Tập sự và thần học gia-ngôi sao

256

Trích sách: Bênêđictô XVI. Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald.Nxb. Fayard.


Việc cha được bổ nhiệm ở Đại học Bonn đánh dấu một thay đổi lớn trong cuộc đời của cha. Khi đọc các hồi ký của cha, độc giả có cảm tưởng như cha thở được một luồng khí mát, một tự do mới. Thêm nữa, đây là lần đầu tiên cha sống một mình, nhưng cũng không hẳn một mình. Chị Maria của cha đi theo cha. Ai là người có sáng kiến này?

Chị và cha. Dĩ nhiên cha cần một ai đó để nâng đỡ cha về mặt nội tâm, và chuyện này đến như một giải pháp tốt nhất.

Ai cũng không muốn bị buộc phải sống với anh, với chị mình.

Gia đình cha chỉ có ba anh chị em. Và anh chị em của cha lúc nào cũng gần nhau.

Chị Maria cũng đi theo cha đến các nơi cha được bổ nhiệm, ở cả Rôma cho đến khi chị qua đời năm 1991. Chị như người phụ nữ luôn sống bên cạnh cha. Trong chừng mực nào, chị đã có ảnh hưởng trên cuộc đời và tác phẩm của cha?

Cha sẽ nói là không, không ở trong nội dung, không ở trong công việc thần học của cha, nhưng là có, qua chính cuộc sống của chị, qua bản chất đức tin, qua tính khiêm tốn của chị. Chúng tôi sống trong bầu khí đức tin chung, trong đó chúng tôi cùng lớn lên và với thời gian, chúng tôi cùng nhau khẳng định đức tin này. Đơn giản là đức tin này chấp nhận Công đồng, được làm mới lại qua Công đồng và luôn bền vững. Cha sẽ nói là chị của cha đã một phần tạo ra bầu khí này, trong đó tư tưởng được trải rộng ra và từ đó cuộc sống cuốn theo.

Trước hết cha trọ ở Albertinum, một căn nhà cho các thần học gia cùng với các sinh viên. Sau đó cha về ở một căn hộ ở Wurzerstrasse, Bad Godesberg, bên cạnh trường đại học Bonn.

Chỗ này là một nơi rất thuận tiện: trạm xe điện cách đó hai phút. Cứ mỗi 15 phút có một chuyến đi và đổ ngay trước cửa đại học. Trạm Rheinuferbahn có thể đi đến tận Cologne. Thêm nữa, chỉ cách sông Ranh vài phút, cha có thể đi bộ đến nhà thờ Thánh Tâm, vv., rất thuận tiện để đi dạo.

Cha rất thích đi dạo.

Đúng vậy. Trong tòa nhà có một bác sĩ, cha chưa khi nào đi khám. Trước mặt có tiệm thuốc, cha cũng không khi nào đi mua. Cách đó hai phút có Ngân hàng Tiết kiệm, lại rất thực dụng vì người quản lý ở đây thuộc lòng số tài khoản của khách hàng. Khi cha vừa vào, cha đã nghe: “Đây là tài khoản của ông”; thật là lý tưởng!

Trong thời gian đầu, cha làm gì trong giờ rãnh? Đi ăn, đi uống càphê hay cha không có thú tiêu khiển nào?

Tát cả tùy theo mình nghĩ gì về thú tiêu khiển. Cha luôn đi dạo vào buổi trưa, buổi chiều. Giáo sư Hӧdl ở với chị của cha trong căn nhà bên cạnh, cũng có một giáo sư khác của trường nữa. Thưòng chúng tôi ăn chung với nhau, chúng tôi nghe đĩa, chúng tôi chơi bài “Mensch ärgere Dich nicht”, những loại như vậy. Chúng tôi lúc nào cũng bận rộn.

Ý tưởng cho rằng cha tuyệt đối không thích thể thao cần sửa lại: cha đạp xe đạp rất nhiều, không phải chỉ khi còn nhỏ, nhưng cả trong tuổi vị thành niên và cả khi đã làm giáo sư.

Đúng vậy. Ở Münster, ở Tübingen và ở cả Ratisbonne.

Ở cả Munich trong thời cha làm giám mục?

Không, cha không dám. Cha không có can đảm đi ra ngoài quy tắc.

Cha đi bộ rất nhiều.

Đúng, rất nhiều.

Trong những điều kiện nào cha cảm thấy tốt nhất để suy nghĩ?

Trước hết là ở phòng làm việc của cha, nếu cần phải đào sâu một suy nghĩ, cha nằm dài trên ghế dài (canapé), như thế giúp cha thanh thản suy nghĩ.

Cha luôn có một ghế dài bên cạnh?

Cha luôn cần một ghế dài.

Bài dạy học của cha bắt đầu ngày 24 tháng 6-1959. Giảng đường chật ních? Cha có bị khớp không?

Không, cha có bài giảng đúng.

Cha tin chắc ở mình?

Nói như thế thì đi hơi xa, nhưng cha biết bài giảng của cha đúng và cha không cần phải bị căng thẳng.

Khi nhìn bức hình nổi tiếng ở Freising trong thời cha làm giảng viên, trên bức hình này, cha uể oải dựa vào bàn, đầu tựa trên hai tay, chung chung người ta có cảm tưởng cha không phải là người rất căng thẳng.

Bức hình này không tiêu biểu lắm. Chung chung, cha có nhiều cử chỉ điệu bộ khi nói. Nếu đôi khi cha có vẻ như trầm mặc, thì cũng chỉ đôi lúc thôi, khi đến một đoạn đặc biệt trầm lắng.

Chủ đề khóa mở đầu của cha là: “Thiên Chúa của đức tin và Thiên Chúa của triết lý”. Đây có phải là một chủ đề được đề nghị không?

Không, chính cha chọn chủ đề này. Chuyện xảy ra như thế này: khi cha còn là sinh viên, cha đọc rất nhiều Pascal. Giáo sư Gottlieb Sӧhngen điều khiển một buổi hội thảo về Pascal, và đương nhiên cha có đọc quyển sách Guardini viết về triết gia, trong đó ông nhấn mạnh đến bài viết nổi tiếng Ký ức (Mémorial*) của Pascal. Ký ức nói về “Thiên Chúa của đức tin”, về “Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Jacob” ngược với “Thiên Chúa của các triết gia”. Vào thời đó, chuyện xem Hy Lạp như lầm đường lạc lối là rất hiện đại, một kiểu len lỏi sai lầm trong kitô giáo. Ngược lại, hồi đó người ta gắn dính vào việc nghiên cứu sứ điệp Thánh Kinh theo nguyên thủy, những gì sống động trong Thiên Chúa của Abraham, Đấng nói với loài người, Đấng nói với quả tim và hoàn toàn khác với Thiên Chúa của các triết gia.

Một trong các chủ đề trọng yếu của cha từ đầu.

Đúng. Cha cũng đề cập đến vấn đề này khi nói về Thánh Âugutinô. Đúng ra, ban đầu Thánh Âugutinô chỉ nói về Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Ngài đã say mê đọc các bài viết triết lý của Cicerón. Dĩ nhiên người ta gặp ở đây niềm say mê thần thánh, say mê vĩnh cửu, nhưng không phải thờ phượng, không đến với Chúa. Vì khi đó là những gì ngài đi tìm, ngài đã nghĩ: “Tôi phải quay về Thánh Kinh”, nhưng ngài quá hãi hùng với Cựu Ước, ngài nói: “Như vậy thì không được”. Ngài thấy rõ các mâu thuẫn gây thiệt hại cho Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp vì theo ngài, các câu chuyện này không đúng và hoang tưởng. Khi đó ngài quay về với triết lý, trước hết ngài chấp nhận theo chủ thuyết thiện, ác (manichéisme) trước khi khám phá ra công thức mà ngài giữ cho đến cuối đời mình: “Tôi đã học nơi những người theo triết gia Platon: ‘Khởi thủy là Lời.’ Tôi học nơi người kitô: “Ngôi Lời nhập thể làm Người.’ Và đó cũng là Ngôi Lời đến với cha”.

