Hans Zollner: “Được gọi là ‘cha’ có thể tạo ra bất an”

115

Hans Zollner: “Được gọi là ‘cha’ có thể tạo ra bất an”

Phỏng vấn linh mục Hans Zollner: Làm thế nào để suy nghĩ về tình phụ tử thiêng liêng sau cuộc khủng hoảng lạm dụng và trong những xã hội nơi mà khái niệm về tình phụ tử đang bị đặt vấn đề? Linh mục Hans Zollner, nhà thần học và giám đốc Viện Nhân chủng học của Giáo hoàng Học viện Gregorian trả lời báo “La Vie”.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2022-02-16

 

Linh mục Hans Zollner, tại Vatican ngày 23 tháng 2 năm 2019. HARING-PICCIARELLA / ROPI-REA

Linh mục Dòng Tên người Đức Hans Zollner là một trong những chuyên gia hàng đầu của Giáo hội về vấn đề bảo vệ trẻ em. Nhà thần học và trị liệu tâm lý, giám đốc Giáo hoàng Học viện  Gregorian trả lời báo La Vie về giao tiếp tình phụ tử thiêng liêng trong Giáo hội, và cách thức tình phụ tử đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Linh mục nhấn mạnh về sự cần thiết phải liên tục đào tạo các linh mục, ngay cả ngoài chủng viện, đặc biệt là vấn đề thông minh quan hệ.

Có một liên hệ nào giữa chức tư tế và tình phụ tử thiêng liêng không?

 Linh mục Hans Zollner: Về mặt lịch sử và thực tế, tất nhiên có một mối liên hệ, vì cơ bản các linh mục công giáo ở nhiều nơi trên thế giời được gọi là “cha”. Chúng ta có thể thảo luận vấn đề này, đi tìm nguồn gốc của nó. Nhưng có một thực tế rõ ràng, có một ảnh hưởng đến cách nhìn của người công giáo trong Giáo hội đối với các linh mục. Họ là hình ảnh của tình phụ tử, và họ được mong đợi sẽ hành động như một người cha, theo cách họ hiểu, họ cai quản, phân biệt, quyết định, an ủi, giúp đỡ và hỗ trợ giáo dân trên hành trình cuộc sống đi theo Chúa Giêsu Kitô, và trong quan hệ của họ với Chúa.

Thiên Chúa đã được gọi là “Chúa Cha” từ 2000 năm nay, bắt đầu bằng Chúa Giêsu, Ngài để lại cho chúng ta Kinh Lạy Cha. Trong tâm tưởng, trong biểu tượng, trong nhận thức, chúng ta đã được thấm nhuần qua tình phụ tử thiêng liêng này, cả trong tranh vẽ hay nghệ thuật. Một mặt, hình ảnh của một Chúa Cha và mặt khác là nam tính của chức tư tế góp phần trong nhận thức “trách vụ” linh mục như phản ánh điều gì đó về tình phụ tử thiêng liêng này.

Cha có nghĩ một số linh mục có vẻ không thoải mái với quan niệm này không?

Có. Việc được gọi là “cha” hoặc phải gọi ai là cha, có thể tạo sự khó chịu cho cả hai bên. Không những các linh mục cảm thấy không thoải mái, nhưng với những người đã có kinh nghiệm khủng khiếp với chính cha mình cũng cảm thấy không thoải mái.

Cha có nghĩ cuộc khủng hoảng lạm dụng và việc suy tư về tính đồng nghị định hình lại quan niệm về tình phụ tử, nhấn mạnh đến tình huynh đệ không?

Tôi tin chắc chắn có một khuynh hướng với tình huynh đệ. Tính đồng nghị đáp ứng nhu cầu hay đáp ứng mong muốn về một Giáo hội đồng nghị hơn, trong đó mọi người thực sự lắng nghe nhau và nơi mọi thứ không bị áp đặt khi giáo dân không hiểu. Cùng lúc cũng thật thú vị khi những người đòi hỏi tính đồng nghị và tính tập thể hơn đang hướng về giáo hoàng, “cha thánh” để ngài quyết định.

