Ukraine, Thế chiến thứ ba và lộ trình của Đức Phanxicô cho Giáo hội

144
Ukraine, Thế chiến thứ ba và lộ trình của Đức Phanxicô cho Giáo hội
americamagazine.org, Tomás Halík, 2022-05-18
 Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas, ở giữa, thông dịch cho Đức Phanxicô và tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican ngày 4 tháng 7 năm 2019. (Ảnh CNS / Paul Haring)
Những lời tiên tri của Đức Phanxicô đã thành sự thật trong năm nay: Chúng ta không chỉ đang sống trong một kỷ nguyên thay đổi, mà còn trong một thời đại thay đổi. Từ lâu ngài đã nói thời đại chúng ta như “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng phần”. Giờ đây, ngay cả phát ngôn viên của Vladimir Putin cũng đang nói Thế chiến thứ ba đã bắt đầu.
Một bản đồ địa chính trị mới của thế giới đang hình thành, một trật tự thế giới mới, một bầu khí đạo đức mới trong các quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa quốc tế. Một chương mới trong lịch sử đang bắt đầu. Kể từ đầu thiên niên kỷ này, trật tự dân chủ phương Tây đã trải qua một loạt thử thách ngày càng khó cho sức bền va, tính lâu dài và độ tin cậy của nó: các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, khủng hoảng tài chính, Brexit, chính quyền dân túy của Donald Trump, toàn cầu hóa đại dịch coronavirus – và bây giờ là vụ Nga xâm lược Ukraine, đại diện cho sự tàn phá đáng sợ của hệ thống luật pháp quốc tế được thiết lập trong các thập kỷ sau Thế chiến thứ hai.

Một bản đồ địa chính trị mới của thế giới đang hình thành, một trật tự thế giới mới, một bầu khí đạo đức mới trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa quốc tế.  

Sự mù quáng và ngây thơ của các chính trị gia châu Âu, những người cho đến nay chỉ điều khiển theo các lợi ích kinh tế, đã góp phần đưa nước Nga trở thành quốc gia khủng bố. Với việc chiếm đóng Crimea và cuộc diệt chủng hiện nay ở Ukraine, Nga đã tự loại mình ra khỏi thế giới văn minh và bây giờ Nga chi phối và đe dọa thế giới đó. Chúng ta vẫn chưa biết sự cô lập, nghèo đói và sỉ nhục có tầm vóc quốc tế sẽ ảnh hưởng đến xã hội Nga như thế nào. Chúng ta cũng không biết liệu nó sẽ cổ vũ cho một phe đối lập dân chủ yếu ớt hay ngược lại, đánh thức một phong trào dân tộc-chủ nghĩa phát xít cuồng tín, như đã xảy ra ở Đức sau Thế chiến thứ nhất. Điều duy nhất chắc chắn là dù cho cuộc chiến Ukraine kết thúc, thế giới sẽ không trở lại hình dạng như đầu năm nay.
Nếu bây giờ phương Tây không muốn hoặc không giúp Ukraine đủ, để ngăn chặn sự xâm lược của Nga và bảo vệ nền độc lập quốc gia của mình, nếu phương Tây hy sinh Ukraine trên ảo tưởng sai lầm, điều này sẽ cứu hòa bình thế giới – như đã xảy ra trong trường hợp Tiệp Khắc trước thềm Thế chiến thứ hai – thì đây sẽ là sự cổ vũ không chỉ cho sự bành trướng hơn nữa của Nga, mà còn cho tất cả những kẻ độc tài và xâm lược trên toàn thế giới.
Ông Putin rất quan tâm đến việc Ukraine đầu hàng vì ông biết rất rõ, điều này chứng tỏ sự yếu kém của phương Tây trước toàn thế giới, trên thực tế đó sẽ là sự đầu hàng của toàn bộ hệ thống dân chủ tự do. Rốt cuộc, hệ thống này đứng vững hay sụp đổ chính là dựa vào lòng tin người dân đặt vào hiệu quả của các thể chế dân chủ; lòng tin này đã bị lung lay và bất kỳ sự suy yếu nào thêm đều có thể gây những hậu quả không thối lui được.
Vladimir Putin đã thành công – ngoài ý muốn của ông – trong việc biến Ukraine thành một quốc gia chính trị kiên định và thống nhất, xem khái niệm thuộc về châu Âu không chỉ là một cụm từ khoa trương rẻ tiền, mà còn là một giá trị mà hàng ngàn người đang phải hy sinh tính mạng. Ukraine đang ký đơn gia nhập Liên minh châu Âu bằng máu của mình. Ukraine hiện nay mang tính chất “châu Âu” hơn nhiều vùng đất được gọi là trung tâm của châu Âu.
Liệu phương Tây ngày nay có nhà lãnh đạo chính trị nào có thể huy động lực lượng đạo đức như tổng thống Volodymyr Zelensky không?
Ông Putin cũng đã thành công – ngoài ý muốn của ông – trong việc thống nhất phương Tây ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn vẫn còn với phương Tây là phải biến sự đoàn kết chống lại kẻ thù chung thành một khối đoàn kết tích cực và sâu sắc hơn. Để quá trình hội nhập châu Âu tiếp tục trên tinh thần dân chủ – điều không chỉ là mong muốn mà còn cần thiết – thì cần phải hình thành mô hình Âu châu, một cộng đồng các giá trị mà chúng ta sẵn sàng hy sinh rất nhiều. Đây là một nhiệm vụ văn hóa, đạo đức và tinh thần.
Cuộc chiến ngày nay ở Ukraine đang dạy cho cả thế giới bài học quý giá: Ngay cả những kế hoạch của một siêu cường hạt nhân cũng có thể thất bại nếu chúng bị chống lại bởi lòng dũng cảm và sức mạnh đạo đức, được huy động bởi những nhà lãnh đạo có uy tín cá nhân, sẵn sàng hy sinh đến cùng cực và một năng khiếu giao tiếp thuyết phục. Liệu phương Tây ngày nay có nhà lãnh đạo chính trị nào có thể huy động lực lượng đạo đức như tổng thống Volodymyr Zelensky không?
Một trận chiến của các ý tưởng
Sau ngày 11 tháng 9, bà Madeleine Albright, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh, “cuộc chiến chống khủng bố” không thể chỉ là một cuộc chiến vũ khí; nó cũng phải là cuộc chiến của các ý tưởng.
Xã hội thế tục đã đánh giá thấp sức mạnh của ngôn ngữ, biểu tượng và nghi lễ tôn giáo. Ngôn ngữ thế tục thường không có khả năng truyền tải cảm xúc mạnh trong các tình huống khủng hoảng. Kết quả là các thuật ngữ tôn giáo bỗng xuất hiện một cách tự phát trong ngôn ngữ của các chính trị gia – ngay cả những người rất xa với đức tin cá nhân và đạo đức tôn giáo – vì họ đưa ra những hình ảnh gợi ý từ vô thức tập thể của xã hội.
Nhưng ngôn ngữ, biểu tượng và nghi lễ tôn giáo có thể được dùng trong tinh thần xây dựng hoặc phá hoại. Các phần tử cực đoan hồi giáo đã thành công trong việc khai thác tiềm năng của năng lượng tôn giáo cho các mục đích riêng của họ. Xã hội thế tục phương Tây có tiềm năng tinh thần nào? Kitô giáo có thể đóng vai trò gì ở phương Tây? Các Giáo hội thiên chúa giáo đã vực lên được đầy đủ sau những tiết lộ về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, đại dịch và làn sóng thế tục hóa mới nhất (hay chính xác hơn là sự rút lui) của các xã hội phương Tây chưa?
Từ kinh nghiệm của các thần học gia tuyến đầu trong thời Thế chiến thứ nhất như linh mục Dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin và Paul Tillich, một thần học mới đã xuất hiện, một quan niệm mới về Thượng đế và về mối quan hệ giữa Thượng đế và thế giới. Liệu một năng lượng thiêng liêng mới, với những tầm nhìn đầy cảm hứng mới về hình dạng tương lai của thế giới, sẽ xuất hiện từ cuộc chiến này không?

Xã hội thế tục phương Tây có tiềm năng tinh thần nào? Kitô giáo có thể đóng vai trò gì ở phương Tây?

Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị
Có vẻ như chúng ta phải đặt lại câu hỏi về mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo. Một số nhà độc tài và các nhà lãnh đạo của các chế độ độc tài cố tình lấy tôn giáo làm công cụ cho chính trị. Khi Stalin nhận ra các dân tộc của Đế chế xô viết (đặc biệt là Ukraine) chưa sẵn sàng chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản khi quân đội Hitler xâm lược, ông đã định nghĩa lại cuộc xung đột là “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”, trong đó các linh mục chính thống giáo cầm các bức tượng trên tay, diễn hành hàng đầu các nhóm Hồng quốc quân.
Ông Putin, người rất ngưỡng mộ Stalin, cũng đã nhận ra “Nước Nga vĩ đại” mà ông tìm kiếm, cần đà thúc đẩy thiêng liêng, và vì thế ông công cụ hóa Giáo hội chính thống Nga. Một số lãnh đạo của Giáo hội là cựu đồng nghiệp K.G.B. của ông. Ngành tuyên truyền Nga đặc biệt nhắm vào người kitô giáo bảo thủ, những người có cảm tình với ông Putin, và họ tìm cách mô tả ông như một Hoàng đế Constantin mới, người sẽ cứu kitô giáo ra khỏi ảnh hưởng xoi mòn của đạo tin lành và chủ nghĩa tự do phương Tây.
Trong khi đó, thủ tướng Viktor Orbán của Hungary và một số nhà lãnh đạo Ba Lan cũng tự nhận mình là người cứu tinh cho văn hóa kitô giáo trong những lời họ chỉ trích Liên minh châu Âu. Trong cương vị thủ tướng, ông Orbán tuyên bố (và thực hành) một mô hình “dân chủ phi tự do” gần với “dân chủ điều khiển” của ông Putin; trong thực tế, đó là nhãn hiệu bao che cho một nhà nước độc tài. Ở Ba Lan, liên minh của các chính trị gia dân túy – dân tộc chủ nghĩa với một số nhóm nhất định trong giới lãnh đạo Giáo hội – cùng với việc tiết lộ đến gây sốc về việc lạm dụng tình dục, lạm dụng tâm lý, lạm dụng thiêng liêng của các giáo sĩ – đã dẫn đến sự mất tin tưởng đáng kể hiện nay với Giáo hội, đặc biệt là với các thế hệ trẻ. Sự liên minh giữa giới bảo thủ kitô giáo và chủ nghĩa dân tộc này đã làm tổn hại cho Giáo hội còn hơn nửa thế kỷ bị cộng sản đàn áp; Ba Lan hiện đang trải qua tiến trình thế tục hóa nhanh nhất châu Âu.
Liệu có một hình thức kitô giáo nào trong thế giới ngày nay có thể là nguồn cảm hứng đạo đức cho một nền văn hóa tự do và dân chủ không? Chúng ta phải tìm kiếm một hình thức không hoài cổ bắt chước quá khứ nhưng một hình thức tôn trọng sự thật rằng thế giới của chúng ta không, và sẽ không bao giờ đơn sắc về tôn giáo hay văn hóa, nhưng thay vào đó là đa nguyên hoàn toàn.
Khái niệm tôn giáo (religio) có nguồn gốc từ nguyên từ động từ la-tinh religare trong nghĩa “kết hiệp” Tôn giáo được hiểu như lực hòa nhập trong xã hội. Vai trò này phần lớn được kitô giáo thời tiền-hiện đại trong các Christianitas thời trung cổ. Nhưng đoạn này trong lịch sử kitô giáo giáo đã qua lâu rồi. Tiếp theo là kỷ nguyên hiện đại, trong đó kitô giáo trở nên một trong nhiều “tầm nhìn thế giới”. Sau đó kitô giáo được xem là một tôn giáo bị chia thành nhiều tín ngưỡng khác nhau. Ngày nay hình thức kitô giáo giáo này đang gặp khủng hoảng trầm trọng.
Liệu có một hình thức kitô giáo giáo nào trong thế giới ngày nay có thể là nguồn cảm hứng đạo đức cho một nền văn hóa tự do và dân chủ không?
Cho đến nay mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị chủ yếu được xem là mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước. Nhưng trong quá trình toàn cầu hóa, các Giáo hội đã mất độc quyền về tôn giáo và các Quốc gia-nhà nước mất độc quyền về chính trị. Ngày nay đối thủ cạnh tranh chính của tôn giáo có tổ chức không phải là chủ nghĩa vô thần hay chủ nghĩa nhân văn thế tục, nhưng một mặt là linh đạo không-giáo hội và mặt kia là tôn giáo như một hệ tư tưởng chính trị. Trong quá trình thế tục hóa, tôn giáo đã không biến mất, nhưng nó đã chịu một sự biến đổi sâu sắc. Vai trò của tôn giáo đối với xã hội và trong cuộc sống con người đang biến đổi.