Nói cách khác, đối với Thánh Âugutinô, không phải sự chống đối các định hướng này là quan trọng, nhưng là sự kết hợp chặt chẽ của chúng?

Điều này cũng làm cho cha kinh ngạc. Cha đi đến xác tín, rằng, đương nhiên chúng ta cần Thiên Chúa, Đấng đã nói, Đấng đang nói, một Thiên Chúa sống động. Một Thiên Chúa chạm vào tâm hồn, biết tôi và yêu thương tôi. Nhưng Chúa cũng phải đến được qua lý trí. Con người là một tổng thể. Điều gì hoàn toàn xa lạ với lý lẽ, hoàn toàn đi bên lề lý lẽ thì nó không thấm nhập trọn vào cuộc hiện sinh của cha, nó vẫn là một cái gì như một loại vật thể lạ bên ngoài.

Như vậy thật sự là cái gì? cha tự hỏi. Chúng ta có một bên là Chúa của đức tin, bên kia là Chúa của các triết gia, cái này loại bỏ cái kia – vậy trong thực tế chúng như thế nào? Các triết gia Hy Lạp không muốn có một Thiên Chúa của Abraham. Ngược lại, Cựu Ước không biết đến nguốn gốc Chúa của các triết gia. Như thế tôi đã hiểu những con đường này có thể gặp nhau, Alexandria là điểm nối. Như thế đó. Cha tuyệt đối hứng khởi với chủ đề hiện sinh mà vấn đề nêu lên: Đức tin của tôi thật sự là gì? Đức tin của tôi ở trong tổng thể hiện sinh của tôi như thế nào?

Trong các hồi ký cha kể, sáu tháng đầu tiên ở Bonn “như yến tiệc của mối tình đầu”. Cha muốn nói gì trong chuyện này?

Trong sáu tháng đầu tiên này, cha phải dạy một phần triết lý về tôn giáo – thế nào là tôn giáo trên quan điểm triết học? – mặt khác, cha cũng dạy khái niệm về thần học: Trên cái gì thần học dựa vào? Thần học phải làm gì? cái gì có thể nói đó là lãnh vực chuyên ngành, nền tảng nội tại của thần học? Đó là hai môn cha phải dạy. Cả hai đề cập đến chủ đề trọng tâm: Làm thế nào để biện minh cho thần học tại trường đại học? Thần học có phù hợp trong các trường đại học hiện đại không? Hay một vật thể lạ, một di tích ngẫu nhiên của thời Trung Cổ nên bị gạt hẳn ra?

Thêm vào đó: Người ta có thể nói gì về tôn giáo trên bình diện triết học?

Cha đã có một số khám phá chủ đề của khái niệm thần học ở Freising, nên khi đó không đòi hỏi cha phải làm một số lớn công việc. Mặt khác cha cũng đã dạy triết lý về tôn giáo ở Freising, thì bây giờ cha soạn lại. Môn học này đã mang đến cho chúng tôi rất nhiều niềm vui, cho sinh viên và cho cha. Nó rất sống động, được sinh viên chăm chú theo học. Một phần được sống trong cuộc phiêu lưu tư tưởng, trong hiểu biết, trong tiếp cận và nhập sâu vào một chủ đề, mặt khác cảm nhận được sự gắn kết, câu trả lời của các thần học gia, thật sự đó là yến tiệc đối với cha; chính mình đến được với hiểu biết, tiến bộ và thật sự làm được những gì mình muốn làm trong tận sâu thẳm con người mình, và rồi thấy sinh viên cũng cảm nhận như vậy, họ theo mình và mình có một cái gì để cho các người trẻ này, có một cái gì tăng trưởng qua đối thoại.

