Các kitô hữu ẩn giấu của nước Nhật, một phép lạ của đạo công giáo
fr.aleteia.org, Xavier Le Normand, 2017-10-19
Một cảnh trong phim Thinh lặng của điện ảnh gia Scorsese
Để tồn tại với hàng trăm năm bị bắt bớ, người công giáo Nhật đã đích thực phát triển một lối sống còn tâm linh thật lạ lùng. Điều này làm cho sau bao nhiêu đời, con cháu họ đã nhận ra các linh mục công giáo khi các linh mục trở về hòn đảo này 300 năm sau.
Trong vòng chưa đầy 40 năm, khi các nhà truyền giáo Dòng Tên đến Nhật lần đầu năm 1549 và khi họ bị trục xuất năm 1587, họ đã rửa tội cho hơn 220 000 giáo dân Nhật. Sau đó dù bị bách hại, đức tin của tín hữu kitô sống ẩn giấu này vẫn sống động trong ba thế kỷ không liên lạc với thế giới bên ngoài. Một bí ẩn hay một “phép lạ phương Đông” mà linh mục Dòng Tên Shinzo Kawamura đã làm sáng tỏ ở Rôma nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày có quan hệ giữa nước Nhật và Tòa Thánh.
Trên thực tế, phép lạ này cũng có thể được giải thích một cách tự nhiên. Chính xác là nhờ ba yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là các tu sĩ Dòng Tên, các nhà tổ chức vĩ đại đã có sáng kiến tài tình là tổ chức các cộng đoàn công giáo thành các cộng đoàn anh em. Ở phương Tây các cộng đoàn này ít nhiều đã biến mất, nhưng bây giờ người ta vẫn còn thấy ở một vài vùng ở Pháp như vùng Normandie hay vùng Corse. Để sát cánh với các nhà truyền giáo và khi không có họ, các giáo dân Nhật lo việc quản trị, rửa tội – trong các trường hợp đặc biệt – và giảng dạy Lời Chúa. Cơ chế đơn giản này đã giúp duy trì các cộng đoàn có cơ cấu – bảo mật tối đa – sau khi các giáo sĩ phương Tây bị trục xuất.
Yếu tố thứ nhì và là yếu tố cảm động nhất, đó là lời tiên tri của giáo lý viên Sébastien. Bị tù sau khi các nhà truyền giáo bị trục xuất, ông Sébastien tiên đoán họ sẽ trở lại đảo này vài trăm năm sau. Để có thể nhận ra họ, ông Sébastien cho người công giáo tại đây ba điểm chính để nhận diện: tuân phục Giáo hoàng, sùng kính Đức Mẹ và sống độc thân. Vì thế khi vào thế kỷ 19, các người công giáo sống ẩn giấu được vợ của một mục sư tin lành tiếp thì họ biết đây không phải là đức tin đầu tiên họ được các tu sĩ Dòng Tên dạy!
Yếu tố thứ ba có tính chất tâm linh: các giáo dân này rất buồn vì không thể xưng tội ít nhất một năm một lần như Giáo hội từ thời Công đồng Trente chỉ dạy. Tuy nhiên trong trường hợp không thể xưng tội, Công đồng chấp nhận “ăn năn cách trọn” trong khi chờ đợi gặp được một linh mục. Vì thế người công giáo Nhật đã kiên nhẫn chờ hơn 320 năm, mỗi ngày họ đọc kinh ăn năn gọi là kinh Orasho được các cha Dòng Tên dạy.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Một nhà truyền giáo Ý bị bỏ quên ở Nhật
Đức tin của các kitô hữu ẩn giấu ở Nagasaki, nước Nhật
Sống đời sống truyền giáo ở Nhật
Hồng y Manyo Maeda: Vai trò của Giáo hội trong nước Nhật ngày càng thế tục hóa