Nhưng Đức Phanxicô sẽ làm gì ở Kazakhstan?
fr.aleteia.org, Camille Dalmas, 2022-09-2016
Đức Phanxicô sẽ đến Kazakhstan trong chuyến tông du thứ 38 của ngài từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9, ngài muốn xem đây là “chuyến đi yên tĩnh” nhưng các vấn đề liên quan đến chuyến đi này thì đáng kể.
Đức Phanxicô là giáo hoàng thứ hai đến Kazakhstan, đất nước rộng lớn của Trung Á sau Đức Gioan-Phaolô II năm 2001. Nếu ngài xem đây là chuyến đi yên tĩnh, nhưng các vấn đề chung quanh như chiến tranh Ukraine, đối thoại với chính thống giáo và quan hệ với Trung Quốc thì không yên tĩnh chút nào.
Sau đây là những điểm quan trọng:
1- Một dịp để phát triển Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti
Đức Phanxicô ký Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti tại thành phố Assisi, Ý ngày 3 tháng 10 năm 2020. Ảnh của Handout / VATICAN MEDIA / AFP
Trọng tâm của chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nur-Sultan, thành phố ngài sẽ ở lại trong thời gian ở Kazakhstan, là tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn do chính phủ tổ chức. Lấy cảm hứng từ các cuộc họp ở Assisi và được Tòa thánh ủng hộ từ khi ra đời năm 2003, Đại hội các nhà lãnh đạo tôn giáo truyền thống và thế giới là kết quả của việc cựu Tổng thống Nur-Sultan Nazarbạev mong muốn thúc đẩy đối thoại giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng nhau làm việc vì hòa bình và tinh thần bao dung. Đức Phanxicô là khách mời chính của hội nghị thượng đỉnh sẽ đọc hai bài phát biểu và gặp các nhà lãnh đạo khác.
Chủ đề được chọn là xây dựng thế giới hậu đại dịch, trực tiếp phản ánh từ thông điệp Fratelli tutti năm 2020 và nhiều văn bản sau đó. Trong thông điệp, Đức Phanxicô giải thích, cuộc khủng hoảng là dấu hiệu cho thấy cần thiết phải xây dựng một xã hội huynh đệ hơn cho nhân loại. Để tình huynh đệ phổ quát này được phát triển, ngài đặt sự chung sống của các tôn giáo hướng tới hòa bình và phát triển chung làm trọng tâm.
Ở Nur-Sultan, Đức Phanxicô sẽ gặp giáo sĩ Ahmed al-Tayyeb của Viện Al Azhar, người đã truyền cảm hứng cho thông điệp của ngài. Ngài đã ký Tài liệu về Tình huynh đệ tại Abu Dhabi năm 2019, một lần nữa ngài khuyến khích sự hợp tác hài hòa của các tôn giáo vì hòa bình. Vì sự kiện được tổ chức bởi một quốc gia thế tục chủ yếu là quốc gia có dân số theo hồi giáo cao (70%) nên sự kiện này được các đại diện hồi giáo khắp nơi trên thế giới về dự, Đức Phanxicô có thể gặp họ ngày 14 tháng 9.
2- Bóng của chiến tranh Ukraine
Kyiv tháng 3 năm 2022. ARIS MESSINIS / AFP / East News
Hội nghị thượng đỉnh sẽ vắng mặt nhân vật nổi tiếng, thượng phụ Kyrill của Giáo hội chính thống Nga. Mới đầu thượng phụ cho biết sẽ tham dự nhưng sau đã hủy bỏ chuyến đi. Dự án cho cuộc gặp lần thứ hai giữa Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill, sau lần gặp lịch sử ở Havana, Cuba năm 2016 thêm một lần nữa bị thất bại, một dự án khác dự trù hai người gặp nhau ở Giêrusalem tháng sáu cũng bị hủy bỏ.
Theo ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh thì Đức Phanxicô vẫn mong gặp thượng phụ Kyrill. Theo nguồn tin từ Vatican, chúng ta có thể mong chờ có cuộc trao đổi giữa các thành viên của phái đoàn công giáo và Matxcova.
Dù máy bay của Đức Phanxicô phải tránh bay trên không phận nước Nga và Ukraine – làm chuyến bay sẽ dài thêm một tiếng – vấn đề cổ động cho hòa bình vẫn là vấn đề quan trọng với Đức Phanxicô. Dù sao, những lời của ngài sẽ đặc biệt được lắng nghe ở đất nước này, ngoài một số lượng lớn người dân nói tiếng Nga và tín hữu chính thống, Kazakhstan còn là nơi sinh sống của nhóm thiểu số người Ukraine và đặc biệt là một cộng đồng nhỏ công giáo Hy Lạp.
3- Sự hiện diện bất ngờ của chủ tịch Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lần ông đến Hồng Kông ngày 30 tháng 6 năm 2022. Selim CHTAYTI / POOL / AFP
Ngày 14 tháng 9, khi Đức Phanxicô còn ở Kazakhstan thì chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ cuối năm 2019 tới Nur-Sultan. Sự gần gũi về địa lý của hai người chưa bao giờ gặp nhau – chưa một giáo hoàng nào và nhà lãnh đạo Trung Quốc nào gặp nhau – tạo một sự trùng hợp đáng lo ngại mà một số phương tiện truyền thông đã không thể không nêu lên.
Được hỏi về khả năng của một cuộc gặp, Tòa Thánh cho biết vẫn duy trì lịch như đã định của giáo hoàng và không dự trù có một cuộc gặp với lãnh đạo Trung quốc. Bắc Kinh đã không nói gì về sự hiện diện của hai người cùng ngày ở Nur-Sultan.
Tuy nhiên, việc không có cuộc gặp nói lên rất nhiều điều về tình trạng các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa thánh. Bắc Kinh dường như không quan tâm đến một cuộc gặp, vì tháng 3 năm 2019, khi ông Tập Cận Bình đến thăm tổng thống Ý Sergio Mattarella ở Rôma nhưng ông phớt lờ các cuộc gọi của hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, người luôn giữ “cánh cửa mở” cho nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên tháng 10 sắp tới, cả hai phải tìm giải pháp thỏa thuận mục vụ lịch sử đã được ký giữa Trung Quốc và Tòa thánh năm 2018, cho phép cả giáo hoàng và quyền lực Trung Quốc bổ nhiệm giám mục. Trong bối cảnh này, bất kỳ khả năng tương tác nào, dù ở cấp độ thấp hơn – chẳng hạn giữa các thành viên của phái đoàn Trung Quốc và Vatican – sẽ được chú ý theo dõi ở Kazakhstan.
4- Một chuyến thăm mục vụ đến trung tâm Châu Á
Nur-Sultan, Kazakhstan. Shutterstock I udmurd
Tại Kazakhstan, Đức Phanxicô sẽ gặp một trong những cộng đồng kitô giáo nhỏ mà ngài thường đến thăm trong các chuyến tông du trước đây. Đất nước Trung Á vĩ đại có một lịch sử đặc biệt, vì đây là nơi chủ yếu có các vụ trục xuất từ thời các các sa hoàng và sau đó chế độ Liên Xô đã trục xuất hàng loạt liên quan đến các nhóm người Đức, Ba Lan, Ukraine và Baltic đang ở trên lãnh thổ Nga vào lúc đó.
Một số người công giáo lưu vong này đã về quê hương sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhưng vẫn còn một số ở lại Kazakhstan, tạo một cộng đồng công giáo nhỏ ngày nay. Vatican ước tính hiện có 125.000 tín hữu, ít hơn 1% dân số Kazakhstan. Với 81 giáo xứ, 6 giám mục, hơn 100 linh mục và 138 tu sĩ, đó là hạt nhân nhỏ của đạo công giáo vẫn còn sống đến ngày nay giữa lòng thảo nguyên. Giáo hội công giáo Kazakhstan điều hành năm trường học, hai nhà hưu dưỡng, hai phòng khám và ba viện mồ côi.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Vatican và chính phủ Kazakhstan đảm bảo để cộng đồng này chung sống hài hòa với các tôn giáo khác, đặc biệt là hồi giáo, tôn giáo chiếm đa số. Giáo hội Kazakhstan rất năng động: gần đây các giám mục Kazakhstan liên kết với các tổ chức khác trong khu vực để thành lập một hội đồng Trung Á – Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, v.v. – nhằm tạo động lực mới cho sự hiện diện của họ.
5- Vấn đề không tránh khỏi: sức khỏe của giáo hoàng
Antoine Mekary | ALETEIA
Như trong mọi chuyến đi, các nhà báo cùng đi với Đức Phanxicô luôn quan sát kỹ sức khỏe của ngài. Ngài đã phải mổ đại tràng tháng 7 năm 2021, cắt bỏ 30cm ruột, tuy đã bình phục nhưng mấy tháng nay ngài bị đau đầu gối nặng, không thể đi đứng bình thường, ngài phải dùng gậy và xe lăn để di chuyển.
Chuyến đi của ngài ở Canada cũng đã phải điều chỉnh cho phù với tình trạng sức khỏe của ngài, ít di chuyển và thời gian các cuộc gặp chỉ trong vòng một giờ, bây giờ ngài cũng sẽ dùng cùng chiếc máy bay của hãng hàng không Ý ITA Airways ngài đã dùng tháng 7 vừa qua, thuận tiện hơn cho ngài. Chuyến đi Kazakhstan sẽ ít mệt hơn so với những chuyến đi khác, ngài không rời thủ đô Kazakhstan.
Ngoài ra ngài không cần phải lên xuống máy bay bằng thang cuốn ở sân bay quốc tế Nur-Sultan như ngài thường làm. Một “cầu treo” giúp ngài dự buổi lễ chào đón ở sân bay, chứ không phải trên đường băng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill: xem lại cuộc gặp hụt ở Kazakhstan