Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill: xem lại cuộc gặp hụt ở Kazakhstan
cath.ch, I.Media, 2022-09-12
Đức Phanxicô và thượng phụ chính thống giáo Nga Kyrill ký một tuyên bố chung trong cuộc họp tại Sân bay Quốc tế Jose Marti, ngày 12 tháng 2 năm 2016, ở Havana. (CNS / Paul Haring)
Đức Phanxicô và thượng phụ Mátxcơva đều đồng ý: “Giáo hội không được dùng ngôn ngữ chính trị, mà phải dùng ngôn ngữ của Chúa Giêsu”. Đức Phanxicô và thượng phụ Mátxcơva Kyrill lẽ ra phải gặp nhau tại Nur-Sultan, thủ đô Kazakhstan, nhân dịp đại hội liên tôn diễn ra ngày 14 và 15 tháng 9 năm 2022. Dù Tòa Thượng phụ Matxcova thông báo thượng phụ Kyrill sẽ không đi Kazakhstan nhưng Vatican đảm bảo các con đường vẫn được mở cho cuộc gặp thứ hai giữa Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill trong trung hạn.
Nur-Sultan có thể đã thành nổi tiếng vì chủ trì cuộc họp thứ hai giữa Thượng phụ Mátxcơva và Giám mục Rôma. Thủ đô Kazakhstan có nhiều lợi điểm để có thể có cuộc gặp này qua việc tổ chức Đại hội VII các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống trên thế giới, một lý do chính đáng cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tôn giáo. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine và quan hệ xấu đi giữa Rôma và Matxcova làm cho cuộc gặp này không thành, sáu năm sau cuộc gặp lịch sử ở Cuba.
Ngoại giao che giấu?
Nếu chuyến đi Kazakhstan của thượng phụ Kyrill chưa bao giờ được chính thức loan báo, nhưng một trong những người tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã nói với hãng tin Astana Times, thượng phụ Kyrill có mặt trong số những người tham dự, nên khi ngày 24 tháng 8, người đứng đầu Sở Ngoại vụ tòa thượng phụ Matxcơva, giáo chủ Anthony của Volokolamsk thông báo thượng phụ Kyrill sẽ không đến Nur-Sultan, tin này đã làm cho Vatican xem như có một che giấu.
Người ta thì thầm ở Vatican, “Thật là thất vọng” dù Vatican biết tình hình hiện tại “quá căng thẳng ở cấp độ quốc tế nên quyết định này có thể hiểu được”. Ở Vatican, người ta cũng nhắc lại, Đức Phanxicô đến Kazakhstan là đáp lại lời mời của tổng thống Kazakhstan và cũng để gặp các tín hữu công giáo ở vùng ngoại vi của Giáo hội. Một nguồn tin ngoại giao cho biết, “không có sự hiện diện của thượng phụ Kyrill, chuyến đi này của giáo hoàng sẽ mất đi sự quan tâm của nó”.
Vatican không chính thức nói gì về việc này. Ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh chỉ đơn giản nhắc lại Đức Phanxicô “bày tỏ mong muốn” được gặp thượng phụ Kyrill, nhưng không nói gì thêm.
Cuộc chiến ở Ukraine đã làm tổn hại các mối quan hệ như thế nào
Một người rành chủ đề này tóm tắt: “Kazakhstan có vẻ là một cơ hội tốt, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã làm mọi chuyện thành phức tạp.” Ngay sau cuộc xâm lược Ukraine, Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill đã nói chuyện với nhau qua video trong khoảng bốn mươi phút. Nhưng giọng điệu của cuộc họp đã làm Đức Phanxicô bối rối.
Trong cuộc họp báo với nhật báo Ý Il Corriere della Sera, Đức Phanxicô nói: “Thượng phụ Kyrill dành hai mươi phút đầu tiên để đọc tất cả lý do biện minh cho cuộc chiến. Tôi lắng nghe và nói: tôi không hiểu chuyện gì trong những điều thượng phụ nói. Chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước. Thượng phụ không thể là người giúp lễ của Putin.”
Sau đó hồng y Kurt Koch, người rất kín đáo đứng đầu Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu cũng gây bất ngờ khi ngài dùng những lời lẽ gay gắt chống lại thượng phụ. Trong cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Đức Die Tagespost, ngài nhấn mạnh: “Lời biện minh mang tính ngụy-tôn giáo của thượng phụ Kyrill làm xáo động tinh thần đại kết.” Sau đó, ngài nói, “đây là dị giáo khi thượng phụ dám hợp pháp hóa cuộc chiến tàn bạo và phi lý ở Ukraine”.
Lạnh nhạt nghiêm trọng
Trong một tuyên bố, tòa thượng phụ Mátxcơva cho biết họ lấy làm tiếc về “giọng điệu không chính xác” mà Đức Phanxicô đã dùng trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Il Corriere della Sera. Họ cho rằng các tuyên bố của giáo hoàng “đóng góp vào việc thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo hội công giáo la-mã và Giáo hội chính thống Nga là đặc biệt cần thiết trong thời điểm này”.
Sự lạnh nhạt giữa Rôma và Matxcova ngày càng gia tăng với việc hủy bỏ một cuộc gặp được cho là sẽ ở Giêrusalem tháng 6 vừa qua. Đức Phanxicô trả lời trong một cuộc phỏng vấn với báo La Nación của Argentina: “Tôi lấy làm tiếc Vatican đã phải đình chỉ dự án cuộc gặp thứ hai với thượng phụ Kyrill mà chúng tôi đã lên lịch vào tháng 6 tại Giêrusalem.” Và để giải thích một cách ngắn gọn lý do của quyết định này: “Bộ ngoại giao của chúng tôi hiểu rằng, một cuộc gặp giữa hai bên vào thời điểm này có thể dẫn đến nhiều hoang mang”.
Theo người Nga, công thức Kazakhstan không phù hợp
Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine và việc không đúng lúc cho cuộc gặp của hai người, Đức Phanxicô mong có thể thấy người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo khác. Nhưng lần này chính Matxcova khép lại khả năng này. Thông qua hãng thông tấn Nga RIA Novosti, ngày 24 tháng 8, người đứng đầu Sở Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Matxcơva, giáo chủ Anthony của Volokolamsk thông báo thượng phụ Kyrill sẽ không đến Nur-Sultan. Nhân cơ hội này, ông nhắc việc Vatican đang tạm dừng công việc chuẩn bị cho cuộc họp ở Giêrusalem. Ông nói, “một bất ngờ lớn”. Và để đảm bảo không có đề nghị nào khác từ Vatican đến văn phòng tòa thượng phụ. Cuối cùng “bộ trưởng” của Ủy ban ngoại giao của tòa thượng phụ Matxcova đã đưa ra các điều kiện để một cuộc họp mới có thể diễn ra, “phải được chuẩn bị với sự cẩn thận cao nhất, chương trình nghị sự của phải được thống nhất, tài liệu kết quả phải được suy nghĩ trước.”
Hướng tới một cuộc gặp tiếp theo?
Do đó hội nghị thượng đỉnh Nur-Sultan sẽ không đi vào lịch sử vì đã làm cho hai nhà lãnh đạo tôn giáo gặp lại nhau lần thứ hai. Nhưng cũng sẽ rất đáng kể để xem các phái đoàn Nga và Rôma sẽ tương tác với nhau như thế nào.
Tại Rôma, mọi người nhấn mạnh các mối quan hệ chưa bao giờ bị gián đoạn và đã có một chặng đường rất dài để đưa tới cao điểm là cuộc gặp năm 2016 ở Havana – một cuộc gặp lịch sử từng được hy vọng vào năm 2014 và sau đó là vào năm 2015. Người ta cũng nhắc lại Giáo hội chính thống Nga vẫn bị phong trào chống-đại kết và chống-công giáo lấn át; phải tính đến những áp lực nhiều như thế nào để hiểu thái độ của thượng phụ Kyrill, người bị chính nội bộ chỉ trích sau cuộc gặp ở Cuba. Một nguồn tin của Vatican khẳng định: “Một động lực được đưa ra, được thúc đẩy bởi mong muốn chung”, thậm chí còn hình dung một cuộc họp có thể xảy ra vào năm tới.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Nhưng Đức Phanxicô sẽ làm gì ở Kazakhstan?