Cuộc sống của tôi ở Tanguiéta, Bénin, Phi châu  – tập 1

322

Từng Bước Một, 9-3-2015

Tanguiéta: Đó là một ngôi làng nhỏ khuất hút ở giữa rừng núi Bénin, cách con lộ Cotonou 15 giờ đi đường. Một làng nông dân rất nghèo như tất cả các làng trong vùng này. Ba nguyện đường Hồi giáo, một tháp chuông, một cái chợ và một bệnh viện. Nhưng bệnh viện này không giống như bất cứ một bệnh viện nào khác.

Từ lâu danh tiếng của bệnh viện này đã lan rộng khắp cả vùng, bệnh nhân không những đến từ Bénin mà còn từ Togo, Mali, Nigeria hay ngay cả nước Tháp Ngà (Côte d’Ivoire) cũng đến. Đây là bệnh viện mẫu, một cơ chế, đồng nghĩa với hy vọng và chữa lành cho hàng chục ngàn người mỗi năm. Tất cả dịch vụ truyền thống của một bệnh viện Tây phương đều có ở đây, với chất lượng săn sóc chưa từng có ở vùng Thượng-Saharia Phi châu này. Nhưng nét đặc biệt được tạo nên cho bệnh viện này là bệnh viện luôn được các tu sĩ chuyên ngành y tế quản trị. Từ các tu sĩ là y tá, bác sĩ hay chuyên gia giải phẫu. Bệnh viện thâu nhận tất cả bệnh nhân không phân biệt tôn giáo hay phương tiện tài chánh. Họ cầu nguyện và săn sóc không mệt mỏi từ thứ hai đến chúa nhật, phục vụ những người đau đớn nhất theo tinh thần của linh mục sáng lập, thánh Gioan Thiên Chúa.

Cuộc sống của tôi ở Tanguiéta, Bénin, Phi châu  – tập 1Từ một tuần nay chúng tôi ở bệnh viện hơi đặc biệt này. Chúng tôi chia nhau mỗi người một trại để phụ một tay lo cho người bệnh. Phần tôi, Chúa quan phòng đưa tôi đến phục vụ khoa mổ, chỉ cách phòng mổ hai bước và cũng không xa nhà xác bao xa. Một thế giới của các bịch máu và dao kéo hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi chưa có kỷ niệm nào in trong đầu là mình đã đặt chân đến một bệnh viện (từ một tuần nay tôi ý thức mình đã có một may mắn lạ lùng)…

Đối với người tập việc như tôi, những bước đầu trong khoa mổ với sư huynh Bernard không phải dễ. Chỉ trong vòng 10 phút, sư huynh giao cho tôi một xe đẩy đầy cả dụng cụ y khoa và bông băng, với lời dặn là phải theo Aline, nữ y tá phụ trách băng bó ngày hôm đó. Không biết sư huynh có biết là tôi không có một khả năng nào trong lãnh vực y tế dù tôi đang mặc áo bờ-lu trắng người ta mới cho tôi mượn một phút trước đó không?

Chúng tôi vào phòng đầu tiên. Phòng có 8 giuờng chồng lên nhau, bệnh nhân yên lặng nằm chờ chúng tôi. Tôi cố gắng chào và tự giới thiệu mình nhưng cũng không dễ vì nhiều người không biết nói tiếng Pháp (chỉ ở Bénin đã có trên 40 thổ ngữ). Vậy thì tôi phải cười với họ, nhưng với khẩu trang trên mặt thì cũng không tiện mấy. Cuối cùng tôi ngưng mọi cố gắng để tìm cách nói chuyện theo cách vụng về của tôi vì Aline nhờ tôi đưa cho cô dao kéo, kềm, kẹp đã khử trùng theo một trình tụ rất tỉ mỉ để tránh nhiễm trùng, ở đây không được đùa với nạn dịch, vì Ebola chỉ cách đây vài trăm cây số. Mỗi lần Aline đắp băng sạch lên vết thương là mỗi lần giống nhau: những vết sẹo khổng lồ vẫn còn tươi, những vết thương còn mưng máu hay mưng mủ, những cánh tay, những ống chân lỡ loét… Mới ăn xong thì cũng khá gay!

Bệnh nhân khi vào đây thì bệnh đã nặng, vì người dân ở đây chờ đến phút cuối mới vào bệnh viện, khi vết thương của họ đã nhiễm trùng và sau khi đã thử đủ thứ thuốc gia truyền. Nhưng không một ai rên, họ chỉ cắn chặt răng khi Aline xức cồn hay thuốc nhiễm trùng vào vết thương của họ. Có người ngước mắt lên trời cầu nguyện trong trạng thái bình tĩnh và đáng trọng. Tôi chỉ đứng sau xe đẩy đưa bông băng hoặc thuốc rửa Bétadine. Nhiệm vụ của tôi thật sự không phải là tối cần thiết, nhưng tôi muốn tỏ ra mình hữu ích, tôi ráng an ủi họ và khuyến khích họ. Ở phòng nào thì cũng cảnh giống nhau: xương gãy, vết thương nhiễm trùng, da thịt đỏ hỏn. Các bệnh nhân nằm cả ngày, chịu đựng, chấp nhận số phận của mình dù phải chịu đau đớn, chán nản.

Ngày qua ngày, tôi bắt đầu hiểu các bệnh nhân này. Tất cả đều có một cuộc đời, một nghề nghiệp, một gia đình, một cuộc sống mà họ buộc phải để đàng sau lưng mình. Một vài người còn thố lộ chuyện của mình, một số khác thinh lặng. Nhưng nói chuyện qua về không phải là điều quan trọng, quan trọng là ở đó, bên cạnh họ. Chứng tỏ cho họ thấy họ xứng đáng để được tôn trọng, rằng sức khỏe của họ, cuộc sống của họ là điều quý báu. Dần dần tôi biết luôn cả gia đình họ, thân nhân đi theo nuôi họ, những người này sống ngoài sân bệnh viện trong suốt thời gian nhập viện, có khi cả mấy tháng trời. Một ông chồng, một đứa con trai, có khi một đứa cháu. Cũng như người bệnh, họ cũng không than phiền, họ ở hàng giờ bên giường người thân của mình. Vì người thân, họ đối diện với sự chán nản và bầu khí chết chóc của bệnh viện mà không hề than một tiếng.

Và đó là điều đã đánh động tôi nhất trong một tuần ở khoa giải phẫu này. Lòng can đảm của bệnh nhân và gia đình họ khi đứng trước sự bất công và tàn khốc của căn bệnh. Một lòng can đảm gần như đã cho họ có được bình an nội tâm, một sức mạnh mà đau đớn và máu me không thể nào nhận chìm họ hoàn toàn. Một lòng can đảm mà tôi phải học ở họ.

Xin hẹn các bạn tuần sau để khám phá nơi Jean làm việc. Khi các bạn đọc câu chuyện của Jean, các bạn sẽ hiểu vì sao từ một tuần nay, Jean được gọi là “Ma xơ!”…

Geoffroy

Marta An Nguyễn chuyển dịch