NCR | Patricia Lefevere
Tổng Giám mục Peter Leo Gerety, giám mục cao tuổi nhất trong Giáo hội, sẽ mừng sinh nhật thứ 104 vào ngày 19 tháng bảy này. Nhưng trước đó, ngài đã mừng 50 năm giám mục vào ngày 01 tháng sáu, và mừng 77 năm linh mục vào ngày 29 tháng sáu này.
Tổng Giám mục Danh dự của Newark đã ở nhà hưu dưỡng thánh Giuse được ba năm, trước đó ngài ở tại nhà hưu linh mục của tổng giáo phận.
Trong phòng ở của ngài treo ảnh ngài với bốn giáo hoàng, Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Phanxicô. Đức Thánh Cha hiện thời đã thăm hỏi ngài nhân thánh lễ tại nhà thờ chính tòa thánh Patrick ở New York hồi tháng chín năm ngoái.
‘Tôi nghĩ tôi sẽ được thấy ngài thôi, chứ không kỳ vọng ngài sẽ đến và thăm hỏi tôi, nhưng như các bạn thấy đó.’
Ngài nói rằng, dù ngài có nhiều tuổi đến đâu chăng nữa, thì giáo hội luôn luôn gấp ít nhất là 20 lần tuổi của ngài.
‘Như một gia đình, chúng ta có gốc gác.’ đây là lời ngài xác quyết về nguồn cội của giáo hội. Từ thưở nhỏ, ngài đã cảm nhận mình là một phần của lịch sử này. Đây không phải là lịch sử mà ngài học được trong trường học. Cũng không phải lịch sử ở Sheton, Conn, nơi ngài sinh trưởng.
Nhưng là trong gia đình, nơi cha mẹ là thầy, và bàn ăn là lớp học cho chín cậu bé. Peter Leo, là anh cả và là người duy nhất còn sống đến nay.
Đức cha Gerety nhớ lại khi mình được chịu chức linh mục ở Paris vào năm 1939, và thời kỳ làm cậu bé giúp lễ trong thời trước Công đồng Vatican II.
Ngài và các linh mục trẻ đã sống trong hi vọng rằng Đức Giáo hoàng Gioan XXIII sẽ đem lại thay đổi. ‘Nhưng chắc chắc là Chúa biết đùa,’ ngài nói, khi mà chẳng ai kỳ vọng gì nhiều ở một giáo hoàng được xem là ‘chuyển tiếp.’ Nhưng Giáo hoàng Gioan đã thách thức các lãnh đạo giáo đưa thế giới hiện đại gắn kết trở lại với sinh lực đem lại sự sống của Tin mừng.
‘Ngay lập tức, chúng tôi cảm thấy thái độ thủ thế cũ đối với các tiến bộ trong lịch sử thế giới, dần không còn nữa.’
Đức cha Gerety cũng tôn vinh hai giáo hoàng khác là Đức Piô XII, người dù ‘khắt khe’ nhưng đã đặt nền tảng cho Công đồng bằng những tiếp cận hiện đại hóa thần học và nghiên cứu phụng vụ, còn Đức Phaolô VI đã tiếp nối công việc của Đức Gioan.
Ngài cho biết bản thân mình được thấm nhuần phong cách mục vụ của Đức Gioan XXIII, người không bận tâm đến sự kết án, nhưng mong muốn giáo hội dùng đến liều thuốc của lòng thương xót hơn là sự khắc nghiệt.
Khi được hỏi xem ngài thấy di sản hay thành tựu lớn nhất của mình là gì, đức cha Gerety hoàn toàn không muốn gì về mình. Ngài nói rằng giáo hội vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp và thay đổi văn hóa nhanh chóng. Nhưng, sự đổi mới càng lớn, thì càng cần đào sâu đời sống cầu nguyện và dấn thân của mọi giáo dân trong công việc của Chúa chúng ta trên thế giới này.
‘Tình yêu là phép thử mà Chúa ban cho chúng ta. Như Chúa Giêsu đã nói. ‘Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con.’ … Nơi nào không có tình yêu thương, thi cũng không có Thiên Chúa.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch