Bản ghi nhớ “thảm họa” của hồng y Pell làm vấy bẩn di sản của hồng y

99

Bản ghi nhớ “thảm họa” của hồng y Pell làm vấy bẩn di sản của hồng y

ncroline.org, Thomas Reese, 2023-01-20

Hồng y George Pell trong Thượng hội đồng Giám mục ngoại thường về gia đình tại Vatican ngày 6 tháng 10 năm 2014.  (CNS/Paul Haring)

Tôi luôn cố gắng dành cho hồng y George Pell một nghi ngờ tốt, đó là lý do vì sao tôi thật thất vọng khi biết hồng y là tác giả bản ghi nhớ tấn công Đức Phanxicô.

Bản ghi nhớ, được đăng tháng 3 vừa qua trên một trang blog ở Vatican dưới bút danh là ‘Demos’ và được gởi đến các hồng y trong Hồng y đoàn để chuẩn bị cho mật nghị tiếp theo. Sau khi hồng y qua đời, nhà báo người Ý Sandro Magister tiết lộ bản ghi nhớ này là của hồng y Pell.

Lần đầu tiên hồng y Pell xuất hiện trên màn hình của tôi là khi ngài được Đức Phanxicô giao trọng trách tài chánh Vatican. Các bạn của tôi ở Melbourne và Sydney, khi ngài làm tổng giám mục ở đây, đã rất vui khi thấy ngài về Rôma, vì ngài thích đấu đá hơn là làm mục vụ. Là cầu thủ bóng đá Úc, ngài luôn sẵn sàng gây gỗ với bất cứ ai chống lại ngài.

Dù đây không phải là những đức tính chúng ta tìm kiếm ở một giám mục, nhưng chính xác đó là những phẩm chất cần thiết cho người giữ trọng trách cải cách tài chính Vatican. Giáo hoàng cần một người không rụt rè trước các giáo sĩ cấp cao với những danh hiệu sang trọng, người sẵn sàng đương đầu với bộ máy quan liêu cố thủ.

Tôi nghĩ cuộc bổ nhiệm này là tuyệt vời. Đưa ngài ra khỏi Sydney, đặt ngài vào nơi mà tài năng của ngài phù hợp với công việc. Tôi không quan tâm đến quan điểm thần học của ngài, miễn là ngài nhổ tận gốc nạn tham nhũng và cách làm việc kém hiệu quả ở Vatican.

Hồng y Pell đã bị những người trong cuộc tấn công vì ngài không hiểu văn hóa Vatican, vì ngài không hiểu mọi thứ ở đây hoạt động như thế nào. Nhưng hồng y Pell không về Rôma để kết bạn. Ngài về để làm đảo lộn hiện trạng, và tôi đã ủng hộ ngài.

Khi ngài bị buộc tội lạm dụng một em bé giúp lễ, tôi không lên án cũng không bênh vực ngài. Tôi sẵn sàng để hệ thống tư pháp Úc làm công việc của họ. Cuối cùng tòa án cao nhất của Úc tuyên bố ngài trắng án.

Hồng y Pell không che giấu ngài là người bảo thủ về giáo điều, ngài phản đối những sửa đổi làm cho Giáo hội nhạy cảm hơn về mặt mục vụ với người có hoàn cảnh phức tạp, như người đồng tính LGBTQ và người công giáo ly hôn. Vì Đức Phanxicô đã thúc giục các thành viên của thượng hội đồng giám mục mạnh dạn nói và không sợ bất đồng ý kiến với ngài, nên tôi không thể chỉ trích hồng y Pell khi ngài nói lên suy nghĩ của ngài.

Nhưng khi viết bản ghi nhớ ẩn danh công kích Đức Phanxicô thì hồng y Pell đã đi quá giới hạn.

