Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra tội ác chiến tranh của Nga

175

Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra tội ác chiến tranh của Nga

Các nhà điều tra bắt đầu công việc khắc nghiệt là khai quật thi thể từ một ngôi mộ tập thể và đánh giá bằng chứng tội ác chiến tranh, khi các gia đình tập hợp để tìm kiếm những người thân yêu mất tích ở Buchha, Ukraine ngày 8 tháng 4 năm 2022.  GUZY CAROL / ZUMA WIRE / ABACA

 lavie.fr, Corine Chabaud, 2022-04-12

Các nhà điều tra đang thu thập bằng chứng ở Ukraine để lần ra chuỗi trách nhiệm. Cho đến khi nào thì bắt giữ Putin? Cho đến nay Tòa án Hình sự Quốc tế ICC vẫn chưa làm được, họ đang còn ở tuyến đầu.

Ông Karim Khan, công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người thực hiện ở Ukraine kể từ ngày 21 tháng 11 năm 2013.

Ở Ukraine, công lý quốc tế đối diện với tội ác của Nga. Vào thời điểm mà Nga đang tấn công Ukraine, thời điểm cả thế giới đều thấy ở Bucha, ở Borodianka nhiều thường dân bị hành quyết, thời điểm phụ nữ và trẻ em bị hãm hiếp, nhiều người kêu gọi công lý quốc tế ngăn chặn những hành động tàn bạo này.

Công lý, vũ khí chống lại sự không trừng phạt

Luật sư người Mỹ Reed Brody, người bảo vệ các nạn nhân của chế độ độc tài nói: “Trên thực tế, chưa bao giờ công lý lại hoạt động mạnh mẽ khi đối mặt với chiến tranh”. Phương Tây cẩn thận để không can thiệp quân sự, nhưng gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế, các nhà lãnh đạo và công dân của họ kêu gọi vai trò chủ chốt của công lý quốc tế.

Theo Joe Biden, chúng ta mơ còng tay “tên tội phạm chiến tranh Putin”. Ông Benjamin Ferencz, 102 tuổi, cựu công tố viên trưởng cuối cùng của một trong những phiên tòa ở Nuremberg nói: “Những tội ác mà Nga gây ra đối với Ukraine là một ô nhục đối với nhân loại. Tôi muốn nhìn thấy Putin sau song sắt. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Chính tòa án quân sự quốc tế được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1945 là cơ quan đầu tiên công nhận trách nhiệm cá nhân của thủ phạm gây ra những tội ác nghiêm trọng nhất.”

Trước đây, chỉ có nhà nước mới có trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, thẩm phán William Bourdon nói: “Vladimir Putin có thể bị truy tố với tư cách là tổng tư lệnh, điều khiển chính sách. Ông có nhiệm vụ ngăn chặn tội ác này, ông đã không làm. Ông có trách nhiệm, người đã ra lệnh.”

Bài đọc thêm: Việc Putin dùng tiếng lóng của mafia cho thấy ông thuộc giới côn đồ

Nhưng từ ngữ và hình ảnh sẽ không đủ. Cần phải chứng minh rằng tội ác chiến tranh, hoặc thậm chí tội ác chống lại loài người, với một chiều kích có hệ thống đã được thực hiện. Bà Jeanne Sulzer, Trưởng Bộ phận Tư pháp Quốc tế tại Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Khó khăn nhất là lên chuỗi chỉ huy, cấu trúc phân cấp quân sự và bán quân sự. Việc lên kế hoạch và có chủ đích là bước cần thiết nhưng phức tạp.”  Theo bà, công lý phải là “vũ khí gây áp lực” để “chống lại sự không trừng phạt”.

Cuộc tranh luận pháp lý

Tội xâm lược có vẻ dễ chứng minh hơn. Nhưng vì cả Nga và Ukraine đều không phê chuẩn Quy chế Rôma nên Tòa án Hình sự Quốc tế không thể quy về vấn đề này. Luật sư hình sự người Pháp gốc Anh Philippe Sands, người đề xuất đề nghị thành lập một tòa án đặc biệt để có thể trực tiếp nhắm vào Vladimir Poutine và những người thân cận ông vì tội gây hấn. Một tòa án đặc biệt.

Nhưng một số người như ông William Bourdon tỏ ra dè dặt: “Điều đó có thể làm giảm thêm uy tín của hệ thống đa phương Liên Hiệp Quốc.” Bà Jeanne Sulzer nói thêm: “Đó sẽ là nhanh nhất. Nhưng liệu tốc độ có đảm bảo cho chất lượng? Không chắc. Cũng không chắc thanh kiếm Damocles này sẽ ngăn cản được Putin. Tốt hơn là nên có một tòa án công bằng và độc lập xét xử tất cả các tội ác.” Ông Robert Badinter cũng tin rằng: “Nên truy tố Nga về tội chống lại loài người, không thời hiệu thì tốt hơn.”

Các thẩm phán quốc gia tăng cường

Trong cuộc xung đột này, tư pháp quốc tế đóng vai trò uy tín của mình, được bổ sung bởi các tòa án quốc gia, vì cơ chế “quyền tài phán chung”, một vũ khí khác chống lại sự trừng phạt, cho phép các Quốc gia truy tố và xét xử thủ phạm của các vi phạm nghiêm trọng, được thực hiện ở nơi khác ngoài lãnh thổ của họ, bất kể quốc tịch của họ và thậm chí không có các Quốc gia này là nạn nhân. Hơn mười quốc gia, bao gồm Thụy Điển, Đức, Ba Lan, đã mở một cuộc điều tra ở Ukraine. Pháp đã làm với các thủ tục tố tụng liên quan đến 4 công dân Pháp đã chết ở Ukraine, gồm cả nhà báo Pierre Zakrzewski của Fox News Pháp-Ireland, bị giết trong xe của ông gần Kyiv. Nước Pháp cũng đã trả 500.000 âu kim cho Tòa án Hình sự Quốc tế và để các thẩm phán bắt đầu làm việc.

Cuối cùng, hệ thống tư pháp Ukraine hoạt động rất tích cực. Bà trưởng công tố viên Iryna Venediktova, tham gia “mặt trận tư pháp” đang liên tục thu thập bằng chứng về những hành vi lạm dụng mà quân đội Nga đã thực hiện tại Ukraine nhằm đưa ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Một bệnh viện hộ sản, một tòa nhà của người dân thường bị phá hủy: mọi thứ đều được ghi lại. Bà tuyên bố: “Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh chính của thế kỷ 21. Chúng tôi có thể chứng minh điều đó.”

Tổng cộng văn phòng của bà đã mở 5.600 cuộc điều tra về “tội ác xâm lược và tội ác chiến tranh”. Bà luật sư Clémence Bectarte, thuộc Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH) nhận xét: “Số lượng lớn dân thường bị giết sẽ là yếu tố then chốt cho công lý. Nhưng việc tìm kiếm một bản ghi chép bằng văn bản hoặc bằng miệng các lệnh của người đứng đầu Điện Kremlin sẽ rất khó khăn.”

Mang lại hy vọng cho nạn nhân

Theo nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris) Robert Chaouad thì, “một ý tưởng vẫn còn mới mặc dù đã có lịch sử lâu đời, nhưng nó mang lại hy vọng.”  Luật gia lỗi lạc Alain Pellet lấy làm tiếc Mátxcơva  coi thường luật pháp quốc tế một cách đáng sợ, cho rằng “việc bổ sung bằng chứng sẽ rất quan trọng”.

Bà Jeanne Sulzer nói: “Xử Putin trước Tòa án Hình sự Quốc tế là chuyện có thể. Ông không có quyền miễn trừ, như chúng ta đã thấy với Omar Al-Bashir, người Sudan chịu trách nhiệm về những tội ác ở Darfur, hồ sơ được giao cho ICC, Ivorian Laurent Gbagbo, hoặc Slobodan Milosevic, người đã chết trong trại giam ở La Haye. Đưa ra lệnh bắt Putin nhanh chóng là điều có thể làm được.” Bà biết, quyền tài phán của tòa án La Haye, một quyền mà không ai trước năm 1998 tin là có thể có, vẫn còn mong manh và cần củng cố. Ông William Bourdon thừa nhận: “Liệu một ngày nào đó, công lý quốc tế sẽ kìm hãm thanh gươm của Putin được không? Nhưng khi công lý gia tăng sức ép lên Nga và nhấn mạnh đến chiều hướng khinh miệt của chế độ nước này, thì nó mang lại hy vọng cho những người dân Ukraine đang bị tổn thương.”

Tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội ác diệt chủng…

Tội phạm chiến tranh, vi phạm luật chiến tranh, đại diện cho một loạt các hành vi bị cấm, như các cuộc tấn công lớn nhằm vào dân thường, nhằm vào các cơ sở văn hóa, tôn giáo. Tất cả được xác định bởi Tòa án Nuremberg, sau đó là Công ước Geneva năm 1949 và nghị định thư bổ sung vào năm 1977, và cuối cùng là điều 8 của Quy chế Rôma. Tội ác chống lại loài người, tấn công trên diện rộng hoặc có hệ thống nhằm vào một nhóm dân cư, được đề cập lần đầu tiên năm 1945. Nó được quy định bởi điều 7 của Quy chế Rôma và xuất hiện trong Bộ luật Hình sự Pháp từ năm 1964. Đó là bất khả xâm phạm. Cuối cùng, thuật ngữ diệt chủng, xuất hiện năm 1944, đại diện cho sự tiêu diệt có hệ thống và cố ý của một nhóm người. Luật gia do thái-ba lan Raphặl Lemkin đã làm việc để công nhận. Ông đã trình bày tại Liên Hiệp Quốc năm 1948.

Tòa Công lý Quốc tế (ICJ)

Tòa Công lý Quốc tế có trụ sở tại La Haye, cũng giống như Tòa án Hình sự Quốc tế, Tòa án Công lý Quốc tế giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia. Cơ quan pháp lý của Liên hợp quốc, được thành lập theo điều 92 của hiến chương, đảm bảo rằng việc cấm sử dụng vũ lực giữa các Quốc gia được tôn trọng. Được thành lập năm 1945, ICJ đã xét xử 200 trường hợp và có thể giải quyết các trường hợp tranh chấp biên giới. Nhờ những quyết định gần đây của tòa mọi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine giờ đây đều bất hợp pháp. Nhưng nếu các phán quyết của tòa án cao nhất của LHQ có giá trị ràng buộc và không có kháng cáo, thì Tòa án không có phương tiện để thi hành các phán quyết đó. Vào ngày 7 tháng 2, Ukraine đã đưa ICJ ra tòa vì Mátxcơva cho rằng các hành động diệt chủng đang diễn ra ở Donbass chống lại người Nga, bị cáo buộc đã sử dụng sai Công ước về Diệt chủng. Thậm chí, Nga còn viện dẫn luật pháp quốc tế để biện minh cho hành động gây hấn của mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch