Giáo hội nói gì về đồng tính?

305

Giáo hội nói gì về đồng tính?

fr.aleteia.org, Laurent Sentis, 2021-03-21

Hình minh họa

Linh mục triết gia Laurent Sentis, giáo sư, giám đốc nghiên cứu của chủng viện Toulon, Pháp.

Cái nhìn về con người nhân bản làm cho Giáo hội phân biệt giữa khuynh hướng và hoạt động đồng tính. Không ai nên có mặc cảm tội lỗi về những khuynh hướng của mình, tự nó không tốt cũng không xấu, nhưng những người có khuynh hướng đồng tính rõ rệt được kêu gọi nên sống khiết tịnh.

Đầu tiên, Giáo hội nhận thấy, đối với con người, tình dục không chỉ đơn giản là công cụ họ có trong tầm tay để tùy ý sử dụng theo ý mình. Tương tự như vậy, tính dục của con người không thể được rút gọn thành chức năng sinh học đơn giản. Cơ thể biểu hiện toàn bộ con người. Nếu cơ thể tôi là nam giới, nó định hướng cho toàn bộ con người, thể xác, linh hồn và tinh thần của tôi: tôi có khuynh hướng kết hôn với một phụ nữ và sinh ra những đứa con mà tôi sẽ làm cha.

Tương tự như vậy, nếu cơ thể tôi là phụ nữ, trong tôi có khuynh hướng kết hôn với một người đàn ông và sinh ra những đứa con mà tôi sẽ làm mẹ. Cơ thể thể hiện một thiên chức tự chính nó trong hôn nhân và trở thành cha mẹ. Khuynh hướng của mỗi người được ghi trong cơ thể giới tính của họ và đây là điều mà Đức Gioan-Phaolô II gọi là ngôn ngữ của thể xác. 

Sự phức tạp của ham muốn tình dục

Tiếc thay cho chúng ta, ham muốn tình dục không phải lúc nào cũng hài hòa với thiên chức được ghi khắc trong cơ thể chúng ta. Để hoàn thành một hành vi quan hệ vợ chồng, sự có mặt giữa người nam, người nữ thôi chưa đủ mà còn phải có ham muốn tình dục của người nam đối với người nữ và của người nữ đối với người nam. Nhưng, kinh nghiệm sống cho chúng ta biết, ham muốn tình dục rất phức tạp và hay thay đổi. Giáo lý Giáo hội công giáo nói rằng nó thường bị “xáo trộn một cách khách quan”, liên quan đến xu hướng của mình. Một trong những rối loạn ảnh hưởng đến ham muốn là liệu nó có được kích thích một cách ưu tiên hay duy nhất bởi một người cùng giới hay không.

Tại sao ham muốn tình dục lại phức tạp và hay thay đổi như vậy? Các giải thích do các khoa học gia và phân tâm học đưa ra thường một phần và vẫn chưa thỏa đáng. Dường như ham muốn được hình thành trong thời thơ ấu dưới ảnh hưởng của giáo dục. Người ta chúng ta cũng có thể tự hỏi nếu một trong những hậu quả của tội nguyên tổ không thể hiện qua một số vụng về giáo dục nào đó, nhưng các nhà giáo dục cũng không phải là không có trách nhiệm (những người mẹ lạm dụng, những người cha vắng mặt, v.v.). Vấn đề không phải là làm cho người nào có mặc cảm tội lỗi, nhưng hiểu rằng, trong một chừng mực nào đó, tình cảm chúng ta luôn bị xáo trộn ít nhiều, vì thế chắc chắn công việc giáo dục của chúng ta sẽ không được hoàn hảo như mong muốn.

Mỗi người đều có thể nhận thấy điều này qua các giấc mơ riêng của mình, và điều này dẫn đến các  tình huống rất khác nhau. Có những tình huống kích thích ham muốn và những tình huống khác làm chúng ta hoàn toàn lạnh lùng. Ngoài ra, một phần của mong muốn thường bị kiềm nén. Ví dụ, ham muốn về một người cùng giới có thể bị kiềm  nén trong nhiều năm và đột nhiên xuất hiện trở lại. Một số người cảm thấy không thích người khác giới và bị thu hút bởi những người cùng giới. Trong trường hợp này, đó là một đau khổ vì có sự lệch lạc giữa ham muốn xác thịt và khuynh hướng  được ghi nhận trong thân thể con người.

Khuynh hướng và hoạt động

Điều cơ bản là phân biệt giữa xu hướng và hoạt động. Từ quan điểm đạo đức, chúng ta không đánh giá tội lỗi cho các xu hướng mà chỉ đánh giá hành động. Xu hướng này cực kỳ phức tạp vì chúng ta có thể bị thu hút bởi điều này hoặc điều kia, trong tình huống này hoặc trong tình huống kia. Nhưng hành động là một chuyện khác. Một hành động đến từ quyết định tự do. Vì thế mỗi người trách nhiệm về hành vi cố tình thực hiện của mình. Đây không phải là phán xét các xu hướng về mặt đạo đức – mặc dù chúng có thể trở nên nghiêm trọng hơn bởi sự tò mò, lui tới và các kinh nghiệm quá sớm – nhưng phán xét chỉ duy qua hành động.

Như vậy xu hướng không tốt cũng không xấu. Do đó, không ai nên cảm thấy tội lỗi về một xu hướng mà mình hoàn toàn không có một trách nhiệm nào. Trong lãnh vực tình dục, tất cả mọi người đều phải điều chỉnh xu hướng của mình: đây là vấn đề của tất cả mọi người, trong mọi bậc sống, lập gia đình, thánh hiến hay độc thân, v.v. Không ai để buông mặc cho xu hướng của mình, vốn hay thay đổi và đa dạng.

