Tu sĩ và “nhà phẫu thuật giỏi nhất Bénin”

662

Nhóm Từng Bước Một, 13-4-2015

 Tu sĩ và “nhà phẫu thuật giỏi nhất Bénin”

Lâu nay tôi vẫn nghĩ các tu sĩ là những người ở ẩn trong tu viện, cuộc sống của họ thu gọn vào cầu nguyện và làm các sản phẩm tiểu thủ công nghệ, làm phô mai, chế mật ong. Nhưng từ bảy tháng nay, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước nét đa dạng của các cộng đồng tu sĩ mà chúng tôi gặp: các tu sĩ Dòng Phanxicô, Dòng Tên, Dòng Biển Đức, các nữ tu Dòng Chúa Chiên Lành, Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm de Ouagadougou, các sư huynh Dòng Gioan Thánh Giá… Tất cả nam nữ tu sĩ này đều khấn đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Họ phục vụ cho một mục đích duy nhất, chỉ một mục đích mà thôi nhưng qua nhiều cách hoàn toàn khác nhau!

Điều gây ấn tượng cho chúng tôi ở bệnh viện Tanguiéta, đó là tính nghề nghiệp rất cao khi họ thực thi đức ái với các bệnh nhân. Trong 50 năm, các sư huynh trong ngành y tế không những đã xây lên một trạm xá như bao nhiêu các trạm xá khác trong vùng, ở các trạm xá này chỉ săn sóc những chuyện cơ bản nhất. Còn ở đây, các sư huynh đã xây trạm xá như một bệnh viện thật, với hai phòng mổ, rất nhiều ban ngành (khoa nhi, khoa trẻ em sơ sinh, phụ khoa, y khoa tổng quát, các phòng thí nghiệm…)

Không có tình yêu nào mà không biến đổi qua phục vụ, các sư huynh đã hiểu rõ điều này. Ý nghĩa sâu đậm về ơn gọi của họ được thực hiện nơi những người dân nghèo nhất miền Tây Phi Châu này. Và điều này dứt khoát không phải là sự phục vụ bình thường! Khi sư huynh Florent đến Tanguiéta vào đầu những năm 80, thầy là y tá và thầy biết mình có thể làm nhiều hơn thế, thầy xin về lại Ý để học tiếp lên bác sĩ cho đến khi thành bác sĩ giải phẫu! Suốt đời thầy, thầy  không ngừng tìm cách để phát triển bệnh viện Tanguiéta và cải thiện các săn sóc ở đây. Thầy mời các chuyên gia lớn ở Âu Châu đến đào tạo các bác sĩ người Bénin và thầy đã thành lập một mạng lưới các bác sĩ, các phòng thí nghiệm dược khoa và các ân nhân chung quanh giấc mơ của mình: săn sóc càng ngày càng nhiều người bệnh và càng tốt hơn.

Kết quả thật ấn tượng. Chính quyền Bénin vừa phong bệnh viện của thầy là “bệnh viện của vùng”, làm cho bệnh viện này thành bệnh viện chuẩn  của vùng Bắc Bénin, đoạt vị trí các bệnh viện khác của chính quyền. Những việc chính quyền không làm được, các sư huynh làm được.

Dĩ nhiên bệnh viện này không ở tầm vóc các bệnh viện ở Âu Châu: phần lớn các bệnh ung thư chưa chữa được, chưa có ghép cơ quan, chưa có máy phân hình, chưa có IRM. Nhưng không vì thế mà bệnh viện của các sư huynh không văn minh, nơi đây có những săn sóc tốt nhất, và người dân các nơi chịu khó đi hàng trăm cây số để đến khám ở Tanguiéta. Sự đào tạo y khoa của các sư huynh điều khiển bệnh viện rất nghiêm túc, nghiêm túc cũng như đào tạo về mặt trí thức và thiêng liêng. Tất cả họ đều được đào tạo chuyên sâu và được quốc gia công nhận. Ông Jean Vannier, sáng lập gia Tổ chức Arche thường hay nói: “Khi một người bị đau răng, không thể chữa răng bằng câu nói “Chúa Giêsu yêu bạn” nhưng phải đem họ đi nha sĩ”. Cách nghĩ thiết thực này cũng là cách nghĩ của các sư huynh, cần chụp hình quang tuyến thì phải chụp hình, nếu phải cưa thì phải cưa, nếu đau quá thì phải cho thuốc giảm đau.

Bên cạnh công việc chuyên ngành của các chuyên gia này thì đây là các tu sĩ “đích thực”: họ sống trong cộng đoàn ngay trong bệnh viện và ngày làm việc của họ theo phụng vụ giờ vinh, dâng thánh lễ hàng ngày. 100% tu sĩ, 100% bác sĩ. Trên thục tế không có gì là trái ngược nhau: người ta có thể thấy “Chúa Kitô nơi mỗi người bệnh” và vẫn là bác sĩ phẫu thuật giỏi của Bénin. Không có việc chọn lựa giữa nghề nghiệp, chuyên gia, tài năng một bên và bên kia là đời sống tu hành cầu nguyện và yêu tha nhân; ngược lại là đàng khác! 50 năm sống đời tận hiến của sư huynh Florent chứng nghiệm điều này. Khi được hỏi đâu là bí mật của mình, sư huynh Florent trả lời ngay không ngần ngừ một giây: “Cầu nguyện, không có cầu nguyện thì tôi không phải là thầy Florent”.

Geoffroy

Marta An Nguyễn chuyển dịch