Cuộc nổi dậy của phụ nữ Iran làm rung chuyển sâu xa chế độ
la-croix.com, Marie-Valentine Chaudon, 2022-09-23
Từ một tuần nay, phụ nữ Iran biểu tình chống mang voan tại Teheran
Bà Aïda Asgharzadeh sinh ở Pháp năm 1986, hiện bà đang trình diễn vở kịch Búp bê Ba Tư của bà ở Paris, vở kịch lấy cảm hứng từ câu chuyện của cha mẹ bà đã trốn Iran năm 1982. Bà ngưỡng mộ và lo lắng theo dõi cuộc nổi dậy của phụ nữ ở Iran.
Báo La Croix phỏng vấn bà Aïda Asgharzadeh
La Croix: Bà nhận xét gì về những phụ nữ trẻ này, những người sau cái chết của cô Mahsa Amini bị cảnh sát giam giữ vì chiếc khăn voan che không đúng quy tắc đã biểu tình và đốt voan che mặt của họ ở nơi công cộng?
Aïda Asgharzadeh: Nhìn những phụ nữ này nhảy múa và ném khăn voan vào lửa rất xinh đẹp và vô cùng can đảm, điều mà chúng ta không thể hiểu được khi sống ở Pháp. Họ liều mạng vì những biểu tượng cao cả này, đồng thời với họ, đó là vấn đề của sự sống còn. Đến một lúc nào đó, áp bức trở nên quá mạnh thì không thể im lặng và tuân theo, trước sự sống còn họ phải nổi dậy.
Tôi luôn ấn tượng trước khả năng phụ nữ Iran sống cuộc sống hàng ngày để tiếng nói của họ được nghe. Chẳng hạn mẹ tôi bị áp đặt nhiều hơn tôi. Nhưng tôi lo lắng về những người biểu tình ở Iran, tôi thực sự sợ cho họ. Trong vài ngày, mạng xã hội đã bị cắt, và chúng tôi không còn biết chuyện gì đang xảy ra ở đó. Tôi sợ đàn áp của cuộc nổi dậy này sẽ còn khắc nghiệt hơn những phong trào trước đây vì lần này do phụ nữ chủ động. Nó làm lung lay sâu xa đến hệ thống và những điều cấm đoán của hệ thống.
Iran, làn sóng chống đối sau cái chết của cô Mahsa Amini
Bà đang diễn vở kịch Búp bê Ba Tư bà viết dựa trên câu chuyện của cha mẹ bà. Làm thế nào để chương trình này vang lên với các sự kiện hiện tại?
Tiếng vang của nó thật bối rối. Khi bắt đầu vở kịch, nhân vật của tôi mặc một chiếc áo đầm tay ngắn, tóc xõa. Rồi khi xảy ra cuộc cách mạng hồi giáo, cô phải mang voan che kín mặt… Chúng tôi đang ở nhà hát nhưng sự biến đổi này, khoảnh khắc tôi phải giấu mái tóc dài của tôi dưới tấm khăn che đặc biệt làm tôi xáo trộn trong những ngày này và tôi cũng cảm thấy phản ứng mạnh của khán giả trong phòng.
Trong Búp bê Ba Tư, một cách lãng mạn tôi kể câu chuyện của cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi là những người chống đối vua Ba Tư (Iran) trong những năm 1970 và sau đó phải trốn Iran vào một đêm cuối năm 1982, sau khi chế độ hồi giáo được thành lập. Vào thời điểm đó, họ nghĩ rằng cuộc sống lưu vong của họ sẽ chỉ tạm thời. Họ không thể tưởng tượng chế độ này đã cầm cự được và bây giờ chúng tôi còn ở đây đến ngày hôm nay…
Bà sinh ra ở Paris năm 1986, bạn có liên hệ gì với Iran ngày nay không?
Tôi có về Iran ba lần. Lần đầu tiên khi tôi 15 tuổi, tôi đi cùng mẹ, bà muốn thăm người cha đang hấp hối. Tôi quay lại đó năm 2019 để chuẩn bị cho Búp bê Ba Tư, tự nhủ rằng đó có thể là lần cuối. Tôi rất buồn cho đất nước huy hoàng bị chế độ này nghiền nát: người dân rất quảng đại, họ có tấm lòng rộng mở, văn hóa vô cùng phong phú, phong cảnh tuyệt đẹp… Ngày nay, chúng tôi gần như không có gia đình nào ở đó, mọi người đã đi khắp bốn phương trời. Còn phải làm gì nữa? “Phong trào xanh” năm 2009 đã nuôi dưỡng rất nhiều hy vọng, nhưng rồi thất bại. Liệu cuộc nổi dậy mới này có thay đổi mọi thứ? Tôi muốn tin vào điều đó, nhưng chế độ này quá mạnh, thật khó để lạc quan.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: