chính trị, điều đó làm giảm sự thù nghịch. Ai cũng biết týp người này không nguy hiểm.

Với tư cách là người bảo vệ đức tin, cha để lại dấu ấn trên triều giáo hoàng Đức Gioan-Phaolô II, một triều giáo hoàng không giống như bất cứ triều giáo hoàng nào, đã kéo dài hơn một phần tư thế kỷ. Tương tác lẫn nhau, Đức Wojtyla đã đóng vai trò nào trong sự tiến triển của Ratzinger?

Cha đã học cách suy nghĩ với một tầm nhìn rộng lớn hơn, đặc biệt trong đối thoại giữa các tôn giáo. Đặc biệt chúng tôi có những trao đổi khi chuẩn bị các thông điệp về luân lý và giáo lý. Tầm nhìn rộng hơn, quan niệm mang tính triết lý hơn của ngài chắc chắn đã mở rộng tầm nhìn cá nhân của cha.

Ai là người quyết định giao cho cha việc soạn thảo suy niệm đàng thánh giá Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005 tại hí trường Colosseo, trong đó cha nói nhiều về các vết nhơ của Giáo hội, về sự phản bội Đức Kitô? Có phải đó là ý tưởng của Đức Giáo hoàng?

Đó là ý tưởng của Đức Giáo hoàng. Chính Đức Giáo hoàng muốn điều đó.

Đức Giáo hoàng đã bày tỏ trên văn bản của cha?

Không, ngài đã không còn có thể làm, ngài bị bệnh nặng và quá kiệt sức.

Hàng triệu người còn giữ kỷ niệm về tang lễ của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, họ xem hình ảnh phát trên truyền hình khắp thế giới, hoặc tại chỗ ở Quảng trường thánh Phêrô, nơi có đến từ ba đến năm triệu người tham dự. Quan tài đơn sơ bằng gỗ, gió lật các trang sách Tin Mừng đặt trên quan tài, lễ an táng rất xúc động do cha chủ sự. Cha cảm thấy thế nào? Ý tưởng nào làm cha giao động?

Cái chết của ngài đã làm cha vô cùng xúc động, vì chúng tôi rất gần nhau. Ngài là một hình ảnh quyết định đối với cha. Cha cũng tham dự vào đường dài thập giá của ngài, khi cha đến thăm ngài ở bệnh viện Gemelli, cha biết ngài không thể kéo dài thêm nữa. Dĩ nhiên khi một con người như vậy ra đi sẽ làm cho mình xúc động đến tâm can. Nhưng cùng một lúc, cha nghĩ ngài vẫn còn đó. Như cha đã nói tại Quảng trường thánh Phêrô, từ cửa sổ trên trời, ngài sẽ ban phép lành cho chúng ta. Đó không phải là một câu nói công thức, nhưng đó thực sự diễn tả ý thức thâm sâu, cho đến hôm nay, ngài vẫn chúc lành cho chúng ta, ngài vẫn ở đó và tình bạn này sẽ được tiếp tục theo một cách khác.

Marta An Nguyễn chuyển dịch