Giáo hoàng bác đơn từ chức của hồng y Marx và cho mọi người một bài học
Vượt ra ngoài cả việc từ chức của hồng y Marx, quyết định của Đức Phanxicô công bố nội dung các bức thư liên hệ của họ mang lại cho sự việc này một tầm quan trọng đáng kể, giữa chứng từ về việc thực thi quyền hành và trách nhiệm, và một bài học về tinh thần cải cách.
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2021-06-10
Đức Phanxicô trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 6 tháng 6. IPA / SIPA
Qua việc từ chối đơn từ chức của hồng y Reinhard Marx, Đức Phanxicô đã chấm dứt một sự việc kinh ngạc từ đầu đến cuối, và cho Giáo hội công giáo một bài học hoàn toàn vượt ngoài trường hợp của giáo phận Munich và Freisig. Nhiều nguồn tin ở Vatican bình luận: “Đúng là công việc của một tu sĩ Dòng Tên! Một bài học về phân định.”
Cú điện giật
Để nhắc lại, hồng y Marx là hồng y người Đức có tầm ảnh hưởng lớn, ngài thân cận với giáo hoàng, thành viên của hội đồng hồng y cố vấn cho giáo hoàng, cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, hồng y đệ đơn từ chức trong một thư ngài công bố vào cuối tuần trước, nói rõ có sự đồng ý của giáo hoàng để công bố. Trong thư giải thích, ngài đảm nhận phần trách nhiệm của mình (chính xác là đồng trách nhiệm) đối với sự thất bại của Giáo hội công giáo trong vấn đề xử lý các vụ lạm dụng tình dục.
Bài đọc thêm: Giáo hội Đức và lạm dụng: hồng y Marx bất ngờ từ chức
Cho rằng Giáo hội ở “điểm mù” vì chưa rút ra được đầy đủ hậu quả của chiều kích “cấu trúc” của vấn đề, vốn đòi hỏi những cải cách sâu đậm, hồng y nói ngài sẵn sàng hy sinh chức vụ của mình để đơn thuần trở lại làm một linh mục, một giám mục bình thường. Ngài kết luận, khi biện minh hy vọng tạo được một cú sốc, gởi một tín hiệu để khơi dậy sự hồi sinh mà hình thức duy nhất chỉ có thể là con đường công nghị.
Một vụ chưa từng có vì hai lý do. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên một giám mục có một hành động mạnh như vậy, không những nhận các thiếu sót cá nhân mà còn đảm nhận sự phá sản của một hệ thống. Hơn nữa, về phía giáo hoàng, việc cho phép công bố tài liệu này, ngay cả trước khi công bố quyết định của mình, tự nó vốn đã là một ngạc nhiên chưa từng có.
“Đảm nhận cuộc khủng hoảng”
Câu trả lời của giáo hoàng được Vatican công bố ngày thứ năm 10 tháng 6 – 2021 (bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức), mang lại một bước ngoặt với những chỉ dạy phong phú. Đức Phanxicô bắt đầu thư: “Người anh em thân mến, tôi xin cám ơn về lòng can đảm của anh.” Và ngài cho hồng y có lý trong những gì mà hồng y đảm nhận, những chuyện mà chính giáo hoàng cũng công nhận như một “thảm họa”: “Toàn thể Giáo hội đang khủng hoảng vì vấn nạn lạm dụng.”
Và chỉ sau đó ngài mới nói: “Theo tôi, mỗi giám mục của Giáo hội phải nhận trách nhiệm và tự hỏi: tôi phải làm gì khi đối diện với thảm họa này?” Ngài giải thích: “Chính sách ‘trốn chui’ không dẫn đến đâu, và khủng hoảng phải đối diện với đức tin phục sinh của chúng ta. Xã hội học, tâm lý học là không cần thiết. Đảm nhận cuộc khủng hoảng, với tư cách cá nhân cũng như cộng đồng là con đường sinh ích duy nhất, bởi vì từ khủng hoảng, chúng ta không đi ra một mình, nhưng đi ra cùng với cộng đồng, và chúng ta cũng phải ghi nhớ trong đầu, từ cuộc khủng hoảng, chúng ta đi ra tốt hơn hoặc xấu hơn, nhưng không bao giờ là không thay đổi.”
Bài đọc thêm: Giáo hội với thách thức của việc “đồng trách nhiệm”
Lạm dụng tình dục và trách nhiệm của Giáo hội: điều mà việc từ chức của hồng y Marx cho thấy
Đức Phanxicô cũng cho rằng nếu “tất cả mọi người đều không chấp nhận thực tế này” thì sỉ nhục cá nhân vẫn là “cách duy nhất” vì thực hiện các “quyết tâm” để thay đổi cuộc sống mà “không để da thịt mình lên lò nướng” thì “chẳng đi đến đâu.” Tóm lại, điều Đức Phanxicô muốn nói, nếu muốn cải cách mà không sẵn sàng hy sinh bản thân thì hoán cải chỉ là một ngõ cụt.
Ngài nhấn mạnh trên ý tưởng: “Cải cách trong Giáo hội được những người đàn ông, đàn bà thực hiện, những người không ngại rơi vào khủng hoảng và để mình được Chúa hoán cải. Đó là cách duy nhất, nếu không, chúng ta sẽ chỉ là những ‘nhà tư tưởng cải cách’ không để chính da thịt mình trong thử thách.” Và ngài nhấn mạnh: “Chúa không bao giờ đồng ý thực hiện “cải cách” (cho phép tôi dùng chữ này), không phải với dự án của người pharisêu, người sa-đu-sê, người zê-lốt, người ê-xê-nê. Nhưng Ngài làm với chính đời sống mình, lịch sử của mình, với da thịt mình trên thập giá. Và chính con đường này là con đường của chính anh, người anh em thân yêu sẽ đi khi anh gởi đơn từ chức.”
Phát triển con đường công nghị
Bức thư vượt ra ngoài trường hợp của hồng y Marx, thậm chí còn vượt ra khỏi hồ sơ về những vụ lạm dụng. Những gì giáo hoàng làm trong bức thư này, được ngầm gửi đến các giám mục khác trên thế giới, nhưng rộng hơn nữa, với tất cả những người có trách nhiệm mục vụ, là bài học trong tâm trí khi tiến hành sứ mệnh cải cách.
Và ngài thực hiện điều này không những trong bối cảnh giao động của thượng hội đồng Giáo hội Đức, mà còn mở rộng ra với cải cách toàn bộ mà ngài đang cố gắng truyền đạt trong toàn thể Giáo hội công giáo qua việc phát triển con đường công nghị.
Như thường thấy nơi Đức Phanxicô, bài học là một loạt cảnh báo và giải quyết: chống quyền lực, chống quan điểm độc tài, chống ảnh hưởng các phương tiện truyền thông. Ngài nói: “Các cuộc thăm dò ý kiến và quyền lực của các thể chế không cứu được chúng ta. Uy tín của Giáo hội có khuynh hướng che giấu tội lỗi của mình cũng sẽ không cứu được chúng ta; sức mạnh của đồng tiền và ý kiến của giới truyền thông cũng không cứu được chúng ta (thường thường chúng ta quá lệ thuộc vào).”
Bài đọc thêm: Vì sao Đức Phanxicô đặt tầm quan trọng rất lớn trên tính công nghị
Dĩ nhiên những lời này có thể hiểu là ám chỉ quyền lực và sự giàu có của Giáo hội Đức (qua việc đóng thuế của giáo dân) và sự cám dỗ của một loại chính sách mị dân nào đó. Nói rộng hơn, ngài cảnh cáo chống lại một hệ tư tưởng cải cách nghĩ rằng sẽ cứu Giáo hội bằng cách tự bằng lòng với việc tiến hành một vài cải cách cấu trúc (thờ ngẫu tượng cấu trúc) và bằng cách làm cho nó phù hợp với tư tưởng thống trị để có cảm tình hơn dưới mắt mọi người.
Chúng ta tìm thấy ở đây chủ đề thời thượng thiêng liêng mà Đức Phanxicô thường nhắc đi nhắc lại, ngài xem đây là mối nguy hiểm hàng đầu của Giáo hội, đi ngược với tinh thần trần trụi, khó nghèo, khiêm tốn của tinh thần kitô.
Trả lời cho tất cả các mục tử đang gặp khủng hoảng
Và nếu khó nghèo và khiêm nhường của giám mục, trong trường hợp của Tổng Giám mục giáo phận Munich và Freising được thể hiện qua việc “để da thịt mình trên lò nướng”, thì từ nay trong thực tế, da thịt này phải tiếp tục phục vụ đàn chiên trong khủng hoảng, trong một Giáo hội đang gặp khủng hoảng.
Giáo hoàng kết luận: “Nếu anh bị cám dỗ để nghĩ rằng, khi xác nhận sứ mệnh của anh, lại không chấp nhận để anh từ chức, thì giám mục giáo phận Rôma (người anh yêu thương em) không hiểu anh, anh hãy nghĩ về cảm nhận của Thánh Phêrô khi theo cách của mình đã xin Chúa cho mình từ chức: ‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!’ và anh hãy nghe câu trả lời: ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy’” Bằng cách nhắc lại trao đổi này giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô, người kế vị Thánh Phêrô, bản thân cũng đang đương đầu với một cuộc cải cách khó thực hiện và chịu phần phản kháng của mình, đã mang đến câu trả lời cho tất cả các mục tử đang gặp khủng hoảng.
Và cuối cùng, trong trao đổi thân tình anh em giữa giáo hoàng và Tổng Giám mục mà ngài gọi là “anh em của tôi”, người mà ngài xưng hô anh em thân tình, ngài nói ngài thương người anh em mình, là một cái gì cho thấy, một cái gì đó thuộc thứ trật của một chứng từ trong hành động, những gì mà theo lẽ là thực thi thẩm quyền trong Giáo hội phải như thế nào: tự do diễn tả vấn đề một cách cởi mở, có thì giờ để lắng nghe và suy tư, có tầm cao.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Thư của Đức Phanxicô gởi hồng y Marx
Vì vâng lời, hồng y Marx chấp nhận không từ chức
Giám mục Eric de Moulins-Beaufort: “Tôi ấn tượng trước sự cô đơn của hồng y Marx”