Phỏng vấn hồng y Müller về khoảng cách giữa đạo công giáo và chủ nghĩa cộng sản
belgicatho.be, 2024-05-18
Hồng y Gerhard Ludwig Müller, hồng y danh dự bộ Giáo lý Đức tin
Phỏng vấn hồng y Gerhard Ludwig Müller về khoảng cách giữa đạo công giáo và chủ nghĩa cộng sản. Trong một phỏng vấn với Tạp chí America, Đức Phanxicô trích Phúc âm Thánh Mát-thêu chương 25: “Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn; Ta khát, các con đã cho uống; Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước; Ta ở tù, các con đã đến thăm!” Như thế Chúa Giêsu là cộng sản sao? Đằng sau vấn đề này, chúng ta đã giản lược thông điệp Phúc âm thành một thực tế chính trị xã hội. Nếu tôi nhìn Tin Mừng theo quan điểm xã hội học, thì đúng, tôi là cộng sản và Chúa Giêsu cũng vậy. Nhưng đằng sau các Mối Phúc Thật và phúc âm Thánh Mát-thêu có thông điệp của Chúa Giêsu. Thông điệp này là thông điệp của người tín hữu kitô. Người cộng sản đã đánh cắp một số giá trị kitô giáo. Những người khác đã biến nó thành một thảm họa.” Nhân dịp này nhà báo Đức Lothar C. Rilinger đặt câu hỏi với hồng y Müller về toàn bộ khoảng cách giữa đạo công giáo và chủ nghĩa cộng sản. Ngày thứ hai 20 tháng 5 năm 2024, hồng y sẽ cử hành thánh lễ bế mạc Cuộc hành hương Chartres ở Pháp.
Lothar C. Rilinger: Chúng ta bắt đầu bằng một câu hỏi thần học: Liệu Thiên Chúa, Chúa Ba Ngôi của kitô giáo có chỗ đứng trong chủ nghĩa cộng sản không?
Hồng y Gerhard Ludwig Müller: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8.12). Chân lý này là tổng thể mọi hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa. Ngài yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16). Chủ nghĩa cộng sản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848, trong các tác phẩm của Karl Marx và các đệ tử của ông như Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot và các đồng chí của họ cơ bản là vô thần, thể hiện qua bộ ba “không có Chúa – không có lòng thương xót – không có tình yêu”. Đây là điều mà nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn, một trong những nạn nhân tiêu biểu nhất của chủ nghĩa cộng sản đã nhấn mạnh trong tác phẩm Quần đảo Gulag của ông. Marx phủ nhận sự tồn tại của Thiên Chúa như nguồn gốc của mọi sáng tạo, mục tiêu tìm kiếm chân lý và hạnh phúc của mỗi trái tim con người. Ông tuyên bố tôn giáo nói chung là ảo tưởng nguy hiểm, là thuốc phiện tự hủy hoại của con người. Tuy nhiên, trớ trêu thay cho lịch sử, chính việc phi kitô giáo ở phương Tây lại hủy hoại con người về mặt tinh thần và thể chất qua việc dùng ma túy thứ thiệt một cách rộng rãi, và cũng chính ở phương Tây việc hợp pháp hóa ma túy được cho là tiến bộ, đưa con người đến tự hủy diệt.
Từ năm 1905, Vladimir I. Lenin, người sáng lập Liên Xô và là nhân vật lãnh đạo trật tự thế giới vô thần đã kết luận đặc điểm vô thần của chủ nghĩa Marx trong văn bản Chủ nghĩa xã hội và Tôn giáo: “Giai cấp vô sản cách mạng bảo đảm vấn đề tôn giáo là vấn đề hoàn toàn riêng tư. Và chế độ chính trị này được giải phóng khỏi khuôn mẫu thời trung cổ, giai cấp vô sản sẽ lãnh đạo một cuộc đấu tranh rộng rãi và công khai nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ kinh tế, nguồn gốc thực sự cho sự tàn bạo về mặt tôn giáo của nhân loại.”
Hậu quả việc loại Chúa là Đấng tạo dựng một thế giới tốt đẹp (phản ánh lòng tốt và tình yêu của Ngài), Đấng cứu chuộc con người khỏi tội lỗi, khỏi cái chết bị nhìn qua cái nhìn hư vô về con người, thể hiện bộ mặt satan trong từng trang giấy, trong từng hành động của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Nhà văn Nga Fiodor Dostoyevsky tiên đoán hậu quả của chủ nghĩa xã hội vô thần trong quyển tiểu thuyết Những con quỷ (The Demons). Với Marx, con người không phải là con người được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa với phẩm giá bất khả xâm phạm, nhưng là một tập hợp các điều kiện tư tưởng và xã hội. Con người hoàn toàn phụ thuộc vào tập thể – Nhà nước, quốc gia, giai cấp, chủng tộc – nhưng chúng chỉ là vật liệu cần thiết để xây dựng một trật tự xã hội không tưởng. Vì theo Marx, không có Thiên Chúa, không có nhân quyền bất khả nhượng nào phát sinh từ ý muốn tự nhiên và được mạc khải của Đấng Tạo Hóa, mà chỉ do ý chí thuần khiết trước quyền lực của những kẻ chuyên quyền và bạo chúa.
Đây là lý do vì sao họ có thể thay đổi và thao túng ý thức con người qua tuyên truyền (như Đức Quốc xã đã làm sau này), xem những ý tưởng đã tiêm nhiễm vào họ là nền tảng thực sự của tâm hồn họ. Hệ tư tưởng woke chỉ là một biến thể của tân chủ nghĩa Marx với những hậu quả tàn khốc như “chủ nghĩa xã hội thực sự tồn tại” khi mọi người tin rằng họ có thể – bất chấp bằng chứng sinh học – xác định giới tính của chính mình hoặc thay đổi giới tính bằng phẫu thuật y học.
Nếu bản chất vô thần của chủ nghĩa cộng sản là một sự thật không thể chối cãi, thì người tín hữu kitô vẫn tôn vinh chủ nghĩa cộng sản để xây dựng một thế giới công bằng hơn. Nền tảng của chủ nghĩa cộng sản là thiết lập quyền sở hữu tập thể của cải (của người dân hoặc của cộng đồng), trong chế độ này, cá nhân không thể tự mình làm chủ. Giáo hoàng Lêô XIII, trong thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum) xây dựng học thuyết xã hội của Giáo hội để bảo vệ tài sản cá nhân, vì sự thịnh vượng cá nhân và khả năng thay đổi điều kiện sống của con người phụ thuộc vào đó. Như thế những ý tưởng của Đức Lêô XIII đã lỗi thời?
Cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, chủ nghĩa Mác-Lênin không liên quan gì đến công bằng xã hội, ngoại trừ việc tuyên truyền của Bộ Chính trị và xác quyết phi lý của tất cả những người bị các hệ tư tưởng Mác-xít đánh lừa. Tuy nhiên, với những trí thức mất gốc tôn giáo ở phương Tây, chủ nghĩa cộng sản là một loại tôn giáo họ thích ve vãn, như triết gia Jean-Paul Sartre của Pháp đã làm. Thêm nữa, các triết gia khác cố tình tránh xa kitô giáo, họ bị Chủ nghĩa xã hội quốc gia quyến rũ, chủ nghĩa này chất vấn họ thế nào là con người (Martin Heidegger).
Câu trả lời khả thi duy nhất đối với cuộc cách mạng kỹ nghệ của thế kỷ 19 và đối với những thách thức của toàn cầu hóa phương tiện truyền thông kỹ thuật hiện nay là học thuyết xã hội công giáo. Trên thực tế, bất cứ nơi nào học thuyết được triển khai đều thể hiện một cách xuất sắc (ở Cộng hòa Liên bang Đức sau những trải nghiệm khủng khiếp về chủ nghĩa toàn trị vô thần của những người theo chủ nghĩa Xã hội Quốc gia). Sẽ không có công lý hoàn hảo trên trái đất chừng nào thế giới vẫn còn ở dưới quyền lực của tội lỗi. Sự cứu rỗi viên mãn chỉ đến sau phán xét cuối cùng, khi vương quốc Thiên Chúa được hiện thực hóa trong hình thức hoàn hảo của nó. Nguồn gốc của lịch sử, Thiên Chúa đã tạo ra thiên đàng (biểu tượng hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới để phục vụ con người); nhưng vì tội lỗi con người đã đánh mất – không phải theo nghĩa thần thoại của thuật ngữ nhưng qua quyết định tự do của con người. Và Con Thiên Chúa, qua nhập thể, qua cái chết trên thập giá, qua sự sống lại, Ngài đã đưa chúng ta trở lại thiên đàng với Trời Mới Đất Mới, nơi sẽ chỉ xuất hiện vào cuối cuộc hành hương trần thế của chúng ta, với những thử thách của cuộc hành trình và với niềm an ủi của Thiên Chúa (x. II. Công đồng Vatican, Hiến chế Tín lý về Hội thánh Lumen Gentium 8). Con người muốn mình là thượng đế của mình, người sáng tạo và cứu tinh của chính mình đã biến mình thành công cụ của ma quỷ (Hitler, Stalin, v.v.) và thay vì thiên đường trên trái đất thì địa ngục trần gian xuất hiện, như Auschwitz, các trại cải tạo đã chứng minh. Khmer Đỏ, Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.
Marx ghi nhận, trong hệ thống sản xuất, có sự khác biệt giữa người làm thuê và người chủ tư liệu sản xuất. Để bù đắp sự khác biệt này, ông xem đấu tranh giai cấp là tất yếu. Là một phần của cuộc đấu tranh này, một bộ phận trong xã hội phải vào đảng. Nhưng liệu cam kết như vậy – tham gia một đảng và chống lại đảng khác – có phù hợp với quan điểm kitô giáo: tất cả mọi người đều có thể vào vương quốc của Chúa không?
Khá rõ ràng, chủ nghĩa tư bản tồn tại ở Manchester nước Anh vào thế kỷ 19 (giống như ngày nay vẫn còn hố sâu ngăn cách giữa khối dân nghèo trên thế giới và giới tinh hoa quyền lực, thông tin, tài chính), không phải chỉ là kết quả ngẫu nhiên của cuộc cách mạng công nghiệp kỹ thuật, mà còn nảy sinh từ tầm nhìn về nhân loại của giai cấp tư sản tự do, đánh dấu qua chủ nghĩa xã hội Darwin, một lý tưởng đấu tranh của tất cả chống lại tất cả (Thomas Hobbes) và luật của kẻ mạnh nhất (chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc). Nếu chúng ta ở lại với ẩn dụ “trận chiến”, ý nghĩa của từ này trong Kinh Thánh ám chỉ cuộc chiến của con người với ơn Chúa trợ giúp đã can đảm đứng lên chống lại sức mạnh hủy diệt của sự ác trong tâm hồn và ở thế giới bên ngoài. Những người cộng sản, với cuộc đấu tranh: giai cấp xã hội này chống lại giai cấp xã hội khác, và những người theo chủ nghĩa xã hội dân tộc, với sự ưu việt của chủng tộc này so với chủng tộc khác, tham gia vào việc nô dịch và hủy diệt về thể chất, xã hội và tinh thần của tất cả những người mà họ cho là kẻ thù.
Ngược lại, kitô hữu chúng ta, chúng ta yêu thương nhau như anh chị em, kể cả những người tội lỗi và cả kẻ thù, vì họ có Thiên Chúa là Cha, Đấng luôn mở cửa hoán cải cho tất cả mọi người: “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, là Lời Thiên Chúa (Êp, 10-17). ”
Trong chủ nghĩa cộng sản, khi cần thiết, phải thực hiện đấu tranh giai cấp bằng bạo lực. Như thế có được phép áp đặt lời Chúa bằng bạo lực không?
Ngay từ thế kỷ thứ 2, Thánh Irênê Lyon đã chống lại những người theo thuyết Trực tri, ngài viết: “Thiên Chúa tạo dựng con người để họ được tự do, sở hữu sức mạnh và linh hồn của chính mình ngay từ đầu, để có thể hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa mà không bị ràng buộc. Việc sử dụng vũ lực không phải là việc của Chúa.” (Chống lại các dị giáo IV 37, 1). Năm 2006, trong bài phát biểu tại Regensburg, Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh một lần nữa, Thiên Chúa là lý trí và mọi bạo lực mang tính hủy diệt đều mâu thuẫn với Thiên Chúa. Người hồi giáo có thể kêu cầu Chúa – dù theo cách báng bổ – nhưng công việc của họ cho thấy họ là công cụ của ma quỷ, “kẻ nói dối và kẻ sát nhân ngay từ đầu” (Ga 8:44). Con Thiên Chúa đã phải chịu đựng bạo lực bất công trong chính cơ thể, đã không triệu tập mười hai binh đoàn thiên thần ra lệnh cho Phêrô tra kiếm vào vỏ. Chỉ nhờ tình yêu mà chúng ta mới có thể ngăn chặn được vòng xoáy bạo lực.
Chúng ta thường nhắc, kitô giáo nguyên thủy có thể so sánh với chủ nghĩa cộng sản, với lý do là cả hai hệ thống đều ủng hộ việc để chung tài sản vào tập thể. Việc bãi bỏ tài sản tư nhân có cần thiết vào thời kỳ đầu kitô giáo không hay đó chỉ là “nghĩa vụ xã hội về tài sản” (sử dụng công thức pháp lý hiện đại) để yêu cầu mọi người có thể hưởng lợi từ tài sản chung không?
