Đứng trước chiến tranh, báo L’Osservatore Romano đang thay đổi
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, báo L’Osservatore Romano đã không tránh các hình ảnh gây sốc | © Camille Dalmas / IMEDIA
cath.ch, I.Media, 2022-03-13
Kể từ cuối tháng hai, cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành chủ đề được truyền thông Vatican đưa tin rộng rãi. Ông Andrea Monda, giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano nhìn lại những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của Tòa thánh, tờ báo đã dành một vị trí quan trọng cho các hình ảnh để nói lên nỗi đau của người dân Ukraine.
Trong những ngày gần đây, chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi trong phong cách biên tập của báo L’Osservatore Romano, với những trang nhất rất ấn tượng về cuộc tấn công của Nga ở Ukraine. Sự tiến triển này, dựa trên sức mạnh của hình ảnh, có liên quan đến quá trình cải cách truyền thông của Vatican không?
Andrea Monda: Có, vì cải cách tương ứng với bản chất của Giáo hội, các Giáo phụ của Giáo hội đã luôn nói về cải cách, semper reformanda. Cải cách sống trong thời gian, sống trong Lịch sử, vì thế cải cách đồng hành với các quá trình của Lịch sử theo cách tiên tri, mang hướng nhân bản tốt hơn. Việc cải cách truyền thông của Giáo hội phù hợp với chân trời này, nhưng truyền thông không chỉ là một “công cụ” của Giáo hội, nó còn là công cụ truyền thông cho chính bản chất của nó: đó là truyền thông “Tin Mừng”.
Một khi đã hiểu nguyên tắc thì cải cách của L’Osservatore Romano rõ ràng nhằm mục đích mang lại hiệu quả cao hơn, với việc đặt hình ảnh vào trọng tâm. Ngôn ngữ gắn liền với sức mạnh của ảnh chụp, của hình ảnh giúp truyền tải thông điệp. Như chính Đức Phanxicô vẫn thường nói, một hình ảnh thường có giá trị hơn ngàn lời nói.
“Việc không nêu tên kẻ xâm lược không phải là sự thiếu can đảm của giáo hoàng”
Trong trường hợp chiến tranh, lời nói luôn là không đủ. Chúng ta ấp úng khi đối diện với chiến tranh, nhưng bổ sung giữa văn bản và hình ảnh cho phép chúng ta gởi đi một thông điệp rõ ràng.
Ví dụ, trang nhất của ngày 8 tháng 3 có tiêu đề rất đơn giản – “Ukraina, ngày 8 tháng 3” với bức hình một phụ nữ Ukraina và con của bà di tản trên xe buýt. Nhưng hình ảnh đi kèm với bài thơ tuyệt vời của nữ văn sĩ Ba Lan Wyslawa Szymborska, và bài suy niệm Lời Chúa của bà Lucia Vantini, thần học gia người Ý viết. Nếu lời nói của con người không đủ, thì chúng ta có thể dựa vào nghệ thuật, vào Kinh thánh, vào Sách thánh, vào Lời Chúa ban cho chúng ta.
Liệu cuộc chiến này, cũng như đại dịch coronavirus, thể hiện sự thay đổi thời đại có biện minh cho những biến đổi sâu sắc trong ngôn ngữ báo chí không?
Có, những sự kiện này là kính lúp đưa ra chi tiết của các vấn đề đã nổi trội trước đó. Cuộc chiến này làm chúng ta bất ngờ, nhưng đồng thời chúng ta cũng biết điều này có cái gì đó sẽ xảy ra trong khu vực. Kể từ năm 2014, giáo hoàng đã nhiều lần kêu gọi cho “vùng đất Ukraine thân yêu này”.
Cũng vậy với đại dịch, ngài thường nói, “chúng ta đã bị đau khi chúng ta nghĩ rằng mình khỏe mạnh”… Những giây phút khủng hoảng này là giữa giây phút của sự thật, của phân định, của suy xét, để cố gắng hiểu làm thế nào con người lại đến tình trạng này và làm thế nào để thoát ra khỏi nó.