Họ không nên bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ một hình thức nào, dù cả khi một số chức vụ không thể thực hiện được.

Bởi vì tất cả những điều này, một người không bao giờ bị xác định bản sắc qua xu hướng tình dục của họ. Chúng ta không thể nói “tôi là người đồng tính”, “tôi là người song tính” cũng như “tôi là người dị tính”, v.v. Và cũng vì lý do này, không nên có “vận động hành lang đồng tính”. Xu hướng tình dục đồng giới không cấu thành bản sắc, lại càng không phải là nền tảng của một cộng đồng đang tìm cách để sự tồn tại của mình được công nhận trong xã hội dân sự.

Một con đường nên thánh

Những người có xu hướng đồng tính mạnh đến mức họ không thể có quan hệ với người khác giới và vì thế hôn nhân được mời gọi để sống trong tiết chế. Nhiều người thấy điều này là không thể, nhưng điều này cho thấy, với sự giúp đỡ của Chúa thì điều này là có thể và đây là con đường nên thánh. Những người trong cuộc không nên cảm thấy mình bị loại trừ. Hôn nhân không phải là một bắt buộc. Những người độc thân có quyền độc thân của mình. Chúng ta có quyền không bị xã hội xác định bản sắc qua xu hướng tình dục của mình. Những người có khuynh hướng đồng tính rõ rệt phải có vị trí của họ trong xã hội và trong Giáo hội. Họ không nên bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, dù cả khi một số chức vụ họ không thể thực hiện được. Chẳng hạn, nếu một người có khuynh hướng đồng tính quá mạnh, thì Giáo hội cho rằng người đó không có những phẩm chất cần thiết để thi hành chức thừa tác vụ. Đây không phải là sự phân biệt đối xử, bởi vì chức tư tế cần những năng khiếu được xác định rõ ràng và không phải ai cũng được kêu gọi để thực hiện chức vụ này.

Với sự giúp đỡ của Chúa, những người có khuynh hướng đồng tính xoay sở để sống trong sự khiết tịnh hoàn hảo. Chắc chắn là cần cố gắng, nhưng thường là dịp để kết hợp với Chúa nhiều hơn. Giáo hội luôn quan tâm đến việc chào đón và khuyến khích những ai đi trên con đường để có lôi sống này. Họ có thể và phải nhận được sự tháp tùng thiêng liêng thích hợp. Họ sẽ được giúp đỡ bằng đời sống phụng vụ, suy niệm lời Chúa, đời sống cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích.

Hoạt động sẽ không được phê chuẩn

Vì sao hoạt động đồng tính như vậy lại không được Giáo hội phê chuẩn? Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo tuyên bố dựa trên hành vi chứ không dựa trên xu hướng (n. 2357): “Dựa trên Sách Thánh […] (x. St 19, 1-29; Rm 1, 24-27; 1Cr 6 : 10; 1 Tm 1:10), Truyền thống luôn tuyên bố rằng “những hành vi đồng tính về bản chất là gây rối loạn” ”(Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố Persona humana, 8), bởi vì “chúng ngược với luật tự nhiên. Chúng khép lại hành động tình dục với ơn của sự sống. Chúng không bắt nguồn từ việc bổ sung tình cảm và tình dục thực sự. Chúng không thể được chấp thuận trong bất kỳ trường hợp nào.”

Để có một phán xét thích ứng trong việc xét mình, trong bí tích ăn năn, cần phải tính đến hoàn cảnh của hành vi và cả các yếu tố tâm linh mà trên thực tế đóng một vai trò đáng kể, và đôi khi hạn chế trách nhiệm của hối nhân (thói quen ăn năn, áp lực từ những người xung quanh, v.v.).

Vấn đề ở chung

Vấn đề ở chung giữa những người có xu hướng đồng tính và cách được cho là sống chung này đã là chủ đề của nhiều tranh luận trong những năm gần đây. Theo quan điểm của luân lý kitô giáo, cần phải phân định về những vấn đề này. Nếu sự chúc phúc cho “kết hợp đồng giới” là mối quan hệ liên quan đến hành vi tình dục ngoài hôn nhân thì không thể được xem là hợp pháp (văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin ngày 15 tháng 3 năm 2021), một người có xu hướng tình dục đồng giới không nhất thiết ở trong tình huống bị cám dỗ nhiều hơn nếu họ sống một mình. Có thể trong một số trường hợp, việc sống chung có thể giúp họ sống khiết tịnh tốt hơn. Đây không phải là việc nhằm có “hôn nhân” giữa những người đồng giới. Hôn nhân là một thể chế liên quan đến mối quan hệ giữa người nam và người nữ.

Người ta có thể phản đối ý tưởng về “hôn nhân đồng tính” vì những lý do dựa trên quy luật tự nhiên, nhưng nên hiểu, một tình bạn được tôn trọng, trong đó hai người cùng giới được khuyến khích để cùng nhau tiến tới một mục đích mà Chúa đã dành cho họ, là một dự án đáng khen ngợi. Có thể tình bạn này giúp họ chống lại tốt hơn những cám dỗ của thói lang chạ và giúp họ đi dần đến việc kiềm chế.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Phản ứng mạnh với văn kiện của Vatican về việc làm phép cho các cặp đồng tính

Đồng tính và Giáo hội: “Chúng ta phải thoát ra khỏi cảm tính”