Cha nói đến một “bầu khí hồi sinh”.

Đúng. Đó là khởi đầu của tất cả mọi thứ. Đại học Bonn đã bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh và vừa được xây dựng lại, thư viện vẫn chưa đầy đủ. Việc hồi sinh là thấy rõ. Một bước khởi đầu mới sau chiến tranh, và trong tình trạng mới này, được thực hiện một cách chính xác một nhiệm vụ mới của đức tin. Nước Cộng hòa Liên bang còn rất trẻ, và trong nghĩa này, cuộc sống cũng ở điểm khởi đầu. Cảm giác của việc có thể đóng góp, có thể bắt đầu lại với Giáo hội, trong đức tin và cùng với Nhà nước của mình, thì đó là một cái gì rất sáng và đẹp.

Cha làm việc nhiều ở thư viện không?

Thư viện đại học vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng chúng tôi có một thư viện ở chủng viện và chúng tôi tham khảo ở đó rất nhiều. Là giám đốc chủng viện, cha có thể tự mua sách. Khi thư viện đại học mở cửa, cha nghĩ là vào năm 1961, cha rất vui khi đến đó vì ở đây có hệ thống điện tử cho mượn sách. Có thể đặt mua sách và nó được giao ngay lập tức là cả một việc mới mẻ đối với cha.

Cha có ngồi giữa đống sách cho đến khuya không?

Không, không, cha không bao giờ làm việc ban đêm, tuyệt đối không.

Cha viết trong hồi ký, cha có một số lượng lớn thính giả “nhiệt tình tiếp nhận giai điệu mới mà họ tin là hiểu được” nơi cha. Các giờ dạy của cha đông nghẹt. Cha sắp nổi danh là ngôi sao mới đang lên trên bầu trời của các thần học gia. Làm thế nào cha triển khai phong cách của cha? Cha có một khuôn mẫu nào không?

Ở Munich, rõ ràng là chúng tôi đã tắm trong triết học hiện đại. Một vài giáo sư đã hướng dẫn cho chúng tôi đi trên con đường mới này, họ đã giải mã cho chúng tôi. Cha đã hấp thụ khuynh hướng mới này và cha tìm cách duy trì nó theo khả năng của cha.

Giáo sư Sӧhngen có phải là gương mẫu của cha không?

Theo một nghĩa nào đó là có. Thật sự cha không bao giờ có thể bắt chước được ông. Giáo sư là người Rhénan và cha thì hoàn toàn là người vùng Bavaria. Giáo sư đã kích động, đã là gương mẫu cho tư tưởng của cha, nhưng giáo sư không phải là gương mẫu ngay lập tức để cha bắt chước.

Để lên khung cho các tiến sĩ, cha tạo ra một hệ thống hội thảo chứ không lên khung theo cá nhân.

Dĩ nhiên là cha lo cho các tiến sĩ cách cá nhân, cha thảo luận với họ. Nhưng cha có cảm nhận mình ở trong một nhóm cùng đi theo một con đường với mình, gắn bó với nhau, những người trong nhóm có những điều cần học hỏi với nhau. Ý tưởng của cha là mỗi người sẽ được lợi nếu cùng đi chung với nhau hơn là đi một mình, dù mỗi người có tiến trình riêng của mình.

Trong các viết lách của sinh viên, các ghi chú của cha luôn bằng viết chì đen.

(Cha cười). Cha luôn làm như vậy. Khi còn nhỏ, cha đã viết bằng bút chì và cha tiếp tục như vậy. Viết chì có lợi điểm là mình có thể xóa. Khi cha viết viết mực là đã xong.

Khi cha đã là giáo hoàng, cha cũng viết viết chì, ví dụ như quyển về Chúa Giêsu?

Đúng, cha luôn luôn viết bằng bút chì!

Không bao giờ cha viết bút mực?

Không.

Từ chữ viết nhỏ…

Với thời gian ít còn ai viết. Nhưng cha nghĩ cách viết này vẫn còn nơi một số người.

