Vì lòng lành của Chúa, xin cha đừng về hưu. Thế giới đang cần cha.

587

Hôm nay Đức Phanxicô 80 tuổi, một tuổi mà các kẻ thù của ngài ở Vatican muốn ngài biến mất. Nhưng sứ điệp Tin Mừng lòng thương xót của ngài thiết yếu hơn bao giờ hết.

theguardian.com, Paul Vellely, 2016-12-17

Thứ bảy 17 tháng 12, Đức Phanxicô 80 tuổi, tuổi các hồng y không còn trong danh sách bầu giáo hoàng tương lai cho 1,2 tỷ người công giáo. Đức Phanxicô cũng sẽ hưu ở tuổi 80? Trong quá khứ, các giáo hoàng không đi qua bước ngoặt này. Các ngài tiếp tục ở ngôi vị cho đến khi chết. Nhưng Đức Bênêđictô XVI đã thay đổi mọi sự khi ngài trở thành người đầu tiên từ nhiệm từ hơn 500 năm nay. Đức Phanxicô cũng cho biết mình cũng sẽ làm như vậy. Nhưng điều quan trọng nhất bây giờ, không những cho Giáo hội mà còn cho cả thế giới, xin ngài đừng về hưu.

Hai giáo hoàng tiền nhiệm của ngài là hai giáo hoàng bảo thủ. Đức Gioan-Phaolô II và vị kế nhiệm mình đã là tiếng nói của Giáo hội công giáo trên hơn ba thập niên. Và chỉ trong vòng ba năm, Đức Phanxicô, một cách nào đó, đã nâng Giáo hội lên hàng trọng tâm. Nhưng quyền ý thức hệ đang ngày càng chiến đấu trở lại. Các chỉ trích Đức Giáo hoàng đang chuyển hướng sang bất đồng chính kiến công khai. Đây không phải lúc để Đức Phanxicô, người có các tư tưởng sáng tạo về thể chế giáo hoàng, rút lui.

Đức Phanxicô cũng không phải là người có khuynh hướng tự do như đôi khi giới truyền thông mô tả ngài. Ngài có đường hướng cổ điển của Giáo hội về vấn đề phá thai, hôn nhân đồng tính và phụ nữ làm linh mục. Tuy nhiên, các quan điểm của ngài có thể uyển chuyển nên phái hữu không thể chấp nhận. Các người đồng tính được tiếp nhận với câu trở thành nổi tiếng của ngài «Tôi là ai mà phán xét?». Ngài đã mời những người chuyển giới đến Vatican và đã ôm hôn họ. Ngài mở con đường trọn vẹn hơn cho những người ly dị tái hôn về với Giáo hội. Ngài đã thành lập một hội đồng để nghiên cứu khả năng phụ nữ có thể làm phó tế, nhiều người xem đây là bước đầu tiến đến việc phụ nữ làm linh mục. Và trong lần kỷ niệm 500 năm Cải cách của Giáo hội tin lành, ngài thừa nhận, mục sư Martin Luther đã đặt vấn đề về nạn tham nhũng trong Giáo hội công giáo.

Tất cả điều này, với việc cải cách sâu rộng về tài chính Vatican, công việc sửa sang bộ máy hành chính có tên là Giáo triều, các vận động của ngài để trao quyền rộng hơn và đưa Giáo hội ra khỏi thể chế quân chủ của mình đã làm cho những người chủ trương theo truyền thông không bằng lòng.

Một số giám mục bảo thủ từ 35 năm nay đã phản ứng qua sự im lặng thầm lặng, trong cái mà một nhà Vatican lão thành mô tả là “không tuân thủ thụ động-tích cực”. Nhưng những người khác thì công khai thù địch hoặc khinh khỉnh – và một số đang công khai chống lại ngài. Chỉ một tháng trước đây, bốn vị hồng y cực kỳ truyền thống đã đưa ra một thách thức công khai với Đức Giáo Hoàng. Họ cho rằng, quyết định của ngài, trong một số trường hợp, người công giáo tái hôn có thể được rước lễ cần được Hồng y đoàn “chính thức điều chỉnh”. Họ công bố năm điểm hoài nghi “dubia”, cáo buộc ngài lạc giáo: một chuyện chưa từng có trong lịch sử công giáo gần đây. Có thể hiểu khi những người dựa vào internet để biết thông tin nghĩ rằng có cái gọi là nội chiến đang xảy ra trong nội bộ Giáo hội công giáo. Đó chắc chắn là những gì các “chiến binh văn hóa” ở Mỹ, nơi có nhiều người bảo thủ tư tưởng nhất, muốn thế giới tin.

Họ vẽ ra hình ảnh của đa số người công giáo, trung thành với truyền thống bất biến và giáo lý của nhà thờ, bị kẹt trong một cuộc chiến đấu với một giáo hoàng tiến bộ muốn giảm nhẹ giáo điều và đầu hàng với chủ trương tương đối về đạo đức của chủ nghĩa thế tục hiện đại.

Sự vô nghĩa này bay nhanh trong các cuộc thăm dò ý kiến quần chúng, theo đó 85% người Công giáo Mỹ ủng hộ Đức Giáo hoàng. Nói chuyện với người công giáo Mỹ ở nhà thờ, bạn sẽ thấy họ có một tinh thần ít cứng ngắc, quảng đại hơn, sống đạo hơn là những gì họ thấy hiển nhiên nơi một số giám mục của họ. Ở châu Âu và Anh cũng vậy, đại đa số người công giáo yêu giáo hoàng của họ.

Giáo hội đã luôn có ý muốn kết hiệp các khát vọng lý tưởng của mình với tinh thần mục vụ thực tiễn của lòng thương xót. Đức Phanxicô đã thể hiện tinh thần thực tiễn ngầm này trong giáo huấn chính thức của ngài khi ngài công bố Tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia) vào tháng tư vừa qua, sau các cuộc họp của một quá trình làm việc trong vòng hai năm của Thượng hội đồng. Các chỉ trích cáo buộc ngài cố ý mơ hồ trong các tài liệu và cố tình tránh sự rõ ràng về giáo lý; phản ứng của Đức Giáo Hoàng là «con người thì quan trọng hơn giáo điều».

Trong Năm Thánh Lòng thương xót kết thúc vào tháng trước, Đức Phanxicô đã hành động cụ thể qua hàng loạt chuyến thăm những người bị tổn thương, những người sống bên lề xã hội. Ngài kết thúc bằng một cuộc gặp gỡ – gây khó chịu không ít cho các nhà chủ trương theo truyền thống – với các linh mục rời chức thánh để lập gia đình và vợ con của họ. Ngài nói: “Chúng ta phải gặp những người ở nơi họ đang ở”. Đức Phanxicô đang chơi một cuộc chơi dài hơi. Ngài từ chối không trả lời cho bốn hồng y chỉ trích, nhưng đã gián tiếp tấn công họ về sự cứng ngắc, về thái độ tuân thủ luập pháp một cách tuyệt đối, về sự không thích đáng về mặt tâm lý và chung chung, họ như người pharisêu tìm cách bẫy Chúa Giêsu với những câu hỏi mẹo như trong Tin Mừng. Một cách công khai, ngài tuyên bố mình không bận tâm vì một thiểu số ồn ào. “Tôi không mất ngủ,” ngài trả lời trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ngài nói thêm ngài sẽ tiếp tục đi theo con đường của Công đồng Vatican II để dấn thân vào với thế giới rộng lớn hơn, không đóng kín mình, một cải cách mà nhiều người bảo thủ đã không muốn làm từ bốn thập niên qua.

Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng đã âm thầm khôi phục để Giáo hội có tiếng nói ôn hòa hơn. Ngài vừa sa thải tất cả những người bảo thủ ra khỏi cơ quan điều hành phụng vụ công giáo. Ngài không phong hồng y cho các giám mục cánh hữu Mỹ chờ để được phong hồng y trong kỳ phong 19 tân hồng y vào tháng 11 vừa qua. Và tuần này, người đứng đầu tòa án Vatican tuyên bố bốn hồng y chỉ trích có thể bị tước bỏ mũ đỏ của họ.

Hình: Đức Phanxicô ở Công hòa Trung Phi tháng 11 năm 2015. Lần đầu tiên trong lịch sử, các hồng y châu Âu bị áp đảo bởi phần còn lại của thế giới trong Hồng y đoàn. Ảnh: Jérôme Delay / AP

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch