Đức Phanxicô nói về chuyến đi Lesbos: “Chuyến đi này quá mạnh đối với tôi”

277

Radio Vatican, 2016-04-16

Chiều thứ bảy 6 tháng 4-2016, Đức Phanxicô đón các gia đình tị nạn đến đất Âu Châu.
Chiều thứ bảy 6 tháng 4-2016, Đức Phanxicô đón các gia đình tị nạn đến đất Âu Châu.

Thêm một lần nữa, theo truyền thống sau mỗi chuyến đi, Đức Phanxicô có buổi họp báo với các ký giả cùng đi trên chuyến bay về Rôma với mình. Ngài cho biết: “Chuyến đi này quá ngắn và quá mạnh,” ngài thố lộ và xúc động thấy rõ, ngài nhắc đây là chuyến đi nhân đạo “buồn và cảm động”.

Đức Phanxicô đi để tỏ lòng đoàn kết của mình với người di dân, để nói với Âu Châu về nhân phẩm, về lòng trắc ẩn, tình đoàn kết, sự tiếp nhận, ngài không nhắc đến thỏa hiệp gây tranh cãi được ký giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18 tháng 3 vừa qua, theo đó sẽ trục xuất những người di dân đến Hy Lạp bất hợp lệ, họ phải về lại Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi không có toan tính chính trị, tôi không biết thỏa hiệp này, tôi thấy trên nó nhiều báo chí”, ngài cho biết.

Được hỏi về tôn giáo của ba gia đình được đón nhận ở Vatican, Đức Phanxicô cam đoan “không chọn người hồi giáo hoặc kitô giáo”. Đơn giản những người được chọn vì giấy tờ của họ hợp lệ, các gia đình kitô giáo khác cũng là ứng viên nhưng giấy tờ của họ chưa sẵn sàng. “Không phải là chuyện ưu tiên, tất cả những người này đều là con Chúa  (…). Các gia đình sẽ được tiếp nhận ở Vatican với sự cộng tác của Cộng đoàn Sant’ Egidio”; các chính quyền Ý và Hy Lạp đều được báo và họ cộng tác vào tiến trình này. Đã có hai gia đình tị nạn Irak được hai giáo xứ Vatican đón nhận. Đức Phanxicô giải thích, hành vi nhân đạo này do một cộng tác viên của ngài đưa ra cách đây một tuần: “Tôi đồng ý ngay lập tức và tôi hiểu ý kiến này đến từ Thần Khí”.

Âu Châu phải tìm lại khả năng hội nhập của mình

Sau đó Đức Phanxicô nói nhiều về tầm quan trọng của hội nhập, “ một chữ hầu như đã bị lãng quên trong văn hóa hiện nay”, ngài lấy làm tiếc, ngài nhắc lại chữ “ghettos” vẫn còn được dùng. “Một vài người đi khủng bố là con cái, cháu chắt của người dân ở Âu Châu. Chuyện gì đã xảy ra với họ? Vì đã không có đường lối hội nhập (…). Âu Châu phải tìm lại khả năng hội nhập mà mình luôn có (…). Tôi nghĩ chúng ta cần giảng dạy và giáo dục về hội nhập”, Đức Giáo hoàng biện hộ cho vấn đề này.

Trả lời câu hỏi, liệu việc củng cố biên giới ở Âu Châu là dấu hiệu chấm dứt giấc mơ Âu Châu hay không, Đức Phanxicô cho biết ngài “thông cảm và hiểu các chính quyền và dân chúng có một nỗi sợ nào đó”, và ngài nhắc lại, điều quan trọng là phải có một “trách nhiệm lớn trong việc tiếp nhận”. “Tôi luôn nghĩ xây tường không phải là giải pháp. Chúng ta phải xây cầu, nhưng xây một cách khéo léo, xây bằng đối thoại và hội nhập”. Theo Đức Phanxicô, đóng cửa biên giới không giải quyết được gì, và về lâu về dài lại có hại cho chính dân tộc mình. Như thế, Âu Châu phải lên chương trình ngay về đường lối “tiếp nhận, hội nhập, công ăn việc làm, tăng trưởng và cải cách nền kinh tế. Tất cả những việc này sẽ là những chiếc cầu, chứ không phải những bức tường”.

