Sự can thiệp của Nga: “Hôm qua là Aleppo, hôm nay là Kyiv và ngày mai sẽ là Âu châu”
franceculture.fr, Mathieu Laurent, Fiona Moghaddam, 2022-03-05
Nhà văn Mỹ gốc Pháp Jonathan Littell từ lâu đã làm việc về các hoạt động quyền lực ở Nga. Ngày thứ năm 24 tháng 2, Vladimir Putin phát động cuộc tấn công vào Ukraine, nhà văn lo ngại một chiến lược mới nguy hiểm hơn nhiều trong những tuần sắp tới.
Một tòa nhà bị tên lửa Nga phá hủy ở Vassylkiv, gần Kiev ngày 27 tháng 2 năm 2022 Nguồn: Dimitar Dilkoff – AFP
Nhà văn Jonathan Littell cũng từng làm việc trong lĩnh vực nhân đạo ở Chechnya trước khi cống hiến hết mình cho báo chí, viết văn và điện ảnh. Ông làm việc một thời gian dài trong các cơ quan quyền lực, cơ quan mật vụ của Liên bang Nga. Ông đề cập đến cuộc xung đột Gruzia, cuộc chiến ở Syria… Quyển tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm (Les Bienveillantes) đưa chúng ta về mặt trận phía Đông thời Thế chiến thứ hai, với quyển sách này ông được giải thưởng Goncourt năm 2006. Ông lo ngại Nga có một chiến lược quân đội mới ở Ukraine, cổ điển hơn và hủy diệt hơn.
Bài đọc thêm: Việc Nga xâm lược Ukraina và cách Putin chơi khăm Đức Phanxicô
Vladimir Putin lên nắm quyền và đi vào cuộc chiến mà chúng ta gọi là Chiến tranh Chechnya lần thứ hai. Hôm nay, ông tuyên bố muốn đạt tất cả các mục tiêu ở Ukraine “không thỏa hiệp”. Làm thế nào đánh giá tư thế này?
Nhà văn Jonathan Littell: Phải nghiêm túc xem vấn đề này. Chắc chắn đây không phải là trò lừa bịp và nếu ông nói ông có ý định tiếp tục, ông sẽ tiếp tục. Dù khi chúng ta không thể tưởng tượng được những điều này, thì theo tôi, ông hoàn toàn có khả năng làm ở Kyiv những gì ông đã làm ở Grozny hoặc Aleppo, dùng pháo hạng nặng, máy bay ném bom, nếu cần san bằng một phần lớn thành phố để chống lại sự kháng cự của người Ukraine. Tình huống này còn ác thiểm hơn là nguy hiểm.
Vậy thì có thể làm gì để khuyên can ông?
Vladimir Putin chỉ hiểu một điều: cán cân quyền lực. Tôi nghĩ cân bằng quyền lực này đang có tác động tốt với các lệnh trừng phạt của Châu Âu, Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây trong những ngày gần đây. Chắc chắn nó giáng một đòn nặng cho ông và cho chính quyền của ông so với cái giá ông sẽ phải trả. Và bây giờ là lô-gích của sức mạnh. Như thế cách duy nhất để thắng sức mạnh là tăng áp lực. Hy vọng duy nhất hiện nay để chận ông ở Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine là tăng áp lực thêm nữa.
Tôi ủng hộ việc mở rộng các biện pháp trừng phạt không chỉ đối với một số bộ trưởng, cục trưởng và các nhà tài phiệt thân cận, mà còn với một bộ phận lớn hơn trong chính quyền của ông. Những người làm việc cho chế độ Putin, cho phủ tổng thống, trong các cơ quan an ninh, trong quân đội là những người cực kỳ giàu có, họ là những triệu triệu phú, với tất cả những gì họ đã tích lũy trong suốt các năm cầm quyền. Và nếu các biện pháp trừng phạt áp dụng trên một số lượng lớn người như vậy thì tôi nghĩ, sẽ có bất đồng nội bộ mà ông phải xem trong các tính toán của ông.
Có thể nào một số nhà tài phiệt lo lắng hoặc bất bình về tác động của cuộc xâm lược này trên hoạt động kinh doanh của họ, và từ bên trong, đã làm suy yếu đáng kể cho chế độ Putin không?
Những người này không thể làm bất cứ điều gì. Họ là những nhà tài phiệt cực kỳ giàu có với tầm ảnh hưởng và mối quan hệ khổng lồ, nhưng Putin hoàn toàn không quan tâm đến họ. Khi ông cần tiền, ông quay sang họ và họ hô ‘có mặt’, vì đó là cái giá phải trả cho công việc kinh doanh của họ ở Nga. Ngoài ra, ông chỉ khinh họ. Ngoại trừ hai hoặc ba người mà ông đặt lên hàng đầu, trong quá trình lên nắm quyền quản lý tài sản, để triển khai các nguồn tài chính có thể phục vụ ông, chẳng hạn như Gennady Tymoshenko (Tập đoàn Volga) và những người khác. Nhưng cái gọi là giai cấp tài phiệt Nga, đối với ông chẳng là gì. Đó là lý do chúng ta phải nhắm đến những người thực sự có thể làm một cái gì đó, những người làm cho bộ máy của ông hoạt động.
