Mùi của đàn chiên

587

Mùi của đàn chiên

Trích từ sách “Phanxicô giữa đàn sói”, Marco Politi

bergoglioJorge Mario Bergoglio đi xuống bậc thang ở bến Bolivar, bến này chỉ cách Nhà thờ chính tòa hai bước, cha đi thẳng về hướng trung tâm thành phố. Tuyến E, hướng quảng trường Virreyes. Xe lửa chầm chậm tới trong tiếng ồn ào của đường rầy xe lửa với những toa xe toàn những hình ảnh vẽ bậy bạ. Tổng giám mục tìm một chỗ ngồi gần lối ra vào, gương mặt ngài nghiêm và thoáng một chút nhớ nhung – ngài thường hay tỏ ra như vậy. Ít ai nhận ra ngài trong chiếc áo sơ mi nhà tu: ngài ít xuất hiện trên truyền hình và lại tránh xa các buổi tiếp tân chính thức. Buenos Aires có đến 15 triệu dân và trung tâm thành phố chiếm đến ba trtiệu dân.

Trời nóng, ngài ngồi giữa đám hành khách đi xe điện ngầm đông đúc. Chung quanh Jorge, người thì trầm ngâm trong suy nghĩ của mình, người thì nhìn các bức tường của đường hầm dưới ánh đèn nê-ông, đầu đung đưa thiu thiu ngủ hoặc nhìn vào khoảng không, chịu đựng. Một vài người, kể cả những người còn trẻ, họ có cái nhìn khắt khe, dữ dằn. Jorge ngồi giữa các bà mẹ bồng con, những đứa trẻ con được phủ ấm đầy cả áo quần, giữa những bà già ngồi lắc lư chân theo nhịp xe lửa chạy, những người trẻ bấm lia bấm liạ điện thoại cầm tay của họ.

Cứ mỗi trạm dừng là xe lửa như rung rinh với tiếng rít kèn kẹt đinh tai nhức óc của bộ thắng. Bốn mươi phút trong cái hỗn loạn của mọi  chủng tộc, mọi nguồn gốc, các câu chuyện của Buenos Aires. Người dân ở đây đủ mọi sắc dân từ Tây Ban Nha, Ý, Nga, Trung quốc, Phi châu, Đức, Pháp, người sinh ở Trung Mỹ, người di dân ở Nam Mỹ, đủ mọi quốc tịch. Trên các toa tàu là những người thuộc giới trung lưu với thu nhập hạn chế, người trẻ thì sung sướng nếu họ có việc, dù bất cứ việc gì, còn đại đa số thì sống rất chật vật. Tổng giám mục Jorge Mario Bergoglio không dùng xe cũng không có tài xế, ngài còn không ở nhà sang trọng của Tòa tổng giám mục mà ở một căn phòng nhỏ ở lầu ba của nhà địa phận. Ngài biết lái xe và khi còn làm giám tỉnh Dòng Tên trong những năm 1970 vào thời của nhà độc tài Videla -, nhiều lần ngài lái xe cho những người bất đồng chính kiến tìm nơi trú ẩn hay tìm cách thoát ra khỏi xứ. Bây giờ ngài không còn dùng xe. Từ khi ngài là giám mục phụ tá năm 1992 rồi làm giáo trưởng Argentina, ngài hòa vào dòng người hàng ngày dùng phương tiện công cộng, xe điện ngầm hay xe buýt. Đến mức khi thấy bóng chiếc áo đen, có bà ngồi bên cạnh cha xin: “Thưa cha, xin cha giải tội cho con được không? – Được chứ”, ngài trả lời. Một ngày nọ trên xe buýt có một bà lần ra trong túi một danh sách dài các tội của bà, cha phải lịch sự ngăn lại: “Con ạ, còn hai trạm nữa là cha phải xuống.”

Đến quảng trường Virreyes, ba mươi lăm bậc thang phải leo lên với bàn chân cứng đơ và cặp giò tê cứng. Trên bậc thang là tượng Đức Mẹ Fatima với bông hoa tươi. Jorge đang đứng dưới mái che mà mùa hè thì bụi bặm ngộp thở, mùa đông thì lạnh và ẩm. Mọi người kiên nhẫn chờ chuyến xe điện ngầm đi về ngoại ô. Không một người có chức cao nào ở Vatican, không một hồng y chủ tịch hội đồng giám mục nào, ngay cả không một giám mục của một địa phận nào nơi có Giáo hội Công giáo mà lại quen với nếp làm việc kiệt sức này. Nếu có thì họ ẩn mình không ai biết.

Còn hai trạm nữa thì ngài đến Villa Ramon Carrillo. Các khu ngoại ô dã chiến gọi là khu phố nghèo (villas miserias) hay gọi một cách kín đáo hơn là khu phố khẩn cấp (villas de emergencia). Đường rầy xe lửa vương vải đầy rác giấy và chai lọ đủ loại. Cách mấy bước là khu phố nghèo. Những căn nhà không hợp pháp, nửa xây chưa xong, nửa chắp vá từng đoạn. Cách đó vài mét thì không còn đường tráng nhựa, đến đây là đến khu vực miếng đất không người, đường là đường đất nện, rãnh dẫn nước hôi mùi ống cống. Đến đây thì luật pháp cũng chấm dứt. Một dãy nhà trật tự hơn có trang hoàng chậu hoa ở cửa sổ, giống như những căn nhà ở một thị trấn đẹp. Thường thường phong cảnh là phong cảnh của một thị trấn hoang dã, thô tháp, cho người xem có cảm nhận là các giới hạn ở đây đã bị loại. “Ở đây không có quốc gia”. Các linh mục của khu vực này kể lại, dù cho Villa Ramon Carrillo có một trường tiểu học và một trạm xá.

Thường các giáo xứ ở vùng ngoại biên được xem như thành trì, như hành lang cho một thành phố “bình thường”. Bên lề của một khu phố khác, khu Villa 21, có một đồn gác do các thanh niên trẻ của Lực lượng hải quân đảm trách, họ mặc áo chắn đạn. Nghịch lý là với sự hiện diện của họ, người dân lại cảm thấy bất an nhiều hơn. Rất nhiều tài xế taxi từ chối chở khách đến các Villas. Họ rỉ tai nhau, đây là “vùng ăn cắp, vùng uy hiếp”. Cha Baya, cha xứ của giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Villa Ramon Carrillo bình thản nói: “Đôi khi tôi nghe hàng tràng đạn nổ chung quanh tôi.”

Jorge, là vì các linh mục của địa phận hay gọi cha như vậy, đến thăm tất cả các giáo xứ của khu vực này nhiều lần trong một năm. Ngày lễ bổn mạng, ngày lễ Đức Mẹ, ngày tĩnh tâm, một dịp đặc biệt nào đó, cuộc họp hàng năm của các linh mục, hay cuộc họp của các giáo sư các trường công giáo trong khu vực. Ngài tham dự vào buổi rước kiệu, ngừng lại để nói chuyện với giáo dân, chủ yếu là những người di dân gốc Paraguay, Bôlivia, Pêru và các vùng khác trong nội địa Argentina.  Ngài thật khác xa hình ảnh truyền thống của một tổng giám mục có uy quyền, đến mức mà khi gặp ngài lần đầu tiên, các tín hữu của cộng đoàn Pêru đã bị sốc khi thấy ngài đi bộ đến, “không kèn không trống, không xe hơi”, cha Pedro kể.

Bergoglio biết từng linh mục trong số 800 linh mục trong địa phận của mình. Từ khi ngài làm tổng giám mục, ngài cố gắng củng cố sự hiện diện của họ trong các khu phố nghèo này. Mỗi giáo xứ của Villa có hai đến ba linh mục. Khi ngài mới đến địa phận có mười một giáo xứ, bây giờ có hai mươi ba và ngài thiết lập một đường giây điện thoại trực tiếp. Ngài theo sát họ, lắng nghe họ, giúp đỡ họ, ở với họ khi họ khủng hoảng cá nhân. Ngài đi sát họ mà không phê phán. Cha Pepe Di Paola làm chứng, từ nhiều năm nay, cha là đại diện của ngài ở các khu này, ngài biết các linh mục tin tưởng ở ngài. Họ mở lòng ra với ngài như chưa có một giám mục nào làm được như vậy, họ chân thành kể đời sống của họ cho ngài nghe và họ đến Nhà thờ chính tòa “không phải vì bắt buộc nhưng để nghe lời nhắn nhủ thiêng liêng của ngài!”.