Điểm nổi bật là hầu hết các bạn và đồng nghiệp gần gũi của cha ở Bonn là những người rất tranh luận, không theo khuôn khổ, họ va chạm với guồng máy, với Giáo hội. Rõ ràng là cha không sợ phải gần họ.

Đó là một thời khác. Sự chia rẽ giữa những người từ chối huấn quyền để đi theo con đường riêng của mình và những người cho rằng chỉ có thể làm thần học trong Giáo hội chưa có. Vào thời điểm đó, tất cả mọi người vẫn còn ý thức rằng thần học có tự do riêng của mình và nhiệm vụ riêng của mình, và do đó có thể không phải hoàn toàn theo huấn quyền. Đồng thời, chúng tôi biết rằng nếu không có Giáo Hội, thần học sẽ tự biến thành lý thuyết – và do đó trên thực tế, nó không mang một ý nghĩa nào. Vào thời điểm đó, cha được xem như người trẻ, người mở ra cánh cửa mới, người dấn thân đi trên các con đường chưa ai khai phá, đó là lý do vì sao những người có tư duy phê phán đã đến với cha.

Như giáo sư Hubert Jedin hay như giáo sư Paul Hacker chẳng hạn. Jedin, chuyên gia về lịch sử công đồng, là người một nửa là do thái, đã xin tị nạn ở Vatican trong thời kỳ Đức Quốc Xã. Hacker là nhà ấn giáo học và là một cựu tín hữu giáo phái luther.

Tiến trình của Jedin là rất thú vị. Người ta xem ông như một sử gia có tầm quan trọng đặc biệt và rất tự do, ông không tuần phục giáo huấn. Nhưng khi ông nhìn thấy tín hữu xa Giáo Hội thì ông trở thành ngưởi bảo vệ quyết liệt cho Giáo hội Còn ông Paul Hacker là một nhân vật rất đặc biệt, ông không ngần ngại bước lên đài. Một người có một tinh thần tuyệt vời, mạnh mẽ, nhưng dễ nổ.

Có đúng là sau các phản bác của Hacker, cha đã sửa văn bản về chủ nghĩa tự nhiên và đã được đăng trong các tiểu luận vinh danh Sӧhngen không?

Đúng, cha không còn nhớ chính xác nội dung, nhưng đúng Hacker là một người rất ấn tượng. Mình có thể có các cuộc thảo luận thực sự với ông. Trước tiên, ông có một ơn rất lớn về ngoại ngữ. Ông nói thông thạo mười tám thứ tiếng, và nắm vững tiếng phạn là thứ tiếng mà cả người Ấn Độ cũng đến học với ông. Đó là người thầy vĩ đại, người có một văn hóa cực kỳ rộng lớn, người biết các Tổ Phụ, biết Luther, người nắm vững lịch sử của các tôn giáo ở Ấn Độ. Tất cả mọi thứ ông viết đều đưa ra một cái gì mới, và nó thật sự đi sâu vào vấn đề. Người ta chỉ có thể học khi tiếp xúc với ông – và tất nhiên, đôi khi cũng tranh cãi với ông.

Có lần các sinh viên của cha than phiền, trong môn học của cha chỉ có vấn đề Hare Krishna và những thứ như thế.

Không, cha không bao giờ nói về Hare Krishna nhưng có nói về huyền thoại của thần Krishna, mà các đối chiếu với lịch sử và hình ảnh của Chúa Giêsu đã gây ngạc nhiên và rất quan trọng trong cuộc đối thoại liên tôn. Cha phải làm một môn lịch sử các tôn giáo, nhưng ấn giáo không chiếm một chương lớn. Giao tiếp với Hacker và những gì cha học ở ông về văn chương thì đối với cha thật là quý giá. Chung chung, cha chỉ nói đến khía cạnh triết lý của ấn giáo, trong khi theo lẽ cha phải đề cập đến các khía cạnh văn hóa và huyền thoại của nó. Trong chung chung, các sinh viên rất thích môn học.