Vai trò của tôn giáo như một lực hòa nhập trong xã hội đã bị các hiện tượng xã hội khác lấy lại vai trò trong quá trình toàn cầu hóa ở giai đoạn cuối hiện đại, đặc biệt do thị trường hàng hóa và thông tin toàn cầu (bao gồm các phương tiện thông tin đại chúng). Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa cùng với trật tự chính trị và kinh tế hiện trải qua những biến động và thay đổi sâu sắc. Không có một lực lượng để thống nhất toàn cầu. Nếu sự thống nhất hiện tại của phương Tây chỉ dựa trên cơ sở để phòng thủ chống lại Nga thì nó sẽ không lâu dài. Tương tự như vậy, nếu quá trình thống nhất thế giới được tiếp tục, chúng ta không thể chỉ dựa vào các khía cạnh kinh tế của toàn cầu hóa. Thế giới muốn được chữa lành cần một sức mạnh tinh thần đầy cảm hứng.
Để chữa lành vết thương của thế giới
Đức Phanxicô đã đưa ra tầm nhìn về Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến”. Một Giáo hội như vậy không nằm trong “cô lập huy hoàng” với thế giới đương đại, cũng không gây ra “chiến tranh văn hóa” đã mất từ trước bên trong nó. Nếu Giáo hội là bệnh viện dã chiến, thì chức vụ trị liệu giả định là Giáo hội có khả năng chẩn đoán được tình trạng thế giới chúng ta.
Tôi nghi rằng tôn giáo trong tương lai sẽ giống với ý nghĩa của động từ re-legere, “đọc lại”. Nó sẽ cung cấp một “đọc lại”, một phép thông diễn mới: khả năng “đọc theo tinh thần thiêng liêng”, giải thích sâu hơn cả các nguồn của chính nó (có nghĩa, trong trường hợp kitô giáo là Kinh thánh và truyền thống) và “các dấu hiệu của thời đại.” Quan điểm của các phương tiện truyền thông, các chính trị gia và các nhà kinh tế học cần một bổ sung như vậy, một quan điểm cung cấp cách tiếp cận đáng suy ngẫm về thế giới chúng ta. Tôi thấy nguồn cảm hứng quý giá cho hôm nay và ngày mai trong các giáo huấn xã hội của Đức Phanxicô. Tôi tin chắc, Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti của ngài (bao gồm các chương về văn hóa chính trị mới) có thể giúp cho thế kỷ 21 như “Tuyên ngôn Nhân quyền” đã làm cho thế kỷ 20.
Hôm nay, tôi thấy lời kêu gọi của Đức Phanxicô để biến Giáo hội từ một thể chế giáo sĩ cứng nhắc thành một hành trình cộng đồng năng động song song với các giai đoạn thay đổi khác trong Giáo hội và thế giới thế tục. Cũng giống như việc dân chủ hóa Giáo hội trong thời kỳ Cải cách đã đóng góp vào việc dân chủ hóa xã hội, vì thế nguyên tắc đồng nghị (syn-hodos, “con đường chung”) có thể là nguồn cảm hứng không chỉ cho Giáo hội công giáo để mở ra với đại kết, liên tôn giáo và hợp tác giữa các nền văn hóa, mà còn vì một nền văn hóa chính trị cùng tồn tại trong một thế giới đa nguyên.
Hiện nay thế giới đang chiến tranh, nhưng chúng ta phải nghĩ về thế giới hậu-chiến tranh. Chúng ta không nên lặp lại những sai lầm cũ và không đánh giá thấp năng lượng thiêng liêng của các tôn giáo trên thế giới.
Trong suốt lịch sử, châu Âu là mẹ đẻ của các cuộc cách mạng và cải cách, là tâm điểm của các cuộc chiến tranh thế giới và quá trình toàn cầu hóa. Châu Âu là nơi khởi nguồn của nhiều phát triển văn hóa, khoa học, kinh tế và công nghệ lan rộng khắp thế giới và để lại những dấu vết sáng tối đáng kể trong lịch sử thế giới. Ngày nay, giấc mơ về một châu Âu thống nhất “thở bằng cả hai lá phổi”, Đông và Tây, đang bị đe dọa bởi những u bướu nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa chính thống trong cả hai lá phổi. Phải phát triển tiềm năng trị liệu, chứ không phải hủy hoại của tôn giáo. Thời điểm khủng hoảng luôn là thời điểm của những thách thức và cơ hội mới.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Lập trường rõ ràng của Đức Phanxicô về Ukraine
Linh mục Tomás Halík, giáo sư xã hội học Đại học Charles, Prague, chủ tịch Hàn lâm viện công giáo Séc và là tuyên úy đại học. Trong chế độ cộng sản, linh mục hoạt động trong Giáo hội ngầm. Cha đoạt giải Templeton Prize và có bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Oxford.