Ông nghĩ vì sao ngày nay Vladimir Putin lại thách thức phương Tây theo cách này?
Từ lâu ông đã thách thức phương Tây như thế. Nhưng chúng ta chỉ hạ mình mỗi lần bị ông thách thức. Ông thách thức chúng ta từ Chechnya, từ Georgia năm 2008, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã vuốt ve ông từng sợi tóc. Ông thách thức chúng ta khi ông sáp nhập Crimea, lần đầu tiên ông vi phạm chủ quyền nhà nước ở Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Châu Âu đã thực hiện các biện pháp trừng phạt, nhưng ít các chuyện khác. Ông thách thức chúng ta khi ông vào nhà chúng ta giết người như ông vẫn thường làm. Và mỗi lần như vậy, chúng ta lại đi lui. Putin chỉ là chiến binh nhỏ trên đường phố Saint Petersburg, ông thấy những người lớn hơn sợ ông, vì vậy ông đi tới. Đó là cơ chế máy móc và đó là bình thường. Ở Ukraine, ngày nay chúng ta biết ông có con cờ trong tay để đi đến cùng. Vì không có gì ông đã làm trước đó có thể cho chúng ta thấy, chúng ta có thể đối đầu với ông, ngăn chặn ông, đơn giản chỉ vì ông thấy những lời đe dọa của chúng ta không đáng tin.
Chẳng phải sự ủng hộ (thậm chí còn nhiều hơn nữa) ông dành cho chế độ Bashar Al-Assad là khúc dạo đầu, là dấu hiệu báo trước cho những gì xảy ra bây giờ không?
Tôi đã nói điều này ở thời điểm đó. Bài diễn văn này không được nghe nhiều ở châu Âu vì mọi thứ diễn ra ở Syria nhanh chóng bị pha trộn với nhóm Nhà nước hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố hồi giáo. Nhưng kể từ vụ can thiệp của Nga năm 2015, nhiều người trong chúng tôi nói rằng, sự can thiệp này là một thử nghiệm về mặt kỹ thuật để thăm dò quân đội của họ, thử nghiệm vũ khí, thử nghiệm chiến lược.
Và nhất là sau đó biểu dương lực lượng với chúng ta, trên những gì đã từng được xem là khu vực của chúng ta, và với chính người dân của ông để cho thấy những gì sẽ xảy ra cho nhóm dân sự, dám thách thức chủ của mình và nổi loạn. Bằng cách nghiền nát Aleppo, ông đã gởi tín hiệu cho cả nội bộ nước Nga và cho cả bên ngoài chúng ta. Hôm qua là Aleppo, hôm nay là Kiev và theo tôi, tận sâu thẳm trong lòng tôi nghĩ, nếu chúng ta để xảy ra ở Kyiv thì ngày mai nó sẽ xảy ra ở nhà chúng ta, ở châu Âu.
Bài đọc thêm: Trong đầu của Vladimir Putin
Nhưng từ đâu mà có chủ nghĩa bành trướng này?
Chúng ta phải tính đến các yếu tố chiến lược thực sự, nghĩa là nỗi ám ảnh của Liên Xô và Nga kể từ sau Thế chiến thứ hai, muốn có một vùng đệm giữa kẻ thù tiềm tàng phương Tây và Nga, đó là một thực tế lịch sử. Việc Putin tập trung vào phương Tây là mối đe dọa có liên quan nhiều hơn đến các hình thái tâm lý, dư âm của quá khứ khi ông là một điệp viên nhỏ của KGB.
Như thế có cả một tổng hợp lý do. Gần đây ông bị ám ảnh bởi Ukraine, mà theo ông nước này ở trong khoảng không gian bao la của nước Nga. Đây là một loại thần thoại ảo tưởng giống với thần thoại chủng tộc của Hitler. Hitler nói rằng ở đâu có người Đức, ở đó có nước Đức. Nước nào nói tiếng Đức phải bị thôn tính ngay lập tức, bắt đầu từ Áo, Sudetenland. Chính xác Putin cũng nghĩ vậy, nơi nào có người nói tiếng Nga, nơi đó là nước Nga, vì thế là đông Ukraine, các nước Baltic, phía bắc Kazakhstan, theo ông, các nước này nên là một phần của nước Nga vĩ đại.
Nếu ông thực sự tin vào điều này, thì đó là một suy nghĩ hoàn toàn ảo tưởng. Điều chắc chắn, có vẻ như việc bị cô lập trong vài năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ra quyết định và phán đoán hợp lý của ông ta. Ông luôn là người tương đối thận trọng trong các hành động khiêu khích, có nghĩa ông đẩy một chút, rồi dừng lại và chờ xem kết quả.
Ở đây, ông ném các quân bài lên bàn cờ cùng một lúc, vì vậy ông không để lại một lối thoát nào, đó là điều mới mẻ đối với ông. Trước đây, ông luôn chừa một lối ra. Như thế, có thể gần đây khả năng phán đoán của ông đã bị suy giảm, nhưng rất khó để nói.
Chúng ta đọc rất nhiều, rằng quân đội của ông không nhất thiết phải sẵn sàng chiến đấu và rất khó để giải mã các chiến thuật đang hoạt động. Ông đã điều tra về quân đội Nga từ nhiều năm nay, vậy các lực lượng tham chiến ở Ukraine thì sao?
Quân đội Nga đã phát triển rất nhiều kể từ cuộc chiến ở Chechnya, rất rất nhiều! Từ năm 2008 ở Gruzia, những người lính Nga tôi đã gặp ở mặt trận là hoàn toàn khác hẳn với người lính tôi đã gặp vài năm trước đó ở Chechnya. Họ đã được huấn luyện tốt hơn nhiều, có nhiều động lực hơn, tư tưởng tốt hơn nhiều, yêu nước hơn nhiều, phối hợp tốt hơn nhiều.
Từ tám năm nay, Putin đã điều các sĩ quan của ông qua Syria, từ cấp trên xuống cấp dưới. Họ có được kinh nghiệm chiến trường phi thường, trải nghiệm với thời gian thực, quy mô đầy đủ. Họ đã có được những tiến bộ khổng lồ, họ đã chi những khoản tiền khổng lồ, họ đã có hệ thống vũ khí tinh vi. Nhưng tất cả những điều này chỉ gồm một vài sư đoàn, một vài hạt nhân cốt lõi, phần lớn quân đội vẫn là đội quân quần chúng. Một triệu người, đại đa số là lính nghĩa vụ. Nó vẫn ít được cải cách và ọp ẹp.
Ở Ukraine, có một hỗn hợp các đơn vị mũi nhọn, đơn vị xung kích, đơn vị tinh nhuệ với rất nhiều lính mới tòng quân. Rõ ràng những người lính mới này không biết họ đang làm gì ở đây, các hình ảnh và video cho chúng ta thấy. Họ quá kinh hãi. Nhiều người trong số họ phá hoại xe của họ hoặc đầu hàng mà không chiến đấu, những người khác nhanh chóng bị giết vì dù sao họ cũng không thể đương đầu với sự kháng cự kiên cường.
Nhưng điều này có nghĩa, thất bại với kế hoạch đánh chớp nhoáng để chiếm Ukraine và thấy chính quyền Zelensky sụp đổ nhanh chóng, người Nga buộc phải trở lại chiến lược cổ điển của họ là pháo kích liên hồi, san bằng và tiến từ từ vào lãnh thổ đã chiếm.
Tôi sợ bây giờ, những điểm yếu của quân đội Nga sẽ đẩy họ vào cuộc chiến hủy hoại hơn nhiều. Dù với tất cả những hình ảnh tàn bạo chúng ta đã thấy, so với những gì tôi biết về hành vi của người Nga, cho đến nay họ vẫn giữ được tương đối tốt. Họ cố gắng cẩn thận. Họ dùng nhiều loại đạn chính xác để bắn vào các mục tiêu chiến lược. Dù đã có những sai lầm, nhưng đó không phải là những cuộc bắn phá hàng loạt để san bằng các khu dân cư. Tôi nghĩ nó sẽ đến sau khi họ sắp hết đạn chính xác – nguồn cung cấp của họ có hạn. Rồi sự phẫn uất và sự chà đạp của cuộc tấn công sẽ làm cho họ bước qua nấc “thang Grozny”. Và điều đó có thể thực sự khủng khiếp.
Người dân Ukraine và quân đội của họ đang thể hiện sự kháng cự nào?
Đó là một cuộc kháng chiến vô cùng kiên quyết. Các bạn của tôi ở đây đã cầm vũ khí và đang cố gắng thành lập các đơn vị tình nguyện. Một cô bạn DJ đang đổ đầy các chai để pha cocktail Molotov… Nó cho thấy lực phản kháng của toàn dân lớn đến như thế nào.
Người Nga tuyệt đối không tưởng tượng được tinh thần yêu nước và tinh thần phản kháng kiên quyết đến mức này. Điều này phải làm cho họ bị sốc sâu đậm. Nhưng như thế cũng có nghĩa là sẽ có rất nhiều nạn nhân. Bởi vì, khi nói kháng chiến, chiến tranh du kích, chiến tranh đảng phái là nói đến chiến tranh phản đảng, thanh toán, tàn sát thường dân…
Ukraine có thể kháng cự như vậy lâu hơn một chút, nhưng nếu không có vũ khí, không có phương tiện, người Ukraine sẽ không thể cầm cự được lâu. Như thế phải giao khẩn cấp cho họ vũ khí chống xe tăng, vũ khí phòng không hạng nhẹ, mang được, chứ không phải xe tăng, máy bay là những thứ không dùng gì được lúc này. Như thế họ sẽ chống cự được ở các thành phố lớn. Vì, một cách khách quan, trong cuộc xung đột mở, thì phải công nhận họ hoàn toàn dưới khả năng về trang thiết bị. Đáng lẽ chúng ta nên giao cho họ sớm hơn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Garry Kasparov: “Putin ra đi càng sớm thì nước Nga càng sớm lấy lại được vị thế của mình”