cath.ch, Bénédicte Lutaud, I.MEDIA, 2016-03-10
“Tôi là ai mà phán xét?,
Thánh Phêrô không có tài khoản ngân hàng,
Tòa giải tội không phải là phòng tra tấn,,,”
Chắc chắn, Đức Phanxicô biết cách diễn tả nên rất nhiều lần, các hệ thống truyền thông cho ngài là người giao tế giỏi.
Ba năm giáo triều, nhiều câu sốc đã bắn trúng hồng tâm, nhiều câu khác thì gậy ông… Người ta tự hỏi không biết Đức Phanxicô có phải là một giáo hoàng bình thường không, tự nhiên và thẳng thắn… có khi lại hại chính mình!
Ngẫu hứng… có kiểm soát
Ngay chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài của mình nhân Ngày Giới Trẻ (JMJ) ở Rio, Ba Tây mùa hè năm 2013, ngài đã tạo một truyền thống mới: họp báo trên chuyến về thay vì chuyến đi như các vị tiền nhiệm của mình.
Một chọn lựa khéo léo: bao nhiêu lần các câu nói của Đức Bênêđictô XVI đã bị hiểu lầm trước khi ngài đến thăm? Đức Phanxicô chứng tỏ cho thấy ngài khéo léo trong năng khiếu phát biểu ngẫu hứng… nhưng có kiểm soát! Được hỏi về chuyện phá thai, ngài vặn lại một cách lạnh lùng và cẩn thận: “Quý vị đã biết lập trường của Giáo hội rồi”. Mùa xuân năm 2014 khi từ Đất Thánh về, được hỏi về vụ phong chân phước gây nhiều tranh cãi của Đức Piô XII, ngài chỉ giải thích, còn thiếu một phép lạ!
Quá đơn sơ đến không ai có thể… tấn công!
Trước báo chí, ngài không ngần ngại nói mình cũng có những hoài nghi, thậm chí thú nhận ‘hoàn toàn không biết gì về vấn đề’ này, như khi báo chí hỏi ngài nghĩ gì về các cuộc bầu cử ở Âu Châu. Nếu mới đầu, sự chân thành này làm vừa lòng ký giả thì rồi cũng có khi làm một vài ký giả bực mình. Được hỏi về chính sách thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp, ngài thú nhận mình “dị ứng với kinh tế” và “không nắm vững hoàn cảnh này cho mấy”.
Một ký giả nhắc, khi nói đến người giàu người nghèo đối nghịch nhau, ngài có quên tầng lớp trung lưu không, ngài khiêm tốn trả lời: “Ông có lý. Một sửa sai rất tốt (…) Tôi nghĩ tôi phải đào sâu vấn đề này trong huấn quyền của tôi”. Một tinh thần đơn sơ làm người đối diện phải buông vũ khí, họ hy vọng nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo có một chút uy quyền hơn. Mặt khác, nhiều người lại mến tính chân thành này của ngài. Nhưng đôi khi nói thẳng quá cũng làm ngài trợt chân…
“Cú đấm” và “con thỏ”
Trong chuyến đi Sri Lanka và Phi Luật Tân tháng 1 năm 2015, Đức Phanxicô tỏ ra cho thấy mình mạnh! Trên chuyến bay đến Phi Luật Tân, khi có ký giả hỏi về việc tự do phát biểu, nhân vừa có vụ thảm sát ở tòa báo biếm họa “Charlie Hebdo” ở Pháp, ngài tuyên bố câu nói nổi tiếng: “Nếu tôi có biết bạn mà họ sỉ nhục mẹ tôi thì bạn tôi sẽ nhận cú đấm”. Câu nói gây ra một dòng thác phản ứng của báo chí Pháp.
Linh mục Federico Lombardi, ‘phát ngôn viên’ Vatican đã phải bỏ thì giờ ra để chận phản ứng quả bom nguyên tử của giáo hoàng Argentina dội trên báo chí. Trên chuyến bay về Rôma, ngài bông đùa về các gia đình đông con: “Nhiều người nghĩ rằng – xin lỗi cho chữ tôi dùng – là tín hữu kitô tốt thì phải đẻ nhiều như thỏ”.
Lần này nói đùa kiểu này đã đụng chạm đến các gia đình công giáo đông con. Hai ngày sau, trong buổi tiếp kiến chung, ngài đã phải chấn chỉnh lại, bảo đảm rằng các gia đình đông con “đích thực là ơn Chúa”. Các câu tuyên bố vụng về này cũng không làm cho Đức Phanxicô cẩn thận hơn.
