“Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, con người lúc có lúc không, còn thiên nhiên không bao giờ”
Vatican Insider – Iacopo Scaramuzzi
Thứ nhất, ‘loại bỏ sự tự tác tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chính, đồng thời trên hết phải hành động thay đổi các nguyên do cơ cấu của sự bất bình đằng.’ Thứ hai, áp dụng những nền kinh tế dũng cảm về mặt chính trị vì ‘phẩm giá của con người và lợi ích chung.’ Thứ ba, là những người trông coi trái đất ‘chúng ta cần phải biết tôn trọng, không được xâm phạm hay tệ hơn nữa là thái độ ngạo mạn kiểu ông chủ’ nhờ đó chúng ta mới trao lại được cho con cháu một trái đất ‘phát triển hơn.’ Đây là những lời khuyên của Đức Phanxicô trong một thông điệp video nhân dịp sự kiện ‘Các ý tưởng của Expo 2015 – Hướng đến Hiến chương Milan’ với sự tham dự của 500 đại diện doanh nhân và chính trị toàn cầu. Sự kiện này, với chủ đề ‘Nuôi dưỡng hành tinh chúng ta, Sinh lực cho Sự sống’ được tổ chức bởi Bộ Chính sách Nông nghiệp, Thực phẩm và Lâm nghiệp của Ý quốc, hợp tác với Expo Milano 2015, tại Hangar Bicocca, thành phố Milan.
Giáo hoàng, vốn đang soạn thảo một tông thư về sinh thái, đã thúc giục các chuyên gia hãy ‘vượt qua những cám dỗ ngụy biện, hay duy danh, cố gắng làm gì đó nhưng chẳng có tính thiết thực,’ và lặp lại một câu nói nằm lòng của ngài: ‘Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, con người lúc có lúc không, còn thiên nhiên không bao giờ.’
‘Khi đến thăm FAO, tôi đã nhắc nhở mọi người rằng, bên cạnh bận tâm về sản xuất, khả năng cung cấp và tiếp cận thực phẩm, thay đổi khí hậu và giao thương thực phẩm’ vốn là những yếu tố động lực chính, thì bận tâm hàng đầu của chúng ta phải là lo cho con người thực sự, cho biết bao nhiêu người đang thiếu thức ăn hàng ngày, phải tập trung chiến đấu để sống sót đến nỗi không còn có thể nghĩ về cuộc sống, gia đình và các quan hệ xã hội.’ Trong video này, Đức Phanxicô nhiều lần nhắc đến những điểm mà ngài từng nói với FAO hồi tháng 11 năm ngoái, cũng như trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng. ‘Bất chấp đã có nhiều tổ chức khác nhau và có cả cộng đồng quốc tế về dinh dưỡng, nhưng ‘nghịch lý’ mà Đức Gioan Phaolô II nói đến vẫn còn đó.’ ‘Có thức ăn cho tất cả mọi người, nhưng không phải tất cả đều có thể ăn’ trong khi ngay trước mắt chúng ta, là sự tiêu thụ quá độ và lãng phí thức ăn, cũng như dùng thực phẩm cho các mục đích khác.’
Giáo hoàng đề xuất 3 cách tiếp cận để vượt được các cám dỗ ngụy biện, ‘kiểu duy danh, khi suy nghĩ cứ lượn quanh nhưng không bao giờ chạm đến được hiện thực.’
Trước hết, phải thấy ‘cội rễ của tất cả mọi sự xấu xa là nạn bất bình đẳng vốn là sản phẩm của luật cạnh tranh, nghĩa là kẻ mạnh đứng trên kẻ yếu’ và rồi chuyển dần thành ‘sự hợp lý của bóc lột’ và ‘thải loại.’ ‘Nếu chúng ta thực sự muốn giải quyết các vấn đề này, và không rơi vào thói ngụy biện, thì cần thiết phải đi đến tận gốc rễ của mọi sự xấu xa, chính là nạn bất bình đẳng. Để làm được, cần phải có những quyết định ưu tiên hàng đầu là: từ bỏ sự tự tác tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chính, và trên hết, phải xử lý các nguyên do cơ cấu của sự bất bình đẳng.’
Thứ hai, Giáo hoàng mời gọi các chuyên gia Expo hãy ‘làm chứng cho đức ái’ nhắc lại những gì ngài đã nói trong ‘Niềm vui của Tin mừng’: ‘Chính trị, bị nhiều người bôi nhọ, nhưng đây đúng thật là một ơn gọi cao đẹp, là một trong những dạng giá trị nhất của đức ái, bởi chính trị tìm kiếm lợi ích chung. Chúng ta phải tin tưởng rằng đức ái ‘là nguyên tắc không chỉ của các mối quan hệ vi mô như với bạn bè, gia đình, các nhóm nhỏ, nhưng còn mang tính vĩ mô: với các quan hệ xã hội, chính trị , và kinh tế. Một chính sách kinh tế đúng đắn, nơi tranh luận chính trị chân thật, và ‘những người được kêu gọi điều hành đời sống chung phải có hai cột trụ là ‘phẩm giá của con người và lợi ích chung.’ Giáo hoàng thúc giục các chuyên gia, ‘Xin hãy can đảm, đừng sợ chất vấn các dự án chính trị và kinh tế, nhằm tìm được một ý nghĩa lớn hơn cho cuộc sống, bởi điều này sẽ giúp các bạn thực sự phục vụ lợi ích chung, và cho các bạn sức mạnh để tăng thêm lợi ích cho thế giới và cho tất cả mọi người đều có thể được hưởng dùng.’
Cuối cùng, giáo hoàng nói rằng, ‘Chúng ta được mời gọi không phải để đánh mất nguyên tính và mục đích của các sản vật trên trái đất, nhưng là để nhìn nhận một thế giới công bằng, theo như huấn giáo xã hội của Giáo hội đã nói. Trái đất được trao phó cho chúng ta, để làm mẹ chúng ta, có thể nuôi dưỡng từng người trong chúng ta. Tôi từng nghe một câu rất đẹp là: trái đất không phải là của thừa kế chúng ta nhận được từ cha ông, nhưng là của chúng ta vay từ con cái mình, nên chúng ta phải bảo vệ, nuôi dưỡng và làm cho trái đất tốt đẹp hơn. Trái đất rộng lượng sẽ không bao giờ để những người trông coi nó phải thiếu thốn. Trái đất, là mẹ của tất cả chúng ta, cần chúng ta tôn trọng, không được xâm phạm, hay tệ hơn là ngạo ngược kiểu ông chủ. Chúng ta phải truyền lại cho con cái, một trái đất được phát triển, được bảo vệ, bởi đó chính là những gì chúng ta vay từ con cái mình.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch