Jimmy Lai, bị Trung Quốc đàn áp, bị Vatican bỏ rơi
newdailycompass.com, Patricia Gooding-Williams, 2024-03-21
Jimmy Lai, bị Trung Quốc đàn áp, bị Vatican bỏ rơi
Khi Hồng Kông thắt chặt luật an ninh quốc gia, Jimmy Lai, nhà bất đồng chính kiến công giáo nổi tiếng có nguy cơ bị tù chung thân. Linh mục Robert Sirico đã dự phiên tòa cuối cùng xét xử ông: “Ông thấy tôi, tôi chúc phúc cho ông và ông rất cảm động.” Một cây thánh giá được vẽ trong tù hiện đang được trưng bày tại Đại học công giáo ở Washington. Sự gần gũi của hồng y Zen, sự im lặng của Rôma và Giáo hội Hồng Kông.
“Tháng 1 vừa qua, tôi đã bay đến Hồng Kông để dự phiên tòa xét xử Jimmy Lai. Ông bị giam trong phòng kính, có ba cảnh sát canh gác. Ông thấy tôi và tôi chúc phúc làm dấu thánh giá cho ông. Ông cảm động rơi nước mắt”.
Cha Sirico, người sáng lập Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tự do Acton, nói về người bạn Jimmy Lai, 76 tuổi, tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Hồng Kông. Việc ông chỉ trích chế độ toàn trị của Trung Quốc đã làm ông bị biệt giam hơn 1.500 ngày ở Nhà tù Stanley. Bị tù vì các tội liên quan đến việc điều hành công ty truyền thông của ông và tham dự buổi cầu nguyện tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông hiện đang thụ án 5 năm 9 tháng.
Cùng lúc, ông bị buộc vào hai tội “âm mưu thông đồng với lực lượng nước ngoài” theo luật an ninh quốc gia năm 2020 của Trung Quốc, và “âm mưu xuất bản các ấn phẩm nổi loạn” theo luật về phản loạn có từ thời thuộc địa. Nếu bị kết tội, ông có thể bị ngồi tù suốt quãng đời còn lại. Chính tại phiên điều trần này, cha Sirico đến tham dự để nâng đỡ người bạn “cũ” của mình.
Jimmy Lai, nhà triệu phú, người hành động đơn lẻ đã trở thành kẻ thù công khai số 1 của Bắc Kinh sau khi Hong Kong, cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc năm 1997 theo thỏa thuận “một quốc gia, hai hệ thống”, được cho là để bảo đảm các quyền và các tự do không có trên lục địa. Khi Trung Quốc bắt đầu vi phạm thỏa thuận, ông Lai bắt đầu bảo vệ các giá trị của Hồng Kông và qua tờ báo Apple Daily của ông, ông buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.
Tờ báo hiện không còn tồn tại này do ông Lai thành lập năm 1995, ông đặt tên theo trái cấm ở Vườn Địa Đàng trong Cựu Ước. Câu đối có vần điệu của ông – “Một quả táo mỗi ngày, không kẻ nói dối nào có thể chiếm thế thượng phong” – đã mang lại hoa trái. Tờ báo đã thành công và số lượng phát hành lên tới 500.000 ấn bản vào thời cao điểm.
Chỉ một ít thời gian không lâu sau khi Apple Daily bước vào thị trường truyền thông khép kín, cha Robert Sirico và Jimmy Lai gặp nhau lần đầu cách đây gần 30 năm. Linh mục công giáo người Mỹ và ông chủ truyền thông có một quan tâm chung: liên kết thần học đạo đức với sự hiểu biết đúng đắn về kinh tế. Tờ Daily Compass đã phỏng vấn cha Sirico khi ngài đến Rôma tuần trước để tham dự một hội nghị do Viện Acton tổ chức.
Phỏng vấn linh mục Robert Sirico
Thưa cha, Hồng Kông vừa thông qua dự luật giới thiệu phiên bản luật an ninh quốc gia gây tranh cãi, họ mở rộng Điều 23. Điều này sẽ tác động như thế nào đến vụ án của ông Lai?
Linh mục Robert Sirico. Tôi không nghĩ điều này sẽ có bất kỳ tác động nào đến kết quả phiên tòa xét xử ông Jimmy Lai. Nhưng tôi nghĩ nó có thể là mối đe dọa cho bạn bè, đồng nghiệp cũ và các thành viên trong gia đình ông. Phiên bản năm 2024 của Điều 23, với các định nghĩa không rõ ràng về tội phản quốc, nổi loạn và bí mật nhà nước, trao cho cảnh sát quyền giam giữ nghi phạm hai tuần mà không bị buộc tội và tổ chức xét xử kín, có thể bị phạt tù chung thân. Ông Lai đã ở sau song sắt rồi. Theo tôi, vấn đề chính của ông là ông quá nổi tiếng, quá lôi cuốn, quá có ảnh hưởng, ông là nhà lãnh đạo bẩm sinh. Mọi người tôn trọng ông. Họ biết ông là người lương thiện, đã từ bỏ tất cả để bảo vệ tự do. Ông có thể sống một cuộc sống xa hoa ở nước ngoài nếu ông muốn, nhưng ông chọn sống theo những giá trị đức tin, dù phải trả giá bằng tự do của ông. Trung Quốc cảm thấy bị ông đe dọa.
Cha có cảm nhận cảm giác “đe dọa” khi tham dự phiên điều trần của ông Lai không?
Có. Các biện pháp an ninh áp dụng cho phiên tòa thật đáng sợ. Khi tôi đến gần tòa Kowloon, cứ cách ba mét có các cảnh sát cầm súng máy. Sau đó là đội cảnh sát chống bạo động và xe tải. Rồi một nhóm khoảng 50 người chụp hình những người tham dự. Có thêm hàng rào an ninh phải vượt qua. Tôi ở Hồng Kông thời gian ngắn nhất có thể và tôi được khuyên nên mặc áo thường. Trung Quốc liên tục giám sát công dân của họ. Chính phủ lo ngại một làn sóng nổi dậy mới sẽ nổ ra. Mọi người không hạnh phúc, trước khi Trung Quốc chiếm Hồng Kông cuộc sống tốt hơn và Trung Quốc biết điều này.
Các thành viên trong gia đình ông Lai có mặt tại tòa không?
Vợ ông là Teresa ngồi cạnh tôi với người con trai út. Bà rất bình tĩnh và chạm vào tràng chuỗi trong suốt phiên điều trần. Bà là người công giáo sốt sắng, bà sống thử thách này như một ơn gọi. Gia đình rất gần nhau và ông Lai đã hôn gió họ nhiều lần. Claire, con gái của ông là luật sư. Cô giúp nhóm luật sư bên bị cáo. Con trai cả Sebastian, sống ở Đài Loan. Anh dẫn đầu chiến dịch quốc tế đòi trả tự do cho cha, gặp các nhà lập pháp, tổ chức nhân quyền và các nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới. Con trai thứ là Augustin còn là học sinh. Anh nhớ cha nhiều. Teresa và Jimmy là hai cha mẹ tốt, cả gia đình có đức tin sâu đậm, có các giá trị dân chủ, nhưng điều này thật khó cho mọi người.
Jimmy Lai gần đây đã gây chú ý khi một bức tranh bị đóng đinh ông vẽ trong tù được tặng cho Trường Kinh doanh Busch tại Đại học công giáo ở Washington. Cha dự buổi lễ và nói vài lời khi treo bức tranh trong nhà nguyện kính Thánh Micae. Việc này diễn ra như thế nào?
Kể từ khi bức ảnh này bị lộ, chính quyền đã quyết định không cho phép đưa các bức vẽ ra khỏi nhà tù. Việc trưng bày các tác phẩm của ông Lai tại các tòa nhà công cộng giúp ông được biết đến nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông. Chính quyền Trung Quốc muốn ông sẽ là một trong các tù nhân bị lãng quên trên thế giới. Tác phẩm nghệ thuật này được ông Bill McGurn, cha đỡ đầu của Jimmy và là người phụ trách chuyên mục cao cấp của The Wall Street Journal gởi tặng. Đại học công giáo Washington được chọn vì ông Tim Busch ủng hộ trường hợp của ông Lai. Nó thể hiện sự dấn thân của ông Lai trong việc kết hợp kinh tế và đức tin kitô, ông bác bỏ não trạng duy vật. Bức tranh này có kích thước gần một mét. Người xem hỏi vì sao hai bên có hai hàng hoa màu cam. Tôi không chắc lắm, nhưng ông Lai thích hoa, ở nhà ông có một bức tường trồng lan. Tôi giữ một cái nhỏ hơn, ông cho tôi và tôi treo trong văn phòng của tôi (ảnh bên trái). Tranh của tôi vẽ trên giấy thường có dòng kẻ đơn giản. Cả hai đều được vẽ bằng bút chì màu, tô màu sắc dù chủ đề là: Chúa Kitô trên thập tự giá. Giáng sinh năm ngoái ông vẽ cho tôi một bức tranh Đức Mẹ làm tấm thiệp Giáng sinh.
