Cha xứ Grosjean, linh mục muốn thức tỉnh người công giáo

516

Cha xứ Grosjean, linh mục muốn thức tỉnh người công giáo

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2016-03-25

linh mục Pierre-Hervé Grosjean

Mặc cổ la mã, râu chưa cạo ba ngày, Pierre-Hervé Grosjean, cha xứ của giáo xứ Saint-Cyr-l’École (Yvelines) là đại diện cho thế hệ mới của các tu sĩ không mặc cảm.

Mặc cổ la mã, râu chưa cạo ba ngày, Pierre-Hervé Grosjean, cha xứ của giáo xứ Saint-Cyr-l’École (Yvelines) là đại diện cho thế hệ mới của các tu sĩ không mặc cảm.

Trẻ trung thích tranh luận, rất năng động trên mạng, đôi khi cha xứ này hay trêu tức qua phong cách, qua tư tưởng của mình, cha gây chú ý, cha không để người khác phớt qua. Cha vừa xuất bản một quyển sách, trong đó cha xin người công giáo hãy mang sứ điệp Phúc Âm vào trong các cuộc tranh luận của quần chúng.

Giáo hội Công giáo có những khuyết điểm, nhưng Giáo hội Công giáo cũng có biệt tài lôi cuốn các nhân vật xuất chúng. Nếu ngày nay Giáo hội có ít linh mục trẻ, nhưng Giáo hội lại có những người dấn thân như chưa từng có. Và bây giờ các giáo xứ Pháp có một tân thế hệ người của Chúa như vậy, họ thường mặc áo có cổ la mã, đôi khi mặc áo chùng, họ không có chút mặc cảm nào với mô hình của quá khứ. Không chối cãi, họ mang một dòng máu mới.

Một trong những người tượng trưng cho thế hệ này là cha xứ Pierre-Hervé Grosjean. Cha ở giáo xứ Saint-Cyr-L’École, trong vùng Yvelines, ở trung tâm một khu phố có nhiều thành phần xã hội khác nhau, với 40 % là các căn hộ xã hội. Cha chịu chức khoảng hơn mười năm nay. Linh mục Grosjean vừa cổ điển, vừa rất lôi cuốn vì cha có một xác tín rất mạnh, cha trình bày trong quyển sách cha sắp xuất bản vào ngày 2 tháng 4, với cái tựa rất khiêu khích: “Người Công giáo, chúng ta hãy dấn thân!” (Catholiques, engageons-nous!)

Cha đã kêu lên: “Giáo dân không còn muốn họ được phục vụ bằng loại nước nhàn nhạt, loại thỏa hiệp mềm không làm cho ai lớn lên được! Lời của Giáo hội có thể chất vấn các lương tâm cứng cỏi nhất, chạm đến các tâm hồn khép kín nhất. Giáo hội phải lấy lại chỗ của mình trong các cuộc tranh luận quần chúng. Phải dùng các phương tiện để không những các lời này được nghe mà nó còn có trọng lượng! Sứ điệp mà chúng ta mang thì nó vượt quá chúng ta, chúng ta được mong chờ nhiều hơn là chúng ta nghĩ. Vậy thì tại sao chúng ta sợ? Tại sao chúng ta coi thường các diễn đàn tranh luận?”

Cơn giận của cha xứ Grosjean

Ngày 15 tháng 3 vừa qua, trong vụ hồng y Barbarin bị cáo buộc bao che các vụ ấu dâm, cha đã không sợ khi nhận lời lên nói chuyện trên kênh truyền hình nổi tiếng “Grand Journal” của Canal +. Và cha đã bùng cơn giận, rất đáng nễ, được mọi người khen ngợi và được truyền lại rất mạnh trên các trang mạng xã hội. Đó là buổi truyền hình còn ghi lại trong ký ức của người xem. Trong khi mọi mũi dùi đều dí vào Tổng Giám mục địa phận Lyon, Hồng y Barbarin, trong khi các giám mục Pháp họp khoáng đại ở Lộ Đức, họ có buổi họp báo bất ngờ ngày 15 tháng 3, nhưng họ thiếu chuẩn bị cho buổi họp báo, thì linh mục trẻ này – dưới ánh đèn chiếu không được đồng lòng cho mấy với Giáo hội – đã biết tìm giọng đúng, chữ đúng để nói về cơn khủng hoảng lớn này, làm cho người nghe cứng họng.