Trước đây thì linh mục phải đến trụ sở Tòa tổng giám mục, bây giờ thì ngược lại. Và đó là điều làm khác biệt. Các linh mục thấy Bergoglio “gần được”. Dù gặp vấn đề như thế nào, chẳng hạn như có một linh mục đang ở ngã ba đường, tự hỏi không biết mình có nên công khai sống với một phụ nữ không. Ở Buenos Aires có câu chuyện được truyền miệng, có một linh mục đến gặp Jorge để báo cho cha biết mình muốn lấy vợ. Được, tổng giám mục trả lời cho cha, chúng tôi sẽ làm giấy tờ để hóa giải tình trạng tu sĩ của cha. “Nhưng đợi một hoặc hai năm rồi hẳn có con.” Hai năm sau, mối tình bay theo sương khói, cựu linh mục trở lại và thú nhận chức thánh mới đúng là ơn gọi của mình. Được, tổng giám mục trả lời, chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục tái nhập giáo đoàn. “Nhưng trước hết, anh về sống với tư cách giáo dân và giữ khiết tịnh trong vòng năm năm.” Bây giờ cha đó là một trong những linh mục được mến chuộng ở Buenos Aires.

Jorge biết nằm lòng con đường bụi bặm của các khu phố nghèo, từng hàng cây xám xịt, từng cái nhìn của người dân, lúc thì yêu thương nồng nàn, lúc thì dè chừng nghiêm khắc. Ngài biết từng ổ gà, từng bãi đậu cho những chiếc xe già nua, chắp vá nghìn mảnh. Cha biết trẻ con chơi bên bờ rãnh, bà mẹ bắt chí cho con gái mình, những con chó lười biếng đi lang thang từ nơi này qua nơi khác. Đây đó là hàng quán với cửa sổ có chấn song sắt ghi hàng chữ “Nước uống, đá bào, bánh mì, bột giặt”. Xa xa hơn, trên cánh cửa cao đóng kín có viết hàng chữ bằng tay “Internet”.

Jorge biết những cửa lớn, cửa sổ với những thanh chắn đóng kín, hàng hiên hoặc lối vào chật hẹp của căn nhà. Ở Villa Ramon Carrillo, dù có quầy dành riêng cho thánh bổn mạng Gaetan, thánh bảo trợ cho việc làm và bánh mì, thì cái quầy này cũng được song sắt bít chắn kỹ càng đến không còn thấy bức tượng. Cũng vậy với các khu phố nghèo khác. Jorge quen với một dọc nhà xây lộn xộn mất trật tự hoặc loại nhà tầng một, tầng hai, tầng ba xoắn nhau bằng một cầu thang. Ban công bạ đâu xây đó, có nhà còn xây chưa xong, không mái, tình trạng này kéo dài từ hai đến ba năm, nhà nhìn trời, trời nhìn nhà, sân thượng dùng làm sân phơi áo quần. Bi đông, lon, chai, xương gà xương bò, giường chiếu vứt ngổn ngang ngoài đường. Đàng sau ngã tư lại có thêm một khu phố nghèo còn tệ hơn thế, đó là khu phố Villa Esperanza. Những con hẽm quá nhỏ, một người đi qua cũng khó khăn. Trên một cột xi măng có hàng chữ “Nhà bán”.

Ở Buenos Aires, Đức Tổng giám mục luôn có “quyền lực”. Quảng trường Thánh Phêrô Tháng Năm là nơi tập trung các biểu tượng quyền lực của thủ đô: Casa Rosada (phủ tổng thống), Nhà thờ chính tòa , tòa thị trưởng, bộ Kinh tế. “Bergoglio không bao giờ nhìn thực tế qua nhãn quan của Quảng trường Tháng Năm nhưng qua nhãn quan của những nơi đau khổ, khốn cùng, nghèo đói, cha Di Paola nhận xét. Bergoglio nhìn từ dưới thấp, từ khu phố, từ bệnh viện.”

Jorge dạy cho các linh mục của mình hiểu rằng, cha xứ không phải là một công chức, cha xứ phải là người xét các nố lương tâm tùy theo tình trạng hoán cải cụ thể của từng giáo dân, phải giữ “lòng thương xót trong tòa giải tội”, làm dễ dàng để giáo dân được chịu các phép bí tích, “cho giáo dân ngay lập tức những chuyện của Chúa mà họ cần”!. Và cho một cách nhưng không vì cha xứ không phải là chủ nhân của những chuyện này mà chỉ là người làm thay thế Chúa. Các linh mục biết điều này. Jorge rất nghiêm khắc với linh mục nào tiếp xúc nặng nề với giáo dân, làm cản trở, tạo ra nạn quan liêu “cửa nhà thờ.”

Tổng giám mục hòa mình trong lòng thành phố như bất cứ một linh mục bình thường nào, xác quyết mạnh mẽ rằng sợi giây liên kết với người nghèo thể hiện một chiều sâu thiêng liêng phong phú vì chính nơi người nghèo mà công việc của mình mới đích thực và đặc biệt đơn sơ trong quan hệ với Chúa. Theo ngài, chọn lựa người nghèo là chọn lựa nền tảng, chọn lựa này đã được quy tụ trong các buổi họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh trong năm mươi năm vừa qua ở Medellin, Puebla, Santo Domingo hay Aparecida. Không phải vì các lý do ý thức hệ, nhưng hoàn toàn thuần túy tôn giáo. Theo công thức của ngài, chủ chăn phải có “cùng mùi với đàn chiên của mình”. Trong suốt cuộc đời của mình, tư tưởng này không bao giờ rời khỏi ngài. Jorge biết các khu phố nghèo là ổ của bạo lực, nơi sự đanh ác phủ phàng lúc nào cũng phảng phất đây đó, dù bề ngoài mang dáng vẽ thanh bình qua hình ảnh các bà ngồi trước cửa, các ông đầm mình trên ghế ngồi tán gẫu hay nhậu nhẹt, trẻ em vào dịp lễ Noel – là mùa hè ở Buenos Aires – đang đùa nghịch trong các bể bơi bé xíu bằng nhựa. Jorge biết hết nhưng cha không bỏ nơi này mà đi, cha không sợ.

Villa Ramon Carrillo chỉ cách giáo xứ vài bước, cánh cửa đen thui của một căn nhà nhắc đến sự trừng phạt của một gia đình có con trai bị đạn lạc chết trong một cuộc thanh toán giữa hai băng đảng chống đối nhau. Có chuyện còn tệ hơn nữa. Một gia đình trưởng giả ở Buenos Aires nuôi một đứa con nuôi ở khu vực nghèo, qua hình vẽ của đứa bé và nhờ sự giúp đỡ của một tâm lý gia qua đó họ chứng kiến một vụ phá thai và họ biết bào thai bị ném cho chó ăn.

Cha Pedro Baya còn nhớ như in một ngày lễ rửa tội. Lúc cha đang làm phép bí tích bên cạnh bàn thờ thì có một thanh niên ăn cắp bỗng dừng ở cổng căn lều nơi dùng làm nhà thờ, anh thở hổn ha hổn hển. Nạn nhân của anh bắt được anh và dùng báng súng nện trên đầu anh. “Anh thanh niên quỵ xuống hét lên. Người theo bắt anh, hai tay cầm súng hét lên: “Tao sẽ giết mày, tao sẽ giết mày!” Tôi buông em bé mới sinh và chạy đến can họ.” Đầu bị chảy máu xối xả, anh thanh niên được cứu trong đường tơ kẻ tóc và được đưa vào bệnh viện. Trên thềm nhà thờ là một đống máu. “máu nhiễm vi khuẩn sida, chúng tôi mang găng tay vào để chùi rửa”, cha còn nhớ lại.

Cánh cửa bằng sắt sơn màu xanh. Jorge đẩy cánh cửa này nhiều lần. Cha xứ không có can đảm kể cho ngài nghe câu chuyện trên. Nhưng giám mục nghe hết, ở những nơi này chuyện gì mà cha không biết. Đây không phải là nơi mà cha biết công chuyện qua màn ảnh truyền hình: cha biết mùi của nó, những khuôn mặt ở đây và đó là một phần đời sống của cha.

