Tổng thống Pháp trên máy bay đi Rôma gặp Đức Phanxicô: “Tôi đi để nghe ngài”
Trên máy bay đưa tổng thống Pháp đi từ Zagreb (Croatia) đến Rôma, nơi ông sẽ gặp Đức Phanxicô ngày mai, ông Emmanuel Macron đã nói chuyện với một số nhà báo trong đó có báo La Croix. Ông nói về mối quan hệ của ông với Đức Phanxicô, các vấn đề người di cư, đạo đức sinh học, mối quan hệ của ông với người công giáo Pháp.
la-croix.com, Gauthier Vaillant, 2021-11-25
Tổng thống Emmanuel Macron, ngày 25 tháng 11 năm 2021. DENIS LOVROVIC / AFP
Về Đức Phanxicô
Vào hôm trước ngày gặp Đức Phanxicô lần thứ nhì, tổng thống Emmanuel Macron đã rất vui khi sẽ gặp lại Đức Phanxicô, “một người tự do, chân thành”, người có “khả năng phẫn nộ hiếm có ở cấp độ này, và là người đáng quý”. Tổng thống ca tụng: “Ngài có mạng lưới đọc quốc tế và tư tưởng chính trị thực sự của người sống ở một lục địa khác, trực giác của ngài cho thấy những rối loạn đương đại bắt nguồn từ sự bất bình đẳng”.
Ông nhắc lại thêm một lần nữa: “Tôi đến để nghe ngài” và hỏi ngài, “ngài thấy việc xây dựng thế giới sau này như thế nào, điều mà chúng tôi đã nói rất nhiều”.
Tổng thống cũng thừa nhận, “việc đến thăm giáo hoàng luôn là một tín hiệu gởi đến người công giáo”. Về chuyện mời ngài đến thăm nước Pháp, tổng thống nhấn mạnh: “Tôi luôn để ngài tự do. Điều quan trọng với tôi là chúng tôi trao đổi thường xuyên.”
Về vấn đề di dân
Tổng thống Macron nói sau thảm kịch mới đây, có 27 người di dân chết ở biển Manche: “Chúng ta không nên ngây thơ, chúng ta phải giúp các xứ gốc. Nhưng chúng ta sẽ luôn có người di cư vì kinh tế, vì tị nạn. Vấn đề mấu chốt, nếu chúng ta không muốn bị tràn ngập, chúng ta phải giúp các nước xuất xứ, giúp họ ổn định và có an ninh tại nước họ để bảo vệ biên giới chúng ta được tốt hơn.” Thừa nhận có “căng thẳng đạo đức” giữa đón nhận và kiểm soát biên giới, tổng thống xem những kẻ buôn người thực sự là “kẻ thù.”
Còn các khác biệt khác với giáo hoàng về vấn đề này, ông cho rằng sau này giáo hoàng đã có “một suy nghĩ phức tạp hơn nhiều so với trước đây. Ngài thấy sự mất cân bằng đã tạo ra các cuộc khủng hoảng di cư, ngài cảm thấy rất rõ toàn bộ dân tộc đang bị ảnh hưởng bởi điều này. Nếu chúng ta không bảo vệ sự toàn vẹn quốc gia, chúng ta có nguy cơ nuôi dưỡng sự trở lại các chủ nghĩa dân tộc rất khắc nghiệt, hiện tượng mà châu Âu đã biết cách thuần hóa. Nhưng mỗi người ở trong vai trò của mình. Giáo hoàng không có biên giới để quản lý”.
Về đạo đức sinh học
Tổng thống Emmanuel Macron cũng nói về nhiều chủ đề đạo đức. Đầu tiên là việc mang thai hộ, mà ông nhắc lại sự phản đối kiên quyết của mình, nhân danh “phẩm giá và không để cơ thể phụ nữ là món hàng. Lập trường cá nhân và chính trị của tôi vẫn không thay đổi.”
Về việc kéo dài thời hạn phá thai, sẽ có trong chương trình nghị sự của Quốc hội vào tuần tới, ông cho biết trong tư cách cá nhân, ông cảm thấy “không thoải mái”. Ông nhắc lại lập trường ủng hộ phá thai của ông, nhưng việc kéo dài thời hạn phá thai là “không trung lập với phụ nữ”, đồng thời ông nêu rõ, “việc phá thai không bao giờ là trung lập”.
Tuy nhiên, đối với dự luật tuần tới, tổng thống “giao quyền tự do cho các nghị sĩ.” Ông kết luận: “Tôi đã nói những gì tôi đã nghĩ, tôi không thể làm gì hơn”.
Cuối cùng, về vấn đề cuối đời, tổng thống Macron khẳng định ông sẽ không làm bất cứ điều gì trong nhiệm kỳ này, nhưng ông không khép cánh cửa lại cho tương lai. Ông tuyên bố: “Không phải là một phương pháp hay nếu đặt chủ đề này vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ”, ông cho rằng đây là vấn đề cần thảo luận sâu sắc. Ông quan tâm đến ý tưởng cho một quy ước công dân về cuối đời, như nước Ai-len đã làm về việc phá thai.
Về báo cáo của ủy ban Sauvé
Tính thời sự gần đây của báo cáo Sauvé sẽ là đề tài trao đổi giữa tổng thống và giáo hoàng ngày thứ sáu 25 tháng 11. Tuy nhiên, ông cho biết, ông sẽ để ngài đề cập đến chuyện này nếu ngài muốn. Ông ca tụng cách tiếp cận “can đảm” của các giám mục đã giao cho Ủy ban Sauvé làm việc này, còn bản báo cáo, ông nghĩ bây giờ là phần của các giám mục.
Nhân dịp này, ông Macron cũng cho biết, ông đã điện thoại cho giáo hoàng ngày chúa nhật 3 tháng 10 để nói trước với ngài một chút về việc công bố báo cáo Sauvé.
Về mối quan hệ của ông với người công giáo Pháp
Ông cũng phản ứng về cuộc khảo sát của báo La Croix đăng hôm nay về mối quan hệ của ông với người công giáo, trong đó đáng chú ý là sự thất vọng của một số người công giáo sau bài diễn văn ông đọc năm 2018 ở tu viện Dòng Thánh Bênađô: “Tôi vẫn giữ đường hướng như tôi đã nói ở tu viện này. Tôi vẫn cho rằng, người công giáo có tiếng nói của mình trong xã hội, nhưng tôi không nói chúng ta sẽ đồng ý về tất cả.”
Ông phân tích: “Nếu một số người thất vọng vì họ nghĩ tôi sẽ đồng ý với các chủ đề của họ, có lẽ họ đã bị ảo tưởng.”
Ông cũng cho rằng quy luật đạo đức sinh học “không nêu lên những đam mê, những rạn nứt như chúng ta từng biết trước đây”, ông thấy đây là dấu hiệu cho thấy sự thành công của phương pháp của ông đối với chủ đề này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Chuyến đi gặp Đức Phanxicô của tổng thống Pháp Macron, lý do cho một ngoại lệ