Anne-Marie Pelletier: “Chúng ta phải nhận thức đạo công giáo một cách khác”
Làn sóng sốc của báo cáo Sauvé (báo cáo của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội Pháp do ông Jean-Marie Sauvé điều hành, cũng còn được gọi là báo cáo Ciase) công bố ngày thứ ba 5 tháng 10, được đo lường qua các phản ứng và suy nghĩ do báo cáo này tạo ra, trước thời gian hành động. Phân tích cùng với thần học gia Anne-Marie Pelletier.
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2021-10-14
Bà Anne-Marie Pelletier, thần học gia được Giải Ratzinger vừa xuất bản một tiểu luận gay gắt, Nhà thờ và phụ nữ. Xem lại Lịch sử để phục vụ Tin Mừng (L’Église et le féminin. Revisiter l’Histoire pour servir l’Evangile, nxb. Salvator). Bà lập luận cần phải đặt câu hỏi về lịch sử của Giáo hội để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống.
Báo cáo Ciase được công bố ngày 5 tháng 10 năm 2021. Ngoài cú sốc và nỗi kinh hoàng của thực tế mà bản báo cáo đưa ra, đâu là các suy nghĩ bà cảm hứng từ đó?
Bà Anne-Marie Pelletier: Tất nhiên là xấu hổ, chúng ta đối diện với một nỗi giận vì sao Giáo hội đã xem thường lời nói của nạn nhân lâu như vậy và che đậy quá nhiều như vậy. Tất cả những chuyện này xảy ra đàng sau cánh cửa đóng kín của Giáo hội, vậy mà Giáo hội nhanh chóng tuyên bố mình là chuyên gia về nhân loại! Trong đầu tôi là những đoạn Kinh thánh loan báo sự phán xét Chúa đưa ra với tội lỗi và với dối trá. Kinh Thánh thật thời sự!
Nhưng, theo một cách nào đó, mọi thứ đang ở trước mặt chúng ta. Vấn đề bây giờ là làm việc để mở ra một thời đại khác, để có một nhận thức khác về đạo công giáo. Chắc chắn đây là một cuộc cách mạng, dù Cách mạng Pháp không thể là gương mẫu cách mạng cho Giáo hội trong trường hợp này! Về mặt kỹ thuật cái gọi là “giáo hội học” có nghĩa là thần học Giáo hội, điều hành cơ quan của mình, phải được đặt lại vấn đề cho đến tận gốc rễ của nó. Biến động là không thể tránh khỏi, và chắc chắn triển vọng này sẽ gặp phản kháng rất mạnh; nhưng thời cơ buộc chúng ta phải lựa chọn, đã không còn giờ. Rốt cuộc, cấu trúc giáo hội mà chúng ta đã sống trong nhiều thế kỷ không hứa hẹn để có một cuộc sống lâu dài với cấu trúc này. Dù sao thì đó cũng không phải là của Giáo hội sơ khai.
Trong quyển sách Giáo hội và phụ nữ, bà cho rằng đặt vấn đề về quá khứ, về lịch sử của Giáo hội, là cần thiết để làm sáng tỏ thời sự ghê tởm của vụ bê bối lạm dụng tình dục…
Tôi tin chắc công việc ở trong tay chúng ta vào thời điểm cực kỳ biến động này, đó là lấy lại chỗ đứng của Giáo hội trong lịch sử. Không phải để khôi phục lại phần sói mòn của quá khứ bị sụp đổ, nhưng để chẩn đoán những gì xảy ra với chúng ta và về cuộc khủng hoảng chúng ta phải trải qua. Ngày nay, chúng ta nói rất nhiều về các vấn đề mang tính hệ thống: điều này là rất đúng. Cái ác không chỉ đơn giản đến từ những cá nhân riêng lẽ. Cái ác liên quan đến toàn bộ một thứ trật của giáo hội phải được dỡ bỏ. Nhưng thứ trật này tự nó là sản phẩm của một lịch sử lâu dài, nơi mà những định kiến đã thành hình, nơi những cách giải thích Kinh Thánh có tính cách định hướng được áp đặt, nơi những thực hành vốn đơn giản là thành quả của lịch sử đã trở thành luật.
Vì thế phải giữ phụ nữ xa bàn thờ, phải đòi hỏi bậc sống độc thân không thể tách rời với chức linh mục, phải canh kỹ để nam giới giữ các chức thừa tác vụ, đòi hỏi quyền lực giáo sĩ phải có trên cơ thể phụ nữ, và rất nhiều tiêu chuẩn khác trong đạo công giáo, tất cả những điều này ăn rễ sâu trong một quá khứ, qua đó chúng ta cần phải giải quyết. Chúng ta cần kiểm kê di sản này, vốn pha trộn một liều lượng thành kiến khá lớn với Tin Mừng, làm chậm đà phát triển Tin Mừng, làm suy yếu tính mới mẻ của Tin Mừng. Làm công việc sáng suốt này đã là một bước tiến để đi tới cải cách.
Bà viết, lịch sử Giáo hội là lịch sử của một “thịt da suy nghĩ sai hoặc của một thịt da không được suy nghĩ”… Làm thế nào để nói đến vấn đề tính dục?
Mỗi con người phải đương đầu với tình dục như một khía cạnh chính của thân phận con người tạo nên chúng ta, chúng ta là những con người hiện thân. Không bao giờ có gì là dễ dàng trong lãnh vực này. Trong Giáo hội cũng không. Từ những ngày đầu tiên kitô giáo đã có các lễ tế sôi động của xác thịt và những tuyên bố đáng nghi ngờ cùng tồn tại. Xác thịt là nguyên tắc của mầu nhiệm Nhập thể, mặt khác là của công trình cứu độ. Nhưng, mặt khác, nó không tách rời khỏi kinh nghiệm về sự mong manh. Một số người sẽ nhanh chóng lựa nó ra xét xử, loại nó như điều cần phải vượt lên trong đời sống kitô giáo, vì lợi ích cho tinh thần.
Vì thế việc tôn vinh trinh tiết phụ nữ được thổi phồng lên với những điểm nhấn mạnh được đề cao từ thế kỷ thứ tư trở đi. Sự trinh trắng của Đức Mẹ làm cho Mẹ mang một tên duy nhất là “Trinh nữ” làm cạn kiệt bản sắc của Đức Mẹ. Lý tưởng của một đời sống lẩn tránh tình dục sẽ khẳng định khi đưa đến vị thế người nam được giao phó chức tư tế thừa tác, cho đến khi gắn liền chức này với đời sống độc thân. Vì thế truyền thống này sẽ kìm hãm tình dục thay vì suy nghĩ về nó. Bởi chính sự việc này mới biến nó thành nơi đặc quyền cho hoang tưởng. Nhưng, như chúng ta biết, đặc tính của người bị kìm nén là khi nào cũng trở lại với điều mình bị kìm nén. Chính sự trở lại này mới gây thiệt hại, nó tỷ lệ với mức độ kiểm duyệt đã bị đè nặng lên họ. Và điều này được thấy rõ trong lịch sử, bây giờ trồi lên bề mặt của thời sự Giáo hội.
Ngay sau khi bản báo cáo Ciase được công bố, chúng ta đã thấy một số giáo dân lên tiếng kêu gọi cải cách, khi giáo hoàng mở một Thượng Hội đồng về tính đồng nghị: điều gì có thể phát xuất từ sức mạnh tổng hợp này?
Là cuối cùng giáo dân lên tiếng, và đặc biệt là phụ nữ, đó là công việc lớn ngày nay trong Giáo hội. Không phải chỉ đơn thuần cầm máy vi-âm lên tiếng như trên đấu trường chính trị. Không, nói, nói trên tất cả là tôi tồn tại với một tên riêng, trong “tôi”. Đó là tồn tại với trọn quyền. Vậy thì, là tín hữu kitô, là bắt đầu bằng cách nghe chính mình được Chúa gọi “con” để tham gia vào cuộc đối thoại, nơi chúng ta biết, Chúa đã muốn và yêu thương chúng ta. Là tín hữu kitô, cuối cùng phải được xây dựng qua phép rửa tội như một chủ thể, người có quyền nói “con đây” và nói một cách cởi mở. Hoàn toàn ngược lại với tư thế phục tùng không lành mạnh trong một thể chế nuôi dưỡng văn hóa giữ bí mật.
Bằng một sự kết hợp mà cuối cùng chúng ta phải nói là hạnh phúc, trong thời điểm tai họa này, chính lúc này, Đức Phanxicô thúc giục tất cả dân Chúa tham gia vào tiến trình đồng nghị. Ngài nói, đến lượt anh chị em nói! Chúng ta phải đo lường đúng sức nặng của lời nói mời này. Bỗng nhiên, lời kêu gọi đồng nghị đưa chúng ta trở lại thực tại của Giáo hội như Giáo hội nhập thể Chúa Kitô được Thánh Phaolô nêu lên. Thực tại hữu cơ giữa người này người kia, nơi tất cả chúng ta đều bình đẳng trong phép rửa tội, người này vì người kia. Nơi mà các trách nhiệm được giao phó cho một số người, nam hay nữ, phải được nhìn nhận là để phục vụ cho sự sống và cho sự thánh thiện của thân thể. Và theo tôi, dường như đó là liều thuốc giải độc hiệu quả cho những tệ nạn đang tràn ngập Giáo hội.
Với điều kiện lời kêu gọi của giáo hoàng phải được lắng nghe…
Ước mong dân Chúa nhân cơ hội này làm cho Giáo hội tồn tại một cách khác. Đó là một thách thức. Chúng ta có nhấc tay nhấc chân lên với lời kêu gọi này không? Các giáo xứ có đi vận động không? Giáo dân có chất vấn các nhà thẩm quyền của họ, nếu cần thiết, nơi những người này lẩn tránh không? Dám chịu trách nhiệm thiết thực với nỗi đau của nạn nhân và gánh nặng xấu hổ của tất cả mọi người. Chúng ta có sẽ nhấc tay nhấc chân lên, chúng ta có dám lên đường chung với nhau không?
Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phân định, của lương tâm, của ý nghĩa đức tin, sensus fidei… Một yếu tố quan trọng để thoát ra khỏi chức năng giáo sĩ. Nhưng ở đâu và làm thế nào để tự rèn luyện được điều này?
Câu hỏi này là chủ yếu. Và, chính tự nó, bắt đầu bằng việc đòi hỏi phải phân định. Tất nhiên chúng ta biết không thể chống lại một Giáo hội giảng dạy và một Giáo hội được dạy dỗ, như người ta nói vào thế kỷ XIX. Hiện nay, nhiều giáo dân ý thức được sự cần thiết phải tự rèn luyện để có trí tuệ của một đức tin trưởng thành, có hiểu biết, biết đặt câu hỏi và trưởng thành, điều này giúp họ sống trọn vẹn phép rửa tội của mình và có khả năng nói lên đức tin của mình trong một thế giới đầy biến động. Nhưng vấn đề không phải chỉ là có được hiểu biết và cùng với nó, một thẩm quyền mà cho đến lúc này chỉ thuộc về các giáo sĩ.
Cuối cùng, đó là sự khôn ngoan mà người tín hữu cần được trang bị. Sự khôn ngoan như vậy, tất nhiên không loại trừ hiểu biết, vượt lên hiểu biết và tất cả các hình thức làm chủ. Kinh thánh cho chúng ta biết, vua Salômôn trong sự huy hoàng của ngài, ngài đã hiểu. Vậy, khôn ngoan vốn được nhận từ Chúa, Đấng ban cho con người những suy nghĩ của Chúa, trước hết chúng ta có được nhờ Sách Thánh. Cùng đọc trong cộng đồng với những những người nam và người nữ đồng ý tuân phục lời Chúa, những câu trong Sách Thánh dần dần rèn luyện những quả tim thông minh, theo tiêu chuẩn của Tin Mừng. Đó là cả một chương trình để chúng ta thấm nhập vào thực tế trong đời sống cộng đoàn.
Sách Giáo hội và phụ nữ. Xem lại lịch sử để phục vụ Giáo hội (L’Église et le féminin. Revisiter l’Histoire pour servir l’Évangile, Anne-Marie Pelletier, nxb. Salvator).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Lạm dụng tình dục: cha xứ Nicolas Betticher viết thư cho giáo hoàng