Ngoài bạo lực, ma túy cũng ăn thâm sâu ở đây. Các ông trùm mafia ở chỗ khác, trong những khu phố sang trọng. Nhưng những con mồi thì ở đây. Đây là vương quốc của paco, loại phế phẩm ma túy giá rẻ làm “bung đầu” như người ta thường hay gọi như thế ở Buenos Aires. Nó dẫn đến tình trạng nghiệp ngập rất nhanh. Và người ta dụ trẻ con mười ba, mười bốn tuổi, có khi còn nhỏ hơn hút thử, để chúng là khách hàng trung thành của họ sau này. Cũng những ông trùm này âu yếm ôm cha xứ khi có một đám tang và cha xứ nhận ra báng súng cứng ngắt dưới lớp áo của họ. Các em vị thành niên đi ăn cắp các nhà trong xóm để có tiền mua ma túy, rồi dưới tác dụng của ma túy, chúng đi ức hiếp người qua đường.

Ma túy là vấn đề cốt tủy vì nó làm dễ dàng cho việc phân phối vũ khí cho các em vị thành niên. Năm 2009, các cha xứ của các khu phố nghèo đã mạnh mẽ can thiệp vào các cuộc tranh luận quốc gia về một viễn ảnh sẽ có luật không phạt cho người dùng ma túy, họ công bố một bức thư tố cáo. Họ viết, “trên thực tế, trong các khu phố nghèo, đã có một sự giải phóng và một sự không trừng phạt”. Vấn đề không phải là ở các khu phố nghèo, vấn đề là ở người dùng nó và làm giàu nhờ nó. Tài liệu này có tác động mạnh trên quần chúng. Các ông vua ma túy phản ứng nhanh chóng: “Chúng bây phải biến khuất mắt chúng tao hoặc chúng bây phải chết”, một chiều tháng tư, trong con hẻm của Villa 21, một tay buôn ma túy chận cha Pepe Di Paola lại để hăm dọa như trên.

Tổng giám mục không ngần ngại, ngài tố cáo ngay. Hai ngày sau, trong một thánh lễ ở thềm Nhà thờ chính tòa, ngài công khai tấn công “những tay buôn thế lực của bóng tối” và ngài kể câu chuyện đe dọa linh mục Pepe, ngài tự xem mình như các linh mục ở khu phố nghèo: “Tôi mong họ giết tôi thay vì giết cha xứ của tôi”, ngài nói như thế. Các tay buôn đã không ám sát dù sau đó cha Pepe buộc lòng phải rời khỏi Villa 21.

Dù đi xe điện ngầm hay đi xe buýt với túi xách đen cầm tay, Jorge lúc nào cũng giữ những điều này trong ký ức. Ngài không vô tâm cũng không phó mặc cho định mệnh, ngài xác quyết một điều, để làm đúng công việc “mục tử đi theo đàn chiên” ngài không thể chọn cung vàng điện ngọc, xe cộ, tài xế và người hộ tống. Ngài dư biết các tay buôn ma túy không lùi bước trước bất cứ một chuyện gì, dù đó là các nguyên tắc của Giáo hội. Năm 1993, hồng y người Mễ Tây Cơ Juan Posadas Ocampo bị ám sát ở phi trường Guadalajara trong một vụ thảm sát của những tay giết người máu lạnh “Cartel de Tijuana”. Cuộc điều tra chính thức cho biết biến cố này đúng là do định mệnh vì hồng y ở đúng lúc có cuộc chạm súng giữa hai băng đảng. Sau đó có tài liệu cho biết chính quyền đã khuyên hồng y Ocampo im lặng về các tin tức liên hệ đến sự chạm trán giữa các tay buôn ma túy và các chính trị gia địa phương.

Tổng giám mục Bergoglio cũng nhận báo cáo cảnh giác như vậy. Năm 2012, các nghiệp đoàn cũng đã khuyến cáo ngài tốt hơn nên dè chừng vì có những nhóm muốn hại ngài và khuyên ngài khi ra đường phải có người bảo vệ đi theo. “Tôi sẽ không bao giờ bỏ đường phố”, ngài trả lời. Ngài cũng phản ứng như thế khi các linh mục ở các khu phố nghèo báo cho ngài biết ngài có thể bị bắt cóc.

Jorge có kinh nghiệm với hai bộ mặt của ngoại ô. Một là bạo lực dữ dội mà hai là nhân đạo vô biên. Ngài thấy nơi khối dân cư sống bất hợp pháp này có những người rất đơn sơ, khao khát hy vọng, nung nấu một tình tương trợ và có tấm lòng mộ đạo bình dân sâu đậm, họ rất hạnh phúc trong những ngày lễ. Linh mục Pepe luôn hỗ trợ họ, cha cảm thấy thoải mái ở đây hơn là ở khu phố khá giả. “Đàn bà nấu bếp, đàn ông phụ những việc cần thiết, thanh niên tự nguyện giúp.” Trong số những căn nhà hư hỏng, những căn nhà muôn thuở xây chưa xong, chính quyền thì vắng mặt và nhà cầm quyền thì khi nào cũng hỏi các linh mục, người dân ở đâu, các giáo xứ là những trung tâm giúp đỡ và nơi người dân dễ dàng đến để tiếp xúc, để biết tin tức.

Villa 21, đây là giáo xứ mà giáo dân có thể đến để xin một ít thức ăn: bánh mì, thức ăn, trái cây trong những túi xách đã soạn sẵn. Toto De Vedia, cha xứ kế nhiệm cha Pepe tiếp khách trong một căn phòng nhỏ đầy cả hình ảnh kỷ niệm, các ghi chú loan báo viết tay. Hai điện thoại di động, một quyển sổ ghi lịch làm việc chi chít các ghi chú, lô tách trà maté, thức uống thơm thơm đăng đắng, một loại thức uống phổ thông của người dân Argentina. Đó là công việc hàng ngày không ngừng. Một bà mẹ đem thức ăn dặm đến cho con mình đang học, một bà mẹ khác lo lắng vì con mình bị dụ dùng ma túy ngoài đường phố, bà khác thì đến tìm việc cho con gái mình. Một đứa con trai cần tìm chỗ ở, một bà cần chiếc xe lăn, một  buổi lễ cần tổ chức ở hội cao niên, thăm các gia đình và các người bệnh, dự trữ đồ ăn để dùng khi cần, mời đi dâng thánh lễ ở bệnh viện tâm thần gần đây, xây trường học ở khu phố nghèo, giải tội và dâng các thánh lễ khác.

Ở thủ đô Buenos Aires, tòa tổng giám mục đã tạo một giáo hạt đặc biệt cho các Villas, thực chất các Villas này không phải là những khu phố mà là những tỉnh nhỏ. Villa 21 có 40 000 dân, “60-70 mẫu đất dưới sự kiểm soát của các tổ chức”, linh mục Toto De Vedia cho biết. Dưới sự giám sát của Tòa tổng giám mục, các tổ chức khác nhau trong các khu phố đã được thành lập, cơ sở cho các học sinh trung học bị bỏ lớp, các trung tâm cao niên, các trung tâm ngừa-chống ma túy, các trung tâm huấn nghệ. Ngoài ra còn có các sinh hoạt thể thao để giúp các người nghiệp ngập thoát ra khỏi ảnh hưởng của đường phố, nâng đỡ các trẻ em bị bỏ rơi. Việc thành lập một giáo hạt nói lên sự quan tâm của Tòa tổng giám mục đến tầm quan trọng chiến lược của các khu phố này.

Mỗi lần cha Jorge đến thăm các khu phố này là cha thấy có những sáng kiến mới. Khi ngài xuống ga xe lửa để đi chầm chậm đến giáo xứ Villa Ramon Carrillo, giáo xứ ngài vừa thành lập, ngài thấy bên hông nhà thờ có một văn phòng dành cho các buổi họp, các buổi trợ giáo cho học sinh, các lớp huấn nghệ và ngay cả một phòng thuốc nhỏ. Các công việc này do một nhóm ba mươi sinh viên đảm trách dưới sự điều khiển của một trưởng nhóm mỗi thứ bảy từ trung tâm thành phố về giúp. “Một nhóm thanh niên Do Thái và giáo sĩ của họ cũng làm thiện nguyện giúp chúng tôi”, nữ thiện nguyện viên Mechi Guinle cho biết. Một người thuộc giáo phái Tin Lành trong khu phố cũng phụ một tay với chiếc xe vận tải của ông. Và đúng vậy, giáo dân của cộng đồng giáo phái Tin Lành có một đền thờ và nhiều phòng cầu nguyện ở khu phố nghèo, họ cùng sống chung dễ dàng với cha xứ của cộng đồng Công giáo. Trước nhà thờ có một băng rôn ghi: “Mẹ Maria, xin giúp chúng con tin chuyện không thể làm được sẽ làm được.”

Cha Jorge cảm thấy thoải mái khi ở trong các ngoại ô tuyệt vọng này. Các căn nhà của Chúa này, ngài đã thấy chúng lớn lên hoặc do ngài thành lập. Đối với những người di dân bị bỏ mặc trong vùng, nhà thờ là góc hy vọng của họ. Tại Villa 21, nơi có một số lớn người di dân Paraguay, giáo xứ được dành riêng để tôn kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Caacupe của họ. Nhà thờ giống như nhà để xe bằng xi măng chất chứa các bức tượng Đức Mẹ nho nhỏ. Mỗi tượng có câu chuyện riêng, có năng lực cầu bàu riêng, bắt đầu bằng tượng Đức Mẹ Guadalupe. Ở cuối ngôi nhà là một bức tranh tường lớn chụp cảnh đông đảo giáo dân đi hành hương ở Đền thánh Caacupe. Ở đây cũng có khunh kính tròn hình Chúa Giêsu. Một cây thập giá lớn. Một tượng Chúa Giêsu với quả tim của lòng thương xót. Một chân dung của thánh Bosco. Một hình ảnh của linh mục Carlos Mugica, linh mục trí thức của Villa 31, Retiro, dấn thân trong phong trào “Linh mục của thế giới thứ ba”, bị quân khủng bố chống cộng sản “Triple A” ám sát chết năm 1974. Một tượng thánh Roch với con chó của ngài. Một góc đàng sau bàn thờ là hang đá được trang trí bằng giấy màu sặc sỡ hình Hài đồng Giêsu đứng trước Thập giá, chung quanh là hình của các giáo dân trong giáo xứ.

Tinh thần mộ đạo bình dân nhiệt thành này sưởi ấm tâm hồn cha Jorge, ngài cười khi đứng trước tấm bia bằng gỗ có hàng chữ “Cha giám mục Jorge Mario Bergoglio khánh thành nhà thờ ngày 8.10.2009”. Jorge yêu mến các bà lặng lẽ quỳ cầu nguyện trong khi trẻ con chạy chơi dưới các ô-văng bên cạnh. Cha không ngừng lặp lại với các linh mục: “Giáo hội không được dựng lên để kiểm soát giáo dân nhưng là để tháp tùng họ, theo nơi họ ở, theo con người họ.” Trước khi ngài được bổ nhiệm đến đây, các cha xứ lo các họ đạo ở trung tâm thành phố kiêm nhiệm luôn các họ đạo ở ngoại ô, bây giờ thì ngược lại, các cha xứ ở họ đạo ngoại ô kiêm nhiệm thêm giáo xứ của giới trung lưu.

Trước khi đến tuổi về hưu, cha Jorge không biết đời mình sắp bước qua một bước ngoặc mới. Mỗi người “sinh ra” theo một hoàn cảnh đặc biệt. Karol Wojtyla được tôi luyện trong cuộc đấu tranh chui chống chế độ nazi khi ngài làm việc trong công trường đá và trong xưởng máy Solvay. Đức Bênêđictô XVI thì được đào tạo trong các giảng đường của trường đại học. Đức Piô XII và Phaolô VI thì lớn lên trong các văn phòng của phủ Quốc vụ khanh Vatican. Thánh Gioan XXIII trưởng thành giữa giáo phái Chính thống Bulgaria và Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Jorge Mario Bergoglio lớn lên trên các tuyến đường xe điện ngầm, quan sát thành phố trong chính dạ của nó, đo đạc bằng chân mình khoảng cách giữa các căn nhà tồi tàn.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Xin đọc: Đức Phanxicô là mục tiêu của các vận động chính trị

Đức Phanxicô: Cách mạng ở Vatican

Giáo hoàng núp giữa lòng giáo dân, tránh xa đàn sói của Giáo triều

Mùi của đàn chiên

Khuôn mặt của linh mục