Martin Schulz: “Cấp lãnh đạo cao nhất công giáo cho một bài học dứt khoát”

298

Lavie.fr, Sophie Lebrun, 2016-04-20

Từ khi nhận chức vụ, Đức Phanxicô đi từ nơi này đến nơi khác, trước hết từ Lampedusa, rồi Lesbos… Ông Martin Schulz, chủ tịch Nghị viện Âu Châu kêu gọi các nguyên thủ Quốc gia đoàn kết để cùng nhau đối diện với cơn khủng hoảng di dân này. Theo ông, cách duy nhất để đi ra khỏi cơn khủng hoảng này là phải đi ra một cách cao thượng.

 

Ông Martin Schulz và Đức Phanxicô ở Nghị viện Âu châu tháng 11-2014
Ông Martin Schulz và Đức Phanxicô ở Nghị viện Âu châu tháng 11-2014

Vatican, Quốc gia nhỏ nhất Âu Châu đã đón nhận 12 người tị nạn Syria. Còn hơn các nước Bulgaria, Chypre, Estonia và nhiều nước khác…

Hành vi của Đức Giáo hoàng là dấu chỉ mạnh cho Liên hiệp Âu Châu (UE). Nếu mỗi nước thành viên Liên hiệp Âu châu đảm đương trách nhiệm của mình thì chúng ta sẽ không có cơn khủng hoảng tị nạn. Nếu chúng ta chia đều một triệu người tị nạn trong số 508 triệu người dân Âu Châu thì cơn khủng hoảng sẽ biến mất. Nhưng nếu chúng ta bỏ mặc các nước, chúng ta để họ tự xoay xở thì lúc đó là có vấn đề. Và đó là điều đang xảy ra: nhiều Quốc gia thành viên không tham dự vào nguyên tắc chia đều người tị nạn và vì thế tạo nên vấn đề cho sáu nước tham dự. Sự từ chối tham dự vào giải pháp chung của Âu Châu, lấy lý do mình theo chủ nghĩa dân tộc để rồi sau đó chỉ trích Âu Châu “không tìm ra giải pháp cho cơn khủng hoảng di dân”, tôi thấy đây là thiếu trách nhiệm và vô liêm sỉ.

Qua hành động của ngài, ngài dạy chúng ta những gì?

Khi tôi mời Đức Phanxicô đến đọc diễn văn trước Nghị viện Âu châu năm 2014, tôi đã nhắc, chúng ta đang tiếp một người Argentina, con của một gia đình di dân người Ý. Đức Giáo hoàng đến từ một châu lục khác, có thể vì thế mà ngài cho chúng ta một cái nhìn sáng suốt về các cơn khủng hoảng của Âu Châu. Theo tôi, hành vi của ngài hôm nay là một biểu tượng không chối cãi của sự tôn trọng, lòng nhân đạo và lòng bao dung. Với tất cả các Quốc gia tự cho mình là công giáo hay kitô giáo, mà các chính quyền dùng lập luận này để từ chối tiếp nhận người tị nạn – đa số là người hồi giáo -, thì nhà lãnh đạo cao cấp nhất của công giáo đã cho chúng ta một bài học dứt khoát. Những người tị nạn này là những người cần che chở, cần sự che chở của chúng ta. Và tôn giáo, tín ngưỡng, màu da của họ không thay đổi gì ở đây hết.

Điều này có thể làm cho các Quốc gia Âu Châu tiến triển không?

Nếu chuyến đi và hành vi này có thể làm thay đổi thái độ của một vài Quốc gia Âu Châu thì tôi chỉ có thể khen ngợi họ thôi. Nước Thổ Nhĩ Kỳ đón 2.5 triệu người tị nạn, gần nước Syria và trong những điều kiện thường tốt hơn một vài nước khác của Liên hiệp Âu châu. Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác trong việc xử lý cơn khủng hoảng này và, trước tiên, đã bẻ gãy sự khai thác các dân tộc bấp bênh mà cuộc sống của họ bị rơi vào tay của những người tổ chức vượt biển không lương tâm. Nhưng điều này không muốn nói Âu Châu nhắm mắt khi đứng trước các vi phạm về quyền của dân chúng và tự do báo chí của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch