Chuỗi cầu nguyện: có phải càng đông càng được nhậm lời không?

127

Chuỗi cầu nguyện: có phải càng đông càng được nhậm lời không?

fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2024-01-27

Với các phương tiện truyền thông mới, các chuỗi cầu nguyện ngày càng nhân lên và lan rộng nhanh chóng khắp bốn phương trời, dù đó là lời cầu nguyện cho một người bệnh, một con tin hay cho hòa bình… Nhưng số lượng tín hữu cầu nguyện mới là điều quan trọng dưới mắt Chúa sao?

Tục ngữ có câu: “Càng đông càng vui”. Và chúng ta có thể nói, “càng đông càng cầu nguyện nhiều hơn”. Đức Phanxicô thường xin giáo dân trên thế giới cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt là ở Đất Thánh, ở Ukraine, ở những nơi có chiến tranh. Và thường thường các các chuỗi cầu nguyện được làm trong gia đình, trong giáo xứ, trong cộng đoàn để cầu nguyện cho một người bị bệnh, một người bị đau khổ. Nhưng có quan trọng không nếu có nhiều người cầu nguyện cho một ý chỉ? Chúa Giêsu đã chẳng nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ,” (Mt 18, 19-20) sao? Vậy vì sao phải cầu nguyện đông, nếu chỉ hai hoặc ba người là đủ?

Thiên Chúa chú ý đến từng tạo vật của Ngài và đến những lời cầu nguyện của họ, miễn là lời cầu nguyện được thực hiện bằng đức tin. Do đó, số người cầu nguyện cho một lý do nào đó dường như không quan trọng dưới mắt Chúa. Ngài hiện diện, lắng nghe, ngay cả khi chúng ta ở một mình trong phòng. Thầy Antôn, kinh sĩ tại tu viện Lagrasse nhấn mạnh: “Con số sẽ không làm tăng hiệu quả của lời cầu nguyện, nó không mang tính máy móc. Tuy nhiên, càng có nhiều người thực hành đức ái thì càng có tác động đến hiệu quả của việc cầu nguyện. Có một mối liên hệ giữa sự gần gũi Thiên Chúa với việc làm bác ái và việc lời cầu nguyện của chúng ta được nhậm lời. Các thánh lớn cho thấy rõ điều này: một số người đã nhận được phép lạ trong suốt cuộc đời họ và sự gần gũi của họ với Chúa không xa lạ, mặc dù điều này không phải là tự động.” Nói cách khác, lòng bác ái càng hiện diện và tích cực nơi nhiều người trong chúng ta thì chúng ta càng đến gần trái tim của Chúa hơn.

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho con đường đến với Chúa, các con số còn tạo ra một cộng đồng cầu nguyện. Điều tốt đẹp của chuỗi cầu nguyện là nó thúc đẩy sự hiệp thông giữa những người cầu nguyện cho cùng một mục đích. Một hiệp thông theo ý muốn của Thiên Chúa. Thật vậy, khi lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy các môn đệ là “Lạy Cha chúng con” – chứ không phải bằng “Lạy Cha của con” – đó là Chúa mời gọi tinh thần hiệp thông giữa các tín hữu. Cùng nhau cầu nguyện là đi đến sự hòa hợp mà Thiên Chúa mong muốn. Ngày 7 tháng 9 năm 2013, Đức Phanxicô nói trong buổi cầu nguyện cho Syria: “Đó là việc chạm môi miệng vào thế giới của Thiên Chúa, thế giới trong đó mọi người đều thấy mình có trách nhiệm với người khác, vì lợi ích của người khác.” Ngài thúc giục chúng ta làm người canh giữ cho anh em của mình: “Làm người, có nghĩa là làm người bảo vệ lẫn nhau.” Cầu nguyện cho người người lân cận, cho người anh em của mình trong nhân loại cũng là một cách. 

“Mở ra huyền nhiệm hiệp thông của các thánh”

Cùng nhau hướng tới Thiên Chúa trong một ý chỉ cụ thể sẽ tạo thành một cộng đồng anh em. Nối kết cái này với cái kia, đó là một trong những từ nguyên của từ tôn giáo (religare, kết nối, cột vào). Thần học gia Jacques Gauthier, người viết chuyên luận của trang Aleteia nhấn mạnh khía cạnh cộng đồng của chuỗi cầu nguyện, đó là “sự triển khai huyền nhiệm hiệp thông các thánh trong Giáo hội, cộng đồng của những người đã được rửa tội trong Chúa Kitô sống lại.”

Mặt khác, vấn đề là phải phân biệt rõ ràng chuỗi cầu nguyện gắn kết giáo dân với nhau để thực sự xin một ơn cụ thể, với những thông điệp kêu gọi sai lầm lan truyền trên Internet, không được phá vỡ chuỗi cầu nguyện nếu không sẽ không được nhậm lời. Đó là hoàn toàn mê tín. Vì lời cầu nguyện không áp đặt điều kiện. Cầu nguyện là hoàn toàn nhưng không. Cầu nguyện mời gọi chúng ta từ bỏ chính mình trong niềm tin tưởng hoàn toàn vào lòng nhân từ và thương xót của Chúa. Khi cầu xin một ân huệ, chúng ta dám hy vọng, như Chúa Giêsu đã khuyên: “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9-10).

Marta An Nguyễn dịch