Giữa lòng chiến tranh, Thượng phụ Kyrill bày tỏ lòng kính trọng với Đức Phanxicô
cath.ch, I.Media, 2022-03-04
Ngày thứ năm 3 tháng 3, một trích đoạn video bảy phút được tòa thượng phụ Mátxcơva phát đi. Khi tiếp Sứ thần Tòa Thánh tại Liên bang Nga, Thượng phụ Mátxcơva tuyên bố: “Chúng tôi nhận thấy sứ vụ của Đức Phanxicô rất tích cực, ngài thực sự đã đóng góp rất nhiều cho công lý và hòa bình.”
Tuyên bố do Giáo hội chính thống Nga đưa ra không đề cập rõ ràng đến cuộc chiến ở Ukraine, cũng không đề cập đến một cuộc gặp mới giữa giám mục Rôma và thượng phụ Kyrill, nhưng thông báo nhắc đến cuộc gặp lịch sử của Thượng phụ Mátxcơva và Đức Phanxicô ở Cuba năm 2016.
Thượng phụ Mátxcơva khẳng định với giám mục sứ thần Giovanni d’Agnello: “Mỗi lần được gặp các đại diện của Tòa thánh, tôi thực sự rất vui, vì hai Giáo hội của chúng ta có một vai trò đặc biệt trong thế giới đương đại.”
Trong video này, từ “Ukraine” đã không được nhắc đến, trong khi cuộc tấn công của Nga ở Ukraine từ ngày thứ năm 24 tháng 2 đã gây ra rất nhiều nạn nhân dân sự và quân sự và đã làm nặng thêm những nứt rạn trong thế giới chính thống giáo.
Bằng lòng với sự thận trọng của Tòa Thánh trong cuộc khủng hoảng
Người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga giải thích: “Tôi tin rằng điều rất quan trọng là các Giáo hội chúng ta không trở thành những người tham gia vào các diễn tiến phức tạp và đôi khi mâu thuẫn của đời sống quốc tế ngày nay”, ngài ca tụng “quan điểm khôn ngoan và quân bằng của Tòa Thánh trong nhiều chương trình nghị sự quốc tế”.
Được xem là thân cận với Điện Kremlin, thượng phụ Kyrill là đối tượng bị chỉ trích mạnh mẽ trong một phần của Giáo hội chính thống giáo, đặc biệt vì đã ban phép lành cho lực lượng vũ trang Nga trước khi họ tiến vào lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên thượng phụ Kyrill đánh giá cao thái độ của Đức Phanxicô: “Giáo hội không thể trở thành một mặt thì tham gia vào các cuộc xung đột, một mặt lại có sứ mệnh hòa bình.”
Ngài giải thích: “Tôi có những kỷ niệm đẹp về cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng tôi, cuộc gặp đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa các Giáo hội chính thống”, đó là cuộc gặp lịch sử của thượng phụ Kyrill và Đức Phanxicô ngày 12 tháng 2 năm 2016 tại Havana.
Sứ thần chuyển lời chào quý mến của Đức Phanxicô gởi Thượng phụ Mátxcơva
Sứ thần D’Agnello phát biểu bằng tiếng Ý trong đoạn video do ban truyền thông tòa thượng phụ Matxcova phát, ngài giải thích ngài đã muốn có cuộc họp này từ lâu, nhưng đã bị trì hoãn vì đại dịch. Ngài cho biết đã gặp thượng phụ Kyrill vài lần vào các dịp Lễ Phụng vụ chính thống giáo.
Sứ thần tuyên bố: “Tôi xin chuyển đến thượng phụ lời chào của Đức Phanxicô, người luôn ghi nhớ cuộc gặp với Thượng phụ tại Havana với tình cảm cao cả, với thân tình của cuộc gặp”. Dự án về một cuộc gặp mới giữa giáo hoàng và thượng phụ Mátxcơva không được đề cập rõ ràng trong video.
Giả thuyết về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Giáo hội đã là chủ đề suy đoán trong mấy tháng vừa qua. Ngày 18 tháng 2, đại sứ Nga tại Tòa thánh, Alexander Avdẹev, có đề cập đến một cuộc gặp vào tháng 6 hoặc tháng 7 sắp tới.
Chiến tranh ở Ukraine: sự kín đáo tương đối của giáo hoàng về vai trò của Nga
Theo một số nhà quan sát, “chính sách ngoại giao đại kết” của giáo hoàng với tòa thượng phụ Mátxcơva dường như giải thích sự kín đáo tương đối của ngài về trách nhiệm của Nga đối với cuộc chiến ở Ukraine. Trong những lời kêu gọi gần đây, ngài đã không đề cập rõ ràng đến nước Nga, tự giới hạn mình trong những lời kêu gọi nhân đạo và thiêng liêng nhằm mang đến lợi ích cho người dân Ukraine.
Tuy không đưa ra tuyên bố công khai, ngài đã trực tiếp đến Đại sứ quán Nga tại Tòa thánh ngày 25 tháng 2, một ngày sau khi nước Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine. Vài ngày sau, hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin tuyên bố trước báo chí Ý rằng “cuộc tấn công quân sự, hậu quả thảm khốc mà tất cả chúng ta đã chứng kiến, phải được chấm dứt ngay lập tức”.
Về phần mình, hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Phương Đông, cơ quan thực hiện quyền tài phán với Giáo hội công giáo hy lạp Ukraina, đã mô tả cuộc tấn công của Nga vào ngày 2 tháng 3 là “bất công” và “vô nghĩa”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Linh mục Cyril Hovorun nhìn lại chính thống giáo ngày nay