Một linh mục đích thực theo bà Madeleine Delbrêl

635

Một linh mục đích thực theo bà Madeleine Delbrêl

Madeleine DelbrêlKhi có nhiều tín hữu thắc mắc về “ơn gọi đích thực” của các linh mục, thì tầm nhìn của bà Madeleine Delbrêl (1904-1964) về linh mục đã làm sáng tỏ…

Trong cuộc sống, sự vắng bóng của một linh mục đích thực là một nguy khốn không tên.

Món quà lớn nhất chúng ta có thể làm, đức ái lớn nhất chúng ta có thể mang lại, là một linh mục đích thực đúng là một linh mục. Cũng gần như điều lớn nhất chúng ta có thể thực hiện ở trần thế này cho sự hiện diện hữu hình của Chúa Kitô…

Trong Đức Kitô, có sự sống của con người và sự sống thiêng liêng. Nơi linh mục, chúng ta cũng muốn tìm một sự sống thực sự của con người và một sự sống đích thực của Thiên Chúa. Khổ thay, nơi nhiều linh mục, lại thiếu cái này hoặc cái kia.

Có những linh mục dường như chưa bao giờ có cuộc sống của một con người. Họ không thấu cảm được những khó khăn của giáo dân, của một người cha hay của một người mẹ trong gia đình, với đúng gánh nặng của con người. Họ không thật sự nhận ra, một cách đau đớn, thế nào là đời sống của một người đàn ông, đàn bà.

Một khi tín hữu gặp được một linh mục “hiểu” họ, vào được tâm hồn nhân bản trong đời sống của họ, trong các khó khăn của họ, thì họ sẽ không bao giờ đánh mất kỷ niệm này.

Tuy nhiên với điều kiện, linh mục hòa đời sống của họ vào đời sống của chúng ta, dù họ không hoàn toàn sống như chúng ta. Từ lâu, các linh mục đã đối xử với giáo dân như các trẻ vị thành niên; ngày hôm nay, tình trạng này lại ở một thái cực khác, linh mục trở thành bạn với giáo dân. Giáo dân muốn linh mục vẫn là cha. Khi người cha trong gia đình thấy con mình lớn lên, từ đó, ông đối xử với con mình như người lớn, chứ không như đứa trẻ con, nhưng ông luôn xem nó như con mình: một đứa con, một người lớn.

Chúng ta cũng cần linh mục sống một cuộc sống thiêng liêng. Linh mục, vừa sống giữa chúng ta, nhưng phải sống với Chúa.

Các dấu hiệu nào chúng ta mong chờ cho sự hiện diện thiêng liêng này?

– Cầu nguyện: có những linh mục chúng ta không bao giờ thấy họ cầu nguyện (những gì được gọi là cầu nguyện);

– Niềm vui: biết bao linh mục luôn bị bận rộn, lo lắng!

– Sức mạnh: linh mục phải là người đứng trụ. Nhạy cảm, rung động, nhưng không bao giờ sụp đổ;

– Tự do: chúng ta muốn linh mục tự do khỏi mọi hình thức, thoát khỏi thành kiến;

– Bất vụ lợi: đôi khi chúng ta cảm thấy mình bị linh mục lợi dụng, thay vì họ giúp đỡ để chúng ta hoàn thành sứ vụ;

– Kín đáo: linh mục phải kín miệng (chúng ta đánh mất hy vọng nơi người làm chúng ta đã quá thổ lộ);

– Sự thật: linh mục luôn là người nói sự thật;

– Khó nghèo: đó là điều thiết yếu. Một người thanh thoát với tiền bạc; cảm nhận như định luật của “trọng lực”, một cách bản năng, kéo họ về phía người thấp bé nhất, về người nghèo.

– Có một khái niệm về Giáo hội: linh mục không bao giờ nói về Giáo hội một cách khinh suất, như người ở ngoài Giáo hội! Một người con xét đoán mẹ mình, ngay lập tức nó sẽ bị xét đoán.

Nhưng thường có một cuộc sống thứ ba xâm nhập hai cuộc sống đầu và nổi trội lên: linh mục là người của đời sống giáo hội, của “môi trường giáo sĩ”: từ vựng, cách sống, cách gọi các sự việc, sở thích cho những lợi ích nho nhỏ và những tranh cãi nhỏ gây ảnh hưởng, tất cả điều này làm cho họ có một mặt nạ, đau đớn thay nó che giấu chúng ta gương mặt của linh mục, người linh mục chắc chắn ở đàng sau mặt nạ này…

Trong cuộc sống, sự vắng bóng của một linh mục đích thực là một nguy khốn không tên.

Chứng từ xuất bản trong “Tăng trưởng hay suy giảm của hàng giáo sĩ Pháp (1950)

Anrê Trần Lam Hồng chuyển dịch