Bốn thách thức trong chuyến tông du châu Phi của Đức Phanxicô

60

Bốn thách thức trong chuyến tông du châu Phi của Đức Phanxicô

Đức Phanxicô đến Cộng hòa Dân chủ Congo ngày thứ ba 31-1-2023

lefigaro. fr, Jean-Marie Guénois, 2023-01-30

Ngày thứ ba 31 tháng 1, Đức Phanxicô bắt đầu chuyến tông du Phi châu đưa ngài đến Cộng hòa Dân chủ Congo cho đến thứ sáu, sau đó ngài đi Nam Sudan. Ngài sẽ về Rôma ngày chúa nhật. Chuyến đi này lẽ ra ngài đã đi tháng 7 năm 2022, nhưng vào giờ chót đã bị hủy vì ngài bị đau đầu gối. 86 tuổi, ngài vẫn còn bị đau nhưng ngài không muốn thất hứa với Nam Sudan, quốc gia mà chính bản thân ngài đã can thiệp để có hòa bình. Một thỏa thuận đã được ký tại Rôma năm 2020, nhưng kể từ đó ít được tôn trọng. Quốc gia này gần gũi với trái tim ngài và với cộng đồng Sant Egidio, hoạt động đằng sau hậu trường, đến mức mà trong một cuộc tĩnh tâm ở Rôma ngày 19 tháng 4 năm 2019, ngài đã cúi đầu trước Tổng thống Salva Kiir và người lãnh đạo nổi loạn Riek Machar Nam Sudan để rồi quỳ xuống… hôn chân họ. Một cử chỉ chưa từng có của một giáo hoàng, phá mọi nghi thức. Ngài thích những hành động đánh dấu nổi bật. Và hôm nay ngài đứng trước bốn thử thách trong chuyến tông du quốc tế thứ 40 này của ngài.

Thách thức đầu tiên: vinh danh lục địa châu Phi. Đây là lần thứ năm ngài đến lục địa châu Phi, nhưng châu Phi không thực sự là ưu tiên của ngài. Các bổ nhiệm ở Rôma cho thấy điều này: ngài không còn hồng y châu Phi nào đứng đầu các bộ. Ngài đã cám ơn hai hồng y Robert Sarah và Peter Turkson mà không thay thế họ theo đường hướng này. Và người châu Phi không được đánh giá cao với những gì họ đại diện trong Giáo hội. Trong các chuyến tông du của ngài, châu Phi là lục địa ngài ít đến thăm nhất, trong khi ngài đã đi Á châu 6 lần, ưu tiên địa lý giáo hội của ngài với Trung quốc là đích nhắm của ngài.

Thách thức thứ hai: củng cố giáo dân công giáo để ngăn chặn sự bành trướng của giáo dân tin lành. Nếu Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn là quốc gia công giáo nói tiếng Pháp hàng đầu trên thế giới, nhưng về mặt giáo dân thì tình hình đang thay đổi. Với 52 triệu tín hữu công giáo trong tổng số hơn 105 triệu dân, công giáo vừa xuống thấp dưới 50% dân số vì giáo dân tin lành tăng nhanh hơn giáo dân công giáo. 22% người Congo theo tin lành, cứ 5 người thì có một người theo tin lành. Như mọi nơi, họ luôn có một năng động tuyệt vời. Giáo hội hùng mạnh nhưng không thể ngủ trên vinh quang của mình. Giáo hội có thể dựa trên 77.000 “giáo lý viên”, thành phần rất quan trọng ở Châu Phi, họ đúng là những người trung gian của các cộng đồng, trên 6.162 linh mục, gấp đôi số linh mục ở Pháp vì những nhu cầu lớn hơn nhiều. Giáo hội cũng quản lý 40% cơ sở y tế và 30% trường công lập.

Thách thức thứ ba: sự hỗ trợ của Giáo hội trong vai trò ổn định chính trị. Thực tế Congo và Nam Sudan (giáo dân công giáo chiếm đa số với tỷ lệ 52,4%) không thể so sánh với nhau, nhưng sự tham gia của Giáo hội vào đời sống xã hội và chính trị có những điểm tương đồng, có thể áp dụng cho các quốc gia khác trên lục địa. Ở Congo, Giáo hội có một quyền lực đặc biệt, vì kể từ những năm 1960, Giáo hội luôn là một trong những nhân vật phản kháng các chế độ độc tài. Chỉ độc lập từ năm 2011, Nam Sudan dường như chỉ biết đến chiến tranh, bất ổn, hàng triệu người bị chết, hiện nay bị kích động bởi một số nhóm dân tộc đối địch, người Dinka, người Nuer và bây giờ là người Murle. Với tầng ngầm dưới đất… cực kỳ phong phú! Các thỏa thuận hòa bình (Addis Ababa năm 2018, Rôma năm 2020) được Giáo hội ủng hộ dường như đã lỗi thời. Các cuộc bầu cử, dự kiến năm 2023 đã bị hoãn lại đến năm 2025. Nhưng bất chấp mọi khó khăn, Giáo hội muốn góp phần vào cuộc đối thoại giữa các kẻ thù.

Thách thức thứ tư: xác nhận sự lãnh đạo của Đức Phanxicô. Cái chết của Bênêđictô XVI, sự bất mãn của một số hồng y, vụ tai tiếng của tu sĩ Dòng Tên Marko Rupnik (mà Đức Phanxicô phủ nhận mọi trách nhiệm), sức khỏe của ngài đã nuôi dưỡng bầu khí có hại cho Rôma. Ở tư thế bào chữa, ngài biện minh từng điểm trong cuộc phỏng vấn dài dành cho hãng thông tấn Associated Press ngày 24 tháng 1. Sự nhiệt tình của người công giáo châu Phi sẽ không quá nhiều để khởi động cho một triều giáo hoàng đã giao động trong thời gian gần đây.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Bay qua sa mạc Sahara, Đức Phanxicô xin cầu nguyện cho người di cư bị giam trong các trại hoặc đã chết trong sa mạc

Đức Phanxicô đi Congo và Nam Sudan mối quan hệ đặc biệt của ngài với Phi châu