Đức Phanxicô thành lập một giáo phận mới ở Trung Quốc

237

Đức Phanxicô thành lập một giáo phận mới ở Trung Quốc

cath.ch, I.Media, 2024-01-29

Bốn ngày sau lễ phong tân giám mục ở Zhengzhou Trịnh Châu, một lễ phong giám mục khác ngày 29 tháng 1 năm 2024 đã được văn phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo cùng ngày. Giám mục Antôn Tôn Văn Quân (Sun Wenjun), sinh năm 1970, được đào tạo đặc biệt ở Ai-len là giám mục đầu tiên của giáo phận Duy Phường, miền đông bắc Trung quốc. Việc bổ nhiệm lần thứ tám này liên quan đến thỏa thuận năm 2018 đánh dấu một dấu hiệu cải thiện trong mối quan hệ giữa Rôma và Bắc Kinh.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2023, nhưng mãi đến ngày 29 tháng 1, hơn chín tháng sau mới được công bố: Đức Phanxicô quyết định bãi bỏ Phủ doãn Tông tòa Ích Đô Huyện (Yiduxian), do Đức Piô XI thành lập năm 1931, và thành lập một giáo phận mới ở Duy Phường, Tế Nam, tỉnh Sơn Đông.

Lãnh thổ của giáo phận mới này bao gồm toàn bộ thành phố Duy Phường, có diện tích hơn 16.000 km2, với dân số 9,3 triệu người. Nhóm thiểu số công giáo nhỏ bé có khoảng 6.000 giáo dân, có 10 linh mục và 6 nữ tu phục vụ.

Giám mục Antôn Tôn Văn Quân là giám mục đầu tiên của giáo phận Duy Phường được phong ngày 29 tháng 1 “trong khuôn khổ Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh và Trung quốc”. Giám mục sinh tháng 11 năm 1970, được đào tạo tại chủng viện Xà Sơn, Thượng Hải từ năm 1989 đến năm 1994. Ngài chịu chức ở Bắc Kinh năm 1995 và phục vụ ở Sơn Đông từ năm 2005 đến năm 2007. Từ năm 2007 đến 2008, ngài đi Ai-len để học và từ năm 2008 ngài làm mục vụ ở Duy Phường.

Lễ phong tân giám mục Antôn Tôn Văn Quân ở Duy Phường, đông bắc Trung quốc ngày 29 tháng 1-2024 

Sự thống nhất phức tạp của Giáo hội công giáo Trung quốc

Quyết định thành lập một giáo phận theo đúng nghĩa của nó, ngay cả đối với một cộng đồng rất nhỏ có thể được hiểu Tòa Thánh mong muốn bám vào thực tế công giáo nhỏ bé này trong một phạm vi ổn định và trong tình trạng đặc biệt của Trung quốc, đã không còn liên kết với các hội dòng truyền giáo bị chính phủ cho là có nguy cơ bị bên ngoài can thiệp. Nhưng cương vị một ‘doãn phận tông tòa’, một giáo khu có thể giao cho một linh mục điều hành bị cho là tạm thời, vì thế phải chờ một giáo sĩ bản địa được đào tạo để có thể lãnh đạo Giáo hội địa phương.

Phần lớn các doãn hạt tông tòa trên thế giới đều nằm ở Trung quốc đại lục. Trong số 39 doãn hạt liệt kê trong Niên giám giáo hoàng năm 2023 có 29 doãn hạt ở Trung quốc, tất cả đều chính thức bị bỏ trống, các vị có trách nhiệm vào giữa thế kỷ 20 chưa được thay thế sau các vụ đàn áp thời Mao Trạch Đông và khi các nhà truyền giáo bị trục xuất. Nhưng Giáo hội công giáo vẫn có thể tiếp tục một số hoạt động, với việc tương đối nới lỏng các điều kiện sinh hoạt tôn giáo từ những năm 1970 dưới thời chủ tịch Đặng Tiểu Bình, với mức độ tự do hoặc bí mật khác nhau tùy theo khu vực.

