Bóc lột người lao động là hút máu, là tội chết

375

Bóc lột người lao động để làm giàu cho mình thì như hút máu người vậy, là tội trọng. Đây là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ năm 19-5, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.

OSSROM122952_Articolo

 

Bài đọc một hôm nay lấy từ thư thánh Giacôbê, là một lời cảnh báo dữ dội đối với những người giàu thu tích tài sản bằng cách bóc lột người khác. Từ đó Đức Phanxicô suy niệm về sự giàu có, và sự bóc lột.

‘Giàu có tự nó là tốt, nhưng chúng là những cái tốt tương đối chứ không phải tốt tuyệt đối. Có một thứ gọi là thần học thịnh vượng, kiểu như ‘Nếu Chúa cho bạn thật nhiều của cải, là Chúa thể hiện rằng bạn là người công chính,’ đây thật là một sai lầm. Vấn đề mấu chốt là sự bám chặt vào của cải, bởi ‘Bạn không thể làm tôi hai chủ.’ Của cải trở thành xiềng xích tước mất tự do để theo Chúa Giêsu. Trong thư, thánh Giacôbê viết, ‘Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào, và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh.’

Khi giàu có bằng cách bóc lột người khác, trục lợi từ việc làm của người khác, và biến người nghèo thành nô lệ. Chúng ta thấy chuyện này cũng đang xảy ra khắp thế giới. ‘Tôi muốn làm việc.’ ‘Tốt thôi, vậy hãy làm hợp đồng, từ tháng 9 đến tháng 6.’ Không đóng bảo hiểm, không có chăm sóc sức khỏe … Rồi hợp đồng ngưng ngang đó, và tháng 7 tháng 8, bạn biết lấy gì mà sóng. Và đến tháng 9, họ lại cười vào mặt bạn, lại chìa ra một hợp đồng khác nữa. Những người này là kẻ hút máu thực sự, họ sống bằng cách hút máu những con người mà họ đã biến thành nô lệ lao động.

Có lần một cô gái trẻ kể cho cha nghe là đã tìm được việc, làm việc 11 tiếng mỗi này và được trả 650euro mỗi tháng, trả lương không có chứng từ. Và họ bảo với cô, ‘Được thì làm, không thì thôi. Không hơn.’ Có cả hàng dài người đang chờ đợi để nhận một việc như thế này. Những người giàu này, họ núc ních trên sự giàu sang của mình. Nhưng, thánh Giacôbê đã cảnh báo, ‘ Lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại.’ Máu những người mà các người đã hút, là tiếng kêu lên Chúa, là tiếng kêu đòi công lý. Ngày nay, bóc lột thật sự là một dạng nô lệ. Chúng ta cứ nghĩ là đã không còn nô lệ, nhưng nó vẫn còn đó. Sự thật là người ta không đến châu Phi để bắt nô lệ bán qua châu Mỹ. Không, nhưng nạn nô lệ đang xảy ra trong thành phố chúng ta. Và có những kẻ buôn bán nô lệ, những người đối xử với nhân công không chút công bằng.

Ngày hôm qua, trong buổi tiếp kiến chung, chúng ta đã suy niệm về người giàu ham ăn uống và ông Lazarô. Nhưng người giàu chìm trong thế giới của mình, ông ta không nhận ra bên thềm cửa nhà mình có người đang chết đói. Mà tệ hơn nữa. It ra, người giàu đó để người khác chết đói, vì ông ta không nhận ra. Mà tệ hơn nữa. Khi tôi biết những người chết đói này làm việc để sinh lợi cho riêng tôi. Tôi sống trên máu của người khác. Mà đây là tội trọng. Mà đây là tội chết. Và để hoán cải khỏi tội này, cần phải đền tội, cần phải hoàn lại rất nhiều.

Có câu chuyện về cái chết của một người keo kiệt. Người ta đùa với nhau: ‘Tang lễ hỏng hết rồi. Họ không thể đóng được nắp quan tài, bởi ông ta muốn đem tất cả theo với mình, dù chẳng được.’ Thế nên, chẳng ai đem được giàu có theo mình.

Chúng ta phải thấy tấn kịch thời nay: là bóc lột con người, hút máu những người bị biến thành nô lệ, buôn bán con người, không phải chỉ đối với những cô gái mại dâm hay lao động trẻ em, nhưng là hút máu theo kiểu mà chúng ta gọi là ‘văn minh.’ ‘Tôi sẽ trả chừng này, không có kỳ nghỉ, không có chăm sóc sức khỏe, không có ….trả lương không có chứng từ … Nhưng tôi sẽ được giàu có!’ Thế đó.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta hiểu được sự đơn sơ mà Chúa Giêsu nói với chúng ta ngày hôm nay: một ly nước vì Chúa Kitô còn lớn lao hơn mọi sự giàu có nhờ bóc lột mà ra.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng