Marie-Caroline Schürr, sống say mê trên đường hành hương đến Compostela
Cô Marie-Caroline Schürr, 37 tuổi, mắc căn bệnh di truyền hiếm có, cô vừa hoàn thành chuyến hành hương 400 cây số trên chiếc xe lăn trên những con đường ở Saint-Jacques, Tây Ban Nha. Một cuộc hành hương sống trong tin tưởng và buông bỏ, một chứng nhân của một cuộc sống tuyệt vời!
lepelerin.com, Gaële de la Brosse, 2022-09-29
Phiêu lưu nhảy dù trên xe lăn © Marie-Caroline Schürr
Cô cho chúng tôi biết một vài từ về cô?
Marie-Caroline Schürr. Tôi bị khuyết tật bẩm sinh, tôi chưa bao giờ đi được. 100% phụ thuộc, 1000% đam mê cuộc sống. Khuyết tật vận động của tôi không phải là căn tính của tôi, chỉ đơn giản là tình trạng của tôi. Tôi là người phụ nữ tự do, ngay thẳng và hoạt bát. Một khát khao sống khơi dậy trong tôi mỗi ngày. Giống như một lời hứa cuốn hút từ đỉnh núi, cuộc sống không ngừng làm tôi ngạc nhiên. Khi tôi biết điều đó là không thể, một nguồn năng lượng điên cuồng bùng lên trong tôi và làm tôi bật dậy. Khi đó là mọi thứ đều có thể! Đó là những gì tôi viết trong quyển sách Ngoài chiếc hộp, niềm vui xe lăn (Out of the box, la joie à roulettes, nxb. Jubilé, 2016).
Ý tưởng hành hương nảy sinh như thế nào với cô?
Vào cuối tháng 1 vừa qua, có một tiếng nói trong lòng, tôi phải đi một mình. Tôi để tiếng nói này chín muồi vài tuần trước khi trả lời nó. Cuối tháng ba, tôi bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi. Trước khi đi, tôi nhận được hai ơn lành: trong gia đình tôi và trong giáo xứ của tôi ở Versailles. Và từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 12 tháng 6, tôi lên đường, tôi chọn hành trình giữa Léon và Saint-Jacques-de-Compostelle.
Đây có phải là chuyến hành hương đầu tiên của cô không?
Tôi đã đi hành hương nhiều đền thờ Đức Mẹ ở Pháp (Lộ Đức, Đức Bà Laus, Pontmain, Lisieux, v.v.) và ở Âu châu (Fatima, Assisi, Rôma), tôi cũng đã đến Giêrusalem. Nhưng đây là chuyến đi một mình đầu tiên của tôi. Hay đúng hơn là trên xe lăn!
Đi hành hương có ý nghĩa gì với cô?
Đối với tôi, tiến trình hành hương là cơ bản: tôi lên đường với tất cả những gì tạo nên cuộc sống hiện tại của tôi. Tôi không đặt câu hỏi nào: tôi để mọi thứ vào ba lô và lên đường! Qua từng bước đi, tôi gặp chính tôi, tôi gặp người khác… và đôi khi gặp Chúa. Đó cũng là một lời mời đến với những chuyện tuyệt vời, một nghỉ ngơi tốt lành trong đời sống đô thị của chúng ta.
Đâu là các động lực của cô?
Tôi đi với quyển sổ ghi ý chỉ cầu nguyện của gia đình và của bạn bè giao cho tôi. Tôi rất muốn đi chuyến đi hành hương này để hợp ý với các trẻ em trong hiệp hội Anak, Phi Luật Tân. Vì thế, tôi có thể hiểu được từng trở ngại và từng khó khăn gặp phải.
Cuối cùng trên con đường này, tôi muốn cảm nghiệm Chúa Quan phòng một cách cụ thể: phụ thuộc mọi sinh hoạt hàng ngày, tôi xin những người tôi gặp trên đường hành hương giúp tôi.
Vì sao cô chọn Tây Ban Nha mà không chọn các con đường khác ở Pháp?
Tôi rất thích Tây Ban Nha. Tôi nói tiếng Tây Ban Nha và đó là văn hóa tôi yêu thích. Nói chung trong các nhà trọ người Tây Ban Nha tiếp đón rất nồng ấm, họ nhạy cảm với tình trạng khuyết tật của tôi, họ có đường dành cho xe lăn. Vì thế tôi đã bắt đầu ở khúc cuối! Nhưng mọi kết thúc đều là một khởi đầu…
Cô lên chương trình như thế nào?
Tôi đặt chỗ ba tuần, nhưng trên đường đi, tôi cảm thấy mình được an toàn nên bảy ngày qua, tôi hủy phòng và tự tìm nhà trọ khi đến các ngôi làng. Như thế tôi có những cuộc gặp rất sâu đậm.
Khó khăn lớn nhất của cô là gì?
Thời tiết lạnh và mưa…Tôi ghét nó! Và cũng có một số nơi đường đá, lên dốc gập ghềnh. Nếu không có sự giúp đỡ của những người đi đường đẩy xe cho tôi, tôi không đi được.
Tôi cũng hai lần suýt bị hư bình điện: mỗi đêm tôi đều sạc xe lăn, nhưng đường đồi núi nên tốn nhiều điện hơn. Đôi khi tôi phải đi vòng để bắt kịp con đường.
Cuối cùng, có ngày tôi phải đi hai chặng trong một ngày vì nhà trọ tôi đặt chỗ không phù hợp với nhu cầu của tôi: nên tôi phải đi 40 cây số trong cơn bão.
Cô đã vượt qua những thử thách này như thế nào?
Với cảm lạnh thì nhờ giúp đỡ, áo poncho nhiều lớp, cà phê nóng và hài hước dí dỏm… Và rồi Chúa đồng hành với tôi suốt chặng đường: Tôi luôn nhận được sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Tôi cũng ý thức tôi may mắn biết bao khi đi chuyến hành hương này, và tôi nghĩ những khó khăn sau này sẽ là những kỷ niệm tuyệt vời.
Tôi vượt lên mệt mỏi bằng cách nghĩ đến các em bé ở Manila, tôi đã có cuộc hội thảo truyền hình một tuần trước khi lên đường: Tôi nhớ đến từng khuôn mặt, từng nụ cười. Tôi dâng mỗi khó khăn cho mỗi em.
Và niềm vui lớn nhất của cô là gì?
Là cảm nhận Camino như một nghệ thuật sống: một lời mời tiến về phía trước trong sự hài hòa với Chúa, Tạo vật của Ngài và con cái của Ngài!
Tôi cũng cảm nhận được niềm vui của sự đơn sơ và khó nghèo khi xin giúp đỡ những công việc hàng ngày của tôi (đứng dậy, tắm rửa, v.v.), tôi đã tự làm cho mình mình nghèo đi trước mặt người khác và đến lượt người kia tự làm cho mình nghèo đi để giúp tôi. Sự buông bỏ hoàn toàn này đã làm cho tôi phong phú gấp trăm lần.
Cuối cùng, tôi cảm nghiệm được niềm vui khi hiểu rằng Chúa đã gởi tôi đi trên con đường này: tất cả những người tôi gặp đều cám ơn tôi vì sức mạnh của tôi, họ cho biết điều này đã giúp họ đi tới phía trước.
Cây số 0, tại Mũi Finisterre, ngày 10 tháng 6 năm 2022. © Marie-Caroline Schürr
Cuộc gặp gỡ đẹp nhất của cô?
Mỗi cuộc gặp gỡ là một món quà. Tôi nhớ lại tu sĩ dòng Phanxicô tôi gặp khi bắt đầu đi: tu sĩ giải thích cho tôi hướng đi Camino, cha đưa tôi lên đường. Tôi cũng nghĩ đến cô gái trẻ giúp tôi tắm rửa và đi ngủ, lúc đầu còn khó khăn, sau đó cô cám ơn tôi và khóc; tôi nghĩ đến người đàn ông đã đi 800 cây số với con chó và tôi đã đi cùng một đoạn đường với ông. Và trước muôn vàn nụ cười “chào Camino!” của mọi người, bản giao hưởng của ngôn ngữ nói!
Và bây giờ, các dự án của cô?
Sau mười năm có nhiều kinh nghiệm chuyên môn nghề nghiệp và các sinh hoạt khác ở Paris (dạy tiếng Anh ở các trường cao đẳng và trung học công lập), tôi lập công ty tư nhân Envol’moi. Thông qua các hội thảo, đào tạo và các biện pháp can thiệp phù hợp, sứ mệnh của tôi hôm nay là truyền cho phụ nữ và nam giới sự phong phú của cuộc sống và giúp họ ngạc nhiên trước con người của họ, trước những gì họ làm và sống; giúp họ có cái nhìn nhân từ với bản thân, với người khác để dám gặp gỡ, nguồn của sự phong phú và sinh hoa kết trái.
Cô Marie-Caroline Schürr cho chúng ta hy vọng và sức sống © Marie-Caroline Schürr
Tôi có bằng cấp là “nhà phân tích nhân cách chuyên nghiệp”, tôi cũng đồng hành với học sinh trung học, sinh viên, chuyên gia trẻ tuổi, người lớn trong các câu hỏi định hướng, tái đào tạo và trang bị kiến thức. Đam mê những cuộc gặp gỡ và con người, tôi tin hạnh phúc đến từ sự hiểu biết thực sự về bản thân và triển khai sự độc đáo của một người trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.
Và dĩ nhiên tôi mong muốn được tiếp tục nhúc nhích, đi du lịch, làm mọi thứ để tôi được chuyển động.
Cô sẽ nói gì với những người khuyết tật cũng muốn tham dự thử thách này?
Hãy mạnh dạn, tin rằng mọi thứ đều có thể, dám sống với ước mơ của mình! Tham gia loại thử thách này là trường học để chúng ta thay đổi cách nhìn về cuộc sống và tình trạng khuyết tật của mình. Nhưng nó cũng là trường học cho những người khác: những cuộc gặp gỡ này cũng làm cho họ thay đổi cách nhìn. Thật là một phiêu lưu được chia sẻ tuyệt đẹp!
Trong một lần gặp Đức Phanxicô Quảng trường Thánh Phêrô 13 tháng 6 – 2018 © Marie-Caroline Schürr
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Ngày Thế giới Người bệnh: “Tôi mang trong mình một sức sống làm tôi ngạc nhiên”