Chủ đề này cha rất mê?

Đúng, rất sâu đậm. Và cha hạnh phúc vì đã làm được chuyện này vào thời đó, vì khi đối thoại liên tôn được lan rộng thì cha gần như đã được chuẩn bị trước một chút.

Có vẻ như tình bạn của cha với giáo sư Hacker cũng đầy căng thẳng. Nó có kết thúc trong bất hòa không?

Cha sẽ không nói vậy. Khi cha ở Ratisbonne và khi ông cực kỳ công kích Công đồng, cha đã phải viết những bức thư rất mạnh. Để nói với ông là ông không thể làm như vậy. Nhưng chúng tôi đã giải hòa. Chúng tôi biết, chúng tôi có những cái đầu rất cứng, nhất là ông, còn cha thì hơi cúng một ít, và có khi chúng tôi đã đụng nhau, nhưng trong thâm tâm, chúng tôi cùng muốn một chuyện.

Có lần, ông phàn nàn đã tiêu hết tiền vào điện thoại.

Có thể. Dĩ nhiên cha không phải là người duy nhất ông điện thoại.

Có phải là theo yêu cầu của Hacker mà cha mang theo cha đến Công đồng bài viết của ông “Suy tư về cải cách Giáo hội” không?

Không.

Trong đó ông nói về một ngụy-đại kết và cảnh báo chống lại một hình thức tin lành hóa Giáo hội công giáo. Ông trách cha đã có một Thánh Mẫu Học quá che kín mặt.

Ông trách cha đủ chuyện, nhưng lại là điều tốt, một điều mà chúng ta có thể làm giữa bạn bè với nhau. Là người trở lại, trước hết ông tỏ ra rất phê phán đối với Rôma. Điều này đã dần dần biến cách. Tuy nhiên, ông càng ngày càng chỉ trích thần học gia Rahner và đã phát triển một xu hướng thiên vị, thậm chí có những quan điểm cực đoan. Ông luôn cực kỳ kích thích, không có gì bắt bạn phải xếp lại tất cả các quan điểm của mình.

Ở Bonn, cha cũng rất gần với một trong các đồng nghiệp của cha, giáo sư Heinrich Schlier. Ông từ bỏ tất cả thăng cấp dưới thời Hitler và trở thành thành viên của “Giáo hội phái phúc âm” khác với “Tín hữu kitô Đức phái phúc âm” trung thành với chế độ. Năm 1942, ông bị cấm công bố các bài viết. Sau chiến tranh, ông được giao ghế giảng dạy Tân Ước ở Bonn. Năm 1954, ông trở lại đạo công giáo, khi đó ông còn là sinh viên và rất được thần học gia phái phúc âm Rudolf Bultmann yêu mến. Việc này gây tai tiếng khủng khiếp. Các đồng nghiệp cũ không chấp nhận ông nữa và các người công giáo thì chia sẻ. Ông Schlier đã phải từ bỏ ghế ở phân khoa thần học phái phúc âm nhưng ông vẫn còn là giáo sư. Ông đã viết “Tuyên xưng đức tin cho Giáo hội công giáo”, một tác phẩm, cùng với ba nhà thần học phái phúc âm khác, ông biện minh cho con đường trở lại đạo công giáo của mình. Có vẻ như ông có ảnh hưởng rất lớn trên cha. Người ta nói ông có hai hướng đi: một hướng phê phán-lịch sử và một hướng hết mực thiêng liêng.

Cha sẽ không nói là giáo sư có một ảnh hưởng rất lớn trên cha, nhưng điều không chối cãi là giáo sư có ảnh hưởng trên cha. Về mặt nhân bản, cha rất kính trọng ông. Như con nêu ra, mới đầu giáo sư là người thuộc phái phúc âm. Là đồ đệ của Bultmann. Ông tôn kính Bultmann đến cùng và học hỏi rất nhiều ở Butlmann, nhưng ông xem Bultmann như lỗi thời, và trở thành, như ông tự nói về mình, là người công giáo một cách y như tin lành: có nghĩa là chỉ qua Sách Thánh. Các chú giải của giáo sư nổi tiếng hào hùng – thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Galát, Êphêsô, La Mã. Cùng một lúc, ông đúng thật là người có tầm vóc thiêng liêng cao cả. Con có lý. Tổng hợp về thiêng liêng và phê phán-lịch sử là điểm rất đặc biệt nơi giáo sư.

