Fabrice Hadjadj: “Huyền nhiệm của Sống Lại biến bi kịch thành cứu rỗi”
lefigaro.fr, Marie-Laetitia Bonavita, 2016-03-25
Nhân dịp lễ Phục Sinh, văn sĩ triết gia Fabrice Hadjadj có bài nói về mầu nhiệm cứu rỗi vừa sâu xa vừa nhẹ nhàng.
Le Figaro: Xuất thân từ một gia đình Do Thái và vô thần, làm thế nào ông lại trở thành người công giáo?
Fabrice Hadjadj: Chắc chắn, thì tôi lại trở thành người vô thần hơn và do thái hơn. Một cách trung thực, tôi đã cố gắng là người vô thần, nhưng tôi nhận ra nếu vứt bỏ Chúa tôi sẽ ngốc, vì tôi sẽ chế ra một ngẫu tượng nhỏ tí theo kiểu của tôi, chẳng hạn: ngẫu tượng sẽ là tiền bạc, khoái lạc, danh dự và ngay cả nhận định riêng của tôi. Chủ nghĩa vô thần đã giúp tôi vứt bỏ các loại thần thiêng tự dựng, để đón nhận Chúa, Đấng làm cho chúng ta siêu việt. Và rồi, khi tôi cầu nguyện cho cha tôi đang lâm bệnh, bỗng tôi ngộ ra: một cách thình lình, tôi thấy chắc chắn Chúa đã là người thợ mộc do thái – điều này nghe khá chướng tai, nhưng phải nhận biết điều này, đặc biệt là ngày nay khi người ta đang trở về một loại bài do thái nào đó và dấy lên một cơn sốt kỹ thuật, đẩy chúng ta không còn tin vào người thợ mộc nhưng tin vào siêu Internet. Vậy mà đó chính là huyền nhiệm kitô giáo.
Tất cả chủ đề quyển sách của ông là để nhấn mạnh sự Sống Lại, một sự Sống Lại lấy gốc rễ trong đời sống hàng ngày. Không dễ phải không?
Ngay khi con người hình dung một bản thể sống lại trong vinh quang, thì bản thể này được xem như một siêu-siêu nhân làm những chuyện phi thường. Người này xuống địa ngục và khi họ trở lại, họ không mang lại cho chúng ta một lời nói nào ở phía bên kia, một bí truyền, một tiếng nói, một ánh sáng chưa từng có trước đây sao? Vậy mà Chúa Giêsu khi hiện ra với các môn đệ, Ngài nói: “Bình an ở với các con,” có nghĩa là một lời chào. Rồi ngài ăn với họ, bình giải Sách Thánh cho họ, như bất cứ một giáo sĩ nào hay như bất cứ một người phiêu lưu nào, sau chuyến đi họ về kể cho chúng ta nghe chuyến phiêu lưu mình vừa trải qua. Bộ dáng bên ngoài của Chúa đôi khi giống bộ dáng bên ngoài của người đầu tiên được thấy: bà Maria-Mađalêna tưởng Chúa là người làm vườn, lại còn nghi ngờ người này đã ăn cắp xác của Chúa; các người trên đường Êmau thì xem Chúa như người bàng quan, không biết chuyện gì đang xảy ra ở Giêrusalem. Tại sao vậy? Vì Chúa vừa thật sự cứu tạo vật của mình trong cái gọi là nhân bản nhất của nó. Và vì đời sống hàng ngày là tuyệt tác của Ngài, một cái gì mà chưa ai làm trước Ngài, đến mức mà Ngài đã tạo dựng ra vũ trụ để chưng nó ra trước mặt trời và các ngôi sao.
“Sự hiện hữu của Chúa là một cái gì kiểu như điều kiện khả thể để hoài nghi, thậm chí còn chữa lành cho chủ nghĩa vô thần”
Fabrice Hadjadj
Thức ăn trần thế có một chỗ quan trọng trong các Phúc Âm (bàn thánh, Chúa Giêsu làm phép lạ bánh và cá). Cái bụng là thần thiêng ở điểm nào?
Ăn cái gì để Chúa Giêsu biến đổi sau khi Ngài sống lại? Một cách tự nhiên, đó là biến đổi một cái gì nơi chính mình, qua một việc bình thường, nhưng lại như một phép lạ: khi Léa Seydoux ăn gà thì con gà biến thành cô gái James Bond! Nhưng điều này đánh dấu sự lệ thuộc của chúng ta về mặt môi sinh đối với thức ăn, và như thế đối với cả toàn vũ trụ, vì, để nhận các thức ăn này, thì phải có mặt trời, mưa gió, mùa màng, ong ve, nông nghiệp (vì chính nông nghiệp là nền tảng của kinh tế, chứ không phải hệ thống tài chánh cao cấp hay kỹ thuật số). Cuối cùng, khi bạn mời “vào bàn!”, thì chuyện này không dính gì hết với thứ trật ý thức hệ hay liên thế hệ: các người trẻ người già, người thông minh người đơn sơ, con người và súc vật (con chó nhỏ của người phụ nữ thành Cana), Chúa ở nơi con người (ba người được gởi đến tổ phụ Abraham) và những người phản bội (Giuđa dùng trong bữa tiệc của Đấng Thiên sai), tất cả đến và mang muối đến dù có các khác biệt, các tranh chấp của họ. Ngôi Lời đã kết hợp với cái bụng vì chính đó là nơi mang công giáo tính một cách sâu đậm.
Thánh tông đồ Tôma nghi ngờ sự sống lại của nhiệm thể Chúa Kitô. Tại sao ông nói: “Nếu bạn nghi, bạn hãy nghi đến cùng: rằng nghi ngờ của bạn sẽ là một lòng tin tốt”?
Bởi vì tôi có đầu óc các-tê-siên rành rọt. Các con vật, chúng nó không nghi ngờ. Giống như triết gia Pháp Descartes đã chứng minh một cách tài tình, nếu chúng ta nghi ngờ tất cả, ngay cả nghi ngờ đến chính mình, là vì chúng ta đã có trong đầu một ý tưởng của Vô Tận. Đó là vì sao dù có cái gì đập trước mắt thì nó có thể mang một khoảng cách: một cái gì vẫn còn là hữu hạn, chưa phải là Chúa. Sự hiện hữu của Chúa là một cái gì kiểu như điều kiện khả thể để hoài nghi, thậm chí còn chữa lành cho chủ nghĩa vô thần. Nhưng Thiên Chúa vô tận, vừa mới mở lòng ra với Chúa thì Ngài trả chúng ta lại về cái hữu hạn, giống như tạo vật yêu quý của Ngài… Để tin cho được, Thánh Tôma không những đòi thấy mà còn đòi lấy tay sờ vào các vết thương của người Sống Lại. Ông đòi hỏi một loại phép lạ ngược lại. Trong một phép lạ bình thường, các vết thương sẽ biến mất. Với Người Sống Lại, các vết thương vẫn còn đó, mãi mãi. Và đó là điều Thánh Tôma hy vọng, vì ông vứt loại vinh quang phân biệt vật chất tinh thần, không xem các thảm kịch của lịch sử là nghiêm trọng, làm như sự khủng khiếp không xảy ra.
“Ai mơ một con người mạnh hay người phục tùng thì về bản chất là bất lực: họ không biết kinh ngạc thán phục trước người đến đầu tiên”
Fabrice Hadjadj
Làm gì khi đối diện với cái mà ông tố cáo như hai sự bài-truyền tin (contre-annonciation) ngày nay: chủ nghĩa chuộng kỹ thuật và chủ nghĩa hồi giáo?
Một mặt, quả thật, có một loại chủ nghĩa chuộng kỹ thuật, nó đưa ra một bản sao nhại đi nhại lại của Con Người Mới: thay vì ngôi Lời mặc xác phàm, thì xác phàm mặc bít (bit, đơn vị thông tin chỉ có hai số trị khác biệt là 0 và 1)… Mặt kia là chủ nghĩa hồi giáo, không phải là thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ, và cũng không phải để tôn vinh bản thể con người, nhưng để đặt bản thể con người dưới sự phục tùng của một Luật rũ bỏ trách nhiệm (mà trong đó là bộ đôi của thảo chương và tính toán hoàn toàn). Trong cả hai trường hợp, người ta từ chối thân phận con người trong hoàn cảnh bi thảm của nó, trong sự sinh ra, trong thịt da và trong tự do của nó. Nhưng làm sao có thể cự được với sự từ chối của một thiên đàng tự động hay tự động hóa này? Tiện nghi vật chất và tiện nghi tinh thần rất cám dỗ. Để không sa vào chước cám dỗ này, để đành chịu ở trong thân phận con người thì càng phải tin hơn nữa vào Chúa đã mặc xác phàm nơi người thợ mộc do thái bị giết chết năm 33 tuổi này. Vì khi đó người ta tin chắc, dù với tất cả hoài nghi của mình, rằng để có một cuộc sống thiêng liêng thì không cần phải chờ những vật dụng mới lạ nhất của sự phát triển không giới hạn, cũng không chờ ở thể chế luật lệ hồi giáo. Vả lại, ai mơ một con người mạnh hay người phục tùng thì về bản chất là bất lực: họ không biết kinh ngạc thán phục trước người đến đầu tiên.
Thiên đàng sẽ tại thế nếu mỗi người đều tin vào sự Sống Lại?
Chắc chắn là không. Đức tin không có gì là một giải pháp kỹ thuật hay một giải pháp dứt khoát. Sẽ vẫn còn thảm kịch, sẽ vẫn còn đau nhưng đó là “thuộc tính của con người”, để có thể nói, theo “như cũ”, thời người ta còn cắt sống cổ và chẳng áy náy lương tâm gì… Ngày nay, những việc làm khủng khiếp nhất, những chế độ độc tài nhất, những chuyện tàn phá nhất phạm được là vì chúng ta nỗ lực để bình thường hóa mọi chuyện và muốn dứt khoát đi ra khỏi thảm kịch. Và như bạn biết đó, muốn dứt khoát đi ra khỏi hoàn cảnh này thì phải không còn đàn bà, không còn trẻ con. Huyền nhiệm của sự Sống Lại không có ý định loại bỏ thảm kịch, nhưng hoàn thiện nó, biến đổi nó thành cứu rỗi, khám phá ơn ban dưới cái thông thường và thay đổi cái mất mát bằng của lễ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Fabrice Hadjadj: Minh triết của bác ái, một linh đạo nhập thể