Đồng tính và Giáo hội: “Chúng ta phải thoát ra khỏi cảm tính”

386

Đồng tính và Giáo hội: “Chúng ta phải thoát ra khỏi cảm tính”

cath.ch, Raphaël Zbinden, 2021-03-18

Năm 2020, linh mục Joël Pralong viết quyển sách Giáo hội và Đồng tính, một đón nhận quá khó khăn! (Eglise et homosexualité, un accueil si difficile!, 2020) | © Bernard Hallet

Sắc lệnh gần đây của Vatican nhắc lại sự bất hợp pháp của việc ban phép cho các kết hợp đồng tính đã tạo phản ứng mạnh mẽ. Linh mục Joël Pralong, giám đốc Chủng viện của giáo phận Sion ở Givisiez cho rằng, đã đến lúc phải đào sâu các câu hỏi này vượt lên cảm tính và những đòi hỏi.

Cha Pralong có kinh nghiệm lâu năm về mục vụ đồng hành. Trong số những người ngài tháp tùng, có một số đấu tranh với tình trạng đồng tính của họ. Linh mục trình bày cách tiếp cận với thực tế này trong quyển sách Giáo hội và Đồng tính, một đón nhận quá khó khăn! Linh mục phản ứng với sắc lệnh được Bộ Giáo lý Đức tin công bố ngày 15 tháng 3, nhắc lại bản chất bất hợp pháp của việc ban phép cho các kết hợp đồng tính.

Cha cảm thấy thế nào khi đọc bản ghi chú của Bộ Giáo lý Đức tin?

Linh mục Joël Pralong: Nội dung như vậy không làm tôi ngạc nhiên, bởi vì sắc lệnh chỉ nhắc lại những nguyên tắc đã có từ lâu và nay đã trở thành một phần giáo lý của Giáo hội và đặc biệt đã có trong sách Giáo lý: hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Đây là lịch sử, và đối với người tín hữu, sự thật này đã có từ những trang đầu tiên của sách Sáng thế ký. Thật đáng tiếc khi văn bản này được xem là “hợp pháp” cho một lý do chính đáng!

Như thế ý của cha là gì?

Tôi muốn nói đến ghi chú cuối, rằng “Chúa  không thể ban phép cho tội”, điều này rất kỳ thị. Nói như vậy là đóng lại một cánh cửa đang mở! Rằng Chúa không ban phép cho tội là chuyện hiển nhiên. Nhưng Chúa ban phước lành cho người có tội, phải không? Nhất là câu này phá cuộc thảo luận và làm cho những người liên quan tránh xa. Nó phán xét và mâu thuẫn với điều trước: phải tế nhị đón nhận mọi người. Chúng ta có cảm giác, là người đồng tính, là kẻ có tội. Điều này không giúp đào sâu thực tại của đồng tính hoặc đối thoại với Giáo hội.

“Theo cách giao tiếp của mình, Giáo hội phải trở nên mục vụ hơn”

Vậy mà chúng ta có cảm tưởng Đức Phanxicô cởi mở trong lãnh vực này. như vậy các cánh cửa lại đóng lại?

Chính con người mà giáo hoàng muốn đặt vào trọng tâm giáo điều. Ngài muốn làm thuận lợi cho việc tiếp nhận và đồng hành với những người đồng tính trong Giáo hội. Nhưng rõ ràng là ghi chú từ Bộ Giáo lý Đức tin làm cho người ta nghĩ giáo hoàng đang mở cửa và giáo triều đang đóng cửa. Trong khi trên thực tế, cả hai không ở trên cùng một mặt bằng. Có quan điểm giáo điều và quan điểm mục vụ.

Cha cũng hiểu đôi khi đã có những phản ứng phẫn nộ đối với sắc lệnh này không?

Theo tôi đã có quá nhiều cảm tính chung quanh việc tranh luận. Chúng ta sẽ có thể tỉnh táo và thảo luận một cách bình tĩnh.

Điều gì đã ngăn cản?

Tất nhiên tính dục là chủ đề tế nhị. Không phải chỉ trong Giáo hội mà ở cả toàn xã hội. Đó là một cái gì phức tạp nơi con người. Trong Giáo hội có một nỗi sợ hãi và một sự kỳ thị tiềm ẩn về vấn đề này. Cả hai phía, chúng ta đối thoại kiểu “đòi quyền”, chẳng hạn “Tôi có quyền/tôi không có quyền”. Vì vậy chúng ta nên công nhận sự phức tạp của chủ đề này, trước khi đi đến việc khai trừ. Luật duy nhất dẫn đến ngõ cụt và chặn đường đến với con người.

Vì thế, đòi hỏi ban phép, cũng giống như nói “không”, đó là ở trên mức độ pháp lý, điều này ngăn một suy tư có thực chất.

“Giáo hội nên đặt mình vào địa vị của các cha mẹ khi con cái cho cha mẹ biết mình đồng tính”

Như thế là Giáo hội không có thái độ đúng?

Giáo hội vẫn trung thành với giáo lý. Nhưng tiếp đó Giáo hội phải ở trên thục địa, phải lắng nghe Chúa cũng nói qua đời sống con người; thần học về con người bổ sung cho thần học của các sách hướng dẫn. Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nguyên tắc đạo đức, một nền đạo đức chung có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, ngài nói, khi chúng ta càng đến gần các thực tế đặc biệt, thì chúng ta càng có nhiều ngoại lệ. Giáo điều không thể bao bọc toàn bộ bí ẩn về con người và về Thiên Chúa. Theo cách truyền thông của mình, Giáo hội nên mang tính mục vụ hơn.

Chắc chắn với tất cả những vấn đề mà Giáo hội đang phải trải qua lúc này, Giáo hội sẽ tỏ ra khiêm tốn hơn trong cách giao tiếp của mình. Đã có kinh nghiệm tháp tùng với người đồng tính, tôi biết đến điểm nào giao tiếp này có thể làm đau khổ. Không những với những người liên quan, mà còn với những người thân yêu của họ. Tôi luôn tự hỏi, làm thế nào các mục tử chúng ta, chúng ta có thể gỡ lại được chuyện này.

Giáo hội nên phản ứng như thế nào?

Theo tôi, Giáo hội nên đặt mình vào địa vị của các cha mẹ khi con cái cho cha mẹ biết mình đồng tính. Cha mẹ có nên nói với con cái: “Dẹp đi!” hay yêu con cái hơn, nói chuyện với con cái hơn, cố gắng hiểu con và tháp tùng với con hơn, phải không?

Đôi khi, Giáo hội có lẽ nên là người mẹ nghiêng mình với các thực tế con mình đang sống, trước khi đưa ra phán xét.

“Chúng ta phải thực sự khiêm tốn khi đối diện với các thực tế ngoài tầm mức của chúng ta”

Thay vào đó, Giáo hội nên đặt ra điều gì để thiết lập cuộc đối thoại đích thực này?

Tôi đề nghị thành lập các nhóm đa chuyên ngành ở cấp địa phương để có thể suy tư về các vấn đề này. Họ sẽ quy tụ các nhà có trách nhiệm ở nhà thờ, các bác sĩ, nhà tâm lý học, nhà khoa học.

Chúng tôi có cảm tưởng về các vấn đề tính dục, Giáo hội ít quan tâm đến các kết luận của khoa học…

Từ lâu đã có sự nghi ngờ lẫn nhau giữa Giáo hội và khoa học. Tuy nhiên theo tôi, đây là hai lĩnh vực không thể tách rời nhau và phải hỗ trợ nhau. Cũng vậy trong trong lĩnh vực tình dục của con người.

Như vậy theo cha, sắc lệnh của Bộ Giáo lý Đức tin là điểm kết thúc của câu chuyện?

Kinh Thánh nói cho chúng ta biết, Thần Khí sẽ dẫn chúng ta đến“sự thật hoàn toàn”. Và tôi nghĩ chúng ta chưa đến đó, và đó cũng là chuyện bình thường! Như tôi đã nói, điều quan trọng ở cả hai phía, chúng ta phải có thái độ khiêm tốn khi đối diện với những gì vượt quá chúng ta. Và ở đây tôi muốn nói đến tình yêu, ý nghĩa của tình yêu đối với Chúa, Đấng có tầm nhìn vượt xa tầm nhìn con người. Trong khi duy trì những điểm mốc quan trọng, chúng ta phải thực sự khiêm tốn khi đối diện với các thực tế ngoài tầm mức chúng ta. Trước khi phán xét, điều quan trọng là phải đánh giá cao những gì đẹp đẽ và mang tính xây dựng trong bất kỳ mối quan hệ nào, dù nó là gì đi nữa để cùng nhau suy ngẫm về những gì xây dựng và về những gì phá hủy. Đạo đức kitô giáo là đạo đức của tình bạn. Và người bạn luôn muốn điều tốt nhất cho bạn mình. Cùng nhau, chúng ta cùng đi tìm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm:Các nguồn tin Vatican nghi Đức Phanxicô tách với lời tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin về các kết hợp đồng tính

Năm 2020, linh mục Joël Pralong viết quyển sách Giáo hội và Đồng tính, một đón nhận quá khó khăn! (Eglise et homosexualité, un accueil si difficile!, 2020) | © Bernard Hallet