Vatican Insider – Francesco Peloso – 17/11/2015
Trong gần 30 năm qua, kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, vẽ lại bản đồ thế giới, Tòa Thánh là tổ chức toàn cầu duy nhất, phản đối một cách kiên quyết và rõ ràng với cái gọi là sự va chạm giữa các nền văn minh. Nhiều người ở phương Tây và Trung Đông, thấy sự va chạm giữa các nền văn minh trong các vấn đề lợi ích kinh tế, lãnh thổ và chính trị.
Huấn quyền của 3 giáo hoàng, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI, và Phanxicô, đã cố gắng ngăn chặn sự lây lan của xung đột, và trên tất cả là sự lây lan của bất tín, hận thù, chia rẽ, giữa các dân tộc và tôn giáo, cũng như chặn đứng sự va chạm về văn hóa. Đây là lý do vì sao trong các thập niên gần đây, Giáo hội Công giáo La Mã và Quảng trường thánh Phêrô, đã trở thành biểu tượng của lý lẽ, là chiến binh của đối thoại ngay cả khi mọi chuyện dường như đã thất bại, là một điểm quy chiếu cho những người có đức tin lẫn không có đức tin, những người không chấp nhận quy phục bạo lực.
Tòa Thánh và đối thoại với các tôn giáo khác
Thánh Gioan Phaolô II đã thấy các mối nguy mà ngài phải đương đầu, và đây là lý do vì sao ngài thúc đẩy các cuộc gặp gỡ liên tôn giáo ở Assisi, và một sự đối thoại với những người dù rất khác biệt.
‘Không được giết người nhân danh Thiên Chúa.’ Cả ba giáo hoàng đều lặp lại lời này. Còn trong buổi kinh Truyền tin 15-11, Đức Phanxicô đã nói, ‘Dùng danh Thiên Chúa để biện minh cho bạo lực, là phạm thượng.’
Nỗ lực để giữ đối thoại giữa các truyền thống tôn giáo lớn, các chuyến viếng thăm Jerusalem, Istanbul, Li Băng, và Jordan, các buổi gặp gỡ đại kết và các hội nghị với những giới chức tôn giáo khác, bao gồm cả các lãnh đạo Do Thái giáo và Hồi giáo đại diện cho nhiều phái Hồi giáo khác nhau, một cách tiếp cận ngoại giao ân cần giữ vững quan hệ với Teheran, Matxcơva, Washington và Riyadh, đây chỉ là một số cách mà Tòa Thánh đã vận dụng trong những năm tháng phức tạp qua.
Những lời của thánh Gioan Phaolô II khi thế giới đang hụt hẫng trước cuộc chiến tranh Irắc năm 2003, với những hệ quả vẫn còn day dứt, vẫn còn ghi trong tâm trí nhiều người. Ngài nói rằng, ‘các bạn sẽ trả lời với Thiên Chúa và lịch sử.’ Rồi thời khắc Đức Bênêđictô XVI cầu nguyện ở đền thờ Xanh tại Istanbul, khiến cả thế giới kinh ngạc.
Một cách tiếp cận ngôn sứ và chắc chắn cũng đầy tính chính trị và ngoại giao, bắt rễ từ Công đồng Vatican II, trong các văn kiện như Nostra Aetate, trong đó Giáo hội bày tỏ sự cởi mở đối thoại và trao đổi với các đức tin khác, kết hợp chọn lựa này với việc đọc các dấu chỉ của thời đại, khi mà chủ nghĩa hiện đại thời thập niên 1960 đã mang tính toàn cầu và không thể nào làm ngơ được nữa.
Trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng 2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về sự cần thiết phải đi vào đối thoại với Hồi giáo, ngài nhấn mạnh nhu cầu cần phải có tự do tôn giáo ở các nước Hồi giáo, và nêu bật các gốc rễ chung của hai tôn giáo. ‘Đối mặt với những hỗn loạn của chủ nghĩa chính thống cực đoan bạo lực, sự tôn trọng mà chúng ta dành cho các tín hữu Hồi giáo, phải dẫn chúng ta tránh được việc thù hận vơ đũa cả nắm, bởi Hồi giáo đích thực và kinh Koran thì phản đối mọi dạng bạo lực.’
Nhưng, ngay lúc này, mối nguy rõ ràng là, thù hận, nản lòng và sợ hãi đã dẫn đến sự loại trừ tha nhân, ngay cả ở châu Âu, nơi hàng triệu người Hồi giáo đã sống hòa bình suốt nhiều năm qua. Các bức tường không phải là giải pháp, chính Đức Phanxicô đã xác nhận điều này trong buổi viếng thăm nhà thờ của phái Luther tại Roma. Thật vậy, nếu các bức tường dựng lên trong thành phố chúng ta, thì sự chung sống hòa hợp, hòa bình và tự do sẽ bị lâm nguy.
Hồi giáo cải cách bị bỏ mặc
Thời này, người ta chắn cảm nhận được một Hồi giáo ít cải cách. Tiếng nói của Hồi giáo bị dìm đi trong máu me.
