Đức Phanxicô, từ nhiệm hay kết thúc triều giáo hoàng?

202

Đức Phanxicô, từ nhiệm hay kết thúc triều giáo hoàng?


Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 31 tháng 8-2022 tại Hội trường Phaolô VI

mondayvatican.com, Andrea Gagliarducci, 2022-12-26

Trong một phỏng vấn đăng trên nhật báo ABC ngày 18 tháng 12, Đức Phanxicô tiết lộ ngài đã viết đơn từ chức và đơn này đã được gởi đến hồng y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone thời đó. Việc từ chức sẽ có hiệu lực nếu vì lý do sức khỏe cản trở ngài không thực hiện nhiệm vụ của một giáo hoàng.

Tuy nhiên, tiết lộ này để lại nhiều câu hỏi mở. Nó tiết lộ điều gì đó trong cách quản trị của Đức Phanxicô và điều này cũng được phản ánh qua triều giáo hoàng của ngài.

Điều đáng chú ý trước tiên là ngài chỉ nói về khả năng từ chức trong trường hợp gặp trở ngại. Như thế chúng ta có thể nói, trước đây ngài không có trở ngại này, nhưng điều này không đúng. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, trong nhiều trường hợp, ngài đã nói về vấn đề giáo hoàng danh dự, về việc cùng tồn tại với Đức Bênêđictô XVI, và thậm chí về những quyết định có thể có của ngài trong vấn đề này. Nhưng chưa bao giờ ngài tiết lộ ngài đã làm đơn từ chức.

Bây giờ ngài mới tiết lộ và chúng ta phải tự hỏi: điều gì đã làm ngài đưa ra tiết lộ này?

Thật ra triều giáo hoàng của ngài đang ở trong tình thế phức tạp. Đức Phanxicô đã vượt lên những thời điểm quan trọng, và dù sức khỏe của ngài không ở mức tốt nhất – khi nào ở tuổi 86? – đúng là một kế thừa khả thi, cần thiết dường như chưa xảy ra ngay.

Tuy nhiên, từ một ít thời gian gần đây, người ta đã nói về kế vị. Ngay cả trước đây, khi ngài phẫu thuật ruột ngày 4 tháng 7 năm 2021, một khả năng tổ chức mật nghị đã trở nên cụ thể hơn. Đức Phanxicô đã tâm sự với các tu sĩ Dòng Tên Slovakia, có một số người “đã tổ chức tang lễ cho ngài.”

Nhưng trước tình thế này, chúng ta cũng nên xem lại một bài báo năm 2020 của linh mục Antonio Spadaro trên tạp chí Văn minh Công giáo Dòng Tên, đặt câu hỏi liệu triều giáo hoàng của ngài đã kết thúc chưa (và theo linh mục Spadaro là chưa). Sau đó là quyển sách của ông Andrea Riccardi, nhà sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio và là người thường đến thăm Đức Phanxicô ở Nhà Thánh Marta, có tựa đề “Giáo hội bốc cháy,” đề cập đến các khủng hoảng trong Giáo hội.

Ngoài chính câu chuyện do ngài đưa ra, rằng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, rằng mọi người đều hạnh phúc và những cải cách đang có hiệu quả, ở Vatican và ngoài Vatican, nhiều câu hỏi khác nhau đang được đặt ra cho kết quả “Chăm sóc Bergoglio” (Cura Bergoglio) và không phải tất cả các câu trả lời đều tích cực. Ngược lại là khác.

Thêm nữa, trong trường hợp này, bài chúc lễ Giáng sinh Giáo triều Đức Phanxicô đọc ngày 22 tháng 12 là một dấu hiệu. Sau nhiều năm vạch ra những căn bệnh Giáo triều và thuốc giải độc cho những căn bệnh này hoặc liệt kê những cải cách được thực hiện như thể để biện minh cho những lời buộc tội cho rằng ngài chưa làm đủ, thay vào đó, ngài có bài phát biểu mang tính đạo đức trong đó ngài xin lỗi vì đôi khi khắc khe nhưng được giải thích, trong sâu thẳm, cũng hữu ích khi “làm khổ những người đã được an ủi” và lòng thương xót thực sự là qua việc chấp nhận những giới hạn của người khác.

Câu hỏi có thể được đặt ra là liệu Giáo hoàng có chấp nhận những hạn chế hoặc lỗi lầm của người khác khi những người này ở ngoài phạm vi tình bạn của ngài, nhưng đó sẽ là câu hỏi khó chịu và lừa dối sẽ bị bỏ lại tại đây.

Tuy nhiên khi xem lại trọng tâm bài diễn văn, Đức Phanxicô dường như muốn dành chỗ cho những người chỉ trích ngài, gần như ngài tìm một chút nghỉ ngơi để hoàn thành giai đoạn cuối triều giáo hoàng của mình trong hòa bình.

Việc tìm kiếm không gian thở đặt ra nhiều vấn đề khác nhau, đó là những vấn đề của chính triều giáo hoàng.

Thứ nhất: ai đã chứng thực đơn từ chức của ngài, hoặc ít nhất là chữ ký của ngài? Việc từ nhiệm phải tự động, có thể truy cập và công khai nếu có thư. Chữ ký của giáo hoàng chưa đủ, phải có xác thực.

Thứ hai: ai có nhiệm vụ xác định “chức vụ giáo hoàng bị cản trở”? Vấn đề tế nhị đến mức có một nhóm của Đại học Bologna đang giải quyết, họ đưa ra các đề xuất về cả việc quản lý ngai tòa có thể bị cản trở và cả tình trạng pháp lý của giáo hoàng danh dự. Đức Phaolô VI cũng đã viết một thư như vậy, nhưng cả trong trường hợp này, việc xác nhận công khai bức thư là cần thiết. Những gì Đức Piô XII viết khi ngài biết Đức quốc xã có kế hoạch bắt cóc ngài thuộc một loại thư khác: ngài đang ở trong thời chiến và một giáo hoàng bị bắt cóc chắc chắn là một trở ngại khách quan mà hồng y đoàn có thể nhận ra.

Trong trường hợp Đức Phanxicô, vấn đề còn phức tạp hơn. Ai có trách nhiệm xác định tình trạng của giáo hoàng trong trường hợp “ngai tòa bị cản trở”? Và có hoàn cảnh nào được mô tả để làm không?

Giáo hoàng không chính xác đề cập đến việc ngai tòa bị cản trở vì căn bệnh không thể chữa lành hoặc đơn thuần căn bệnh làm thay đổi hoàn toàn nhận thức. Có thể có một gợi ý trong bức thư. Nhưng gần như chưa ai nhìn thấy bức thư này và chính ngài gởi trong phong bì được niêm. Khi nào thì bức thư này được mở ra? Khi nào thì hoàn cảnh xảy ra để mở? Và ai có trách nhiệm làm việc này?

Tất cả những câu hỏi này cho thấy cách làm việc của Đức Phanxicô. Khi tránh xa các thể chế, ngài tránh hành xử theo thể chế. Dù hoạt động lập pháp của ngài rất rộng trong triều giáo hoàng của ngài, nhưng chủ yếu là hoạt động lập pháp khẩn cấp vì được thực hiện qua các sắc lệnh cá nhân của giáo hoàng. Những tài liệu này (sắc dụ và tự sắc) thường được dùng để có những sửa đổi nhỏ và làm rõ diễn giải, hầu như không dùng để thay đổi cấu trúc.

Luật khẩn cấp, hoàn toàn gắn liền với cá nhân giáo hoàng, tạo một khoảng trống trong chính quyền. Ngoài việc cải cách Giáo triều và sự phân quyền mà điều này hướng tới, mọi thứ đều tập trung vào tay giáo hoàng. Ngay cả những diễn giải của giáo hoàng. Sẽ khó cho bất cứ ai đưa ra quyết định khi biết giáo hoàng có thể không tán thành.

Vì thế ở đây ý tưởng về bức thư từ nhiệm gần như một lời tuyên chiến hơn là một hành động bình thường hóa. Giáo hoàng cảnh báo ngài có thể ra đi, nhưng không ai có thể xác định liệu việc từ chức này có hợp lệ hay không vì không có nhà lập pháp tối cao nào, trong trường hợp này là giáo hoàng thì lại bị mất khả năng.

Đây có phải là một hoang mang có chủ ý không? Có thể. Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC, ngài cũng cho biết ngài chưa bao giờ muốn xác định tư cách pháp lý của giáo hoàng danh dự và ngài biết mật nghị có thể hơi xáo trộn vì các tân hồng y được phong trong những năm gần đây chưa biết nhau. Nhưng đồng thời ngài nhắc, dù sao mật nghị là công việc của Chúa Thánh Thần, và chính Chúa Thánh Thần chưa bao giờ soi dẫn cho ngài để xác định tình trạng giáo hoàng danh dự.

Trong bầu không khí bất định này, Đức Phanxicô xác định giai đoạn cuối cùng triều giáo hoàng của ngài, đó là sự thay đổi của một kỷ nguyên. Tin đồn cho rằng ngài muốn giám mục Heiner Wilmer, giáo phận Hildesheim làm tân bộ trưởng bộ Tín Lý vẫn chưa được xác nhận. Vẫn chưa có bộ trưởng mới cho bộ Giám mục. Hồng y Sandri, tổng trưởng bộ Giáo hội Đông phương lẽ ra sẽ ở lại cho đến năm 80 tuổi nhưng đột nhiên bị thay thế.

Rốt cuộc, những quyết định trong tương lai sẽ đến mà không báo trước. Một “cú sốc và sợ hãi” để lại cho Giáo triều hình ảnh và chân dung của Đức Phanxicô. Ngài cũng có ý tưởng bổ nhiệm một phụ nữ đứng đầu một thánh bộ không cần phải là giáo sĩ, có lẽ trong vòng hai năm, vì có người đứng đầu một bộ sắp hết nhiệm kỳ. Một lần nữa, không có gì cụ thể, không có gì xác định.

Tường thuật về triều giáo hoàng vẫn là những cải cách được thực hiện, con đường minh bạch và cải cách kinh tế “đang hoạt động tốt”. Nhưng tất cả câu chuyện này dường như khó phù với thực tế.

Cuối cùng, câu hỏi luôn giống nhau: Đức Phanxicô đã kết thúc triều giáo hoàng của ngài hay sẽ kết thúc?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Một năm thứ 86 đầy chông gai của Đức Phanxicô