Căng thẳng giữa Giáo hội Đức và Rôma tăng cao

221

Căng thẳng giữa Giáo hội Đức và Rôma tăng cao

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2024-02-20

Tổng giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức phát biểu trước các quan khách tại buổi tiệc hàng năm Saint-Michel của Giáo hội Công giáo Đức (Berlin, 4-9-2023). ANDERSEN /AFP

Vatican gặp khó khăn trong việc áp đặt lên hàng giám mục Đức việc trì hoãn cuộc cải cách nhằm thiết lập cơ chế đồng quản lý của các giáo phận với giáo dân.

Sự đối đầu giữa Vatican và Giáo hội Đức tiếp tục căng thẳng. Những ép buộc và cưỡng bách Rôma áp đặt buộc các giám mục Đức phải đình chỉ hội nghị của họ, diễn ra vào tuần này tại Augsburg, cuộc bỏ phiếu về quy chế của ủy ban thượng hội đồng áp đặt để các giám mục đồng quản lý các giáo phận với giáo dân.

Được thành lập trong mỗi giáo phận, các ủy ban này, “cơ quan tư vấn và quyết định”, bao gồm các giáo dân công giáo được bầu một cách dân chủ, sẽ có thẩm quyền đồng quản lý giáo phận với giám mục, ngoài các vấn đề bí tích: họ quản lý trách nhiệm trong giáo phận, phân định về các vấn đề luân lý, đặc biệt là việc quản lý đời sống của các linh mục. Các ủy ban này cũng sẽ có thẩm quyền xét xử ở cấp giáo phận, khu vực và liên bang.

Quyết định đưa ra cơ chế đồng quản lý giáo sĩ-giáo dân này đã được thượng hội đồng quốc gia của Giáo hội, Das Synodal Weg thông qua vào tháng 9 năm 2022. Quy chế của “các ủy ban thượng hội đồng” đã được thông qua vào tháng 11 năm 2023 và sẽ được 61 giám mục Đức bỏ phiếu tuần này để được xác nhận, sau đó sẽ được áp dụng vào năm 2026. Sau nhiều cảnh báo rõ ràng được Rôma đưa ra trong những tháng gần đây, nhưng không có hiệu lực – gồm hai thư của Đức Phanxicô (tháng 6 năm 2019, tháng 11 năm 2023) – ngày 16 tháng 2, Tòa Thánh đã phải hành động với thẩm quyền để ngăn chặn bối cảnh này qua thư cảnh báo vừa gởi đến Hội đồng Giám mục Đức.

Bức thư ngày 16 tháng 2 được giáo hoàng phê chuẩn và đã được ba cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội ký: các hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, hồng y Victor Manuel Fernandez, bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin và hồng y Robert Francis Prevost, bộ trưởng bộ Giám mục.

Trong bức thư này, Rôma phát triển ba lập luận để phản đối việc thành lập các ủy ban quản lý giáo phận mới. Lý do thứ nhất hoàn toàn mang tính pháp lý: “Giáo luật hiện hành không quy định” những trường hợp như vậy. Điều này sẽ làm cho sự tồn tại của họ trở nên “không hợp lệ”. Lý do thứ hai liên quan đến “thẩm quyền” của các hội đồng giám mục. Theo Rôma, họ không có quyền “phê duyệt” những đạo luật như vậy. Hội đồng Giám mục Đức không nhận “một lệnh nào” của Tòa Thánh, nhưng là một “thông báo trái ngược”.

Lý do thứ ba là lý do đặc biệt của riêng nước Đức. Ở đất nước này có một tổ chức giáo dân công giáo được công nhận, Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức (ZdK), một tổ chức hùng mạnh của giáo dân công giáo có liên quan đến việc quản lý Giáo hội về mặt thế tục. Trong bức thư này, Rôma từ chối không cho họ quyền thực hiện, cùng với Hội đồng Giám mục thành lập các ủy ban thượng hội đồng mới này. Vatican nghĩ rằng trách nhiệm phải thuộc về một cơ cấu khác: Hiệp hội các Giáo phận Đức (VDD), cơ quan này sẽ bỏ phiếu “nhất trí” để công nhận các ủy ban thượng hội đồng. Một điều kiện không thể thực hiện được, Rôma biết điều này vì có bốn giám mục Đức phản đối.

Lý do thứ tư “mang tính học thuyết” – không thể thương lượng với Vatican – đã được nói đến trong thư Rôma ngày 23 tháng 1 năm 2023, lúc đó được Quốc vụ khanh Pietro Parolin, hồng y Ladaria Ferrer lúc đó phụ trách bộ Giáo lý Đức tin, và hồng y Marc Ouellet, bộ Giám mục ký. Họ cho rằng ủy ban thượng hội đồng này đã trực tiếp đặt vấn đề về sứ mệnh và quan niệm của “giám mục” như Công đồng Vatican II đã định nghĩa năm 1964. Giám mục đảm nhận “chức năng của chính Chúa Kitô, là thầy, là mục tử và linh mục” với toàn bộ trách nhiệm về “các mục vụ giảng dạy và quản lý” trong giáo phận của họ.

Thông báo hoãn bỏ phiếu với các ủy ban bất hòa này đã làm ngạc nhiên Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức, một tổ chức hùng mạnh của giáo dân công giáo. Bà chủ tịch Irme Stetter-Karp nghĩ rằng nếu Giáo hội công giáo Đức dừng con đường đồng nghị, họ sẽ không có “cơ hội thứ hai”. Nhất là bà đặt Vatican trước “mâu thuẫn” của chính mình: một mặt, Vatican “chặn đứng” tiến trình đồng nghị ở Đức, mặt khác, Vatican khuyến khích tiến trình này ở mức độ toàn cầu với thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ kết thúc vào tháng 10 sắp tới.

Bà Irme Stetter-Karp không sai. Một trong những biện pháp được Thượng hội đồng thế giới chọn vào tháng 10 năm ngoái thực sự liên quan đến các cơ cấu đồng quản lý tương tự như các ủy ban của giáo phận Đức! Vì thế, bằng cách trì hoãn cuộc bỏ phiếu này, các giám mục Đức đang chờ đợi Thượng hội đồng thế giới về tính đồng nghị mở đường cho cuộc cải cách, vốn trên thực tế sẽ đặt một số quyền lực của giám mục dưới sự kiểm soát của giáo dân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hồng y Walter Kasper cảnh báo các giám mục Đức: “Chúng ta đã công khai hứa trung thành với Giáo hoàng”

Sau “búc thư kích động” của Vatican, các giám mục Đức đi lui

Tòa Thánh ngăn chặn dự án ‘hội đồng thượng hội đồng’ của Đức