Ai là Sophronius Clasen đã trở thành bạn của cha trong thời cha ở Bonn?

Đó là một tu sĩ Dòng Phan Sinh. Thời đó ở Bonn có bốn cơ sở dạy học cao cấp thuộc về các Dòng, họ có các giáo sư rất giỏi. Ở Mưnchengladbach là các giáo sư Dòng Phan Sinh; ở Walberberg là Dòng Đa Minh; ở Saint-Augustin là Dòng Truyền giáo Steyler, ở Hennef-Geistingen là Dòng Chúa Cứu Thế. Chuyên gia giáo phụ học của Dòng Chúa Cứu Thế là giáo sư Joseph Bärbel, một người rất lỗi lạc. Các giáo sư Dòng Truyền giáo Steyler thì nổi tiếng về việc nghiên cứu lịch sử tôn giáo, họ có tạp chí thường kỳ riêng của họ. Các giáo sư Dòng Đa Minh thì có ấn bản Đức về Thánh Tôma Đa Canh, họ cũng rất nổi tiếng. Còn các giáo sư Dòng Phan Sinh thì họ in tạp chí “Khoa học và Minh triết” (Wissenschaft und Weisheit). Và Sophronius Clasen dạy ở đây, ông là giáo sư nghiên cứu thời Trung cổ và thần học tín điều, một người am tường thần học thế kỷ 13 và chuyên gia về Thánh Bonaventure. Ông đọc bài viết của cha về ông và ông đến thăm cha. Vì thế tình bạn của chúng tôi được nảy sinh.

Có thể xem những năm nay như tuyệt đỉnh của thần học Đức không?

Về nhiều khía cạnh, đúng. Chỉ cần nghĩ đến ‘triều thiên’ của bốn cơ sở cao cấp trên. Họ không phải là những người tầm thường. Họ đúng là những người phi thường mà chúng tôi học hỏi ở họ rất nhiều. Phân khoa thần học cũng có các quân bài chủ vững chắc, có Jedin, Klauser, Schӧllgen và nhiều người khác. Đúng là thời điểm nở rộ nhân tài. Chúng tôi ý thức mình sống ở thời điểm mà chúng tôi có một cái gì để nói.

Nhìn vào thực thể của Cologne-Bonn, chúng ta có thể thấy trọng tâm quyền lực đạo công giáo và cùng với Konrad Adenauer, Thủ tướng đầu tiên của nước Đức và người đối thủ Kurt Schumacher của đảng Xa Dân chủ Đức (SPD) ở trọng tâm quyền lực chính trị của nước trẻ Cộng hòa Liên bang Đức.

Người ta có thể nói như vậy, đúng. Thường thường khi đến Rhӧndorf và khi qua sông Ranh bằng phà thủ tướng Adenauer đi qua trước mặt chúng tôi. Một vài đồng nghiệp của chúng tôi biết rất rõ Heuss, tổng thống của nước Cộng hòa. Cha không tìm cách làm chính trị, nhưng ý thức nước Đức đang biến đổi, đang tìm một công thức mới. Nước Đức sẽ trở nên như thế nào? Đó đúng là một câu hỏi đã được đặt ra. Một xen kẻ như sau: ưu tiên là tự do hay ưu tiên là thống nhất. Nhóm Schumacher muốn ưu tiên là thống nhất. Dưới mắt họ, nước Đức không được dính vào Tây phương, nhưng vẫn mở ra và không đồng minh để đi đến thống nhất. Khi đó nguyên tắc ưu tiên của Thủ tướng Adenauer là tự do. Sẽ chỉ có thống nhất khi trước hết chúng ta đã có tự do. Nói cách khác, chúng ta không được gắn dính vào Tây phương, đó là cách duy nhất để có một bước khởi hành mới. Điều đã làm cho ông bị đánh giá là thủ tướng của các Đồng minh.

Đó là một tư tưởng hoàn toàn mới so với tư tưởng nước Đức của Bismarck, nhưng trên thực tế thì tầm nhìn của Schumacher là sự nối tiếp tư tưởng của Bismarck. Theo cha, ở Đức, người ta đã ý thức chưa đủ, và bây giờ vẫn còn. Thủ tướng Adenauer đã tạo một hình ảnh mới cho nước Đức bằng cách, không mập mờ, đặt nước Đức bên cạnh Tây phương. Cha rất đồng ý. Chúng tôi có cảm nhận sau thất bại của tư tưởng Bismarck, phải tái xây dựng nước Đức như một Quốc gia Đức, và chúng ta phải có một bước khởi đầu mới cũng trên chương trình này. Và trong trường hợp này, kitô giáo có vai trò của người gánh vác.

Cha có biết Adenauer?

Không, một cách cá nhân thì không.

Cha luôn là một người rất chính trị?

Cha không bao giờ tìm cách hoạt động chính trị, nhưng cá nhân cha, cha luôn quan tâm đến chính trị và đến triết lý đàng sau chính trị. Quả thật, chính trị luôn nuôi dưỡng một triết lý. Chính trị không thể nào chỉ ở mức thực tiển, kiểu “chúng tôi hành động”. Phải có một tầm nhìn tổng quan. Cha luôn quan tâm đến điều này. Thêm nữa, Sứ thần Tòa Thánh Corrado Bafỵle hồi đó ở gần nhà cha. Sứ thần can đảm này đến gặp cha, cha, một giáo sư trẻ và đề nghị cha được tự do dùng chỗ đậu xe của của ngài. Ngài giới thiệu cha trong một buổi triển lãm do ngài điều khiển. Thật cảm động, một người là Tổng Giám mục và lo những việc ở hàng cấp cao lại rất khiêm tốn, rất thẳng thắn, rất thân tình hỏi ý kiến cha. Mặt khác, điều này cho mình cảm nhận có một dây liên hệ với Rôma, dù vẫn còn rất yếu.

Những năm cha ở Bonn trùng với vụ Spiegel, các vụ tai tiếng chung quanh Franz Josef Strauß, rồi đấu tranh của cánh tả chống chính quyền Adenauer, vụ khủng hoảng Cuba… Cha vừa đúng 32 tuổi.

Như cha đã nói, cha rất quan tâm đến các biến cố này, đặc biệt tất cả những gì liên hệ đến nước Đức. Cha luôn luôn và cha vẫn là người theo tư tưởng của Aadenauer. Một phần lớn nhờ ông mà chúng tôi có hòa bình lâu dài. Đúng vậy, đặt ưu tiên cho thống nhất sẽ không ngày này thì ngày khác, có thể dẫn chúng tôi đến chiến tranh.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

*Ký ức (Mémorial): Năm 1654, nhà toán học và triết gia Pháp Blaise Pascal đã sống một kinh nghiệm thần bí, ông kể lại trong bài Ký ức, một bài trở nên nổi tiếng, ông viết trên một giải giấy da nhỏ mà ông luôn mang theo trong mình. Người ta có thể đọc ở đây, Thiên Chúa không ở trong tư tưởng, cũng không ở trong các bằng chứng triết học cho sự hiện hữu của Ngài (Thiên Chúa, “không phải cho triết gia và các người thông thái”). Nhưng ngược lại, đây là một kinh nghiệm giống như kinh nghiệm của lửa, và ông giải thích một cách rõ ràng theo ẩn dụ kể qua các chữ của bụi cây nóng cháy (Xh 3, 6 : “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp”).