Mở một tương lai cho các nạn nhân người yaziđi của ISIS ở Irak

79

Mở một tương lai cho các nạn nhân người yaziđi của ISIS ở Irak

la-croix.com, Melinée Le Priol, 2021-02-25

Trước chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Irak từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3, báo La Croix phỏng vấn Linh mục Patrick Desbois về người yaziđi đã bị Nhà nước hồi giáo tự xưng tàn sát sau năm 2014. Linh mục người Pháp Desbois là chủ tịch hiệp hội “Yahad-In Unum”, khởi thủy của dự án “Trở về với sự sống” (Back to life), giúp phụ nữ và trẻ em trong các trại dành cho người di tản ở Kurdistan xây dựng lại bản thân.

Tháng 8 năm 2019, những người biểu tình Yazidi dựng các tấm biển có ảnh nạn nhân trong cuộc xâm lược năm 2014 của Nhà nước hồi giáo tự xưng vào khu vực của họ. SAFIN HAMED / AFP

La Croix: Đức Phanxicô sẽ đến Irak từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3, ngài sẽ gặp các tín hữu kitô giáo, hồi giáo người shiite và người sunnite, nhưng không gặp người yaziđi. Đây có là một thất vọng cho cha và cho họ không?

Linh mục Patrick Desbois: Chắc chắn, cho đến giai đoạn này, chưa có một cuộc gặp nào của với người yaziđi được lên chương trình, họ là người di cư ở trong các trại nhưng chương trình đôi khi có thể thay đổi… Điều chắc chắn là người yaziđi của Iraq (vào khoảng 100.000 người) có nhiều vấn đề, tương lai của họ còn bấp bênh.

Họ không biết liệu họ có nên ở lại tại 18 trại tạm cư ở Kurdistan, Iraq hay họ nên trở về quê quán trên dãy núi Sinjar, nơi thường bị phá hủy. Các gia đình đã hoàn toàn tan nát vì chiến tranh, nhiều người yaziđi không biết làm sao để tìm lại người thân, cũng không biết người thân của mình còn sống hay đã chết. Họ cũng sợ phải về ở gần những người láng giềng sunnite trước đây của họ, những người này trong chiến tranh đôi khi đứng về phía Nhà nước hồi giáo tự xưng. Và rồi nạn diệt chủng vẫn chưa kết thúc: vẫn còn những người yaziđi trong tay quân khủng bố ISIS.

Vì sao cha quan tâm đến thiểu số người yaziđi ít được ai biết cho đến khi nhóm khủng bố ISIS xuất hiện năm 2014?

Tuần Thánh năm 2015, khi chúng tôi bắt đầu dùng thuật ngữ diệt chủng, tôi đã cầu nguyện cho người dân vùng này. Và khi kết thúc lễ Phục Sinh, tôi có xác quyết tôi phải đến Irak. Và kể từ đó tôi đã đến Irak khoảng 20 lần để thu thập lời khai của hàng trăm người yaziđi sống sót và để cùng đồng hành với hiệp hội “Yahad-In Unum”.

Không giống các tín hữu kitô giáo và do thái giáo, “những người của Sách Thánh”, người yaziđi (dân tộc cổ xưa, đơn thần, có đức tin gần với đạo thờ thần hỏa Zoroastria) bị quân khủng bố ISIS cho là “những người thờ ma quỷ”, những kẻ không tin (“koufar”) thuộc loại tồi tệ nhất. Từ đó, họ cho phép họ làm tất cả: những kẻ khủng bố ISIS có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Tất cả mọi hành vi tàn bạo, họ đều biện minh vì tôn giáo.

Những hành động tàn bạo của ISIS chống người yaziđi là gì?

Khi một người dân không chịu trở lại hồi giáo, đàn ông và phụ nữ lớn tuổi thường bị giết, còn các cô gái trẻ bị bán làm nô lệ tình dục. Trẻ sơ sinh thì bị tách khỏi mẹ để giao cho các gia đình ISIS nhận làm con nuôi. Còn con trai chưa đến tuổi dậy thì bị bắt làm lính trong các trại thánh chiến. Sau đó các em bị đưa vào hàng ngũ của ISIS để gởi ra mặt trận.

Cha giúp những người sống sót sau những tội ác này như thế nào?

Trong bốn trại dành cho người yaziđi di tản ở Kurdistan thuộc Iraq, chúng tôi thiết lập cái mà chúng tôi gọi là trung tâm tái hội nhập vào xã hội – đó là “Trở lại với sự sống” (Back to life) của chúng tôi. Với sự giúp đỡ của các nhà tâm lý học và giáo dục, chúng tôi cố gắng giúp các nạn nhân – chủ yếu là trẻ em và thanh niên – xây dựng lại bản thân.

Nhiều em trong số này đã quên tiếng mẹ đẻ và chỉ biết nói ngôn ngữ của những người đã mua các em – tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tùy thuộc vào trại huấn luyện nào ISIS đưa các em đến. Các em phải học lại tiếng mẹ đẻ, tìm lại cha mẹ nếu cha mẹ còn sống, hoặc đơn giản biết mình là người yaziđi… Một số đã quen giết người, đã quen với bạo lực tàn bạo nhất. Còn phụ nữ, có khi họ bị bán lui bán tới đến 25 lần, mỗi lần là lại bị cưỡng hiếp lại.

Tổng cộng, gần 600 trẻ em và thanh niên đã được các nhà tâm lý học của chúng tôi theo dõi, và có 1.270 phụ nữ được huấn nghệ trong các xưởng may của chúng tôi. Chúng tôi ước tính có từ 50 đến 60% người được “thành công” trong việc tái hội nhập xã hội, còn những người khác, chúng tôi không biết.

Trong tuyên bố và trong sách của cha, cha nói đến việc người yaziđi bị “diệt chủng”. Một sự công nhận như vậy là quan trọng đối với cha?

Từ này đã được Liên Hiệp Quốc nói đến, sau đó là nhiều Quốc gia khác, trong số này có Hoa Kỳ. Nhưng tiếc là điều này không thay đổi được gì. Chúng ta phải mở một tương lai cho các nạn nhân. Thêm nữa vì nạn diệt chủng chưa chấm dứt, vẫn còn người yaziđi ở trong tay của quân khủng bố ISIS, họ tiếp tục chiếm các vùng đất và tấn công ở Iraq (Baghdad). Chúng ta quên ISIS vì chúng không còn bị tấn công ở Pháp nữa… Nhưng bằng mọi giá, chúng ta phải giữ tình đoàn kết với các nạn nhân của cuộc diệt chủng này, nó chưa bao giờ xa chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm:

Năm điểm cần biết về chuyến đi Irak của Đức Phanxicô

Dưới sự khủng bố tàn bạo của bạo lực ISIS, người yaziđi đã phải từ bỏ làng mạc nhà cửa để ra đi sống cuộc đời tha hương.