Các chữ của Đức Giáo hoàng Phanxicô từ A đến Z

500

Trích sách Giáo hoàng của Thế Giới Mới, Michel Cool

Các chữ của đức giáo hoàng Phanxicô từ A đến Z

Ấu dâm. “Nếu một linh mục phạm tội ấu dâm thì ông đã ấu dâm trước khi làm linh mục. Loại bỏ tình trạng độc thân không giải quyết nạn ấu dâm. Hoặc bạn có, hoặc bạn không có. Như thế phải rất cẩn thận khi tuyển chọn ơn gọi. Chủng viện Buenos Aires có 40% ứng sinh và chúng tôi theo dõi rất sát tiến trình nhận định.” Tôi tin tưởng vào con người, 2010.

Bạn gái. “Ngày xưa tôi có một cô bạn gái trong một nhóm bạn và chúng tôi đi nhảy với nhau. Sau đó thì tôi có ơn gọi.” Tôi tin tưởng vào con người, 2010.

Bất công. “Xin Cha ban cho chúng con lương thực và công việc hàng ngày, đó là ân huệ của chúng con. Chúng con phẫn nộ chống bất công, vì lương thực và công việc hàng ngày không ở trong tầm tay của mọi người, những người cũng được dự phần vào để hưởng ân huệ. Hợp tác với người khác để chia sẻ và phân phối lương thực là một khía cạnh khác của sự chúc phúc mà chúng ta xin. Ước muốn và cuộc đấu tranh này sẽ làm cho tâm hồn chúng ta được tốt.” Bài giảng 7 tháng 8, 2012.

Buenos Aires.

“Buenos Aires là thành phố đang phát triển. Ở đây có tất cả. Nhưng có biết bao nhiêu trẻ em bị khai thác? Có bao nhiêu đàn bà phải tuần phục? Có bao nhiêu lao động chui? Có bao nhiêu nhà điếm? Có bao nhiêu hình thức nô lệ…” Bài giảng, tháng 12,  2008.

Các bà mẹ độc thân.

“Xin lỗi, tôi rất buồn khi biết có một số linh mục trong giáo phận chúng ta đã từ chối không rửa tội cho con cái của các bà mẹ độc thân bởi vì chúng sinh ngoài giá thú. Đó là những người đạo đức giả ngày nay. Những người tu hóa Giáo hội. Những người gạt tín hữu ra khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa. Và cô gái khốn khổ này, thay vì trả con về cho người cha, đã can đảm sinh con, bây giờ cô đi từ giáo xứ này đến giáo xứ khác để xin cho con được rửa tội.” Bài giảng, 2 tháng 9, 2012.

Cấp tiến. “Nếu Giáo hội muốn cấp tiến, Giáo hội phải bảo tồn di sản lịch sử của mình, không được chối bỏ và phải đi đến đàng trước. Nếu muốn cấp tiến, giáo hội phải tiếp thu tất cả các luồng tư tưởng lưu hành, Giáo hội sẽ mất căn tính và trở thành một tổ chức Phi chính phủ.” Bài diễn thuyết ở Québec, 18 tháng 6, 2008

Di dân. “Ai không mở lòng ra với người anh em các chủng tộc, các quốc gia khác, người đó không làm bổn phận của mình, cuộc sống của họ kết thúc mà không trả xong nợ, không vinh danh món nợ hiện sinh mà tất cả chúng ta đều mang. Hôm nay, ngày của những người di dân, chúng ta hãy nhìn đến những người không sinh ra tại xứ sở này. Họ đã đến đây. Thật ngạc nhiên! Giống như cha và mẹ của tất cả chúng ta ở đây. Giống như cha tôi. Họ đến đây vì nhiều lý do, để tìm việc, vì ý thức hệ mà bị bách hại. Bao nhiêu là người đến đây. Hôm nay chúng ta phải tự hỏi, làm sao chúng ta trả được nợ này đối với họ.” Bài giảng, 7 tháng 9,  2008.

Đá bóng. “Từ năm 1946 đến nay, tôi không bỏ qua một trận đá chung kết nào của đội San Lorenzo. Màu áo của đội là màu xanh và đỏ, là màu áo của Đức Mẹ. Chúng tôi dùng màu của Đức Mẹ chứ không dùng một màu nào khác.” Tôi tin tưởng vào con người, 2010.

Giám mục. “Giám mục là người chăm lo, gìn giữ hy vọng khi chăm lo tín hữu. Một thái độ thiêng liêng đặt nặng trên việc chăm lo đàn chiên với một “tầm nhìn chung”: chính giám mục là người chịu trách nhiệm duy trì sự kết hợp chặt chẽ với đàn chiên. Một thái độ thiêng liêng khác cũng đặt nặng trên việc “chăm lo”, đó là để ý đến các hiểm nguy (…) Canh chừng là chú ý đến giáo điều, phong tục, trong khi chăm lo là quan tâm xem có mặt trời, có ánh sáng trong tâm hồn không. Canh chừng làm cho người ta nghĩ đến báo động trước hiểm nguy cận kề, trong khi chăm lo làm cho người ta nghĩ đến sự nâng đỡ người bệnh trong tiến trình, qua đó, Thiên Chúa hướng dẫn dân người về con đường Cứu rỗi. Để canh chừng, chỉ cần tỉnh thức, khéo léo, nhanh chóng. Để chăm lo, cần phải dịu dàng, kiên nhẫn và sống đức ái trường kỳ. Canh chừng và cảnh báo là nói đến cần thiết phải có kiểm soát. Ngược lại, chăm lo nói đến hy vọng.”  Thượng hội đồng các Giám mục, 2 tháng 10 năm 2001.

Khiêm tốn. “Khiêm tốn là khơi gợi nơi cái nhỏ bé của con người tiềm năng của nó. Cùng một lúc ý thức các giới hạn và các ân huệ của mình, chúng ta không bị vướng vào sự mù quáng của tính kiêu ngạo. Như Chúa Giêsu ca ngợi Chúa Cha đã vén mở cho người thấp kém, chúng ta cũng ca ngợi Chúa Cha đã chiếu ánh sáng mặt trời cho những ai tin tưởng vào tự do, tự do lớn lên trong lòng dân tộc này, một dân tộc chắc chắn vào tầm cao cả của mình mà không quên những nhỏ bé của mình.” Bài giảng 25 tháng năm, 2011 (lễ Quốc khánh Argentina).

Kinh tế. “Chủ nghĩa tối thượïng của tiền bạc rõ ràng là hình ảnh của ngẫu tượng. Và ở đâu có thờ ngẫu tượng, ở đó hình ảnh của Chúa, hình ảnh nhân phẩm con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa bị che mờ. Chủ nghĩa tối thượng của tiền bạc gạt ra một bên ý nghĩa của việc làm, việc làm là phẩm giá của con người, là sức sáng tạo, là hình ảnh tạo dựng của Thiên Chúa. Nền kinh tế trục lợi không quan tâm đến việc làm, nó không biết phải làm gì với việc làm. Vì thế nó không thấy khó khăn gì khi làm cho hàng triệu người bị thất nghiệp.” Phỏng vấn ở 30 Giorni, tháng 1, 2002.

Nô lệ. “Xứ sở này lưu trú một loại buôn bán nô lệ: đàn ông đàn bà mua bán người khác bằng cách vi phạm nhân phẩm của họ. Chúng ta xin Chúa đánh động tâm hồn những người buôn bán này vì chính họ cũng là những người nô lệ. Nô lệ của lòng tham, kiêu ngạo, huênh hoang, sự dữ.” Bài giảng, tháng 12, 2008.

Phá thai. “Thêm một lần nữa, chúng ta thấy các dự định cố tình để giới hạn và loại bỏ giá trị tối thượng của sự sống, không đếm xỉa đến quyền của em bé sắp sinh. Khi bà mẹ mang thai là bà có hai sự sống: cả hai phải được gìn giữ, tôn trọng vì sụ sống có một giá trị tuyệt đối.” Bản thông tin liên lạc, 10 tháng 9 năm 2012

Sự thật. “Chúng ta được gởi đến để rao giảng sự thật, làm điều tốt cho tất cả mọi người và đem niềm vui đến cho tín hữu. Sự thật dù chính thống, mục vụ dù hiệu năng cũng chưa đủ. Không có niềm vui của cái đẹp, sự thật trở nên tàn nhẫn, lạnh lùng và kiêu ngạo, đó là những gì chúng ta thấy nơi các bài diễn văn của rất nhiều người chính thống cực đoan, nó mang một tâm trạng cay đắng.” Bài giảng lễ làm phép dầu, 21 tháng 4, 2011.

Tango. “Tôi rất thích điệu nhảy tango do các người trẻ nhảy.” Tôi tin tưởng vào con người, 2010.

Tham nhũng. “Tội ác, thảm kịch, nợ nần khổng lồ chúng ta phải trả vì nạn tham nhũng… nhưng “không có ai hết.” Không có ai chịu trách nhiệm cái gì cần phải làm, cái gì đã làm. Có thể nói đây là trò chơi của vô thức. “Không có ai hết” trở nên một sự thật và có thể chúng ta trở nên và chúng ta cảm nhận “không còn gì nữa.” Bài giảng 25 tháng 5 năm 2012.

Tuyển tập trích từ ấn bản hàng ngày của báo Thập Giá, La Croix, 14 tháng 3, 2013.

Nguyễn Tùng Lâm dịch