Học nhận?

212

Từng Bước Một, 25-6-2015

Năm nay chúng tôi lên đường với một mục đích rõ rệt: ra đi để xem Giáo hội “nghèo cho người nghèo”. Nhưng chúng tôi cũng mở lòng mình ra để đi trong một tinh thần nghèo khó, phó thác vào Chúa quan phòng. Một năm sau, đâu là bản kết toán “đi Từng Bước Một” mà chúng tôi đã dự trù?

Học nhậnĐể nhắc lại, chúng tôi đã quyết định sống với 3 ơrô mỗi ngày khi ở ngoài chương trình sứ vụ, sẽ không trả đồng nào cho tiền mướn phòng, chỉ xin trọ hay ngủ lều, phương tiện di chuyển là xin đi quá giang. Ngoài việc tiết kiệm, tinh thần nghèo khó này là để phù với ước vọng tận căn trong năm nay, cắt đứt với lối sống quen thuộc ở Pháp, một lối sống luôn lên kế hoạch chi tiết làm việc cả ngày lẫn đêm!

Mới đầu thì có vẻ dễ: để đàng sau lưng điện thoại di động, áo quần thành thị, lên đường với balô sau lưng, hai chiếc áo thay đổi, chúng tôi cảm thấy như mình đã thoát ra khỏi cảnh sống nô lệ hàng ngày. Cảm thấy mình tự do. Nhưng dần dần theo ngày, theo tuần, theo tháng của chuyến đi, tự do này có vẻ như càng ngày càng trả giá khá đắt. Không đơn giản để sống tự do như vậy! Không những vì chế độ ăn uống khô khan (buổi sáng bánh mì kẹp dăm bông dở ẹt, buổi trưa cơm không muối) và đêm ngủ lều thì không thơ mộng cũng không ngon giấc. Nhưng còn một chuyện khác mà chúng tôi ít nghĩ đến, là lúc nào chúng tôi cũng tùy thuộc vào một người khác. Sống khó nghèo là từ bỏ hoàn toàn sự tự lập và chấp nhận chuyện đi xin! Để ăn một miếng thịt, ngủ trên một cái giường, tắm được nước nóng thì thường chúng tôi phải xin lòng tương trợ, lòng quảng đại của những người hoàn toàn mình không quen biết. Điều này thì khá mới đối với tôi.

Tôi luôn được dạy phải cho một cách nhưng không: thì giờ của mình, sức lực của mình, phải tương trợ với những người không được may mắn như mình… Tôi luôn được dạy phải tìm một động lực để phát huy và phải làm điều này. Nhưng năm nay tôi học nhiều nhất là phải xin và nhận một cách nhưng không. Và điều này thì khó chứ không phải dễ như tôi nghĩ. Mới đầu thì cảm thấy khó chịu, mình không muốn làm phiền người khác, không hiểu tại sao người khác lại phải giúp mình, tự nghĩ nếu ở địa vị họ, mình cũng sẽ không giúp. Mới ngày hôm qua, chúng tôi còn xin đi quá giang khi có chiếc xe bằng lòng chở chúng tôi. Hussein và Ibrahim đề nghị chúng tôi theo họ vào tiệm ăn, nơi họ dự trù ngừng lại, họ mời chúng tôi ăn một bữa ăn thịnh soạn, một bữa ăn đã lâu chúng tôi chưa được ăn. Tất cả chỉ vì họ muốn mừng chúng tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cảm thấy khó nhận lời: nhân danh gì họ cho chúng tôi bữa ăn này? Tôi chỉ mới biết họ, tôi đâu đã làm gì cho họ? Tôi sẽ chịu ơn họ? Ngắn gọn, trong những trường hợp như vậy, mình phịa ra đủ lý do để không nhận lời, để ở trong tình trạng tự lập bấp bênh, để biện minh rằng mình không cần người khác.

Đôi khi cũng phải ép mình như lần chúng tôi đập cửa nhà các nữ tu Dòng Clara Nadarét lúc 7h30 tối, không báo trước, cũng không biết họ có chỗ cho mình không. Cuối cùng thì các xơ tiếp chúng tôi như vua (các xơ nói “như Chúa Kitô”), các xơ mang thức ăn đến cho chúng tôi mà không chờ chúng tôi xin. Cũng phải ép mình để nuốt tính kiêu ngạo, để đập cửa, để xin chỗ trú ngụ. “Tính kiêu ngạo của mình”, và đúng là như thế, chứ không phải chỉ là xin chỗ để trú. Chính tính kiêu ngạo nói với tôi rằng tôi tự lo cho mình được, tôi không cần người khác. Tính kiêu ngạo của người giàu nghĩ rằng của cải của mình là đủ để cho mình hạnh phúc. Kiêu ngạo của người uyên bác nghĩ rằng mình cực mạnh. Cũng tính kiêu ngạo này đôi khi nói rằng chúng ta không cần Chúa, chúng ta không có gì để nhận từ Ngài hoặc chúng ta chẳng xứng đáng để nhận.

Năm tới tôi sẽ trả tiền phòng, sẽ di chuyển bằng xe lửa, sẽ dùng hơn 3 ơrô mỗi ngày. Nhưng tôi hy vọng tôi sẽ giữ cốt lõi của tinh thần này. Có lòng khiêm tốn và đơn sơ để nhận những gì người khác cho mình, biết rằng một mình mình, mình chẳng là gì, nhưng với họ và với Chúa, tất cả mọi khó nghèo, mọi yếu đuối, mọi mâu thuẫn của tôi sẽ thắng.

Geoffroy

Marta An Nguyễn chuyển dịch