Trong xã hội, chúng ta nhận thấy sự căng thẳng này. Cùng với các phong trào ủng hộ bình đẳng giới và cách hiểu mới về việc làm cha trong gia đình, nhiều nhà tâm lý học, nhân viên xã hội và nhà giáo cho rằng bản sắc nam giới ngày nay thường bị lung lay, dẫn đến việc đi tìm một bản sắc nam tính, một hình ảnh người cha mạnh hơn, và qua những khó khăn trong việc liên hệ một cách êm thắm với những người khác.

Giáo hoàng nói đến “sự đồng tình tội lỗi” liên quan đến chủ nghĩa giáo quyền, theo cách mà các linh mục đôi khi tự đóng mình vào một quan niệm nào đó về chức tư tế, với sự đồng tình của một số giáo dân nào đó, những người cảm thấy thoải mái khi để linh mục trong vai trò này. Làm thế nào kiểu văn hóa này lại có thể phát triển?

Không có giải pháp thần sầu. Vấn đề là văn hóa, con người, tâm lý, tâm linh, thần học và thiêng liêng. Nhưng, về cơ bản, tôi muốn nói, để thoát khỏi chủ nghĩa giáo quyền, trước tiên tôi phải cảm thấy thoải mái với chính tôi, với bản sắc đàn ông của tôi, để có những giao tiếp nhẹ nhàng tự nhiên với phụ nữ, với đàn ông.

Và đó cũng là vấn đề đào tạo, ban đầu, tại chủng viện và đào tạo thường huấn. Đó là việc học cách quan hệ với phụ nữ, với người già, với người có chức quyền, chấp nhận các góp ý về hành vi của mình; đôi khi các linh mục có ý tưởng, sau khi chịu chức là xong, vì tôi biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng cuộc sống con người là phát triển không ngừng!

Tôi tin trong tương lai, việc rèn luyện phương pháp hợp tác làm việc sẽ ngày càng trở nên cần thiết hơn cho chúng ta. Vì, trong thế giới ngày nay, cả trong xã hội cũng như trong Giáo hội, có rất nhiều cô đơn, cô lập, rạn nứt và mọi người ngày càng có xu hướng xây tháp cho mình.

Nhưng nghịch lý thay, chúng ta đang sống trong một thế giới mà tất cả đều được kết nối với toàn bộ trái đất, nhưng mọi người lại khao khát một không gian nơi họ cảm thấy thoải mái như ở nhà và nơi họ có thể tìm thấy những người họ tin tưởng: họ đang tìm kiếm cộng đồng, trực tuyến hoặc trong thế giới thực. Yếu tố này sẽ giúp giáo dân nói chung, và các linh mục nói riêng, quan sát kỹ hơn cách họ cư xử, cách họ chấp nhận những lời chỉ trích và cách họ giao tiếp với người khác.

Và ngay cả trong chính cơ cấu Giáo hội?

Tôi nghĩ sự phát triển này bao gồm trách nhiệm lớn hơn, và vì thế  việc thiết lập các kiểm tra và cân bằng, như trong bất kỳ tổ chức bình thường nào, để không ai thấy mình phải ở trong tình trạng lãnh đạo một mình, mà không ai khác có thể đặt câu hỏi về một khả thể có thể có những cách làm khác. Nói cách khác, không phải vì tôi là linh mục mà tôi quyết định và biết mọi thứ về những vấn đề quan trọng. Thế giới ngày nay rất phức tạp, nên nhất thiết chúng ta phải cần đến các chuyên gia và làm việc một cách có cấu trúc.

Không những khi chúng ta không đủ khả năng để làm trong một lãnh vực nào đó, nhưng theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta tạo thói quen tư vấn cho các quy trình và kiểm tra các quy tắc cho các quy trình này, như đã xảy ra trong lãnh vực tài chánh, cùng với văn hóa kiểm toán.

Cần phải phát triển đào tạo liên tục, như các bác sĩ, các nhà tâm lý… đều được đào tạo liên tục, nếu họ không qua sát hạch, họ sẽ bị ngưng hành nghề và phải học lại. Đó là học cách sống và làm việc với mọi người, theo cách không độc đoán, theo cách tập thể hơn. Nhưng dù sao cũng đừng quên, cuối cùng phải có người quyết định, bởi vì một số việc phải được quyết định và không thể thảo luận liên miên vô thời hạn.

Cha đang nói về tầm quan trọng trong giao tiếp. Nhưng nó có thể học được không?

Chúng ta có thể thực hành và rèn luyện bản thân trong giao tiếp.  Cá nhân tôi đã trải nghiệm. Tôi đã tham gia các khóa đào tạo nhóm về cách mọi người nhìn nhận tôi và cho tôi ý kiến của họ. Hơn nữa, trong truyền thống kitô giáo, cách tiếp cận này đã có từ lâu đời. Và được gọi là sửa chữa trong tình huynh đệ, đặc biệt được biết đến trong giới tu trì, nơi người tu sĩ có nơi chốn để nói lên về mình, một cách có cấu trúc và trang trọng, cách họ nhận thức về bản thân, cách họ thấy giới hạn của nhau, và cách hoạt động của cộng đồng.

Thực tế vẫn còn nhiều người có khả năng giao tiếp rất hạn chế. Trong trường hợp họ muốn thành linh mục, họ rất khó ở trong vị trí là cha thiêng liêng, vì làm cha thiêng liêng đòi hỏi một khả năng cơ bản thiết lập được các mối quan hệ đáng tin cậy, trong sáng và tích cực với người khác. Nếu người đó quá chia tách, công việc này nhanh chóng sẽ trở nên rất khó khăn.

Chúng ta thường nói về thiên chức làm cha của các giám mục với các linh mục, thực tế ngày càng khó để vừa là cha, vừa là quan tòa. Điều này có nên tiến triển không?

Tôi tin rằng điều này cần phải tiến triển. Tại các quốc gia nơi các vụ bê bối nổ ra, các giám mục đã nói lên sự khó khăn khi sống trong tình trạng căng thẳng này, các linh mục thì phàn nàn, cho rằng các giám mục trở nên quá khó tính và xa cách… Chưa kể đến nghĩa vụ giám mục là cha thiêng liêng của các linh mục, đặc biệt tôi nghe các linh mục phàn nàn về sự thiếu lắng nghe. Rất nhiều người nói, ngay cả một cuộc hẹn bình thường cũng đã là khó. Cũng phải công nhận khối lượng công việc của các giám mục đôi khi rất nặng nề. Câu hỏi đặt ra, đâu là những ưu tiên? Và theo nghĩa này, tôi nghĩ phải có một tiến hóa, vì tôi ít nghe các linh mục cho biết họ thực sự được lắng nghe và đồng hành.

Một chủ đề khác cần được tiến triển là đào tạo thường huấn. Trên thế giới, tôi không biết có nhiều giáo phận có chương trình giáo dục thường xuyên bắt buộc, có cấu trúc và hợp lý cho các linh mục sau 5 hoặc 10 năm đầu tiên làm linh mục không. Người ta thường nói, một khi được chịu chức thì linh mục đã biết mọi việc và làm mọi việc. Một số phàn nàn về điều này, nhưng có một số không hiểu giá trị của những đào tạo này, và bất chấp các khuyến nghị Giáo hội, đặc biệt là các đường hướng chung mới liên quan đến việc đào tạo linh mục, để giải thích việc đào tạo không thể ngừng ở chủng viện.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giám mục Jean-Paul Vesco: “Là anh em trước khi là linh mục”