Tháng 2 vừa qua, Đức Phanxicô lại tạo cuồng phong báo chí trên chuyến bay từ Mêhicô về Rôma. Một ký giả hỏi ngài, người công giáo có nên bầu cho Donald Trump không, ký giả giải thích cho Đức Giáo hoàng biết, ứng viên Đảng Cộng hòa muốn xây một bức tường ở biên giới Mỹ-Mêhicô để chận làn sóng người di dân Mêhicô qua Mỹ, Đức Phanxicô đã trả lời, “ai chỉ nghĩ xây tường chứ không xây cầu thì họ không phải là kitô hữu”. Donald Trump phản ứng ngay, cho rằng lời nói của Đức Giáo hoàng là “xấu hổ”, nhưng sau đó ông dịu giọng xuống. Chuyện chưa từng có: sáng hôm sau, linh mục Lombardi đã ‘chỉnh lại’ về các lời nói này của Đức Giáo hoàng.
“Tránh thai không phải là một sự dữ tuyệt đối”
Nhân cơ hội này, ngài làm sáng tỏ suy nghĩ của mình về việc tránh thai. Trên chuyến bay, khi được hỏi về siêu vi trùng Zika, Đức Phanxicô khẳng định, “trong một vài trường hợp, tránh mang thai không phải là một sự dữ tuyệt đối”. Các ký giả đã thấy ở đây sự cởi mở của giáo hoàng về vấn đề tránh thai.
Ngày 1 tháng 3, đây không biết là lần thứ bao nhiêu, Đức Phanxicô lại gây tranh luận về một câu nói vụng về của mình. Trong buổi nói chuyện thân mật với phái đoàn các thành viên trong Phong trào Hồng Ngư (Poissons roses) của Pháp, Đức Phanxicô đã nêu lên cuộc “xâm lấn Ả Rập” ở Âu Châu. Thêm một lần nữa, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh buộc phải làm sáng tỏ một số chuyện… “Đức Giáo hoàng không nói đến một cuộc xâm lấn hung bạo hay đáng lo”, linh mục Lombardi giải thích một cách khập khễnh.
Một giáo hoàng bình thường
Thường các cuộc tranh luận này được dập tắt rất nhanh, nhanh cũng như khi nó xuất hiện. Bằng chứng là trong ba năm nay, giáo hoàng tiếp tục được hưởng một cách hoàn toàn sự mến chuộng toàn cầu, một sự mến chuộng trước hết là nhờ hệ thống truyền thông tất cả, không tất cả thì cũng gần như tất cả! Nếu Đức Bênêđictô XVI nói phá thai là “tội ác, là “sự dữ tuyệt đối”, hoặc “xâm lấn Ả Rập” như Đức Phanxicô vừa nói gần đây, thì các lời nói của Đức Bênêđictô XVI sẽ bị búa tạ báo chí ồ ạt tấn công. Vậy mà đối với giáo hoàng Argentina, lời của ngài về chuyện phá thai rất nghiêm lại như không ai để ý tới. Còn sự xâm lấn Ả Rập? Một câu nói được giảm nhẹ, thậm chí còn được toàn thể báo chí tha thứ!
Trước khi là người giao tế giỏi, trước hết Đức Phanxicô là một “giáo hoàng bình thường”. Mặt khác, Vatican không có một “dịch vụ truyền thông và nghiên cứu thị trường” đích thực, ký giả Greg Burke giải thích, hiện nay ký giả Burke là phó giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Vậy đâu là chìa khóa truyền thông của Đức Phanxicô? Đó là tính “tự nhiên và ngẫu phát của ngài”, ông ghi nhận. Ngài ý thức tầm quan trọng của hình ảnh, của phim ảnh trong thế giới siêu nối mạng này, nhưng ngài không lạm dụng nó. Đức ông Dario Edoardo Viganò, chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông cho biết, ngài lại sợ các camera là đàng khác. Trong những lần ký kết các tài liệu quan trọng hoặc trong những lần đi thăm bệnh nhân ở bệnh viện, Đức Phanxicô đặc biệt xin các nhà quay phim ra khỏi phòng.
Bỏ một vài hình thức thần thánh hóa chức vị giáo hoàng
“Đó là giáo hoàng của gần gũi, ngài đem sự gần gũi vào triều giáo hoàng của mình, ngay lập tức ngài đã nói: các bạn hãy quen với chuẩn mực bình thường”, Đức ông Viganò phân tích. Và từ đầu triều của mình, Đức Phanxicô cũng đã tuyên bố: “Theo tôi, mô tả giáo hoàng như một siêu nhân là một kiểu tấn công (…) Giáo hoàng cũng là người biết khóc, biết cười, biết ăn ngon ngủ ngon (…). Một người bình thường”.
Nếu giáo hoàng có bị lầm hay bị trượt chân cũng không quan trọng. Đó là một phần trong việc bình thường hóa hình ảnh giáo hoàng. Dù có làm mất ổn định nơi một vài người đã quen thần thánh hóa một cách nào đó chức vị giáo hoàng.
Marta An Nguyễn chuyển dịch