Đức Phanxicô và bức tranh trẻ em ở trại tị nạn Moria vẽ cho ngài : Xin giúp chúng tôi.
Đức Phanxicô và bức tranh trẻ em ở trại tị nạn Moria vẽ cho ngài : Xin giúp chúng tôi.

Đâu là giá trị của chuyến đi chớp nhoáng này?

Ngài đưa ra các bức tranh của trẻ em trong trại tị nạn Moria vẽ cho mình, những bức tranh vừa lo lắng vừa hy vọng-, Đức Phanxicô khẳng định: “Trẻ em muốn hòa bình vì chúng đau khổ (…) Bức tranh này vẽ mặt trời khóc, mặt trời cũng biết khóc… Và khóc làm chúng ta nhẹ lòng”.

“Nhưng Âu Châu có thể đón nhận tất cả mọi khốn cùng của nhân loại?” một nữ ký giả hỏi ngài. “Có những người trốn chiến tranh, có những người trốn nạn đói”, họ là nạn nhân của các vụ khai thác đất đai, các vụ buôn bán vũ khí. “Tôi khuyên những người buôn bán vũ khí nên đến trại tị nạn Moria một ngày để xem. Tôi nghĩ sẽ tốt cho họ”.

Được hỏi về giá trị chuyến đi chớp nhoáng của mình, Đức Phanxicô trích một câu của Mẹ Têrêxa: “Bao nhiêu là cố gắng, bao nhiêu là việc làm chỉ để giúp những người sắp chết ư? Đây chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng sau giọt nước này, đại dương sẽ không còn như cũ. Đây là một hành vi nhỏ, nhưng chính những hành vi nhỏ này mà chúng ta tất cả phải đưa bàn tay ra cho người đang cần”.

Về Tông huấn Niềm vui Yêu thương: Vấn đề người ly dị và tái hôn không phải là vấn đề quan trọng nhất

Về Tông huấn Niềm vui Yêu thương vừa công bố ngày 8 tháng 4 vừa qua, liệu có một thay đổi nào về người ly dị và tái hôn không? Đức Phanxicô trả lời: “Tôi có thể nói có, nhưng đó là một câu trả lời quá ngắn, tôi khuyên quý vị nên đọc bản tường trình của Đức Hồng y Schưnborn, ngài là một nhà thần học lớn và quý vị sẽ tìm được câu trả lời ở đây”. Nhưng Đức Giáo hoàng cũng lấy làm tiếc là giới truyền thông đã chú ý quá nhiều đến vấn đề này. “Điều này làm cho tôi buồn vì giới truyền thông nghĩ đây là vấn đề quan trọng nhất, họ không nhận ra đây không phải là vấn đề quan trọng nhất, họ không thấy gia đình bị khủng hoảng ở khắp nơi, mà gia đình là nền tảng của xã hội, họ không nhận ra người trẻ bây giờ không muốn lập gia đình, họ không nhận ra sinh suất ở Âu Châu giảm, thiếu việc làm, cha mẹ phải làm nhiều việc để con cái lớn lên một mình, chúng không còn được học hỏi để lớn lên với cha mẹ”.

Bernie Sanders

Cuối cùng Đức Phanxicô cho biết, khi rời Nhà Thánh Mácta sáng nay, ngài đã gặp và chào ông Bernie Sanders. Thượng nghị sĩ Đảng dân chủ Mỹ, ứng viên trong cuộc bầu cử sơ bộ Tổng thống Mỹ, đến Vatican để tham dự buổi hội thảo do Giáo hoàng Học viện Khoa học tổ chức nhân ngày kỷ niệm 25 năm thông điệp Centesimus Annus của Đức Gioan-Phaolô II. “Ông biết tôi sẽ đi ra khỏi nhà vào giờ này, ông có nhã ý đến chào tôi”. Và Đức Giáo hoàng cho biết đây chỉ là vấn đề lịch sự chứ không phải là một hành vi chính trị. “Nếu ai nghĩ chào là dính tới chính trị thì tôi khuyên người đó nên đi gặp bác sĩ tâm thần!”, ngài nói, không phải là không đùa.

Marta An Nguyễn chuyển dịch