Ở Vatican, Đức Phanxicô không buông gì hết
lepoint.fr, Jérôme Cordelier, đặc phái viên tại Rôma, 2023-09-18
Sắp 87 tuổi và dù đã yếu nhưng người đứng đầu Giáo hội công giáo vẫn đang cải cách Giáo hội và tiếp tục lên tiếng với thế giới.
Dưới cái nắng gay gắt của Rôma, đám đông vẫn đổ về Quảng trường Thánh Phêrô. Cảnh này xảy ra mỗi thứ tư hàng tuần ở Quảng trường hoặc ở Hội trường Phaolô VI khi thời tiết không cho phép để tổ chức ngoài trời. Và cảnh này cũng sẽ lặp lại ở chuyến đi của xe giáo hoàng ở đại lộ Prado và trong thánh lễ ngài cử hành ở sân vận động Vélodrome ngày thứ bảy 23 tháng 9.
Đức Phanxicô sẽ 87 tuổi, ngài sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 , bị đau vì những căn bệnh từ lâu – ngài bị mất một thùy phổi từ năm 20 tuổi, đau ở hông và ở đầu gối – và bây giờ ngài phải di chuyển bằng xe lăn, ngài đứng đầu một Giáo hội bị suy yếu vì những vụ bê bối đã làm chấn động mọi người. Ông Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Vatican News, người rất thân với Đức Phanxicô, đảm bảo: “Tôi không thấy dấu hiệu nào về sự kết thúc triều giáo hoàng. Ngài tiếp tục tông du và cố gắng hết sức để truyền đạt đến thế giới thông điệp về lòng thương xót và bảo vệ hòa bình”. Còn ngạc nhiên hơn, nhà báo Sandro Magister, “ông hoàng” của các nhà vatican học Ý, người không tiếc lời chỉ trích về một “triều giáo hoàng đầy lờ mờ và mâu thuẫn” cũng nói: “Ngoài việc đau khớp, sức khỏe của ngài vẫn tốt so với tuổi. Ngài làm việc liên tục, hàng ngày chính ngài đích thân theo dõi một số hồ sơ. Rất có thể ngài sẽ có thể kéo dài triều giáo hoàng thêm nhiều năm nữa.”
Một giáo hoàng không bao giờ dừng lại
Trước Marseille, Đức Phanxicô đã ở Mông Cổ xa xôi và trước đó, cùng hơn một triệu thanh niên công giáo ở Lisbon, sau Hungary và chuyến đi căng thẳng đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan đầu năm 2023. Ngài có một loạt các cuộc họp và các buổi nói chuyện. Ngày 5 tháng 10 ngài sẽ công bố phần tiếp theo của thông điệp Laudato si’ về sinh thái toàn diện, thông điệp đã đạt thành công lớn trong năm 2015 và tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người ra quyết định và giới trẻ, một “bản cập nhật” rất được mong đợi.
Cùng thời gian này, Đức Phanxicô sẽ tập họp thượng hội đồng quy tụ 300 giám mục và các chuyên gia giáo dân để cùng làm việc trong một tháng về cuộc cải cách vĩ đại “của ngài”, vì tương lai của Giáo hội. Ngài đã định hình lại một cách sâu đậm giáo triều la-mã, ngày 10 tháng 7 ngài đã phong 21 tân hồng y – trong đó có 2 người Pháp – sẽ nhậm chức vào ngày 30 tháng 9: cho đến ngày này, 72% hồng y cử tri – những người dưới 80 tuổi – được Đức Phanxicô bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm tổng giám mục Víctor Manuel Fernández đứng đầu bộ chiến lược Giáo lý Đức tin là một bước ngoặt.
Một nhà vatican học nhận xét: “Hình ảnh một giáo hoàng giữa bầy sói, như vào thời đầu triều không còn phù hợp với thực tế nữa”. Đức Phanxicô dường như muốn duy trì quyền kiểm soát để áp đặt người kế nhiệm, họ sẽ tiếp tục làm việc theo đường lối ngài đã đưa ra. Dù sẽ rất phức tạp. Nhà báo Sandro Magister khẳng định: “Những chống đối và kháng cự trong hàng giáo phẩm của các giám mục và hồng y đều như điếc, họ rất đa dạng, từ đủ phía cánh tả-cánh hữu, và vào thời điểm mật nghị chỉ định người kế vị, họ sẽ xuất hiện đầy đủ.” Nhà báo Magister trước đây là người phụ trách chuyên mục “tôn giáo” cho tuần báo L’Espresso, ông tiếp tục theo dõi Vatican trên blog Septième Ciel của ông và được dịch sang bốn thứ tiếng.
Đức Phanxicô: nhà cách mạng ở Vatican
Giọng nói mạnh mẽ của những người “không có tiếng nói”
Bầu khí kỳ lạ ở Rôma. Giáo hoàng rất chính trị này sẽ không bỏ cuộc. Ngài vẫn là thẩm quyền đạo đức trong thế giới có tình trạng địa chính trị xáo trộn, tiếng nói cực mạnh của những người “không có tiếng nói”, của những cá nhân bị loại trừ – trước hết là của những người di cư – và của những quốc gia nhỏ bị cô lập. Nhưng hành động của ngài không phải lúc nào cũng rõ ràng ở những điểm sôi sục. Nếu ngài tiếp tục giữ các quan điểm dũng cảm – như chuyến đi Iraq, như nhiều lần cảnh cáo chống mafia, “các tổ chức tội lỗi”… -, thì việc ngài nhân nhượng Nga trong cuộc xung đột Ukraine – để làm thuận lợi cho “con đường dẫn đến hòa bình”, những người thân cận ngài nhấn mạnh – và đặc biệt là sự im lặng của ngài với Armenia, đã đè nặng lên ngài lúc này.
Cũng như chính sách chống lạm dụng tình dục của ngài bị cho là không mạnh bằng chính sách Đức Bênêđictô XVI thực hiện, vào lúc này là vết mờ triều giáo hoàng của ngài. Sự ủng hộ kiên định của ngài dành cho người bạn Dòng Tên, linh mục Marko Rupnik, dù có rất nhiều cáo buộc lạm dụng tình dục và thiêng liêng, kể cả phụ nữ và nam giới đã gây sốc. Có rất nhiều tranh cãi ở Vatican về chủ đề này, quan trọng là gần đây tu sĩ Dòng Tên Hans Zollner đã từ chức, linh mục đã phục vụ ở Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên từ năm 2014, linh mục nêu ra những “vấn đề về cấu trúc và thực hành”.
Đức Phanxicô gặp cộng tác viên thân cận của linh mục Rupnik
Nhà cải cách Phanxicô tiếp tục sứ mệnh tái cơ cấu sâu đậm việc quản lý Giáo hội để mở ra nhiều với đối thoại hơn, dành nhiều không gian cho phụ nữ và giáo dân hơn, cố gắng giải phóng “con voi ma mút” Vatican để nó không bị cản trở vì bộ máy nặng nề, cố định và bảo thủ. Mọi thứ, rõ ràng, không diễn ra suôn sẻ. Ông Giovanni Maria Vian, người điều hành và sửa đổi sâu xa nhật báo Vatican L’Osservatore romano trong 11 năm cho biết: “Đức Phanxicô đã cân bằng lại nhiều bất công, ngài chịu trách nhiệm giải quyết các hồ sơ mở, ngài khuyến khích các cộng đồng. Nhưng ngài muốn làm mọi thứ, kiểm soát mọi thứ, nhìn thấy mọi thứ. Khi ngài được bầu, chính quyền của Giáo hội rất yếu, và ngài nắm lại nó trong tay, trong những năm gần đây ngài theo cách ngày càng cá nhân hóa và tàn bạo. Kết quả, ngài phân chia.”
Vào đầu năm 2023, sau cái chết của Đức Bênêđíctô XVI ngày 31 tháng 12-2022 và sau khi nhập viện vì “nhiễm trùng phổi”, tin đồn về việc mở quyền kế vị của ngài lại nổi lên. Và danh sách các papabili – những người có khả năng kế vị Thánh Phêrô – bắt đầu luân chuyển khắp Rôma. Đức Phanxicô với nụ cười rạng rỡ nói: “Tôi vẫn còn sống!” Và ngài muốn mọi người thấy rõ điều này, ngài đã làm cho công việc cũng như các cộng sự của ngài kiệt sức. Nhiều chứng từ bên trong nói đến bầu khí lo lắng, thậm chí sợ hãi mà những yêu cầu và quản lý không nhân nhượng của ngài áp đặt. Một giám chức nhận xét: “Rõ ràng là ít thanh thản hơn”. Trước đây, nhân viên yên tâm phục vụ đến… muôn đời, ad vitam aeternam; bây giờ Đức Phanxicô đặt giới hạn thời gian phục vụ: nhiệm kỳ 5 năm được gia hạn một lần. Không còn một vị trí nào vĩnh cửu.
Đức Phanxicô: giáo hoàng muốn qua đời khi tại chức
Những gì nêu bật trong bối cảnh. Vị giám chức này cũng nhận xét: “Giáo hoàng luôn lặp đi lặp lại những chủ đề ngài yêu thích, có một mệt mỏi với bài phát biểu được lặp lại và những cử chỉ chúng ta thường thấy. Nhưng Đức Phanxicô vẫn là một “cỗ máy chiến tranh”: khi ngài bắt đầu đọc một đoạn văn, ngài sẽ đọc từng dòng một. Ngài không có thói quen cân nhắc lời nói với những vấp váp ngoại giao, đó là những lời nói từ trái tim, những câu nói của một người ông có thể cho phép mình nói với con cháu những gì mình nghĩ…”
Một nhà lãnh đạo thiêng liêng mà lời nói và cử chỉ ở Marseille sẽ được giáo hội vang trên tất cả các châu lục – mãi mãi. Vì dù thế nào đi nữa, dù tuổi tác, mệt mỏi, các bê bối, các tấn công và biến động chính trị, người mặc áo trắng vẫn là người ông của thế giới.
Marta An Nguyễn dịch