Cha trả lời cho ký giả Mạtena Biraben: “Tôi chấp nhận đến đây nhưng tôi đến với cơn giận trong bụng, tôi đến với một cơn giận bầm gan đau đớn vì tôi nghĩ trước hết cho các em bé này (…), vì những em bé này được dạy, các con có thể tin vào các linh mục, người làm điều tốt, người hy sinh cuộc đời mình để phục vụ và các em bé này bị lừa, bị tổn thương (…). Nhưng điều này còn tệ hơn khi do một linh mục làm (…). Ấu dâm là một tội ác không thể chịu đựng được. Giáo hội phải luôn luôn ở bên cạnh nạn nhân và bên cạnh công chính để mang công chính lại cho các nạn nhân và để nói lên sự thật, dù phải trả một giá như thế nào! (…) Tôi không đến để biện hộ cho một thể chế. Tôi đến để biện hộ cho các trẻ em này. Với tất cả các linh mục của tôi, với tất cả các giám mục, Giáo hội ở bên cạnh các nạn nhân (…). Không có một cơ hội thứ nhì nào có thể có, vì không có toa thuốc cho sự đau khổ. Các em bé này vẫn tiếp tục đau khổ, dù đã là người lớn, chúng ta nợ họ sự thật.”

Sáng hôm sau, bà Laurence Rossignol, một bộ trưởng trong nội các của thủ tướng Valls khen ngợi tiếng kêu lên này. Ngay lập tức bà bị chính ngay trong nội bộ mình cho một trận đòn chỉ trích, họ nhắc cho bà nhớ, cha xứ này chống ‘hôn nhân cho tất cả’, có nghĩa là hôn nhân cho cả người đồng tính.

Đúng là cha xứ nói thẳng vào vấn đề, cha được địa phận Versailles đề cử làm tổng thư ký hội đồng “Luân lý và chính trị”. Trong quyển sách của mình, cha giải thích tình trạng kitô giáo hiện nay ở nước Pháp “buộc chúng ta không được nhàn nhạt”, không phải để “muốn chinh phục quyền lực nhất thời” nhưng vì “nước Pháp trở nên sa mạc thiêng liêng” và từ nay nó không còn là “nước của sứ mệnh”. Như thế người công giáo phải “dấn thân và đi xuống đấu trường”. Linh mục chỉ trích gay gắt khuynh hướng “co cụm vào mình” hay “phản xạ căn tính”, một “não trạng thua cuộc”. Và còn “khuynh hướng pha loãng”, vì một “kitô giáo ‘làm cho phù’ và ‘thỏa thuận’ thì sẽ không cứu được ai”.

“Một thiểu số sáng tạo”

Cha nhắc lại, “Chúa Giêsu không cho phép các môn đệ của mình đào ngũ”, linh mục mời gọi người công giáo phải trở thành một “thiểu số sáng tạo”, vì  “giữa mình với nhau là chết”. Cha đả kích hàng ngũ của mình “làm việc tài tử”, thiếu “tham vọng” và “chiến lược của ảnh hưởng”, cha nhận tội: “Chúng ta thường hay phạm tội vì quá cẩn thận hoặc vì sợ bị chê”. Cha trực tiếp khuyến khích người trẻ công giáo không hướng sự nghiệp của mình cho “tiền” hay “về những nơi cha mẹ thúc đẩy” nhưng về chính trị, truyền thông, giảng dạy. Và cả về Giáo hội nữa…

Ngắn gọn, đây là một quyển sách bổ ích, theo hình ảnh của người đàn ông tuy nhỏ nhưng có một năng lực siêu dồi dào, đặt sự “tuân phục” giám mục Éric Aumonier của mình lên hàng đầu. Không bao giờ linh mục nói trước báo giới mà không có sự đồng ý của giám mục Aumonier. Cha giải thích: “Tôi thi hành chức thánh và sứ mệnh của Giáo hội, tôi theo Giáo hội, tôi không theo tôi. Chính Giáo hội phải nhận định và nói tôi phải phục vụ như thế nào.”

Một nét khác của người trở thành hình ảnh được nhiều người biết đến trên mạng xã hội của Giáo hội Pháp (tài khoản Twitter có gần 30.000 người theo, trang Facebook có 17.000 người like, trang này cha thành lập với một vài người bạn linh mục có tên là Padreblog), đó là cha biết làm việc theo ê-kíp và biết mình phải có nhiều người chung quanh giúp mình.