Sự cùng tồn tại giữa một Giáo hội chống lại chế độ và Hội Công giáo Yêu nước đặt dưới sự giám sát của Đảng Cộng sản, từ lâu vẫn là một nhầm lẫn, vì các cộng đồng khác nhau xen kẽ giữa thù địch và mềm dẻo tùy theo nơi, tùy theo giai đoạn. Vì thế thỏa thuận mục vụ năm 2018 giữa Trung quốc và Tòa thánh về việc bổ nhiệm các giám mục nhằm mục đích thiết lập một hệ thống phân cấp duy nhất, được cả hai bên công nhận.

Nhưng sự phát triển này đã làm cho bên thứ ba đau khổ, đó là Giáo hội ‘ngầm’ hoặc ‘bí mật’, trong đó nhiều thành viên cảm thấy họ bị thỏa thuận này lừa dối vì thỏa thuận có khả năng hợp pháp hóa việc giám sát của Đảng Cộng sản Trung quốc trên các hoạt động của Giáo hội công giáo, thậm chí như một hình thức cài người vào để lũng đoạn. Hồng y Joseph Zen, giám mục danh dự của Hồng Kông đã phản đối kịch liệt thỏa thuận này, ngài tố cáo thái độ mà ngài cho là quá hòa giải trong chính sách ngoại giao của Tòa Thánh với chế độ cộng sản.

Dù được gia hạn năm 2020 và 2022, nhưng từ lâu thỏa thuận này đã mang lại rất ít kết quả rõ ràng. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, một số bổ nhiệm giám mục đã giúp giải quyết tình trạng này ở một số giáo phận. Ngày 25 tháng 1, Linh mục Tađêô Vương Nguyệt Sanh (Wang Yuesheng) được phong giám mục ở Trịnh Châu với sự đồng ý của Đức Phanxicô. Đây là lần bổ nhiệm giám mục ‘song phương’ thứ bảy kể từ khi hai bên ký thỏa thuận năm 2018.

Lễ phong tân giám mục Tađêô Vương Nguyệt Sanh của Trịnh Châu ngày 25 tháng 1-2024

Một “đối đầu được tôn trọng” giữa Rôma và Bắc Kinh

Tháng 7 năm 2023, Tòa Thánh chính thức bổ nhiệm giám mục Giuse Thẩm Bân (Shen Bin), Thượng Hải, được chính quyền thuyên chuyển đến giáo phận quan trọng này ba tháng trước mà không có sự đồng ý của Rôma. Khi truyền thông Vatican đặt câu hỏi, hồng y Quốc vụ khanh Parolin nói rõ, Đức Phanxicô muốn “làm sạch những bất hợp lệ về giáo luật đã bị tạo ra ở Thượng Hải, nhằm mang lại lợi ích tốt đẹp hơn cho giáo phận và làm cho công việc của giám mục giáo phận được phúc lợi”.

Hồng y Parolin đảm bảo, Tòa Thánh muốn tiến hành “một đối thoại cởi mở và đối đầu tôn trọng với Trung quốc để Chúa Giêsu Kitô có thể ‘trở thành người Trung Quốc với người Trung Quốc’, cần phải vượt lên ngờ vực công giáo, vì công giáo không phải là một tôn giáo bị cho là xa lạ – hoàn toàn ngược lại – với nền văn hóa của dân tộc vĩ đại này”.

Ngày 3 tháng 9 năm 2023, khi kết thúc thánh lễ cử hành tại Mông Cổ trước sự chứng kiến của nhiều giáo dân hành hương đến từ Trung quốc, Đức Phanxicô đã gởi tín hiệu đến chính quyền Trung Quốc, ngài xin “giáo dân Trung quốc hãy là tín hữu kitô tốt và là người dân tốt”.

Ngày 30 tháng 9, việc giám mục Hồng Kông Stephen Chow được phong hồng y, ngài nổi tiếng có tài ngoại giao khéo léo, đã là một hỗ trợ rõ ràng của Đức Phanxicô cho chính sách dang rộng bàn tay của hồng y với Bắc Kinh. Tháng 4 năm 2023, hồng y Chow đã đi Bắc Kinh gặp giám mục Giuse Li Shan và giám mục Giuse Li Shan đã đến thăm Hồng Kông vào tháng 11, mở đường cho sự hợp tác giữa hai giáo phận này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Vatican đang âm thầm làm việc như thế nào để cải thiện quan hệ với Trung Quốc