Paul de Livron: “Đừng trở thành bản sao, nhưng hãy là bản gốc!”
Trong một tai nạn khi đi bộ đường dài, anh Paul de Livron 31 tuổi bị liệt hai chân. Anh là người tham dự Ngày Thế Giới Trẻ, anh chế tạo chiếc xe lăn để tặng Đức Phanxicô khi ngài đến thành phố Marseille ngày 23 tháng 9 năm nay.
Paul de Livron trong xưởng của anh ngày 26 tháng 7, tại Marseille.
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2023-07-28
Anh Paul de Livron, kỹ sư 31 tuổi, tốt nghiệp Trường Nghệ thuật và Thủ công Quốc gia.
Kể từ khi bị té ở con lạch ở Marseille, anh đã ngồi xe lăn từ 10 năm nay. Lúc đó anh có cảm tưởng như thế nào?
Paul de Livron. Năm đó tôi 21 tuổi, tôi phải đi một năm chuyên ngành ở Amazon về kỹ thuật lâm nghiệp. Tất cả các kế hoạch của tôi không còn. Một năm phục hồi chức năng chờ tôi, 21 tuổi phải ngồi một chỗ thật quá nặng với tôi. Tuy nhiên, dù không còn dùng được đôi chân, tôi vẫn còn đôi tay. Tôi được gia đình, bạn bè nâng đỡ. Ở trung tâm phục hồi chức năng, tôi thấy có những tình huống còn bi thảm hơn tôi. Khi đó tôi tự hứa: Tôi sẽ không bao giờ để mình bị buồn chán. Thay vì phàn nàn, tôi sẽ cố gắng làm những gì tôi có thể làm.
Anh đã và vẫn là người công giáo cương trực, anh có nổi loạn không?
Không, tôi không nổi loạn. Tôi hiểu khỏe mạnh là một ngoại lệ. Một cuộc sống bình thường là cuộc sống mà mọi thứ có thể xảy ra với mình. Một ngày nào đó, ai cũng có thể bị một mái ngói rớt xuống trên đầu, ai cũng gặp những thử thách riêng. Tôi không thể xem mình là nạn nhân của bất kỳ bất công riêng nào. Vì thế tôi không nổi loạn chống Chúa, đổ cho Ngài mang lại đau khổ cho tôi.
Anh đã đi dự một số Ngày Thế Giới Trẻ, kỷ niệm của anh về những ngày này là gì?
Tôi đã đi Madrid với Đức Bênêđíctô XVI, đi Krakow với Đức Phanxicô. Tôi công nhận khi đó Đức Phanxicô làm tôi bị sốc, ngài xin chúng tôi “ra khỏi ghế sofa” khi chúng tôi ngồi ở hàng ghế đầu trên chiếc xe lăn… Lúc đó, tôi không phải là ‘fan’ của ngài, tôi nghĩ ngài thiếu tế nhị, và tôi muốn nói vài lời với ngài. Khi đó tôi vừa bị tai nạn không lâu, tôi đang chịu đựng đau khổ mỗi ngày, tôi nhạy cảm. Nhưng đó là chuyện đã qua, bây giờ tôi hứng thú với việc tôi có thể tặng ngài chiếc ghế sofa khi ngài đến thành phố Marseille tháng 9 này. Đó là cách để tôi khép lại sau mười năm tai nạn của tôi.
Trong buổi tiếp kiến chung ngày 3 tháng 5, anh đã đưa cho Đức Phanxicô xem mô hình chiếc ghế “xứng đáng với chức năng của nó, nhưng không sang trọng”.
Một chiếc ghế lăn?
Trước tiên tôi làm chiếc xe lăn bằng gỗ tôi đang dùng và tôi muốn làm cho những người thiếu phương tiện nhất có thể có được. Chiếc xe tiện nghi, nhẹ nhàng, thoải mái. Tôi đã làm một mô hình khác phức tạp hơn cho giáo hoàng, tôi muốn làm xong trước Ngày Thế Giới Trẻ để tặng cho ngài ở Lisbon. Đó là cách để tôi chứng tỏ mọi thứ luôn có thể xảy ra, dù khuyết tật nhưng cũng có thể mang lại những năng lực không ngờ tới, nhưng tôi làm chưa xong. Vì thế món quà cho ngài sẽ đến Marseille, tôi đang làm mỗi ngày. Tôi đã trình bày mô hình cho ngài và ngài đồng ý bảo trợ nó. Tôi cũng muốn làm một loạt ghế cho những người khuyết tật sống dưới mức nghèo khổ. Tôi gây quỹ trên internet để tài trợ cho các dự án này. Ngày 23 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ nhìn thấy chiếc ghế và tôi hy vọng ngài sẽ không thất vọng. Ngoài tính thẩm mỹ còn có sự thoải mái, hơn hẳn chiếc xe lăn hiện nay của ngài. Hai tay ghế làm từ gỗ cháy của Nhà thờ Đức Bà Paris. Phần còn lại của chiếc ghế làm bằng gỗ của Nga và Ukraine kết hợp trong chiếc ghế này, cho giáo hoàng luôn cổ động cho hòa bình. Tôi còn một bí mật nhỏ trong chiếc ghế này…
Một bí mật?
Năm 2020, tôi suy sụp tinh thần sau thời gian tôi làm kỹ sư ở một công ty, tôi không làm gì có tính cách sáng tạo. Tôi thất nghiệp, tôi chờ để biết Chúa muốn gì nơi tôi. Một người bạn đề nghị tôi đi dự lễ phong chân phước cho Carlo Acutis (10-10-2020), một thanh niên người Ý sinh năm 1991 và qua đời năm 2006 vì bệnh bạch cầu quá nặng. Giống như tôi, anh là người đam mê máy tính. Tôi rất xúc động với câu nói của anh: “Mọi người sinh ra đều là bản gốc, nhưng nhiều người chết đi như những bản sao.” Câu này làm tôi dịu lòng, đó là câu trả lời tôi đang chờ. Tôi cũng biết Carlo Acutis dâng đau khổ của mình cho Giáo hội và cho giáo hoàng, thời của anh là giáo hoàng Bênêđictô XVI. Tôi đã có được thánh tích của chàng trai trẻ chân phước và tôi đặt trong gỗ, ở giữa chiếc xe lăn của giáo hoàng, đó là bí mật!
Carlo Acutis, chân phước bảo trợ Ngày Thế Giới Trẻ Lisbon
Nhiều người trẻ ở Lisbon lo sợ cho tương lai của họ, con đường của họ như bị chặn lại. Anh sẽ nói gì với họ?
Carlo Acutis là một trong những vị thánh bảo trợ của Ngày Thế Giới Trẻ này. Tôi lặp lại câu nói của anh với họ: “Đừng trở thành bản sao, các bạn hãy là bản gốc!” Nếu cuộc sống thành u ám, đó là vì chúng ta đã thành những bản sao.
Anh đã trải qua một thử thách khủng khiếp. Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang gặp khó khăn?
Tôi đã trải qua, đúng, nhưng vẫn chưa xong, nhưng tôi sẽ kể cho ông nghe bước ngoặt của tôi: nhìn lại, tôi hiểu một cách nào đó khuyết tật của tôi làm cho tôi triển nở, vì buộc tôi phải vượt lên chính tôi. Tôi không nói mình phải tạo ra khó khăn, nhưng cuộc sống quá dễ dàng đã làm tôi chán nản. Những khó khăn buộc tôi phải sáng tạo, xin được giúp đỡ. Theo tôi, sự gò bó sinh ra sáng tạo và đánh thức trí thông minh. Điều đó có vẻ khó hiểu, nhưng tôi sáng tạo với khuyết tật của tôi, vì trước hết tôi là kỹ sư, là người sáng tạo và tình trạng này thúc đẩy tôi mỗi ngày tìm cho ra giải pháp.
Đức tin kitô giáo giúp anh như thế nào?
Tôi đã bị những giây phút lo lắng khủng khiếp xâm chiếm: loay hoay tìm chỗ ở, tìm việc làm, nhìn bạn bè đi vui vẻ đi nghỉ cuối tuần, còn tôi ở nhà một mình. Đôi khi, tôi không có giải pháp nào khác ngoài việc vừa lần chuỗi Mân Côi vừa chạy xe lăn hàng giờ trên đường phố. Nhưng tôi không có công thức nào để vượt lên, tôi không phải là tu sĩ, cũng không phải nhà hiền triết cao niên. Nhưng, tôi cầu nguyện và tôi tin tưởng.
Anh Paul de Livron giải thích: “Nhìn lại, một cách nào đó, khuyết tật của tôi làm tôi triển nở vì nó buộc tôi phải vượt lên chính tôi!”
Marta An Nguyễn dịch