Ảnh hồng y George Pell trong hồ sơ năm 2017 khi cảnh sát Úc hộ tống đến Tòa sơ thẩm Melbourne. (OSV/Reuters/Mark Dadswell)

Khi không đích danh nhận trách nhiệm về bản ghi nhớ, lần đầu tiên trong đời, hồng y Pell tỏ ra mình hèn. Ngài không công khai đứng sau lời nói của mình. Điều này hoàn toàn trái ngược với tính cách của người không bao giờ tránh đấu tranh. Thật thất vọng.

Thứ hai, dường như hồng y đã quên chính Đức Phanxicô là người đã đưa hồng y về Rôma để ở trong hàng ngũ của ngài. Tuy Đức Phanxicô khuyến khích thảo luận và tranh luận cởi mở nhưng ngài mong nhóm của ngài ủng hộ các quyết định của ngài.

Tranh luận với giáo hoàng sau cánh cửa đóng kín là một chuyện; đâm sau lưng ngài lại là chuyện khác. Trong bản ghi nhớ, hồng y Pell gọi triều giáo hoàng Phanxicô là ‘tai họa’, là ‘thảm họa’. Bạn không thể làm thế với chủ của mình, nhất là khi họ đã nâng đỡ khi mình bị truy tố. Nhục.

Thứ ba, hồng y Pell quên mình là một giám mục, không phải là nhà văn để đưa ra quan điểm. Bản ghi nhớ của hồng y là bản cáo trạng công khai, không phải là một lập luận hợp lý.

So sánh bản ghi nhớ này với các bài viết của hồng y Walter Kasper và tổng giám mục John Quinn; cả hai đều được biết là người có những bất đồng với các giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI, nhưng họ viết với giọng điệu thân tình và học thuật, tôn trọng chức vụ giáo hoàng. Thêm nữa, hồng y Pell đã cùng tham gia với tổng giám mục Carlo Maria Viganò trong trò chơi bôi nhọ. Thật đáng xấu hổ.

Trong thời giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI, những người bảo thủ tố cáo ai không đồng ý với họ là kẻ dị giáo hoặc là ‘người công giáo của tiệm ăn tự chọn’, họ chọn loại giảng dạy nào họ sẽ chấp nhận. Về vấn đề này, nhiều người trong số những người bảo thủ này là người công giáo ở trong quán ăn tự chọn, vì họ phớt lờ lời dạy của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI về công bằng kinh tế, hòa bình và môi trường. Sự giả hình của họ càng trở nên rõ ràng hơn khi họ từ chối Đức Phanxicô.

Tranh luận với giáo hoàng sau cánh cửa đóng kín là một chuyện; đâm sau lưng ngài lại là chuyện khác.

Trong bài viết ngày 27 tháng 12 năm 2021, tôi đã đưa ra năm quy tắc cho việc không đồng ý với giáo hoàng. Chúng nên được nhắc lại:

Đầu tiên, hãy tôn trọng.

Thứ hai, nếu bạn không đồng ý với giáo hoàng, bạn nhớ nhấn mạnh những điểm tích cực ngài đã làm.

Thứ ba, mô tả vị trí của giáo hoàng một cách chính xác và đầy đủ; không tạo ra người rơm để bạn đánh cho dễ.

Thứ tư, không bao giờ nói hoặc viết khi bạn đang xúc cảm cùng cực.

Thứ năm, hãy tự hỏi bản thân, bạn có nói như vậy với cha mẹ hoặc người thân của mình không?

Các cuộc thảo luận của chúng ta trong nội bộ Giáo hội phải theo các quy tắc giống như đối thoại đại kết của chúng ta: Những bất đồng sẽ dẫn đến kiến thức và cải tiến đầy đủ hơn và cuối cùng là đồng thuận.

Theo cách này, như bài hát xưa cũ, “Họ sẽ biết chúng ta là kitô hữu qua tình yêu của chúng ta” hơn là biết chúng ta là người công giáo qua các cuộc chiến của chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô vinh danh hồng y Pell