Ông Lai bị biệt giam trong nhà tù an ninh cao. Ông có tiếp khách được không?
Hàng tuần vợ con được đến thăm. Sebastian sống ở Đài Bắc vì thế không gặp được cha. Tôi biết hồng y Zen có đến thăm. Ngài là bạn thân và đã rửa tội cho ông Lai. Hồng y Zen không sợ bất cứ điều gì và nói những gì ngài nghĩ. Ngài cũng bị chính phủ bắt và xét xử. Dù đã lớn tuổi nhưng ngài theo dõi những gì đang xảy ra ở Hồng Kông.
Hồng y Zen công khai chỉ trích việc Trung Quốc phản bội Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1997 và thỏa thuận bí mật Vatican-Trung Quốc năm 2018. Hồng y nghĩ gì về chuyến đi thăm của cha đến Hồng Kông?
Hồng Kông là một nơi rất khác so với trước khi bàn giao. Ở Hồng Kông luôn có sự phấn khích nhưng bây giờ không còn. Mọi người cố gắng tìm cách riêng của mình để vượt qua tốt nhất mạng lưới các hạn chế do Trung Quốc áp đặt. Nhưng tình hình đã chia rẽ Giáo hội công giáo. Có sự bất bình đáng kể giữa người nghèo và người giàu. Tầng lớp trung lưu và những người có thế lực sợ mất của cải và địa vị nên giữ im lặng. Người nghèo rất phê phán và muốn Giáo hội lên tiếng. Như chúng ta biết, Vatican đang xây quan hệ với Trung Quốc nhưng vẫn im lặng trước cuộc đàn áp các tín hữu công giáo như ông Jimmy Lai. Ông là nguồn gây khó chịu lớn cho Vatican. Giáo phận Hồng Kông cũng không nói gì, hàng giáo sĩ và tu sĩ phải tham dự các khóa Hán hóa ở Bắc Kinh. Trớ trêu thay, lời chứng sâu sắc về đức tin và sự hy sinh cá nhân của ông Lai lại nói lên hùng hồn hơn nhiều so với sự im lặng của họ. Hành động luôn có ý nghĩa hơn lời nói, hoặc trong trường hợp này là không có lời nói.
Cha cố gắng để mọi người biết đến ông Lai bằng cách làm phim tài liệu về cuộc đời và cuộc đấu tranh của ông. Bộ phim này thành công đến mức nào và người nước ngoài có thể ủng hộ ông Lai như thế nào?
Bộ phim tài liệu “The Hong Konger” đã rất thành công. Quá thành công dưới mắt Trung Quốc. Có 3 triệu lượt xem, được đăng miễn phí trên YouTube bằng nhiều ngôn ngữ và đã có được 11 giải thưởng liên hoan phim. Cảnh sát Trung Quốc đã cố gắng loại bỏ phim. Họ đã liên hệ với Google và Google chống lại áp lực, nhưng TikTok đã gỡ bỏ ba đoạn giới thiệu cho đến khi có bài xã luận của Wall Street Journal chỉ trích sự can thiệp của Bắc Kinh. TikTok sau đó đã đăng lại đoạn giới thiệu và xin lỗi. Nhưng nó cho thấy mức độ Trung Quốc theo dõi và muốn quy định những thông tin nào công chúng được phép đọc và xem. Cách tốt nhất để ủng hộ ông Lai là lan truyền đoạn phim trên mạng xã hội và đăng tải thông tin về trường hợp của ông. Phương tiện truyền thông xã hội có sức ảnh hưởng rất lớn và thông tin có thể truyền từ nơi này đến nơi kia trên thế giới chỉ trong vài giây, đó là lý do vì sao Trung Quốc giám sát chặt chẽ những gì được đăng. Và chắc chắn gia đình rất trân trọng mọi lời cầu nguyện dành cho ông Jimmy Lai.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch