Trung Quốc-Vatican: lịch sử được viết lại để hợp pháp hóa thỏa thuận
lanuovabq.it, Riccardo Cascioli, 2024-05-22
Hội nghị kỷ niệm 100 năm Công đồng Thượng hải
Trung Quốc-Vatican, lịch sử được viết lại để hợp pháp hóa thỏa thuận.
Các diễn giả Trung Quốc, tin nhắn video của Đức Phanxicô, bài phát biểu của hồng y Pietro Parolin, bộ trưởng Ngoại giao Vatican: hai hội nghị ở Milan và Rôma kỷ niệm Công đồng Thượng Hải năm 1924 để khai triển “tinh thần” của thỏa thuận bí mật về việc bổ nhiệm các giám mục. Một ép buộc mang tính lịch sử với người công giáo Trung Quốc.
Hồng y Pietro Parolin và giám mục Thượng Hải Joseph Shen Bin
Trong hội nghị kỷ niệm 100 năm Công đồng Thượng hải, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin phát biểu: “Từ lâu chúng tôi hy vọng có sự hiện diện ổn định của chúng tôi ở Trung Quốc, dù sự hiện diện này không mang hình thức đại diện giáo hoàng hay sứ thần tòa thánh…” Từ bối cảnh này, chúng ta tìm hiểu Hội nghị nhân kỷ niệm 100 năm Công đồng Thượng Hải. Lễ kỷ niệm gồm hai ngày: ngày thứ hai 20 tháng 5 được tổ chức ở Đại học Công giáo Milan, ngày thứ ba 21 tháng 5 được tổ chức ở Giáo hoàng Học viện Urbanô, cả hai đều được cộng đồng Sant’Egidio yểm trợ, cộng đồng đã nỗ lực rất nhiều để gia hạn thỏa thuận gây tranh cãi năm 2018, gia hạn hai năm một lần và bây giờ sắp được phê duyệt dứt khoát.
Cả ở Milan và Rôma, trong số các diễn giả đều có sự hiện diện đông đảo của người Trung Quốc, tất cả đều có liên hệ với chế độ cộng sản ở Bắc Kinh: ở Milan có sự hiện diện của giám mục người Mông Cổ Meng Qinglu của Hohhot (người đã tham gia vào một số hoạt động rửa tiền bất hợp pháp và tham nhũng), của những người đã dự vào một số vụ phong giám mục bất hợp pháp, cả sau thỏa thuận năm 2018; giám mục Joseph Shen Bin của Thượng Hải, nhân vật chính trong “cú tát” nổi tiếng của chế độ cộng sản với Tòa thánh: được chính phủ và Giáo hoàng bổ nhiệm tại Thượng Hải ngày 4 tháng 4 năm 2023, lưng quay vào tường, chỉ được nhận ra ngày 15 tháng 7 sau đó. Việc ngài phát biểu hôm nay tại một hội nghị ở Vatican nói lên nhiều điều về sự cân bằng quyền lực được thiết lập bởi thỏa thuận và đặc biệt là về mong muốn của Vatican nhượng bộ mọi thứ để được cắm cờ ở Bắc Kinh.
Vì thế không có gì ngạc nhiên khi ký ức về Công đồng Concilium Sinense ở Thượng Hải (tháng 5 đến tháng 6 năm 1924) đã tạo dịp để diễn giải lại lịch sử cho nhu cầu ngày nay. Nhưng trước hết Hội đồng Thượng Hải là gì?, đây là chỉ dẫn cho giới truyền giáo được Đức Bênêđíctô XV đưa ra trong Tông thư Maximum Illud (1919) bắt đầu được thực hiện ở Trung Quốc: ngài lưu ý nhiều nơi trên thế giới, nhiệm vụ truyền giáo bị cản trở do phụ thuộc quá mức vào giáo sĩ của các chính quyền thực dân kiểm soát các nơi này; vì thế cần phải thúc đẩy việc thành lập hàng giáo sĩ địa phương “được đào tạo hoàn hảo”: “Giáo hội có tính phổ quát nên không xa lạ với bất kỳ dân tộc nào, sẽ thích hợp khi mọi quốc gia đều có linh mục có khả năng hướng dẫn đồng bào của họ trên con đường hướng tới đời sống vĩnh cửu.”
Cuối năm 1922, giám mục Celso Costantini được Đức Piô XI cử làm đại diện tông tòa Trung Quốc, ngài là người hướng dẫn chuyến đi, và từ năm 1926, sáu giám mục Trung Quốc đã được phong tại Rôma, một cách nhấn mạnh rằng “việc bản địa hóa” của Giáo hội gắn liền với tính phổ quát của Giáo hội.
Nỗ lực không quá che đậy của hai hội nghị kỷ niệm trong những ngày này: tạo ra sự song song giữa quá trình “quốc gia hóa” ngày xưa và quá trình “hán hóa” ngày nay của Chủ tịch Tập Cận Bình áp đặt qua Hiệp hội Công giáo Trung Quốc Yêu nước, và được Vatican chấp thuận. Điều này được thấy qua video thông điệp của Đức Phanxicô gởi hội nghị Rôma: “Tại Thượng Hải, các nghị phụ tập trung ở Công đồng Concilium Sinense đã sống kinh nghiệm đồng nghị đích thực và cùng nhau đưa ra những quyết định quan trọng. Chúa Thánh Thần đã đưa họ đến với nhau để sự hòa hợp giữa họ được phát triển, dẫn họ đi trên các con đường mà nhiều người trong số họ không tưởng tượng được, ngay cả vượt lên những bối rối và kháng cự. Đó là điều Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội thực hiện. Qua tính đồng nghị, Chúa Thánh Thần đã chuyển từ việc phản đối phong chức cho các giáo sĩ địa phương sang việc mở ra những con đường mới. Nói cách khác, đây là điều chúng ta đang làm ngày nay: những người chỉ trích thỏa thuận với Trung Quốc đã không cởi mở với Chúa Thánh Thần.” Tuy nhiên, sự tương đồng với Hội đồng Thượng Hải rõ ràng là không đúng, vì bối cảnh chính trị – xã hội lúc bấy giờ hoàn toàn khác với xã hội Trung Quốc hiện nay: lúc đó Trung Quốc vẫn còn sống trong tình trạng hỗn loạn của Cách mạng Cộng hòa 1911-1912 lật đổ nhà Thanh, Thế chiến thứ nhất và thời của các lãnh chúa. Một tình huống khác xa với chế độ toàn trị hiện nay kiểm soát toàn bộ bằng bàn tay sắt và có khuynh hướng mở rộng.
Nhưng trên hết, các văn kiện của Đức Bênêđíctô XV và Đức Piô XI là “việc loan báo Chúa Kitô”. Chính động lực truyền giáo đã thúc đẩy Giáo hội tìm ra những phương thế tốt nhất để đem Chúa Kitô đến với mỗi người, mỗi dân tộc. Không có tính toán chính trị, các nhà truyền giáo được nhắc nhở về ơn gọi chính yếu của họ: “Họ được Chúa Kitô sai đi chứ không phải đất nước của họ sai đi.” Vì thế quá trình bản địa hóa hàng giáo sĩ là kết quả của lòng nhiệt thành truyền giáo. Mặt khác, trong các hội nghị ở Milan và Rôma, chúng ta thấy rõ con đường ngược lại: hệ thống hóa Giáo hội theo cách hợp pháp hóa việc “quốc gia hóa”, nhưng chính xác là theo hướng mà chế độ cộng sản mong muốn. Về cơ bản, tất cả các bài phát biểu đều có mục tiêu này.
Có một khía cạnh thứ hai rất quan trọng để vạch trần sự dối trá lệch lạc làm cơ sở cho một số quan điểm. Bằng cách phải có sự song song giữa thái độ ngày nay và thái độ thế kỷ trước của Vatican, họ phớt lờ mọi thứ đã xảy ra trong một trăm năm qua và những gì vẫn đang xảy ra ngày nay. Giáo hội Trung Quốc dù ít nhưng đã đưa ra bằng chứng lớn lao về đức tin qua tử đạo: ngay từ khi chế độ cộng sản ra đời năm 1949, hàng ngàn người công giáo Trung Quốc đã trả giá bằng máu của mình vì họ thuộc về Chúa Kitô và trung thành với giáo hoàng. Và họ vẫn còn trả giá cho sự thuộc về này qua sự đàn áp có hệ thống, trở nên nặng nề hơn sau các thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa Thánh năm 2018. Một cuộc đàn áp hiện đã lan rộng đến Hồng Kông, nơi hàng chục người công giáo đang bị giam giữ. Chính sự tử đạo và lòng trung thành của rất nhiều người đã chứng minh Giáo hội đã thực sự trở thành Trung Quốc; đó là quá trình “hán hóa” thực sự và cần phải tiếp tục.
Giữa bối cảnh này, một im lặng bi thảm đã bao trùm toàn bộ thực tế này từ Vatican; trong hai hội nghị về Công đồng Thượng Hải, dường như cử tọa không biết gì về tình hình thực tế, Giáo hội có trách nhiệm sửa đổi những tội lỗi của mình liên quan đến Trung Quốc. Vì người nghe không am tường lịch sử, không biết rằng im lặng là cái giá phải trả cho hy vọng “có được sự hiện diện ổn định” ở Bắc Kinh. Dù người công giáo Trung Quốc phải bị thiệt thòi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch