Năm năm sau Lesbos, cô Nour Essa là nhà sinh vật học tại bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesù
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 2021-12-02
Người phụ nữ trẻ được Đức Phanxicô đem từ đảo Lesbos Hy Lạp về năm 2016 đã định cư ở Ý. Một vài ngày trước khi giáo hoàng trở lại hòn đảo Hy Lạp này, cô nhìn lại quá trình của mình.
Cô Nour Essa, là nhà sinh vật học ở Bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesù sau năm năm được Đức Phanxicô đem về từ Lesbos, Hy Lạp. VANDEVILLE ERIC / ABACA
Kín đáo, cô bước ra từ cánh cổng lớn của bệnh viện Bambino Gesù ở Rôma dưới bầu trời âm u. Đó là giờ nghỉ trưa, cô đồng ý dành chút thì giờ nói chuyện với các nhà báo vài giờ trước khi Đức Phanxicô lên đường đi Sýp và Hy Lạp, ngài sẽ trở lại đảo Lesbos ngày chúa nhật 5 tháng 12, nơi ngài đã đến năm 2016, và đem 16 người tị nạn về theo ngài.
Trong số họ có gia đình cô Nour, Hassan chồng của cô và con trai Riad, hai tuổi. Những bức hình của ba gia đình hồi giáo này dưới chân máy bay chung quanh Đức Phanxicô khi họ đến Rôma đã loan khắp thế giới. Năm năm sau, cô gái trẻ thành nhà sinh vật học tại bệnh viện nhi đồng Bambino Gesù.
Hỏi cô về những ngày đầu khi cô đến Rôma là cùng cô trở lại hòn đảo Địa Trung Hải, nơi cô cùng chồng con từ Syria đến bằng thuyền. Cô nói: “Tôi cảm thấy đau lòng khi ra khơi, bắt đầu cuộc vượt biển, nhất là với một đứa con còn nhỏ.” Đây cũng là dịp để cô nhớ lại thời gian nhiều tháng ở trại tị nạn cùng với 12.000 người khác. Cô nhớ lại: “Chúng tôi chỉ biết chúng tôi sẽ cùng đi với giáo hoàng vào đêm hôm trước. Họ muốn đưa các gia đình. Chúng tôi không thể ở trong trại này lâu hơn nữa, tôi không còn sức.”
Từ đó gia đình cô định cư ở Rôma và được cộng đoàn San’t Egidio giúp đỡ, lo các thủ tục giấy tờ, tìm chỗ ở và có giấy tờ hợp lệ. Cô cũng tìm được học bổng giúp cô làm việc như một nhà sinh vật học.
“Đức Phanxicô thực sự đã chạm vào trái tim tôi”
“Khi đến đây, cảm giác đầu tiên của tôi là được an toàn. Thật khó để bắt đầu lại mọi thứ, nhưng chúng tôi đã được an toàn, cùng với chồng con.” Về cử chỉ này của giáo hoàng, bây giờ cô nghĩ lại, “đây là sáng kiến của tình người, trước khi là sáng kiến của tôn giáo”. Cô mô tả: “Giáo hoàng là bạn của mọi người. Ngài rất cởi mở, rất con người. Ngài thực sự chạm vào trái tim tôi.” Cô đã gặp lại Đức Phanxicô vào tháng 5, khi người tị nạn được Vatican mời đến xem phim “Francesco” của nhà đạo diễn Evgeny Afineevksy.
Hôm nay, cô hy vọng các bài phát biểu thường xuyên của ngài về người di cư sẽ tác động như “lời kêu gọi mở trái tim, mở đôi mắt và mở đôi tai mọi người về những gì đang xảy ra trên thế giới.” Cô biết ngài sẽ đến Lesbos thêm một lần nữa, nơi “tình hình đã trở nên rất khó khăn, thậm chí còn khó hơn năm năm trước, đặc biệt là với một gia đình.”
Cô có nghĩ một ngày nào đó cô sẽ trở về Syria, về Damascus, thủ đô và quê hương của cô không? Cô trả lời: “Tôi nhớ Syria, tôi rất nhớ quê hương tôi. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi.” Cô khiêm tốn nói: “Tôi nhớ Syria vì cuộc sống ở đây không dễ dàng. Tôi hy vọng tôi có thể về lại Syria khi đất nước tốt đẹp hơn. Nhưng tôi phải đợi thêm 10 hoặc 15 năm nữa trước khi tôi có thể về Syria.”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Cộng đoàn Sant’Egidio đưa 46 người di cư từ Lesbos đến Ý