Đàng sau khuôn mặt trước quần chúng của cha, có năm linh mục “bạn ruột”: bạn “an ủi” khi bên trong nội bộ có các ghen tương trong hàng giáo sĩ, khi bên ngoài có những cú chỉ trích của quần chúng quá gay gắt; bạn “cố vấn” để suy nghĩ khi phát biểu các quan điểm và nhất là cách diễn tả trước máy vi âm, trước máy chụp hình. “Khi chúng tôi viết một bài thời sự trên trang Padreblog, chúng tôi không bao giờ đăng mà không có sự đồng ý của sáu linh mục, đó là cái giá của một đêm làm việc, gởi e-mail qua về cho nhau,” cha kể. Người thường đứng trước các lời khen ngợi thố lộ: “Những người bạn ruột này che chở cho tôi khỏi bị ‘ấm đầu.’”

Một cha xứ của thế kỷ 21

Cuối cùng, tu sĩ có tầm vóc “lãnh đạo” với cái tật “ít kiên nhẫn” – “khuyết điểm chính của cha” – thích làm việc. Bên cạnh trang Padreblog, cha xây dựng ba sáng kiến độc đáo, dù cha ở trong truyền thống cổ điển của đạo công giáo là lo cho người thấp bé nhất, nhưng cha cũng lo cho người “ưu tú”, một chữ cấm kỵ trong Giáo hội công giáo Pháp.

Từ năm 2010, mỗi cuối tháng 8 hàng năm, cha tổ chức các Đại học hè Nhân vật chính của Tương lai (Acteurs d’Avenir). Các đại học này quy tụ 200 sinh viên công giáo chung quanh các nhân vật có tầm quyết định về các mặt kinh tế, chính trị đủ mọi khuynh hướng. Năm 2008, cha đồng sáng lập một nhóm chuyên gia cố vấn có tên “Aletheia”. Cha tổ chức một buổi gặp mặt của 300 người công giáo thuộc các thế hệ khác nhau, giữa những người trẻ làm chức cao, những người lớn tuổi thuộc mọi lãnh vực trong xã hội. Buổi gặp mặt gần đây có sự tham gia của: Jean-Louis Bianco, Natacha Polony, François Fillon. Cha cũng thành lập Câu lạc bộ Lêô XIII cho các linh mục vùng Paris. Cha cũng gặp các chính trị gia để “tìm hiểu, trao đổi và tranh luận”. Những người gần đây là: Macron, Sarkozy et Juppé trong một danh sách dài những người đã gặp.

Ngắn gọn, cha xứ của nước Pháp ở thế kỷ 21 này là người có thể gây bực tức qua phong cách, qua tư tưởng của mình, nhưng không để ai phớt lờ: “Tôi thấy cha Grosjean có một tổng hợp xuất sắc giữa một căn tính mạnh của công giáo và cởi mở, vì cha dấn thân vào xã hội một cách cơ bản”, dân biểu Đảng Xã hội Jean-Philippe Mallé bình luận, “cha đề nghị một căn tính công giáo cho các người trẻ mà không mang tính đồng nhất.” Nhà văn và người đồng sáng lập Hội đồng các người rửa tội nói tiếng Pháp Christine Pedotti, bà cũng là chủ tịch tuần báo cánh tả Chứng tá Kitô (Témoignage chrétien), bà công nhận linh mục Grosjean “rất khéo léo” khi nói về Giáo hội trong giới truyền thông, “nơi người nói dễ dàng bị cháy”. Bà quan sát: “Điều làm tôi bị phiền nhất không phải là linh mục, nhưng sự việc cha có thể trở thành ngọn cờ của một thế hệ của những người trẻ công giáo đòi nơi cha để biện minh cho một chủ nghĩa công giáo đồng nhất.”

Và đó là nhân vật đi xe gắn máy đổ xịch ở sân giáo xứ, xin lỗi đã trễ “sáu phút” vì bận đi giải tội… Cha đặt bí tích giải tội lên “trên tất cả các cam kết”. Giúp đỡ và cùng đồng hành với giáo dân là “ưu tiên tuyệt đối”. Trong nhà thờ bằng bê-tông này, cha điều hành một nhóm cầu nguyện liên thế hệ. Một trong những người tham dự nói: “Đôi khi cha như người chỉ đạo, nhưng đúng là cha biết nói với tất cả mọi người. Đó là… một siêu cha xứ!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch