Theo nhà vatican học Marco Politi, Giáo hội đang ở giữa cuộc nội chiến
katholisch.de, Renardo Schlegelmilch, 2022-09-11
Trước thềm thượng hội đồng lần thứ tư ở Đức, nhà báo Marco Politi, chuyên gia về các vấn đề Vatican, phân tích những căng thẳng trong Giáo hội giữa “những người cải cách” và “những người ngăn chặn”. Dù Đức Phanxicô ủng hộ việc thảo luận tự do, ngài vẫn lo ngại sự chia rẽ trong Giáo hội hoàn vũ. Đây là cách “đôi khi Đức Phanxicô đi zic-zắc, một mặt, ngài nói người công giáo Đức nên dẫn đường, sau đó ngài lại nói phải cẩn thận”.
Tại Rôma, nhiều người vẫn còn nghi ngờ về các định hướng của Giáo hội Đức. Theo nhà báo Politi, tại Giáo triều, “20% công khai ủng hộ Giáo hoàng, 10% phản đối và 70% chờ đợi giáo hoàng tiếp theo.” Thực tế là chúng tôi biết chúng tôi đang ở hoàng hôn triều giáo hoàng này, và họ không có ý tưởng rõ ràng về việc ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo và chính sách của ngài nên như thế nào.
Chuyên gia Marco Politi của Vatican xem xét các tranh chấp trong Giáo hội từ quan điểm của người Ý – và thấy một “cuộc nội chiến ngầm đang âm ỉ trong Giáo hội công giáo”.
Trước cuộc họp thượng hội đồng lần thứ tư sắp diễn ra, trong một phỏng vấn, nhà báo Marco Politi đã nói lên quan điểm của ông về những căng thẳng giữa Đức và Vatican. Nhà vatican học gọi xích mích giữa ‘những người cải cách’ và ‘những người ngăn chặn’ là ‘cuộc nội chiến âm ỉ ngấm ngầm’ trong Giáo hội công giáo và khẳng định chắc chắn 70% Giáo triều đang chờ giáo hoàng tiếp theo. Họ chờ quyết định sớm nhất của hồng y Woelki sau khi kết thúc con đường đồng nghị.
Đức Phanxicô đang ở năm thứ mười của ngài. Ngài đã kiệt sức chưa? Tổng giáo phận Cologne vẫn chưa đưa ra quyết định liên quan đến hồng y Woelki, tình hình tương tự như hồng y Barbarin ở Lyon hồi đó. Giáo hoàng có mệt mỏi với những xung đột mà các quyết định như vậy gây ra không?
Nhà báo Marco Politi: Với hồng y Barbarin, đôi khi chúng ta thấy Đức Phanxicô như một nhà chiến thuật. Ngài để thời gian trôi qua trước khi có quyết định. Cuối cùng hồng y Barbarin đã phải từ chức. Đánh giá của cá nhân tôi như sau: Hiện tại, trong khi Giáo hội Đức vẫn còn thảo luận về đường lối thượng hội đồng, ngài không muốn can thiệp. Ngài không muốn loại bỏ một trong những nhân vật chính khỏi một phần của cuộc thảo luận. Đó là lý do tại sao chúng ta phải xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tuy nhiên tôi thấy thật sai lầm khi giải thích các mâu thuẫn trong Giáo hội theo cách mà một quốc gia như Đức thấy mình phải đối diện với giáo hoàng ở Rôma trong tư cách là hoàng đế vĩ đại, người quyết định tất cả. Ngày nay, các giáo hoàng không còn toàn quyền. Chúng ta đã thấy với Đức Bênêđíctô XVI.
Trong những thập kỷ gần đây, các giáo hoàng có lẽ vẫn có thể chuyên quyền khi họ còn bảo thủ. Nhưng khi đó là vấn đề cải cách, các giáo hoàng phải cân nhắc đến tương quan quyền lực trong Giáo hội hoàn vũ, có nghĩa trong cương vị giáo hoàng, ngài phải giao tiếp với các quốc gia khác nhau và các giáo sĩ của họ, phải làm việc với các giám mục có các khuynh hướng khác nhau.
Chúng ta thường quên, ngay từ đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đưa ra các thảo luận lớn về cải cách gia đình, về vấn đề cho người ly dị tái hôn rước lễ, ngài đã gặp chống đối quốc tế rất lớn. Sự chống đối này cũng đã thành công. Nếu xem các tài liệu của hai Thượng Hội Đồng 2014 và 2015, chúng ta sẽ không thấy có văn bản nào nói đến việc cho những người ly dị tái hôn rước lễ. Cánh cải cách không đạt được đa số 2/3. Sau đó Đức Phanxicô quyết định hành động qua cánh cửa nhỏ phía sau, trong tài liệu tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Amoris Laetitia, ngài đưa ra một chú thích. Như thế mở đường cho một thực tế ngày nay, ở mọi nơi, nếu linh mục muốn và nếu giám mục đồng ý, thì những người ly dị tái hôn sẽ được rước lễ.
Nhưng nó cho thấy thế nào là cán cân quyền lực trong Giáo hội công giáo. Và điều này đã không thay đổi trong những năm gần đây. Thậm chí người ta còn có thể nói, tình hình trở nên xấu hơn sau Thượng hội đồng về gia đình, chẳng hạn với Thượng hội đồng gia đình năm 2015, có nhiều giám mục và hồng y đã viết sách để bám vào học thuyết cũ. Không có những lời kêu gọi như thế này của những người thuộc cánh cải cách. Dưới thời hồng y Burke, những người hãm thanh đã thu được 800.000 chữ ký. Cách đây vài năm, một sáng kiến kêu gọi ủng hộ Đức Phanxicô ở các nước nói tiếng Đức chỉ thu thập được chưa đầy 100.000 chữ ký.
Đức Phanxicô nhận được tán đồng ở trong cũng như ở ngoài Giáo hội. Điều này là do đường lối của Giáo hội không độc đoán, nhưng là một Giáo hội nhân từ, chăm sóc con người và quan tâm đến bất công xã hội hoặc hậu quả của môi trường bị hủy hoại do hoàn cảnh xã hội của con người. Nhưng khi đứng trong nội bộ Giáo hội, những người hãm phanh, những người bảo thủ mạnh mẽ nói về họ hơn những người cải cách. Đó là lý do tại sao có cuộc nội chiến ngấm ngầm diễn ra trong Giáo hội công giáo trong nhiều năm.
Đâu là vai trò của con đường thượng hội đồng và những căng thẳng tồn tại giữa Vatican và Đức?
Điều bị chỉ trích ở đây là Đức đang đi một mình. Nhưng cũng giống trường hợp đang xảy ra ở Mỹ trong việc cho các chính trị gia có quan điểm tự do về phá thai rước lễ. Ngược lại, các giám mục châu Âu hay châu Phi nói lên một cái gì đó họ không bằng lòng trong con đường thượng hội đồng. Hiện nay có rất ít cuộc thảo luận ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ. Đây có lẽ cũng là lý do vì sao Đức Phanxicô muốn có một thượng hội đồng thế giới, nơi mọi người nói về hiệp thông, cộng đồng, chia sẻ và sứ mệnh. Chúng ta chỉ cần xem cuộc thảo luận phát triển như thế nào.
Chúng ta đừng quên một điều: những thay đổi lớn lao của Công đồng Vatican II không đến từ giáo hoàng nhưng đến từ các giám mục Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đức và Ý. Chính các giám mục đã dấn thân. Cho đến bây giờ, điều này đã thiếu ở cấp độ toàn cầu.
Ở Giáo triều, “20% công khai ủng hộ giáo hoàng, 10% phản đối và 70% chờ đợi giáo hoàng tiếp theo. Điểm thiết yếu là chúng ta biết chúng ta đang ở hoàng hôn triều giáo hoàng này, và chúng ta không có ý tưởng rõ ràng về việc ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo.
Quan điểm của Vatican về nước Đức và đường lối thượng hội đồng là gì? Xung đột không thể đưa ra tranh cãi.
Chắc chắn. Nhưng trước hết tôi sẽ không quên đây là cuộc xung đột nội bộ ở Đức, ngay cả khi nó diễn ra ở Vatican. Các hồng y của Giáo triều hoặc các hồng y trước đây của Giáo triều như Brandmüller và Müller là các hồng y người Đức, từ Rôma họ đã lên tiếng chống lại một số quan điểm của đường lối thượng hội đồng ở Đức. Thậm chí đôi khi họ còn đả kích kịch liệt. Chính hồng y Brandmüller đã nói, cách thức thượng hội đồng Đức tiến hành là kiểu tin lành hóa. Sự chỉ trích của một cuộc ly giáo đến từ cùng một hướng. Vì thế trước hết nó là mối bất hòa trong nội bộ Giáo hội Đức.
Sau đó, cũng có số lớn người trong Giáo triều chỉ đơn giản sợ một cái gì mới. Họ lo sợ và không biết phải đưa ra quyết định nào. Họ sợ những gì sẽ xảy ra, chẳng hạn sợ tu sĩ được kết hôn, khi đó sẽ mất địa vị đặc biệt của những giáo sĩ độc thân. Họ cũng sợ về mặt thần học, như chức nữ phó tế. Tôi có thể nói, đó là suy nghĩ bảo thủ, nhưng phần lớn nó cũng từ thái độ sợ hãi.
Ở Giáo triều, “20% công khai ủng hộ giáo hoàng, 10% phản đối và 70% chờ đợi giáo hoàng tiếp theo. Điểm thiết yếu là chúng ta biết chúng ta đang ở hoàng hôn triều giáo hoàng này, và chúng ta không có ý tưởng rõ ràng về việc ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo. Trong hơn 50 năm qua, chúng ta đã thấy có những nhân vật rất lôi cuốn, với những định hướng thần học và những quan điểm triết học khác nhau, đã tạo động lực cho họ. Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, tất cả đều có những thôi thúc riêng của họ, nhưng cuộc khủng hoảng cơ cấu lớn của Giáo hội và các Giáo hội kitô giáo khác, có nghĩa các Giáo hội được cấu trúc bởi truyền thống, vẫn chưa dừng lại. Đây là vấn đề cần được giải quyết.
Về con đường thượng hội đồng Đức, chúng ta biết, một mặt Đức Phanxicô ủng hộ việc thảo luận và việc nói lên những gì mình nghĩ. Mặt khác, dĩ nhiên ngài cũng sợ sẽ có chia rẽ trong Giáo hội hoàn vũ hay trong chính Giáo triều. Nhưng đôi khi chúng ta cũng phải chú ý đến các sắc thái trong cử chỉ của Vatican. Vào mùa xuân, một thông cáo từ Rôma nói rằng đường lối của Thượng hội đồng Đức không thể đưa ra các quyết định ràng buộc khi nói đến học thuyết. Đương nhiên, các giám mục Đức đều trả lời điều này không thấy viết ở đâu cả. Đây là những đề xuất cần phát triển.
Chắc chắn thông cáo báo chí này là chính thức, nhưng nó được đưa ra mà không có chữ ký của Văn phòng báo chí Vatican. Không một giám mục, một hồng y hay một hồng y của Giáo triều ký. Nó cho thấy một điều mà tôi đã kể trước đây về tổng giám mục Bergoglio ở Buenos Aires, đôi khi ngài đi zic zắc. Một mặt, ngài nói người công giáo Đức phải đi đầu, một mặt ngài nói phải cẩn thận. Và sau đó là một tuyên bố mang tính song phương vì phải làm yên lòng những người hãm phanh và dù sao vẫn là một tín hiệu nhỏ cho những người cải cách.
Tất cả những điều này sẽ dẫn đến đâu? Thượng hội đồng thế giới kết thúc vào mùa thu năm sau. Và Đức muốn kết thúc quá trình của mình vào mùa xuân năm 2023.
Tôi nghĩ đường lối thượng hội đồng là một tiến trình rất quan trọng vì hiện tại cộng đồng công giáo Đức đang ở tuyến đầu trong nỗ lực cải tổ Giáo hội. Đây là những cải cách cơ bản. Vai trò của phụ nữ, vị trí của linh mục, nhưng cũng là cách mà thẩm quyền và bảo lực thực thi, đó là những vấn đề rất cơ bản. Theo nghĩa này, tôi nghĩ con đường thượng hội đồng ở Đức sẽ là một cột mốc quan trọng mà sau đó sẽ có mặt trên bàn nghị sự của toàn thể Giáo hội công giáo trên toàn thế giới, giống như trường hợp Thượng hội đồng Amazon. Đây là những thời điểm quan trọng khi chúng ta thảo luận và suy nghĩ để đưa ra các đề xuất cụ thể.
Vấn đề lớn là điều gì sẽ xảy ra tại thượng hội đồng thế giới. Cho đến nay, với tư cách là quan sát viên, tôi phải nói, tôi chưa thấy điều gì đặc biệt ở cấp độ toàn cầu của bất kỳ hình thức huy động nào như nó đã có trong thời trước Công đồng Vatican II. Vào thời điểm đó, không chỉ có các giám mục, mà còn có các nhà thần học, giáo dân và các nhóm sáng kiến suy nghĩ về cách cải cách phụng vụ. Họ suy nghĩ về mối quan hệ với người do thái và mối quan hệ với các anh chị em các Giáo hội kitô giáo và các tôn giáo khác. Có rất nhiều công việc chuẩn bị.
Tôi không thấy có gì đặc biệt trong công việc chuẩn bị này ở cấp độ thế giới. Tôi cũng không thấy có gì đặc biệt ở Ý. Chúng ta nói một cách rất chung chung và chúng ta nói chúng ta phải lắng nghe xã hội, ngay cả với những người xa cách Giáo hội. Nhưng sau đó, tôi đọc, chẳng hạn, một tài liệu làm việc của Hội đồng Giám mục Đức, chắc chắn đã thực hiện một công việc triệt để theo cách của người Đức, trong đó nói rằng: chúng tôi đã không thành công trong việc đối thoại với những người ở xa Giáo hội. Mặt khác, ngay cả trong cộng đồng công giáo Đức, đã không huy động được nhiều giáo dân như chúng ta có thể hy vọng. Đó là lý do vì sao nhiều điều hiện nay phụ thuộc vào thời điểm lịch sử này, vào việc Thượng hội đồng Thế giới sẽ quyết định như thế nào. Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có lúc ngọn lửa thảo luận nào bùng lên hay tất cả sẽ chỉ là một quá trình giấy tờ bàn giấy.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Hồng y Barbarin: “Đó không phải là bầu khí cuối triều”
Nhà báo Marco Politi là tác giả các sách Cô đơn của Đức Phanxicô (La solitude de François), Đức Phanxicô giữa bầy sói (François parmi les loups), Phanxicô, dịch hạch và tái sinh (François, la peste et la renaissance)