Kitô giáo nguyên thủy là kết quả của đức tin vào Chúa Kitô, Con của Đức Chúa Cha bị đóng đinh, và không có điểm gì chung, về bản chất hay cách thực hiện trên thực tế với các hệ thống chính trị vô thần của chủ nghĩa cộng sản (“tất cả đều là tài sản của nhân dân”) và của Chủ nghĩa xã hội quốc gia (“cá nhân không là gì, nhân dân là tất cả”). Đức ái kitô giáo dựa trên chân lý, tất cả chúng ta đều là con của Chúa và tất cả tài năng chúng ta có, những gì chúng ta có thể làm với tài năng đều là ơn Chúa. Vì thế một tín hữu kitô có của cải tinh thần và vật chất hợp pháp không thể từ chối người anh em nếu họ gặp khó khăn về tinh thần và vật chất. Từ đó nảy sinh việc làm bác ái. Trong kitô giáo, cá nhân là chủ thể của những việc làm tốt của mình. Trong chủ nghĩa xã hội vô thần, nơi con người với tư cách là cá nhân không tồn tại, đó là chủ thể tập thể vô danh dưới hình thức kiểm soát toàn quyền của đảng, phân phối hàng hóa khi họ thấy phù hợp. Trong đời sống thiêng liêng, người tín hữu kitô đích thực nhớ lời dạy của Thánh Phaolô (thường được thánh Augustinô trích dẫn) chống lại người Pêlagiô lạc giáo và sự tự mãn của họ: “Anh em có gì mà đã không nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1 Cor 4, 7).
Ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản theo đó không được có tài sản riêng cũng được tìm thấy trong các quy tắc của một số dòng khất sĩ của Giáo hội, nhưng họ không xem thường nhân loại như chủ nghĩa cộng sản. Đời sống tu viện có thể là mẫu mực cho đời sống của người tín hữu kitô không?
Lý tưởng khó nghèo theo Tin Mừng của đan viện, cũng như khấn đức vâng lời và độc thân vì Nước Trời, bắt nguồn từ sự tự do của người tín hữu để từ bỏ của cải một cách hợp pháp, vốn được công nhận là ơn của Chúa. Ơn gọi của người tín hữu kitô là sống một cuộc sống trần thế, trong hôn nhân và gia đình, đòi hỏi phải có của cải riêng có được do sức lao động của mình. Ơn gọi của người đó cũng có thể là sống theo ba lời khuyên của Phúc Âm, nhưng trong trường hợp này, việc dấn thân vào một cuộc sống như vậy là tự do của người tín hữu kitô để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Tuyên truyền của cộng sản, viện dẫn quá mức các ý tưởng của kitô giáo để thúc đẩy ý tưởng của họ về tài sản tập thể độc quyền, chỉ có thể thu phục được những người không một hiểu biết nào về kitô giáo và sẵn sàng từ bỏ “quyền thừa kế con trưởng” về công bằng xã hội chỉ vì một “chén đậu lăng” của một hệ tư tưởng vô thần và vô nhân đạo.
Làm thế nào chúng ta có thể quản lý nhiều nhiệm vụ của Giáo hội nếu các thành viên của Giáo hội không còn khả năng đóng góp tài chính cho mục đích này?
Giáo hội, với tư cách là một cộng đồng ân sủng, sống hoàn toàn nhờ sự quan tâm yêu thương của Thiên Chúa với con người, tuy nhiên trong phạm vi cấu trúc xã hội hữu hình, Giáo hội cần phương tiện vật chất để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, không những chỉ để giúp người đang thiếu thốn, những yêu cầu về cơ cấu phải được tôn trọng (tiền lương, tiền nhà, v.v.). Về việc này, mọi giáo dân có nghĩa vụ đạo đức đóng góp vào các chi phí tương ứng tùy theo khả năng của mình, không xem Chúa như “ông chủ cửa hàng”. Chúng ta nợ ơn Ngài trong mọi chuyện, những việc tốt Ngài giúp chúng ta làm, những việc mà Ngài đã chọn chúng ta. Bất cứ điều tốt nào chúng ta tự nguyện làm, chúng ta đều nhận được nhờ ơn của Chúa, và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui đích thực.
Trong bối cảnh này, chúng ta tự hỏi Giáo hội và đặc biệt là giáo hoàng phải tham gia vào chính trị thế giới ở mức độ nào? Họ có nên đứng về phía này phía kia trong bối cảnh xung đột hoặc chiến tranh không? Hay thay vào đó họ nên dùng uy tín đạo đức của mình để hòa giải các bên để ký kết một hòa bình chính đáng và kêu gọi kẻ xâm lược sửa chữa những thiệt hại đã gây ra do vi phạm luật pháp quốc tế không?
Giáo hoàng và các giám mục Âu châu vẫn còn tư tưởng kitô giáo: có nghĩa vụ đạo đức phải cấm chiến tranh như một phương tiện chính trị và kêu gọi giáo dân trên khắp thế giới cầu nguyện để Thiên Chúa có thể giúp các nhà lãnh đạo suy nghĩ về hòa bình thế giới. Các nhà lãnh đạo của Washington, Matxcôva và Bắc Kinh – tất cả đều ở độ tuổi từ 70 đến 80 – phải hiểu đến một lúc nào đó, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước tòa Chúa, nơi họ sẽ không thể trốn tránh sau những tuyên truyền vô nghĩa. “Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Chúa Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.” (2 Cor 5, 10).
Marta An Nguyễn dịch