“Tôi rất ấn tượng trước sự kiên nhẫn của Đức Phanxicô”: Phỏng vấn hồng y Christoph Schönborn
herder.de, Jan-Heiner Tück, Christoph Schưnborn, 2024-02-19
Tranh luận về “Ủy ban Thượng Hội đồng”: theo hồng y Christoph Schönborn, tổng giáo phận Vienna, tình hình ở nước láng giềng rất nghiêm trọng. Một bức thư từ các hồng y cấp cao nhất của Giáo triều gởi các giám mục ở Đức cảnh báo họ không nên “tỏ ra sự đã rồi” với giáo hoàng một lần nữa qua các quyết định. Hồng y Christoph Schönborn nói: Một điểm cốt lõi trong hiến pháp của Giáo hội công giáo đang bị đe dọa”.
Hồng y Christoph Schönborn © Tổng giáo phận Vienna/Stephan Schonlaub Thần học và Giáo hội
Jan-Heiner Tück: Sau một loạt can thiệp của Rôma, các giám mục Đức vừa nhận một lá thư từ Rôma yêu cầu họ kiềm chế phê chuẩn các quy chế của Ủy ban Thượng Hội đồng dự kiến tại đại hội đồng sắp tới của họ. Một sự can thiệp của trung ương?
Hồng y Christoph Schönborn: Không, đây không phải là vấn đề quyền lực. Đúng hơn, Đức Phanxicô đang hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi của ngài là duy trì sự hiệp nhất trong đức tin. Ngay từ đầu, sự ủng hộ quan trọng của giáo hoàng đối với Con đường Thượng hội đồng đã dựa trên mối quan tâm đến đức tin. Căng thẳng gia tăng không phải là biểu hiện của cuộc xung đột “Rôma chống lại Đức”; đúng hơn, đó là về sự hiểu biết cơ bản về Giáo hội. Nhiệm vụ đầu tiên của giáo hoàng là giảng dạy và bảo vệ đức tin của Giáo hội. Mối quan tâm mà Đức Phanxicô và các cộng sự của ngài trong các thánh bộ Rôma đã nhiều lần bày tỏ, trước hết là quan tâm đến sự hiểu biết đúng đắn về Giáo hội. Và đây không phải là quyền lực của Rôma chống lại quyền lực của các giáo hội địa phương, nhưng là sự hiệp nhất trong đức tin, vốn là nhiệm vụ chính của văn phòng Thánh Phêrô phải duy trì.
Tiếng ồn ào trong giao tiếp giữa Rôma và Đức ngày càng lớn. Bức thư cấm các giám mục Đức bỏ phiếu về quy chế của Ủy ban Thượng Hội đồng là cao điểm can thiệp của Rôma.
Điều này chủ yếu không phải về các vấn đề kỷ luật, mà đúng hơn là về sự hiểu biết về giáo hội và chức vụ tông đồ. Trong thư năm 2019 gởi Giáo hội Đức, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến “tính ưu việt của việc truyền giáo” vì ngài xem đây là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo hội. Tất cả những người đã được rửa tội đều là tác nhân tích cực của việc truyền giáo. Sự vắng mặt hoàn toàn của chủ đề truyền giáo trong Con đường Thượng hội đồng Đức làm tôi đặt câu hỏi về hình ảnh Giáo hội được thể hiện ở đây. Đơn giản tôi có cảm tưởng mối quan tâm của giáo hoàng không được giải quyết. Theo tôi, những động lực quan trọng của tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” năm 2013 dường như đã bị bỏ sót. Chưa bao giờ trong lịch sử lâu dài của Giáo hội, Giáo hội lại nói về mình một cách rộng rãi và rõ ràng như tại Công đồng Vatican II. Và Công đồng cũng nói về việc đổi mới Giáo hội để phục vụ thế giới. Lời chỉ trích từ Rôma cuối cùng đề cập đến những thiếu sót trong việc tiếp nhận giáo hội học của Công đồng Vatican II.
Các nhân vật chủ chốt của Con đường Thượng hội đồng Đức xem Con đường Thượng hội đồng như một sự tiếp nối sáng tạo của giáo hội học của Công đồng…
Rôma không nhìn nhận như vậy. Công đồng đã phát triển một hiểu biết về giám mục dựa trên nền tảng của Chúa Kitô (x. Lumen Gentium, chương 3), tiêu chuẩn không phải là một cân bằng khéo léo giữa các mối quan hệ quyền lực. Chức vụ giám mục là tiếp nối việc tông truyền, được ban quyền năng qua bí tích truyền chức. Vì vậy, việc các ủy ban hỗn hợp và đa số phiếu bầu của họ quyết định số phận tương lai của hội thánh là điều không thể chấp nhận được. Đây là nhiệm vụ của các giám mục với tư cách là chứng nhân đức tin được ủy quyền theo bí tích. Là một giám mục có nhiều năm kinh nghiệm, tất nhiên tôi biết việc sử dụng nghi thức bí tích là một điều gì đó cự lại về mặt văn hóa; có một chiều kích ở đây đi vào sinh hoạt hàng ngày không thể bắt nguồn từ các mối quan hệ quyền lực chính trị tồn tại trong xã hội ngày nay.
“Các giám mục Đức phải nghiêm túc tự hỏi liệu họ có thực sự muốn rút lui khỏi sự hiệp thông với và dưới quyền giáo hoàng hay phải trung thành chấp nhận.”
Bức thư mới nhất của Vatican có giá trị thẩm quyền như thế nào? Theo bức thư, nội dung đã được Đức Phanxicô chú ý và được ngài chấp thuận.
Chúng ta phải thấy rõ điều này: Những yêu cầu được lặp đi lặp lại của Đức Phanxicô không chỉ đơn giản là những đóng góp cho một cuộc thảo luận về tính đồng nghị, những tuyên bố này – và đặc biệt là trong bức thư gởi các giám mục Đức hiện đã được công khai – là về toàn bộ nhiệm vụ của giám mục là cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô (cum petro et sub petro). Do đó, đây là điểm cốt lõi của Hiến chế chạm vào Giáo hội công giáo. Vì vậy, các giám mục Đức phải nghiêm túc tự hỏi liệu họ có thực sự muốn rút lui khỏi sự hiệp thông cùng với và dưới quyền giáo hoàng hay phải trung thành chấp nhận. Không chịu nhượng bộ sẽ là cố chấp – một dấu hiệu rõ ràng của ly giáo mà không ai mong muốn. Hơn nữa, thời điểm của bức thư, ngay sau khi công bố là điều đáng chú ý. Có phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi việc công bố bức thư trùng với thời điểm bắt đầu Mùa Chay, thời gian suy tư và hoán cải?
Ủy ban Thượng hội đồng nên chuẩn bị thành lập một Hội đồng Thượng hội đồng. Bức thư gợi nhớ một bức thư của Vatican ngày 16 tháng 1 năm 2023, trong đó “một cách rõ ràng và theo lệnh đặc biệt của giáo hoàng” yêu cầu “không theo đuổi việc thành lập một công đồng như vậy nữa”. Tuy nhiên, những người ủng hộ Hội đồng Thượng hội đồng đã nhiều lần đảm bảo, tín điều và giáo luật sẽ không bị ảnh hưởng bởi một cơ quan như vậy. Đồng thời, Hội đồng Thượng Hội đồng không chỉ hoạt động như một cơ quan cố vấn mà còn là cơ quan đưa ra quyết định. Điều đó có đi cùng nhau không?
Tất cả những gì tôi có thể nói ở đây là, xin nghiên cứu kỹ Công đồng Vatican II! Chúng ta có Công đồng này – tiếp nối truyền thống giảng dạy vĩ đại của Giáo hội – hướng dẫn về các vấn đề đang được đề cập ở đây. Cả hai tín điều này đều bị ảnh hưởng trong hiến chế của Hội đồng Thượng hội đồng vì cách hiểu về giám mục với tư cách là cơ quan điều hành các quyết định của đa số thượng hội đồng không tương thích với cách hiểu của Công đồng. Các tuyên bố từ Rôma đã nhiều lần nhắc chúng ta một cách dứt khoát rằng Hội đồng Thượng Hội đồng cũng không phù hợp với luật hiện hành. Bỏ qua điều đó sẽ là coi thường.
“Giám mục không thể ủy thác trách nhiệm cá nhân trong việc truyền đạt đức tin cho các ủy ban. Vì vậy, hình ảnh cam kết tự nguyện của các giám mục với các quyết định của Hội đồng Thượng hội đồng là không phù hợp với trọng tâm của sứ mệnh giám mục”.
Tình hình của phần lớn các giám mục Đức thật bi thảm. Một mặt, họ đã hứa với Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức rằng họ muốn tiếp tục con đường đồng nghị. Mặt khác, Đức Phanxicô hiện đang từ chối cho họ khả năng duy trì thể chế mong muốn của Con đường Thượng hội đồng. Một cuộc xung đột về trung thành?
Tôi có thể đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của cuộc xung đột về lòng trung thành như vậy. Các giám mục chúng tôi thường trải nghiệm điều này khi cố gắng dung hòa những mối quan tâm của giáo hội địa phương với quan tâm của Rôma. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ các quan điểm của Ủy ban Trung ương Công giáo Đức không chỉ đơn giản là thể hiện đức tin của dân Chúa. Đức Phanxicô đã nhiều lần nhắc lại lời dạy của Công đồng về tính bất khả ngộ của dân Chúa trong các vấn đề đức tin. Vấn đề xác định điều gì tạo nên cảm thức đức tin không thể được trả lời một cách đơn phương; cảm thức đức tin của Dân Chúa không thể đo lường bằng phương pháp dân số học. Giám mục không thể ủy thác trách nhiệm cá nhân trong việc truyền đạt đức tin cho các ủy ban. Do đó, hình thức cam kết tự nguyện của các giám mục đối với các quyết định của Hội đồng Thượng hội đồng không phù hợp với trọng tâm của sứ mệnh giám mục.
Bà chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức (ZdK), Irme Stetter-Karp, yêu cầu ủy ban phải “hoạt động đầy đủ” tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6. Ông Thomas Söding phó chủ tịch ZdK cảnh báo các giám mục đã bỏ đa số phiếu để thành lập Ủy ban Thượng hội đồng, họ phải trung thành với các quyết định của chính họ. Nước Đức bây giờ có “kêu gọi bất tuân” không?
Tôi không hy vọng vậy. Ông Thomas Söding đã đúng khi nhắc nhở những lo ngại về cải cách của Đức không thể đạt mục tiêu nếu không có “con dấu chấp thuận của La Mã”. Tôi cho rằng ông sẽ duy trì quan điểm này ngay cả sau lá thư gần đây của Rôma.
“Tôi không mong muốn số phận của Giáo hội công giáo Cổ với Giáo hội công giáo ở Đức.”
Nhà thần học Tin lành Ulrich Körtner đã viết với tư cách là nhà quan sát, rằng những mối quan tâm của Con đường Thượng hội đồng Đức sẽ liên quan đến một Giáo hội Công giáo Cũ 2.0. Cha có chia sẻ đánh giá này không?
Vâng, tôi chỉ có thể hoàn toàn đồng ý với điều đó. Và tôi muốn nói thêm: Tôi không mong muốn số phận của Giáo hội Công giáo Cũ với Giáo hội công giáo ở Đức (ám chỉ đến phong trào tách khỏi Giáo hội Công giáo sau Công đồng Vatican I vào năm 1870).
Cha đã nhiều lần hòa giải thành công trong các cuộc thảo luận bế tắc và góp phần đạt được một thỏa hiệp khả thi bằng cách chấp nhận một cách tỉ mỉ các chi tiết xác thực của mỗi bên. Cuộc đối thoại với các bộ ở Rôma như thế nào sẽ giúp các giám mục Đức có một lối thoát để giữ thể diện không?
Tôi rất ấn tượng trước sự kiên nhẫn của Đức Phanxicô và các bộ ở Rôma đang cố gắng giữ liên lạc với các giám mục Đức, duy trì đơn vị thống nhất và duy trì cộng đồng. Khá nhiều người cho rằng giáo hoàng và các nhân viên của ngài quá kiên nhẫn, đã lâu rồi mới phản ứng bằng những biện pháp quyết liệt. Ngay cả sau lá thư gần đây nhất của Rôma: cánh cửa đối thoại vẫn mở! Ấn tượng của tôi là ngài và các bộ ở Rôma đã hết sức dễ dãi với các giám mục Đức. Ngược lại, chúng ta cũng có thể mong các giám mục Đức nhượng bộ – và các giám mục Đức cũng nên mong đợi Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức không vượt quá giới hạn của họ.
Minh bạch hơn, kiểm soát nhiều hơn, có nhiều sự tham gia hơn của giáo dân. Đó là những yêu cầu được đưa ra một cách đúng đắn sau vụ tai tiếng của ban lãnh đạo Giáo hội che đậy một cách có hệ thống các vụ lạm dụng. Theo cha, cha đã lãnh đạo tổng giáo phận Vienna trong nhiều thập kỷ và có kinh nghiệm về giáo hội hoàn vũ, việc điều hành một toà giám mục có tính đồng nghị hơn là như thế nào?
Tôi không nghĩ có một hình thức chi tiết và được chứng nhận như vậy với bất kỳ chức vụ lãnh đạo nào trong xã hội chúng ta cũng như với chức vụ giám mục. Và sự tuân thủ được chứng nhận tốt nhất: Phúc âm. Không phải không có lý do khi chúng ta nhạy cảm khi thấy một giám mục có thi hành chức vụ của mình theo Tin Mừng hay không hay ngài có nhấn mạnh, lạm dụng quyền lực và thẩm quyền của mình hay không. Tuy nhiên, thẩm quyền luân lý của các quyết định của giám mục sẽ tăng lên nếu thẩm quyền này trải qua quá trình tham vấn và tư vấn trước tiên. Nếu tôi có thể nhìn lại một cách khiêm tốn sau gần ba mươi năm kinh nghiệm trong hàng giám mục, thì với tôi, đây chính là điều mà tính đồng nghị đã năng động trước hết: một niềm tin cơ bản vào tín hữu, một cảm kích biết ơn đối với tất cả các dịch vụ và đặc sủng trong giáo hội, một lắng nghe trong lòng về những dấu chỉ Chúa ban cho con đường chung của dân Ngài. Và chúng ta cũng đừng quên tinh thần sẵn sàng làm chứng – lúc thuận tiện cũng như lúc cam go. Chúa Kitô, Đấng chịu đóng đinh phục sinh, là và vẫn là kim chỉ nam cho việc thi hành chức vụ giám mục và con đường chung của Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
“Hãy trung thành với giáo hoàng”: Một thái độ công giáo đơn giản và cơ bản
Tòa Thánh ngăn chặn dự án ‘hội đồng thượng hội đồng’ của Đức