Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald. Nxb. Fayard.
Ngày 19 tháng 4-2005, khi Joseph Ratzinger, người kế vị thứ 264 của Thánh Phêrô xuất hiện trước tín hữu ở lan can Đền thờ Thánh Phêrô, gần như chúng ta xem ngài như một trẻ vị thành niên. Sau các năm tháng bệnh tật của vị tiền nhiệm, chúng ta không có thói quen nhìn một giáo hoàng mà không có chiếc xe lăn đi kèm. Một giáo hoàng có thể đọc bản văn của mình một cách thoải mái và đọc cho đến cuối. Hơn nữa chúng tôi không thể tưởng tượng lại có những giáo hoàng khác nhau đến thế trong việc chuyển giao này. Một thì thần nghiệm và gắn kết sâu đậm với Mẹ Maria, một thì uyên bác và hết lòng với Chúa Giêsu. Đây là một diễn viên, một người của những biểu tượng tìm kiếm sự chú ý. Đó là người “thợ vườn nho khiêm tốn của Chúa”, người của Lời Chúa mong muốn từ bỏ các hiệu ứng. Tân Giáo hoàng khẳng định, nhiệm vụ đầu tiên của mình là gìn giữ Lời Chúa “trong tầm cao cả và tinh tuyền của nó” – “chống với tất cả mọi nỗ lực làm thích ứng và làm nghèo đi”. Dưới mắt ngài, cải cách trước hết là vấn đề của thanh tẩy bên trong của Giáo hội.
*
Trọng kính Đức Thánh Cha, những gì cha mơ ước rồi sẽ thực hiện được, sau khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời, cuối cùng rồi sẽ được chấm dứt phục vụ?
Cha nghĩ rằng bây giờ cha có thể thanh thản ngồi yên viết.
Cha có thấy như vậy là thực tế không?
Hoàn toàn thực tế.
Đầu Mật nghị, cha đã có một bài giảng cảnh cáo chống lại “sự độc tài của thuyết tương đối hóa” mà cha nói, cha không chấp nhận tiêu chuẩn tối hậu là của cá nhân và các ham muốn của nó. Trong bối cảnh này, Giáo hội phải loan báo sự thật của đức tin chống lại tất cả ý thức hệ và tất cả mọi hiện tượng theo thời. Suy nghĩ của nhiều kitô hữu bị lay động không ngừng bởi các làn sóng đua theo thời và bị chao đảo từ cực đoan này qua cực đoan khác. Trong thời gian này, những ai có “đức tin trong sáng” phù hợp với Kinh Tin Kính của Giáo hội thấy mình thường bị cho là người theo chủ trương giữ nguyên vẹn. Nhưng cha khẳng định, các linh mục, họ phải tiếp tục làm sinh động sự “lo lắng thánh thiện” để mang ơn của đức tin đến cho con người, nói cách khác là “Lời Chúa mở tâm hồn để đến với niềm vui của Chúa” và để cuối cùng, bám rễ “trong tình bằng hữu với Chúa Kitô”. Hàng giáo sĩ và các tín hữu tụ tập ở quảng trường Thánh Phêrô đã phản ứng bằng tiếng vỗ tay vang dội. Rất nhiều người đã thấy trong bài diễn văn về thuyết tương đối này là bài diễn văn của sự ứng cử.
Hoàn toàn tuyệt đối không phải như vậy. Trong tư cách niên trưởng của các hồng y, cha có nhiệm vụ đọc bài giảng ở văn phòng các hồng y. Và trong tinh thần của bài đọc ngày hôm đó, cha chú giải về thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô. Ngài nói không được đung đưa theo làn sóng của thời buổi, những loại như vậy. Đó là nguồn gốc của nó. Chủ đề nằm trong Phúc Âm.
Đây là Mật nghị thứ ba của cha. Nó có khác các lần trước không?
Có. Hai lần đầu cha ở trong số các hồng y trẻ nhất và ít biết đến nhất, cha như người lính bình thường, vì thế cha ở trong thế rất được bảo vệ. Lần này cha lại là niên trưởng các hồng y. Niên trưởng là người có trách nhiệm làm tang lễ cho giáo hoàng, điều khiển các chuẩn bị, và cũng có trách nhiệm khi họp mật nghị. Cuối cùng cũng chính hồng y niên trưởng sẽ hỏi người được bầu chọn họ có chấp nhận làm giáo hoàng không. Sau khi sống hai mươi năm ở Rôma, cha không còn là người mới bắt đầu, dĩ nhiên địa vị của cha đã thay đổi. Mặt khác, lúc đó cha cũng đã 78 tuổi nên cha cũng yên tâm. Nếu các giám mục được về hưu lúc 75 tuổi thì chắc chắn người ta sẽ không bầu cho một người 78 lên ngai Thánh Phêrô.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên.
Chắc chắn, nhưng trước đây không có hạn về hưu 75 tuổi này. Cha nghĩ nếu quy tắc là giám mục từ bỏ các hoạt động của mình ở tuổi 75, thì không có lý gì bầu giám mục địa phận Rôma lúc họ 78 tuổi.
Cũng khó tin cha đến Mật nghị mà không một giây nào nghĩ mình sẽ được chọn.
Dĩ nhiên, rất nhiều người đã nói với cha trước đó. Nhưng thẳng thắn mà nói, cha không xem đó là nghiêm túc. Cha tự nhủ, thật phi lý. Vì vậy, sau đó cha mới bị tác động nhiều.
Có một phút nào mà cha tự hỏi, mình thật sự có nên chấp nhận cuộc bầu chọn này không?
Có chứ. Thực sự khi nào cha cũng nghĩ tới. Nhưng cha biết, cha không thể nào đơn giản từ chối.
Khi nào cha suy nghĩ để chọn tên giáo hoàng?
Trong những ngày bầu chọn.
Trong những ngày bầu chọn? Hay chỉ có một ngày?
Có hai ngày, ngày thứ hai và ngày thứ ba.
Và đúng rồi, trong những ngày bầu chọn. Cha hy vọng nó sẽ không xảy ra. Nhưng ngay ngày đầu là đã có khả năng người được bầu chọn là cha. Và trong đầu cha, cha nghĩ đến sợi dây với Đức Bênêđictô XV, và cũng qua sự cầu bàu của Thánh Bênêđictô.
Vì sao cha không chọn là Gioan-Phaolô III?
Cha nghĩ là không phù hợp. Cha không đáp ứng tất cả tiêu chuẩn mà ngài đã dựng nên. Cha không thể nào là một Gioan-Phaolô III. Cha là một con người khác, một tầm vóc khác, với một đặc sủng khác hoặc không có đặc sủng.
Bỗng cha trở nên vị đại diện của Chúa Kitô ở trần gian. Qua việc này, sự biến đổi nào đã đi kèm theo?
Chưa bao giờ như bây giờ cha cần sự giúp đỡ của Chúa, đó là điều cha nghĩ. Cha biết cha thật sự không phải là người ở địa vị này. Nhưng nếu cha phải gánh vác chức vụ này thì Ngài phải giúp cha vác.
Với việc bầu chọn của các hồng y, cha nói đến “máy chém” giáng xuống trên mình. Cha có hối tiếc mình đã nói như vậy?
Không. Đó thật sự là cảm nhận của cha lúc đó, như cái máy chém.
Cha có khuôn mẫu giáo hoàng nào không? Chẳng hạn Đức Phaolô VI?
Cha sẽ không nói như thế. Với cha, tất cả các giáo hoàng của thế kỷ 20 đều là các gương mẫu, mỗi người mỗi cách. Cha biết là cha sẽ không giống người nào trong số họ, nhưng mỗi người đều có một cái gì để cha học.
Trong những ngày đầu ở chức vụ mới, cái gì đặc biệt làm cha để ý?
Những ngày đầu? Bữa ăn ở Nhà trọ Thánh Mácta với anh Georg của cha, với cả gia đình và các bạn bè của cha. Thật rất cảm động và rất đẹp. Sau đó là buổi tiếp kiến đầu tiên, cha tiếp Thượng phụ Kyril, khi đó ngài đảm nhận trách vụ Bang giao đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Nga. Chúng tôi có một buổi gặp rất tốt đẹp. Ngài có nét của một nông dân Nga, cha rất thích. Chúng tôi rất hợp nhau. Rồi cha nhớ cái đêm trước ngày đăng quang, cha thức giấc lúc hai giờ sáng và cha nghĩ: nếu mình không ngủ tiếp được thì sẽ không xong. Và cha ngủ lại lúc bốn giờ sáng (cha cười).
Cha cần bao nhiêu giờ để ngủ?
Rất nhiều, bảy, tám giờ. Sau đó thì mấy cái nút ở cổ tay áo gây rắc rối cho cha. Chúng làm cho cha tức đến mức cha nghĩ, phải gởi mấy người phát minh ra cái quái quỷ này vào lò luyện ngục (cha cười).
Cha chưa bao giờ mặc áo có nút ở cổ tay?
Thỉnh thoảng, nhưng không phải hàng ngày.
Có vẻ như khi cha là giáo hoàng, cha đổi thợ may ngay vì người trước may phẩm phục cho cha quá ngắn.
Không, không đúng như vậy. Từ đầu cha đã có tiệm Euroklero nhưng cha vẫn giữ tiệm Gamarelli. Tiệm Gamarelli là tiệm không thể thay thế.
Còn chuyến đầu tiên đi thăm các căn phòng của cha?
A! Bắt đầu là đi một vòng. Đi thăm Vườn Vatican, một thành trì kiên cố mà Giáo hoàng Gioan XXIII đã làm thành một khu nhà ở. Khi Dinh Tông Tòa phải sửa chữa vì các lý do cân đối, Đức Gioan-Phaolô II đã về ở đây một thời gian. Người ta cũng đề nghị cha ở đây một thời gian đầu. Nhưng cha không thích. Trước hết cha không thích các căn phòng hình cung. Cha thích những căn phòng bình thường ấm tình người. Thêm nữa có một luồng gió quá khủng khiếp nên cha từ chối, cha thích ở lại Nhà Mácta cho đến khi cha dọn về Dinh Tông Tòa.
Cha đã cho sửa chữa các căn phòng giáo hoàng để sáng sủa hơn, nồng ấm hơn?
Trước hết cha xin tháo thảm ra, cha không thích. Sàn là sàn, thảm là thảm, hoặc cái này hoặc cái kia. Nồng ấm hơn, đúng. Nhưng việc sơn nhà đã được dự trù từ lâu vì lâu ngày chưa sơn. Việc sơn nhà chỉ làm trong thời gian nghỉ hè.
Vì lý do chính xác nào mà cha không bao giờ bỏ chỗ ở trước của cha?
Không phải chủ ý. Cha không thể từ bỏ ngay lập tức, vì việc dọn nhà của cha quá vội vã, cha chưa đủ thì giờ suy nghĩ. Cha chỉ dọn sách vở, như thế cũng coi như dọn đủ cho cha. Tất cả đồ đạc của cha vẫn còn ở đó, kể cả một số lớn sách. Cha nghĩ đã đến lúc phải dọn trống nhà, nhưng đem tất cả những thứ này đi đâu? Lúc đó người ta nói với cha: bây giờ cha tạm để yên như vậy đã.
Chứ không phải một cách để cha có thể xoay xở trong trường hợp rút lui?
Không. Hoàn toàn rõ ràng trong đầu cha là cha sẽ không quay trở về đó nữa. Vì ngay cả nếu cha từ nhiệm, cha cũng không thể ở trong một căn phòng bình thường.
Cha là người mê nhạc, trong khi làm việc cha có nghe nhạc không? Chẳng hạn trong khi cha viết?
Như vậy sẽ làm cha đảng trí. Hoặc nghe nhạc, hoặc viết.
Cha cần một bầu khí nào đặc biệt không?
Khi cha muốn viết hoặc muốn suy nghĩ thì tuyệt đối phải yên lặng. Cha cần ở một mình. Cha cần phải tập trung trong yên tỉnh để viết sách, để tư tưởng của cha được chín muồi.
Một chút mở ngoặc ở đây: sau khi cha từ nhiệm, lối sống ở nhà giáo hoàng đã là đề tài tranh luận. Đức Hồng y Marx, giáo phận Munich bỗng nhiên để ý “triều” Vatican quá xa hoa tráng lệ. Cha có chia sẻ cảm tưởng này không?
Không, hoàn toàn không. Chúng tôi luôn sống rất đơn giản, đó chỉ là do nguồn gốc của cha. Có thể nói cha là người “miền quê” (miền Hufschlagler của thời thơ ấu và vị thành niên) nên đã ngăn không cho cha sống xa hoa. Cha không biết từ đâu Đức Hồng y đã thấy như vậy.
Ai là người hướng dẫn cha lúc đầu? Không ai tự mình có thể học để làm giáo hoàng.
(Cha cười). Dĩ nhiên mình phải hỏi những người đã ở đó, Hồng y Quốc Vụ Khanh, người đại diện hay những người khác. Dưới hình thức này hình thức khác, dần dần rồi mình cũng biết.
Trong thời gian đầu, đôi mắt cha quầng thâm?
Vậy à?
Dĩ nhiên, với chức vụ mới, cha buộc phải làm việc nhiều nên cha ngủ ít.
Cha không bao giờ cảm thấy mình thật khổ, nhưng mới đầu thì gánh nặng như muốn đè bẹp cha. Và trước hết phải quen với một chức vụ như vậy.
Marta An Nguyễn chuyển dịch