Đâu là bản chất của mối liên hệ giữa L’Osservatore Romano với Đức Phanxicô và với phủ Quốc vụ khanh?
Với Đức Phanxicô thì chúng tôi có mối quan hệ rất tự do. Chúng tôi biết ngài đọc kỹ báo chúng tôi mỗi ngày, ngài thường khuyến khích chúng tôi nhưng ngài không đi vào việc quản lý hàng ngày của tờ báo.
Còn với phủ Quốc vụ khanh thì có sự liên kết chặt chẽ hơn, đặc biệt là với trang quốc tế và nhất là trong thời điểm quan trọng này. Đó là mối quan hệ quý giá cho chúng tôi, vì giúp chúng tôi chính xác đưa ra quan điểm của Tòa thánh về thế giới, cách Tòa Thánh nhìn về thế giới.
Tôi xin nhấn mạnh từ “Romano” trong tên của L’Osservatore Romano, đây không phải là tờ báo của Ý mà là tờ báo của công giáo, có nghĩa là phổ quát. Vấn đề khởi đi từ trọng tâm Giáo hội để hiệp nhất trung tâm và ngoại vi. Phủ Quốc vụ khanh giúp chúng tôi có cái nhìn bao quát 360 độ này, để thu thập thông tin từ năm châu lục, từ tất cả các nơi trên thế giới.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm chúng tôi xúc động vì nó rất gần, ở trung tâm châu Âu, nhưng có nhiều nơi trên thế giới có những tình huống khủng hoảng bạo lực và chiến tranh bị lãng quên, như giáo hoàng thường xuyên nhắc. Chúng tôi cố gắng dành trang báo cho những tình huống bi thảm ở Yemen, Syria, Châu Phi…
Về cuộc chiến ở Ukraine, tờ báo có các phóng viên tại chỗ không và mối liên hệ của báo với các Giáo hội địa phương như thế nào?
Chúng tôi hợp tác với Vatican News và Vatican Radio, họ đã gởi các nhà báo đến Rumania, Moldova và Ba Lan, họ làm việc ở vùng biên giới với Ukraine. Ngoài ra, chúng tôi có toàn bộ mạng lưới gọi là Giáo hội, giúp chúng tôi thu thập nhiều lời chứng tại chỗ. Chẳng hạn hôm nay chúng tôi đăng lời chứng bi thảm của một linh mục ở Mariupol.
Giáo hội ở khắp nơi nên chúng tôi thường có tin tức đầu tiên, không bị điều kiện qua các hãng tin, đó là nội dung của tất cả các tờ báo hàng ngày khác.
Giáo hoàng cho thấy ngài có một thận trọng nào đó trong các can thiệp công khai của ngài, ngài tránh tố cáo trực tiếp Nga. Làm thế nào để tìm ra sự cân bằng giữa các nỗ lực ngoại giao của Tòa thánh và mối quan tâm nói lên tiếng nói của người dân Ukraine?
Đức Phanxicô đi theo đường lối các vị tiền nhiệm của ngài: phát triển mọi nỗ lực có thể có để đạt mục tiêu hòa bình, chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang. Sự thận trọng trong ngoại giao này là một phần trong phong cách của tất cả các giáo hoàng thế kỷ 20, như Đức Gioan-Phaolô II chẳng hạn.
Việc không nêu tên kẻ xâm lược không phải là dấu hiệu của thiếu can đảm mà ngược lại, là dấu hiệu một nỗ lực kiên cường tìm kiếm hòa bình. Điều này không có nghĩa là chúng tôi, trong môi trường truyền thông Vatican, chúng tôi không dành chỗ cho tiếng kêu đau đớn của các dân tộc, của phụ nữ, trẻ em, người già, những người đang phải trả giá cho chiến tranh.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: “Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu quý vị hãy dừng cuộc thảm sát này lại!” Đức Phanxicô van xin
Hình ảnh trên trang nhất của báo L’Osservatore Romano