Nhưng, các động thái chung của lời cầu nguyện khởi xướng từ các cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu cho các nạn nhân của những vụ tấn công ở Paris và lên tiếng chống lại bạo lực khủng bố, đang ngày một cao trong những ngày này, và có lẽ là hơn bao giờ hết. Nhiều người Hồi giáo tham dự các buổi chung lòng trên đường phố và quảng trường tại những thành phố châu Âu.
Lịch sử 25 năm qua, đã ghi dấu những xung đột tôn giáo với những hệ quả mang tính toàn cầu, khi yếu tố tôn giáo thường là yếu tố chính, có khi là gián tiếp, nhưng luôn luôn nổi bật. Xung đột, chiến tranh và đau khổ giữa con người với nhau, trước hết và trên hết, dẫn đến việc loại trừ và giết hại các lãnh đạo tôn giáo mang tính cải cách ở các nước Hồi giáo.
Lịch sử gần đây đã ghi dấu một loạt các cuộc chiến tranh không dứt. Năm 1990-1991, chiến tranh vùng Vịnh nổ ra (mở đầu là do Irắc của Saddam Hussein tấn công Kuwait,) đây là những năm mà Washington đang nghĩ đến một trật tự thế giới mới, rồi sau đó là các cuộc chiến tranh ở Balkan từ 1991-1995, liên lụy dến Serbia, Bosnia, Kosovo, Croatia và Macedonia. Rồi còn chiến tranh Chechen, với hai giai đoạn, 1994-1996, và 1999-2009. Chechnya mất độc lập vào tay Putin. Năm 2001, thế giới chứng kiến vụ tấn công 11-9. Và rồi là cuộc xâm chiếm Afghanistan vào năm 2002, và sau đó là chiến dịch tấn công Irắc đầy tai tiếng vào năm 2003. Baghdad và chế độ Saddam Hussein sụp đổ, nhưng cuộc nội chiến thì chỉ mới bắt đầu.
Chủ nghĩa khủng bố đến châu Âu
Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đánh vào châu Âu, ngày 11-3-2004, khi trạm xe lửa Atocha ở Madrid bị tấn công, khiến 191 người thiệt mạng và hơn 2000 người bị thương. Năm 2005, là đánh bom trạm xe điện ngầm Luân Đôn, 54 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Các vụ đánh bom ở châu Á và châu Phi, vào các tòa nhà hay đại sứ quán, và những chiếc xe bom ở Irắc, đã cướp đi sinh mạng hàng ngàn người. Rồi, giữa năm 2010 đến 201, các cuộc nổi dậy ‘mùa xuân Ả Rập’ lan khắp Trung Đông, đầu tiên là các cuộc nổi loạn trên đường phố, hầu như toàn bộ Trung Đông đều đòi tự do, nhân quyền, bình đẳng xã hội và sự tách biệt giữa tôn giáo và dân sự. Nhưng, các luồng bảo thủ Hồi giáo tiêm nhiễm vào các phong trào này, với mục tiêu biến đổi ý nghĩa của phong trào, và thống trị những người nổi dậy.
Cuộc chiến giữa những kẻ chuyên quyền, độc tài, và chủ nghĩa chính thống cực đoan, khiến cho xã hội dân sự và Hồi giáo hiện đại bị phá hoại, các lãnh đạo của Tahrir Square ở Cairo, bị bắt giam hay bị buộc phải trốn chạy. Syria cũng không ngoại lệ, từ cuộc nổi dậy chống lại chính thể độc đảng của Bashar al-Assad, bị biến thành một cuộc nội chiến đẫm máu. Cuộc chiến này dẫn đến nảy sinh Nhà nước Hồi giáo đầy bạo lực và đàn áp, thu hút các chiến binh cực đoan từ khắp thế giới.
Trong khi đó, Libya của Gaddafi thì tan rã, phần nào là do sự can thiệp quân sự của Pháp và Hoa Kỳ. Li Băng rơi vào khủng hoảng khi nhóm quân sự Hồi giáo Shia lên nắm quyền. Hàng triệu người tị nạn Syria phân tán khắp Trung Đông, dân thường thiệt mạng vì bom đạn, và cuối cùng châu Âu cũng can thiệp. Tháng 1-2015, văn phòng tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công, và hôm 13-11, nhiều vụ tấn công nổ ra ở Paris.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan có phần trong hầu hết các sự kiện nêu trên, và nó còn hòa chung với chủ nghĩa dân tộc và các lợi ích kinh tế và lãnh thổ. Thông điệp của giáo hội có lẽ là một trong ít nguồn sáng cho một thế giới đang tan rã, với những việc bách hại tôn giáo, sắc tộc, và chính trị đang trở thành chuyện thường ngày. Ngày nay, các nguyên tắc Kitô giáo xuất phát từ Công đồng có lẽ là một trong những nguồn lực văn hóa, nhân văn ít ỏi, hành động ngăn không cho nền văn minh nhân loại bị sụp đổ.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch